Thứ Ba ngày 10 tháng 12 năm 2024

Bài học phòng chống dịch Ebola của Nigeria

140922-ebola-check-abuja-nigaria

Đích thân hiệu trưởng một trường học tại thành phố Abuja (Nigeria) kiểm tra nhiệt độ của học sinh để phòng ngừa Ebola.

 

Có một thông tin trên báo Mỹ The Christian Science Monitor (6-10-2014) làm người ta ngạc nhiên. Các đoàn chuyên gia Mỹ đã “cắp cặp” bay sang Nigeria để học tập nước Tây Phi này kinh nghiệm ngăn chặn sự lây nhiễm của virus kinh hoàng Ebola.

Nigeria đã trở thành một điển hình trong trận bùng phát dịch Ebola này. Ngày 25-9-2014, tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, Tổng thống Goodluck Jonathan đã hân hoan tuyên bố: “Chúng tôi có thể tự tin nói rằng hôm nay Nigeria không còn Ebola”.

Tất nhiên đó là tuyên bố đơn phương của chính phủ Nigeria. Faisal Shuaib, người đứng đầu Trung tâm Hoạt động Khẩn cấp về Ebola tại Lagos (Nigeria) cho biết, theo quy trình quốc tế, Nigeria chỉ thật sự được công nhận là không còn Ebola (Ebola-free) nếu như không có trường hợp nhiễm nào sau 42 ngày (tức 2 chu kỳ ủ bệnh) kể từ trường hợp nhiễm virus được xác nhận cuối cùng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hồi hạ tuần tháng 9-2014 cho biết kể từ tháng 7-2014, Nigeria có 20 người được xác định nhiễm virus Ebola và có 8 người trong số đó tử vong. Theo WHO, kể từ ngày 8-9, Nigeria không báo cáo có bất cứ trường hợp nhiễm Ebola mới nào (Nigeria nói mình không phát hiện trường hợp nhiễm mới nào từ ngày 31-8). Như vậy, phải tới ngày 20-10, nếu không có thêm trường hợp nhiễm mới nào, Nigeria sẽ chính thức được công nhận là không còn Ebola.

Không phải là nơi bùng phát Ebola lần này, Nigeria chính là nước đầu tiên trải nghiệm việc xử trí với nguồn Ebola từ nước ngoài vào. Ngày 25-7-2014, một người Mỹ gốc Liberia tên Patrick Sawyer, 40 tuổi, đã chết tại thành phố Lagos sau khi từ Liberia (nơi đang xảy ra dịch Ebola) tới Nigeria.

Bài học của Nigeria là làm rất tốt biện pháp “theo dấu tiếp xúc” (contact tracing), lần tìm xem người nhiễm virus Ebola trước đó từng tiếp xúc với những ai để đặt những người đó trong sự giám sát. Mỹ cũng đang áp dụng biện pháp này sau khi xảy ra trường hợp bệnh nhân Thomas Eric Duncan, người Liberia từ nước này sang Dallas (bang Texas) hồi cuối tháng 9-2014 và sau đó được phát hiện nhiễm Ebola. Cơ quan Phòng chống Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết: “Biện pháp theo dấu tiếp xúc có thể ngăn chặn được sự bùng phát Ebola.”

Trận bùng phát Ebola lần này nghiêm trọng nhất trong lịch sử, tới nay đã giết chết hơn 3.400 người. Nó hoành hành ở các nước Tây Phi Liberia, Guinea, Senegal, và Sierra Leone. Bang Texas (Mỹ) đã phát hiện một người Liberia nhiễm Ebola sau chuyến về quê nhà. Trường hợp nhiễm Ebola đầu tiên bên ngoài châu Phi được ghi nhận ngày 7-10-2014 với một nữ phụ tá y tá ở thủ đô Madrid (Tây Ban Nha). Chị thuộc nhóm thầy thuốc điều trị bệnh nhân 69 tuổi Manuel Garcia Viejo, người đã chết tại bệnh viện ở Madrid hôm 25-9-2014 sau khi bị nhiễm virus Ebola ở Sierra Leone. Virus có tỷ lệ tử vong trên dưới 50% này lây lan qua các dịch từ cơ thể người bệnh tiết ra mà người khác dính phải. Nó không lây lan qua không khí.

Như vậy, điều người ta lo ngại về khả năng virus Ebola vượt qua lãnh thổ châu Phi đã thành sự thực. Liên minh châu Âu (EU) đã yêu cầu Tây Ban Nha trả lời có gì sai trong quy trình phòng dịch khi để hàng rào phòng dịch của châu Âu bị lọt lưới. Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 6-10 nói rằng có một số nước không đủ khả năng phòng chống Ebola. Việc phòng dịch luôn quan trọng và an toàn hơn là phải chống dịch khi để nó bùng phát.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

 (Saigon 10-10-2014)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.