Thứ Năm ngày 07 tháng 11 năm 2024

THẢM KỊCH CHUYẾN BAY MH17:  Mỹ nói rằng không có bằng chứng Moscow trực tiếp can dự vào vụ MH17

140722-ukraine-mh17-shot-down-01

 

Hãng tin Mỹ AP sáng sớm 23-7-2014 cho biết các quan chức tình báo cao cấp của Mỹ nói rằng họ không có bằng chứng về sự can dự trực tiếp của chính quyền Nga trong vụ chuyến bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines (MAS) khi đang bay ngang qua miền đông Ukraine chiều 17-7-2014.

Các quan chức tình báo này đã có một cuộc họp báo ngắn gọn vào ngày 22-7 với điều kiện không được nêu tên họ. Họ cho biết chiếc máy bay Boeing 777-200ER chở 283 hành khách và 15 nhân viên phi hành đã bị bắn rơi bằng một quả tên lửa đất đối không SA-11 bởi quân ly khai do Nga ủng hộ đang kiểm soát miền đông Ukraine. Theo họ, Nga “đã tạo điều kiện” cho thảm kịch này bởi việc trang bị vũ khí cho quân ly khai.

Họ nói mình không biết liệu có người Nga nào có mặt trong vụ phóng tên lửa đó không và họ cũng sẽ không nói rằng nhóm phóng tên lửa đã được huấn luyện ở Nga.

Một quan chức cao cấp cho biết sự giải thích thích hợp nhất cho thảm kịch này là chiếc máy bay đã bị bắn lầm.

Như vậy Nga chỉ liên đới trách nhiệm gián tiếp là đã trang bị tên lửa này cho quân ly khai chống chính quyền Kiev. Chắc chắn Moscow không hề nghĩ tới cái hậu quả tai ương này. Chuyện bắn nhầm, thậm chí quân ta bắn phải quân mình, vẫn là một nguy cơ trong bất cứ cuộc chiến tranh nào. Vấn đề ở đây là tại sao máy bay dân sự lại được cho phép bay vào khu vực chiến sự như vậy?

Trước đó, nhà chức trách Ukraine đã đóng cửa bầu trời một phần, cấm các chuyến bay dưới 9.700 mét. Có lẽ khi đưa ra quyết định này, họ chỉ tính tới việc các tên lửa vác vai của quân ly khai hiện có không có khả năng bắn cao hơn 4.500 mét (14.700 feet). Phải chăng họ không biết quân ly khai có cả giàn phóng tên lửa Buk (NATO gọi là SA-11) có khả năng bắn cao tới 22.000 mét (72.000 feet) giống như hệ thống của quân đội Nga và Ukraine, hoặc biết mà tự tin ở độ chính xác của loại vũ khí này? Thực tế là lúc bị bắn trúng, máy bay MH17 đang bay ở độ cao 10.000 mét (33.000 feet), ngoài tầm bắn của tên lửa vác vai, nhưng nằm gọn trong tay SA-11.

Trong một diễn biến khác, sau một cuộc hành trình dài 17 tiếng đồng hồ từ nhà ga thị trấn Torez do quân ly khai kiểm soát, chỉ cách hiện trường vụ MH17 rơi khoảng 15km, chuyến xe lửa có những toa đông lạnh chở thi thể 282 nạn nhân được tìm thấy cho tới nay vào ngày 22-7 đã tới nhà ga của thành phố Kharkov do chính phủ Ukraine kiểm soát. Đây là nơi Ukraine đã thành lập một trung tâm điều tra vụ tai nạn máy bay này. Đoàn tàu đã chạy vào sân một xí nghiệp, nơi các thi thể được tiếp nhận. Người phát ngôn chính phủ Oleksander Kharchenko nói Ukraine sẽ “làm hết sức mình” để chuyển tiếp các thi thể này cho Hà Lan nội trong ngày 22-7. Trong số 283 hành khách trên chuyến bay MH17, có tới 193 là công dân Hà Lan. Theo thỏa thuận với chính phủ Malaysia, tất cả các thi thể nạn nhân tìm được sẽ được đưa tới Hà Lan để xét nghiệm ADN xác định danh tính của họ. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết trong ngày thứ Tư 23-7, một chiếc máy bay vận tải quân sự C130 Hercules của Hà Lan sẽ chuyển tiếp các thi thể nạn nhân từ Kharkov đưa sang Eindhoven (Hà Lan). Ông nói rằng việc xét nghiệm nhận dạng nạn nhân sẽ được các chuyên viên tiến hành nhanh chóng với các kỹ thuật tiên tiến nhất. Tuy nhiên, do tình trạng bị tổn hại quá nghiêm trọng của các thi thể, có một số trường hợp sẽ phải mất tới nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng mới có thể nhận diện được.

Vẫn còn 16 nạn nhân nữa chưa tìm được thi thể. Trong thời gian qua, người ta chỉ có thể dùng sức người tìm kiếm trên cánh đồng có những nơi cây trồng mọc cao rộng mênh mông theo vệt các mảnh vụn máy bay vương vãi dài tới 10 dặm. Giá như trong điều kiện hòa bình, lực lượng cứu hộ có thể dùng trực thăng bay trên cao tìm kiếm sẽ có hiệu quả và nhanh hơn nhiều.

 

Xin mời xem clip diễn biến trong ngày 22-7-2014: 

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 23-7-2014)

+ Ảnh: Một nhà điều tra của Malaysia đang kiểm tra một mảnh xác máy bay MH17 tại hiện trường ngày 22-7-2014. Nguồn ảnh: Internet. Thanks.