Thứ Năm ngày 23 tháng 1 năm 2025

Ở đâu thò ra cái “đường lưỡi bò” ở Biển Đông?

china-map-new-june-2014

 

Báo chí và các nhà bình luận quốc tế trong mấy ngày qua đều thể hiện sự quan ngại trước việc Trung Quốc vừa công bố một bản đồ chính thức mới của nước họ (official map of the country) thể hiện sự thâu tóm của Bắc Kinh đối với hầu như toàn bộ Biển Đông. Sự thách thức của Bắc Kinh đối với cộng đồng quốc tế đã chuyển từ thái độ bất chấp các công pháp và luật lệ mà cả thế giới còn lại phải tuân thủ để cùng sống với nhau, sang việc thể chế hóa coi các vùng lãnh hải đang tranh chấp với các nước láng giềng chính thức là lãnh thổ Trung Quốc.

“Các nước láng giềng của Trung Quốc sẽ không hạnh phúc với tấm bản đồ mới này.” Đó là cái tít của bản tin mà hãng tin Anh Reuters phát hôm 25-6-2014 về sự việc này. Sau đó, hãng tin Anh có thêm bài vạch rõ rằng hành động này của Bắc Kinh là để “chơi mạnh hơn nữa” trong chuyện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông. Báo Mỹ Washington Post (27-6) đặt câu hỏi: “Liệu cái bản đồ này có thể khởi sự một cuộc chiến tranh?”

Tờ Nhân dân Nhật báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 25-6 giải thích về sự công bố tấm “bản đồ chính thức đầy đủ” này là trên các bản đồ trước đây, các đảo mà Trung Quốc tranh giành trên Biển Đông chỉ được thể hiện trong những chiếc khung giống như một phần phụ thêm chứ không phải là một bộ phận hợp nhất của Trung Quốc. Tấm bản đồ mới này sẽ giúp mọi người “chỉ cần liếc mắt một cái là thấy rõ ràng”. Một quan chức giấu tên của nhà xuất bản SinoMaps Press, cơ quan xuất bản tấm bản đồ mới này, nói với Nhân dân Nhật báo: “Tấm bản đồ Trung Quốc theo chiều đứng này có ý nghĩa quan trọng để cổ vũ sự hiểu biết tốt hơn của các công dân về việc duy trì quyền lãnh hải và sự toàn vẹn lãnh thổ của chúng ta”.

Trong khi đó, tại một cuộc họp báo thường ngày, Hua Chunying, nữ phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng: “Mục tiêu (của việc xuất bản tấm bản đồ mới) là phục vụ công chúng Trung Quốc. Về những mục đích đó, tôi nghĩ không cần phải nói gì nhiều ở đây.” Đại diện ngành ngoại giao Trung Quốc tuyên bố: “Lập trường của Trung Quốc trong vấn đề biển Nam Hải (cách Bắc Kinh gọi Biển Đông) là kiên định và cực kỳ rõ ràng. Lập trường của chúng tôi không bao giờ thay đổi.”

Điều khác biệt so với những tấm bản đồ mà Bắc Kinh trưng ra trong thời gian gần đây về cái gọi là đường biên giới chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là thay vì có 9 đoạn, bản đồ mới nhất có thêm một đoạn nữa ở gần đảo Đài Loan.

Thật ra, ngay từ quý 2-2013, Bắc Kinh đã cho vẽ thêm lên bản đồ Trung Quốc một đoạn nữa nằm ở phía đông Đài Loan. Vậy là thành “đường lưỡi bò 10 đoạn”. Bắc Kinh đã đòi làm chủ khoảng 90% Biển Đông vốn được coi là có tiềm năng tài nguyên dầu khí rất lớn và là tuyến hàng hải tấp nập thứ hai trên thế giới. Đây lại là vùng lãnh hải mà các nước Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và lãnh thổ Đài Loan xác định là thuộc chủ quyền của mình.

Theo học giả Euan Graham của Singapore trong một bài trên trang của tổ chức tư vấn chiến lược RUSI (www.rusi.org) ngày 3-9-2013, cái vụ “đường lưỡi bò” 9 đoạn hay 10 đoạn không có gì là mới. Hồi năm 1947, chính quyền Quốc Dân Đảng của Trung Hoa đã cho phát hành bản đồ có “đường lưỡi bò 11 đoạn” mở rộng từ đảo Đài Loan tới Vịnh Bắc bộ (Gulf of Tonkin) cũng theo các vị trí như trên bản đồ Trung Quốc ngày nay.

Cái đường biên giới trên Biển Đông này không phải do nhà cầm quyền Trung Quốc vẽ ra. Trong thời đại phong kiến Trung Hoa (kết thúc năm 1911) từ nhà Thanh đổ về trước chẳng có tấm bản đồ nào như vậy. Nó chỉ thấy xuất hiện dưới thời Quốc Dân Đảng cầm quyền ở Trung Hoa Dân Quốc từ 1912 tới 1949. Quốc Dân Đảng quả là đã bị một cú “gậy ông đập lưng ông” khi chính họ đã khẳng định đảo Đài Loan là của Trung Hoa (từ năm 1949 là Trung Quốc). Chỉ đáng tiếc là sau khi lên cầm quyền, thay vì xóa bỏ cái sự sai trái đó, Bắc Kinh đã ỉm đi, để rồi trong những năm gần đây, họ lại lôi cái “đường lưỡi bò” đó ra gọi là “căn cứ lịch sử” để đòi chủ quyền trên Biển Đông.

Chỉ cần không có tham vọng bành trướng và cưỡng chiếm lãnh thổ nước khác như Bắc Kinh là ai cũng có thể dễ dàng hiểu cái “đường lưỡi bò” đó được vẽ “tùy tiện”, không hề dựa theo một nền tảng chính thức và pháp lý nào. Vì thế, bà Clarita Carlos, một chuyên gia về quan hệ quốc tế và giáo sư của Đại học Philippines, nói rằng tấm bản đồ chính thức mà Trung Quốc lưu hành hồi tháng 6-2014 chỉ có “ảnh hưởng tinh thần” đối với người dân Trung Quốc.

Học giả Euan Graham phân tích rằng: do các bản đồ mà Trung Quốc trưng ra không có giá trị pháp lý độc lập nào theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS), Bắc Kinh đã không ngừng làm mọi cách để “thể chế hóa” các đòi hỏi về chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông.

Rõ ràng. theo một mưu đồ được tính toán kỹ lưỡng và xuyên suốt nhiều thập niên nay, Trung Quốc sẽ dần dần làm cho các tranh chấp chủ quyền trở thành “chuyện đã rồi” và “thực tế nó đã như vậy” để cộng đồng quốc tế cuối cùng cũng “quen tai, quen mắt”. Trước khi lưu hành bản đồ chính thức mới, Trung Quốc đã cho in bản đồ có “đường lưỡi bò” làm nền các trang trong hộ chiếu mới cốt để cho quốc tế “quen mắt”. Ngay từ rất lâu rồi, học sinh và sinh viên Trung Quốc đã được các thế hệ nhà cầm quyền dạy rằng đất nước mình bao gồm cả Biển Đông.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 1-7-2014)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

+ Có thể đọc bản rút gọn in trên báo CA.TPHCM ngày 1-7-2014.

 

China_and_Japan,_John_Nicaragua_Dower_(1844)

Bản đồ Trung Hoa và Nhật Bản năm 1844.

china-map-new-june-2014

Bản đồ chính thức vừa được Trung Quốc lưu hành trong tháng 6-2014 với “đường lưỡi bò 10 đoạn”.

Chinas-administrative-division-1930s

Bản đồ Trung Hoa thập niên 1930.

E05A56F2-6A55-4E5B-A959-DBA3C15C5BB2_mw1024_s_n

Bản đồ Trung Hoa cổ xua.

Map of China, 1764 by N. Bellin, France, source EAST SEA in old western maps

Bản đồ Trung Hoa 1764

Map-of-China-2006

Bản đồ Trung Quốc 2006.

ChinaMap

MỘT SỐ BẢN ĐỒ CŨ CỦA TRUNG HOA DÂN QUỐC SAU THỜI NHÀ THANH VÀ TRƯỚC 1949:

China-map china-map-1926-1927 china-map-1941 china-map-1949-province china-map-newyork-01 chinese_provinces_map1 map_china