Những cây bút trào phúng bị bắn chết vì cái cười của mình
Trong số ít nhất 12 người chết trong vụ tấn công khủng bố tòa soạn tờ tuần báo trào phúng Charlie Hebdo (Charlie Weekly) giữa thủ đô Paris trưa 7-1-2015, có một số cây bút biếm họa nổi tiếng.
Tổng biên tập Charlie Hebdo là Stephane Charbonnier, bút danh Charb, đã sinh nghề tử nghiệp. Nhà báo 47 tuổi này lâu nay treo trên cổ bản án tử hình của bọn chiến binh thánh chiến Jahad và phải sống trong sự bảo vệ của cảnh sát. Theo thông tin của cảnh sát, hai tay súng trùm mặt nạ kín đầu đã xông vào tòa soạn hét lớn: “Charb đâu? Charb đâu?” Khi phát hiện nạn nhân, chúng bắn chết ông và viên cảnh sát bảo vệ, sau đó xả súng vào những người đang có mặt trong phòng. Vậy là mục tiêu chính của bọn tấn công chính là người chịu trách nhiệm nội dung của tờ báo này.
Nhà đồng sáng lập tờ báo và họa sĩ biếm Jean Cabut, bút danh Cabu, cũng bị bắn chết.
Cùng bị bắn chết còn có Phó Tổng biên tập, nhà kinh tế học và nhà văn Bernard Maris, 68 tuổi; cây bút biếm họa nổi tiếng 80 tuổi Georges Wolinski, và nhà biếm họa 57 tuổi Bernard Verlhac, bút danh Tignous.
Nhà biếm họa Philippe Honore, một cộng tác viên thường xuyên của báo, cũng bị bắn chết.
Michel Renaud, biên tập viên khách mời, đã cùng hy sinh với các chủ nhà.
Các nhân chứng khai rằng hai tên tấn công xuất phát từ tòa nhà đối diện với tòa soạn. Chúng mặc quần áo quân đội màu đen và trùm mặt nạ đen, chỉ hở đôi mắt. Trước khi xông vào tòa soạn, chúng nói với một người đàn ông trên đường: “Hãy cho báo chí biết đây là Al Qaeda ở Yemen.” Khi đến tòa nhà số 10, tòa soạn báo Charlie Hebdo, hai tên này tiếp cận Corinne Rey, nữ họa sĩ biếm họa có bút danh Coco vừa tới văn phòng sau khi đón con gái nhỏ ở nhà trẻ về. Lúc đó là 11g25ph (giờ Paris). Chúng buộc chị phải nhập mã số an ninh gồm 4 chữ số để mở cửa tòa soạn. Hai mẹ con đã trốn sau một cái bàn. Chị kể: “Chúng đã bắn Wolinski, Cabu… Mất khoảng 5 phút. Chúng nói tiếng Pháp lưu loát. Chúng nói mình thuộc Al-Qaeda.”
Bên trong tòa soạn, trên tầng 2, các biên tập viên và phóng viên đang họp tin tức buổi sáng. Một nhân chứng ở văn phòng đối diện bên kia hành lang kể chị nghe có một tiếng rầm lớn. Có ai đó mở cửa văn phòng và hỏi báo Charlie Hebdo ở đâu. Hắn có một cây súng trường. Hai tay súng đã gọi tên các mục tiêu của mình trước khi bắn chết họ.
Sau khi ra tay thảm sát, hai tay súng trở ra đường cũng lặng lẽ như khi chúng tới. Ba viên cảnh sát tới trên chiếc xe đạp đẩy, nhưng họ đã tháo lui khi thấy hai kẻ tấn công có súng. Hai tên này đã lên một chiếc xe Citroen khi có thêm cảnh sát tới hiện trường. Một vụ đọ súng đã nổ ra. Chúng bắn vào xe cảnh sát hơn một chục phát đạn. Trên đường tháo chạy, hai tên tấn công băng qua một xe cảnh sát khác trên đường và đã xả súng bắn vào xe này.
Rico, bạn của Cabut, nói rằng bạn ông đã phải trả giá bằng cả mạng sống vì người ta hiểu sai sự khôi hài của ông.
Làm báo ở phương Tây đừng tưởng là dễ dàng. Có biết bao nhiêu luật lệ luôn vây hãm ngòi bút của các nhà báo. Tự do ngôn luận, tự do báo chí chỉ là sự thật khi nhà báo không làm gì để bị đối tượng kiện cáo hay bị nhà nước cáo buộc. Mà các luật bảo vệ quyền tự do cá nhân, quyền riêng tư và ngăn chặn sự xúc phạm, sự kỳ thị luôn cực kỳ “khó chơi”. Tôi đi hàng chục nước trên thế giới rồi, nhưng chẳng có nơi đâu khiến tôi phải “rụt rè” ống kính máy ảnh như ở Mỹ. Ra đường giơ máy ảnh ra chụp dính ai đó, láng cháng dễ bị hăm he gọi 911.
Các nhà báo trào phúng của Charlie Hebdo luôn thanh minh là họ không có đầu óc kỳ thị và chẳng có ý định xúc xiểm ai cả. Họ chỉ cười những cái mà họ nghĩ rằng đáng cười, đáng chê của các nhân vật có ảnh hưởng tới công chúng. Chỉ có điều, họ mạnh miệng trào phúng bất kể những người đó là ai.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 8-1-2015)
+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.