Thứ Tư ngày 22 tháng 1 năm 2025

Liệu có gì trùng hợp giữa bầu cử ở Mỹ và cuối tuần chết chóc ở Trung Đông và Nam Á?

141102-pakistan-bodies-suicide-bomb-border-01

 

Nhiều nơi trên thế giới vừa trải qua một cuối tuần với lễ hội ma quái Halloween, nhưng vui là chính. Trong khi đó, một số nơi khác ở Trung Đông và Nam Á lại phải chịu đựng một cuối tuần chết chóc với những tên quỷ đội lốt người bằng xương bằng thịt.

Chiều Chủ nhật 2-11-2014, hàng ngàn người dân và du khách nước ngoài đã tụ tập ở cả hai bên biên giới để xem nghi thức đóng cửa cửa khẩu đầy màu sắc diễn ra hàng ngày tại Wagah, một cửa khẩu chính trên biên giới Pakistan – Ấn Độ gần thành phố Lahore (Pakistan). Một vụ đánh bom liều chết đã xảy ra ở phía Pakistan làm ít nhất 45 người chết và hơn 70 người bị thương. Đây là một vụ khủng bố hiếm hoi tại Punjab, tỉnh đông dân nhất và giàu nhất Pakistan, cũng là căn cứ địa của Thủ tướng Nawaz Sharif. Cũng may là tên khủng bố do không thể lọt vào bên trong nên đã tự kích hoạt bom ở bên ngoài khi đám đông trở ra. Phong trào Hồi giáo cực đoan Taliban Pakistan (TTP) tự nhận gây ra vụ đánh bom đẫm máu này để báo thù cho Hakimullah Mehsud, thủ lĩnh của chúng bị máy bay không người lái của Mỹ tiêu diệt hồi năm ngoái.

Còn ở Iraq, theo số liệu do nhà chức trách cung cấp hôm 3-11-2014, có 322 người thuộc bộ tộc Albu Nimr đã bị bọn mạo nhận là “Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria” (ISIS) thảm sát hôm 31-10 tại tỉnh Anbar. Họ đã bị hành quyết man rợ để trừng phạt tội dám kháng cự lại quân ISIS khi chúng đánh chiếm thị trấn Hit của họ. Điều đáng chú ý ở đây các nạn nhân cũng thuộc phái Hồi giáo Sunni như bọn ISIS. Vụ thảm sát này một lần nữa minh chứng cho điều ISIS luôn tuyên bố: ai chống lại chúng đều bị trừng phạt.

Cũng ở Iraq, sáng 2-11-2014, hai vụ đánh bom bằng xe hơi nhằm vào những người hành hương Hồi giáo phái Shiite tại thủ đô Baghdad đã giết chết ít nhất 19 người và làm bị thương hơn 40 người khác. Nhà chức trách lo ngại khi hàng trăm ngàn người Shiite đang mùa hành hương tới thành phố Karbala để tưởng niệm Imam Hussein, một trong những nhân vật được tôn kính nhất của phái này. Những năm trước, nguy cơ đến từ những phần tử cực đoan của phái Sunni vốn có mối thù truyền kiếp với phái Shiite. Năm nay, có thêm bọn ISIS còn man rợ hơn cả khủng bố Hồi giáo quốc tế al-Qaeda.

Liệu cái cuối tuần chết chóc này có liên quan gì tới việc Mỹ đang trong giai đoạn cuối cùng chuẩn bị cho Ngày Bầu cử (4-11)? Đây là một sự kiện chính trị quan trọng khi cử tri Mỹ bầu ra các quan chức từ địa phương cho tới Liên bang, đồng thời cũng là cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Quốc hội. Tổng thống Barack Obama của đảng Dân chủ và các nhà lãnh đạo của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa phải tập trung mọi tâm sức giành chiến thắng cho đảng mình. Có nhiều khả năng lần này Thượng viện sẽ rơi luôn vào tay đảng Cộng hòa, và 2 năm cuối của Tổng thống Obama sẽ đầy khó khăn khi cả hai viện Quốc hội không do đảng mình kiểm soát. Phải chăng bọn khủng bố quốc tế – kẻ thù của Mỹ – tranh thủ thời gian trống này để lộng hành, đồng thời gửi những thông điệp cảnh cáo tới các quan chức mới của Mỹ?

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 4-11-2014)

+ Có thể đọc bản in trên báo CA.TPHCM ngày 4-11-2014

+ Hình ảnh: Vụ đánh bom liều chết ngày 2-11-2014 tại biên giới Pakistan – Ấn Độ. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks.)

141102-pakistan-bodies-suicide-bomb-border-02 141102-pakistan-bodies-suicide-bomb-border-03 141102-pakistan-bodies-suicide-bomb-border-04 141102-pakistan-bodies-suicide-bomb-border-05 141102-pakistan-bodies-suicide-bomb-border-06 141102-pakistan-bodies-suicide-bomb-border-07 141102-pakistan-suicide-bomb-border-01 141102-pakistan-suicide-bomb-border-02 141102-pakistan-suicide-bomb-border-03 141102-pakistan-suicide-bomb-border-04 141102-pakistan-suicide-bomb-border-05