Thứ Bảy ngày 23 tháng 11 năm 2024

Số phận của những cựu binh Trung Quốc từng xâm lược Việt Nam

china-vietnam-veterans-protest-hunan

 

Trong khi ở ngoài biển Đông, Bắc Kinh đang ngày càng hung hăng leo thang căng thẳng với Việt Nam, ngay bên trong nước họ, hàng ngàn cựu binh từng tràn qua xâm lược nước láng giềng Việt Nam năm 1979 đang có nguy cơ bị đánh đập và bỏ tù trong một cuộc chiến mới với các quan chức chính quyền.

Hãng tin Pháp AFP (10-6-2014) đã viết như thế về số phận những cựu bình Trung Quốc này. Hàng ngàn người trong số họ ngày càng biểu tình nhiều hơn tại những địa phương để phản đối việc mình không được chi trả các khoản phúc lợi. Teng Xingqiu, một cựu binh tại Yiyang (tỉnh Hồ Nam) cho biết: “Cảnh sát nói với tôi rằng họ hy vọng tôi sẽ rục xương trong tù.” Hồi năm 2009, ông này đã bị tù 3 năm vì đấu tranh đòi quyền lợi. Người đàn ông 56 tuổi ốm yếu trên thân đầy những vết sẹo mà ông nói do bị cảnh sát đánh đập đã phải lẩn tránh những đường phố có gắn camera giám sát để tới một quán ăn tồi tàn gặp phóng viên nước ngoài cho an toàn. Teng bị giam trong một “nhà tù đen” – nơi chính quyền địa phương giam giữ những người chống đối. Hầu như ngày nào cựu binh này cũng bị cảnh sát đánh đập và đe dọa giết chết nếu không chịu nhận tội.

Hãng tin AFP cho biết: Teng đã bị đẩy qua biên giới Trung Quốc – Việt Nam trong cuộc chiến ngắn ngủi nhưng đẫm máu hồi tháng 1-1979 khi Bắc Kinh ra đòn trừng phạt Việt Nam về tội dám đưa quân sang Campuchia đánh đuổi chế độ Pon Pot diệt chủng vốn là đồng minh của Trung Quốc. Teng kể: “Là những công dân Trung Quốc dĩ nhiên chúng tôi muốn ra mặt trận. Nhiều bạn đồng đội của tôi đã bị giết chết trong cuộc chiến đó. Phần lớn trung đội của tôi đã bị bắn chết.” Theo AFP, nhà cầm quyền Bắc Kinh cho biết có 6.954 lính Trung Quốc chết trong cuộc chiến đánh Việt Nam năm 1979. Nhiều nguồn khác ước tính số lính Trung Quốc chết lên tới hơn 20.000 người, thậm chí còn cao hơn cả số thương vong của Việt Nam.

Không hề có một đài tưởng niệm quốc gia nào cho cuộc chiến đó. Bắc Kinh cũng hiếm khi nhắc tới nó, ngay cả trong những lúc làm dữ với Việt Nam. Nhà sử học Mỹ Xiaoming Zhang gọi cuộc chiến năm 1979 là “cuộc chiến tranh chết chóc và tàn bạo trên mặt đất”. Còn cựu binh Teng kể lại: “Những người Việt Nam bình thường đã bí mật hợp tác với quân đội, ngay cả những ông già và phụ nữ cũng bắn chúng tôi. Thật là kinh hoàng.” Sau chưa đầy một tháng, Trung Quốc đã rút quân và tuyên bố chiến thắng.

Giải ngũ, Teng được bố trí vào làm cho một hãng quốc doanh nhưng sau đó bị sa thải và chỉ tìm được việc làm thu gom rác.

Chính phủ Trung Quốc đã hứa trợ giúp các cựu binh, đông tới hàng triệu người. Nhưng thực tế cho tới nay đã 35 năm trôi qua, lời hứa hầu như bay mất tiêu. Teng kể mình làm đủ mọi việc lặt vặt mà mỗi tháng chỉ kiếm được khoảng 1.000 nhân dân tệ (hơn 3 triệu đồng Việt Nam). Trong khi đó mức thu nhập bình quân tại Yiyang quê ông khoảng 2.800 tệ (hơn 9 triệu đồng). Ông đã phải ngồi tù hơn 3 năm về tội “gây rối nơi công cộng” do cùng với các cựu binh khác mặc quân phục biểu tình phản đối bên ngoài cơ quan chính quyền địa phương.

Hãng tin AFP cho biết: mỗi năm Trung Quốc có hàng trăm cuộc biểu tình phản đối của hàng ngàn cựu binh do họ bị đối xử quá tệ. Hồi cuối tháng 5-2014, có hơn 10.000 cựu binh đã biểu tình tại 11 tỉnh.

Ông Xue Gangling, chủ nhiệm khoa của Đại học Chính trị và Luật pháp Trung Quốc, nói với báo chí Trung Quốc rằng những cuộc biểu tình phản đối của cựu binh như thế là một trong những nguy cơ lớn nhất đối với ổn định xã hội của đất nước.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi năm ngoái đã tuyên bố cắt giảm quân số bộ binh trong chiến lược cải tổ quân sự nhắm tới mục tiêu tăng cường sức mạnh trên biển và trên bầu trời. Đạo quân cựu binh Trung Quốc sẽ càng đông hơn.

Wang Guolong, một cựu binh có 14 năm quân ngũ, nói rằng: “Họ bắt giam Teng để cảnh cáo chúng tôi, nhưng tình trạng chúng tôi giống nhau. Có hàng triệu cựu binh giống chúng tôi trên khắp đất nước này.” Teng chua chát: “Việc bảo vệ các quyền lợi chính đáng của mình còn nguy hiểm hơn là ra mặt trận. Bạn có thể bị bắt bất cứ lúc nào.”

Giới bình luận quốc tế cho rằng tình cảnh của những cựu binh này chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng tới tinh thần của binh lính Trung Quốc. Họ nhìn thấy được tương lai của mình nếu như may mắn còn sống sót trở về!

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 13-6-2014)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

+ Có thể đọc bản rút gọn in trên báo CA.TPHCM thứ Năm 12-6-2014.

140508-china-vietnam-veterans-protest-hunan-04

Teng ôm huy chương đi đấu tranh.

china-vietnam-veterans-protest-hunan

Đám đông cựu binh Trung Quốc biểu tình đòi quyền lợi tại tỉnh Hồ Nam tháng 5-2014.

china-vietnam-veterans-protest-hunan-02

Đám đông cựu binh Trung Quốc biểu tình đòi quyền lợi tại tỉnh Hồ Nam tháng 5-2014.

china-vietnam-veterans-protest-hunan-03

Cựu binh Teng.