Thứ Năm ngày 23 tháng 1 năm 2025

Chuyện về sợi cáp quang biển quốc tế đang treo tòng teng thần dân Internet Việt Nam

internet-cable-under-sea-03

 

Muốn quan hệ lâu dài thì phải chơi sao cho fairplay. Vì thế, trước hết, tôi xin thành kính tri ân ban quản lý cáp quang biển quốc tế AAG (Asia America Gateway) đã sửa chữa xong sợi cáp “thần thánh” này vào tối 12-6-2015, sớm 5 ngày so với dự kiến ban đầu là chiều 17-6-2015. Ai sao chẳng biết, mạng cáp quang F2H tới nhà của tôi mấy hôm nay vẫn chưa ổn lắm, lúc nhanh, lúc đứt bóng. Hy vọng sẽ sớm ổn định.

Nhưng với thực trạng của các hệ thống cung cấp dịch vụ Internet (ISP) Việt Nam hiện nay và bản thân thể trạng của cáp AAG, tôi hiểu rằng đây cũng chỉ là lần cáp ngưng hoạt động mới nhất. Vấn đề chỉ là cứ xài cho tới lần đứt cáp kế tiếp. Mà cái mật độ “Lan cắt đứt dây chuông” này có mòi tăng chóng mặt (chẳng lẽ để trừng phạt có thói tham phú phụ bần, có trăng quên đèn của Điệp sao ta). Trong khi năm 2014 có 2 lần đứt cáp, chỉ trong chưa đầy 6 tháng đầu năm 2015 đã xảy ra 4 lần sự cố với cáp AAG, vị chi Internet quốc tế ở Việt Nam chập cheng tổng cộng hơn 1 tháng rưỡi.

Vậy nên tôi mới viết bài này. Ít ra cũng để ghi dấu một lần nữa cáp AAG bị đứt.

Người ta có thể nhận ra rằng, trong lần cáp quang biển quốc tế AAG (Asia America Gateway) nối Việt Nam với thế giới Internet phải gián đoạn này, những lời kêu ca của những người dùng Internet có phần ít hơn. Phải chăng do đây là lần hiếm hoi nhà điều hành cáp AAG của Việt Nam chủ động cho cáp nghỉ để sửa chữa những nơi có sự cố? Hay phải chăng bởi mức độ thiệt hại và khó chịu mà sự cố đứt cáp gây ra cho cuộc sống đã giảm hẳn đi? Thiệt ra, cho dù có hai lý do này đi nữa, chúng cũng chỉ chiếm một phần không đáng kể. Nguyên nhân chủ yếu, theo tôi, là do cộng đồng Internet Việt nản lòng lắm rồi, có than van, kêu ca thì cũng chẳng giải quyết được gì.

Phải nói rằng “ai cũng hiểu, chỉ một người không hiểu” (xin lỗi nhà thơ Đỗ Trung Quân), sự cố đứt cáp AAG là một truyện dài nhiều tập. Ngay cả từ điển bách khoa online Wikipedia cũng đã giới thiệu về đường cáp AAG này một cách não nề: Từ khi bắt đầu vận hành từ cuối năm 2009 tới nay, tuyến cáp quang biển AAG thường xảy ra tình trạng bị đứt và mất đường truyền. Sự cố xảy ra nhiều nhất là ở đoạn giữa Hong Kong và Singapore. Đoạn giữa Hong Kong và Philippines ít xảy ra sự cố hơn. Còn đoạn từ Philippines tới Mỹ thì khá ổn định.

Riêng ở Việt Nam, dường như cái hội chứng “cúp” từng một thời làm khốn khổ người dùng điện, dùng nước đã “ám” thành “có huông” – có gì cúp nấy. Từ khi xài tới cáp AAG, Internet Việt Nam bắt đầu phải chịu trận cảnh Internet chập chờn hết tập này qua tập khác. Trong năm 2014, tuyến cáp quang AAG đã đứt 2 lần vào tháng 7 và tháng 9. Tính từ đầu năm 2015 tới nay, cáp này đã bị đứt cáp 2 lần (vào ngày 5-1 và 25-4), bị chập chờn có khi ngưng hẳn vào cuối tháng 5, và bị nhà quản lý ngăt hẳn để sửa chữa từ ngày 7-6-2015. Mà mỗi lẫn đứt cáp như vậy, thời gian sửa chữa và khôi phục thường từ 3 tuần tới 1 tháng.

 

AAG, tuyến cáp… đến từ hôm qua

aag-cablesystem-02

 

Tuyến cáp quang biển quốc tế AAG nối châu Á với Mỹ là 1 trong 4 tuyến cáp quang biển mà Việt Nam hiện nay kết nối với mạng Internet quốc tế. Nó chính là con át chủ bài của các nhà cung cấp dịch vụ Internet ISP, là niềm tin và hy vọng của cộng đồng Internet Việt Nam. Dung lượng tuyến AAG lớn nhất so với 3 tuyến SE-ME-WE-3 (SMW-3), TVH, và IA, chiếm tới 40% băng thông quốc tế giữa Việt Nam ra thế giới bên ngoài. Trong khi các tuyến cáp quang biển khác có tuổi đời 10-15 năm và dung lượng thấp, tuyến AAG mới vận hành từ năm 2009 với dung lượng lớn (2Tbps – Terabits per second, so với chỉ 320Gbps – Gigabits per second, của tuyến SMW-3) và đặc biệt là nối thẳng tới hệ thống máy chủ đầu cuối ở Mỹ.

Tuyến AAG được khởi công vào tháng 4-2007 với tổng vốn đầu tư 553 triệu USD gồm 19 đối tác là các doanh nghiệp của Anh, Ấn Độ, Brunei, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Mỹ, New Zealand, Philippines, Singapore, Thái Lan, Úc và Việt Nam (có tới 4 doanh nghiệp: VNPT góp 40 triệu USD, Viettel 20 triệu USD, Saigon Postel 20 triệu USD, và FPT Telecom 10 triệu USD). Toàn bộ hệ thống cáp dài 20.000km với các điểm cập bờ (mỗi nơi chỉ 1 điểm) ở Singapore, Malaysia, Thái Lan, Brunei, Việt Nam, Hong Kong, Philippines, Đảo Guam (Mỹ), Đảo Hawaii (Mỹ) trước khi tới điểm cuối trên bờ Tây nước Mỹ. Tuyến cáp AAG chính thức đi vào vận hành từ tháng 11-2009.

Có tới 60% lưu lượng Internet quốc tế của các ISP Việt Nam thuê bao cáp AAG được đặt cược vào tuyến cáp này. Tất nhiên Tập đoàn VNPT chiếm dung lượng cao nhất. Riêng Viettel hiện có 30% lưu lượng Internet quốc tế chạy qua tuyến AAG.

Nói vậy để thấy tuyến cáp AAG sẽ hành hạ dân mạng xứ Việt khốn khổ ra sao mỗi khi nó “khó ở” hay lâm bệnh.

 

Chân dài vậy thôi chớ bệnh tật bẩm sinh

internet-cable-under-sea-01

Việt Nam đã nhiều lần bị tê liệt hoạt động Internet vì sự cố cáp AAG, đặc biệt là ở khu vực cáp AAG cập bờ ở Vũng Tàu. Năm 2011 xảy ra 3 vụ đứt cáp ở ngoài khơi Vũng Tàu (10-3, 6-8 và 31-8) và 1 vụ bị ảnh hưởng bởi vết đứt ở đoạn cáp giữa Hong Kong và Philippines (2-10). Năm 2013 xảy ra một vụ đứt cáp ở ngoài khơi Vũng Tàu (ngày 20-12). Năm 2014 xảy ra một vụ đứt cáp ngoài khơi Vũng Tàu (15-7) và một vụ đứt cáp ở ngoài khơi Hồng Kông (ngày 15-9). Năm 2015 mới chưa hết 6 tháng đầu năm mà đã 4 lần khổ sở vì AAG mà cộng dồn lại có hơn 1 tháng rưỡi người dùng Việt Nam lâm vào tình cảnh Internet có cũng như không.

Tất nhiên, đời thuở nay có cáp nào mà chẳng có khi bị đứt. Nhưng với tần suất sự cố nhiều như vậy, phải chăng cần phải xem xét lại chất lượng xây dựng và điều hành của tuyến cáp quang AAG?

Trang tin nước ngoài Rappler.com (23-9-2014) trích dẫn lời ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc FPT Telecom, nói trên báo Tuổi Trẻ rằng: “Tôi phải nói rằng hệ thống cáp AAG được xây dựng với một thiết kế kỹ thuật dưới tiêu chuẩn, đây là nguyên nhân chính đằng sau những sự cố đứt thường xuyên của nó.”

Nguyên nhân thường xuyên gây ra đứt cáp ở ngoài khơi Vũng Tàu được cho là một phần bởi chất lượng thiết kế đường cáp AAG quá tệ, phần khác vị trí được chọn cập bờ là khu vực có quá nhiều tàu bè qua lại khiến đường cáp dễ bị các mỏ neo tàu bè làm đứt.

 

Thiên hạ cũng bị đứt cáp AAG, nhưng Việt Nam bị nặng nhất

internet-cable-under-sea-02

 

Theo từ điển bách khoa Wikipedia, trong số các nước sử dụng cáp AAG, chỉ có hai nước bị ảnh hưởng nặng nhất là Việt Nam và Malaysia, mỗi khi đứt cáp AAG là coi như toàn hệ thống Internet của hai nước này gần như tê liệt. Nguyên nhân chính là hai nước này quá phụ thuộc vào cáp AAG và dung lượng dự phòng quá thấp. Trong khi các nước khác ngoài AAG còn kết nối với nhiều tuyến cáp Internet quốc tế khác với dung lượng lớn nên khi xảy ra sự cố có thể điều tiết dung lượng Internet của nước mình, ít gây hậu quả cho các dịch vụ Internet hơn.

Sự cố xảy ra nhiều nhất là ở đoạn giữa Hong Kong và Singapore. Tuy nhiên, tùy vị trí đứt, chỉ có những nước nằm sau vị trí đó mới bị ảnh hưởng. Các sự cố cáp AAG ở đoạn cập bờ Vũng Tàu chỉ gây ảnh hưởng cho một mình Việt Nam. Ngặt một nỗi đây chính là cái tử huyệt gót chân Achilles lâu nay của Internet Việt Nam. Nhiều sự cố của cáp AAG được cho là tại cái đoạn cập bờ này.

Khi xảy ra sự cố với cáp AAG, các nhà mạng ISP phải lập tức điều chuyển lưu lượng trên cáp này sang các đường kết nối Internet quốc tế khác của mình. Tuy nhiên, cách này vẫn chỉ là chữa cháy đầy bị động. Bởi các tuyến này vốn cũng đã bị quá tải và dung lượng dự phòng cũng ngày càng “đuối”. Cũng dễ hiểu thôi, trong tình hình cạnh tranh gay gắt giữa các nhà mạng về giá cước kèm theo các chiêu khuyến mãi băng thông, các nhà mạng khó lòng mà đầu tư thêm vào khoản dung lượng dự phòng. Do số lượng thuê bao ngày càng gia tăng, dung lượng dự phòng dễ bị “xâm thực”, giống như sông rạch bị xâm lấn ở Đồng Nai, Bình Dương hỗm rày gây sốt nóng dòng thời sự.

Mỗi khi xảy ra sự cố cáp AAG, các nhà mạng đều có thông báo khẳng định rằng các dịch vụ Internet và các trang web trong nước vẫn hoạt động như bình thường. Tin được chết liền. Về lý thuyết, các trang web có tên miền với đuôi quốc gia .vn và được đặt tại các máy chủ ở Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng bởi đường Internet quốc tế. Nhưng thực tế, hầu như trang web nào cũng được nhúng những công cụ tiện ích quốc tế (chẳng hạn như YouTube) nên chẳng thể mở ra bình thường được. Đó là chưa kể tình trạng Internet trong nước bị quá tải khi có thêm nhiều người dùng “ta về ta tắm ao ta” đỡ ghiền trong thời gian “đại dương” bị nghẽn cửa sông.

 

Những tác hại thực tế ngày càng lớn

aag-cablesystem-06b

 

Trong một bài báo trước đây, tôi từng viết: Cùng với xu hướng phát triển công nghệ và tăng cường hội nhập quốc tế, Internet đã trở thành “một điều tất yếu của cuộc sống” ở Việt Nam. Số liệu thống kê năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết hiện có 41% dân số Việt Nam đã được tiếp cận Internet, trong đó thuê bao Internet băng thông rộng cố định (ADSL, cáp quang) đạt 7 thuê bao/100 dân. Trong thực tế, người dùng di động cũng chủ yếu là để lướt web, vào các mạng xã hội. Điều này cho thấy, mạng Internet mà chập cheng có ảnh hưởng sâu rộng tới chừng nào trong cuộc sống mọi mặt ở Việt Nam.

Tôi cũng nhấn mạnh rằng: Trong kỷ nguyên Internet và xu thế cả thế giới cùng kết nối với nhau qua mạng Internet, cũng như đang vào đầu thời kỳ “Internet của vạn vật” (Internet of Things) khi mọi thứ trên đời này đều được kết nối với nhau qua Internet, vai trò của đường kết nối Internet càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Nó ảnh hưởng tới mọi lĩnh vực hoạt động của xã hội, kể cả an ninh, quốc phòng và chính trị.

Thế giới đã nói tới nền kinh tế Internet khi mọi hoạt động giao thương được dựa trên kết nối Internet (nhiều ít tùy trường hợp cụ thể). Và Internet cũng được coi là một chỉ số để đo lường mức độ phát triển của xã hội, sự hạnh phúc của con người và thậm chí là một dấu chỉ của quyền con người.

Mỗi khi đường ra Internet quốc tế bị chập cheng, các dịch vụ thư tín điện tử miễn phí như Yahoo Mail, Google Mail,… đều ì ạch hay gián đoạn. Nhiều người, nhiều doanh nghiệp dở khóc dở cười khi những người, những đối tác ở nước ngoài vẫn gửi những thư từ giao dịch có đính kèm những tập tin dung lượng lớn như bình thường trước đây. Có biết bao người dùng Internet chịu thiệt hại vì không thể gửi được các hồ sơ giao dịch, bản mẫu thiết kế,… đúng thời hạn, đặc biệt khi gửi ra nước ngoài; cũng như không thể thực hiện được các thủ tục, giao dịch trên nền web. Những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cơ quan nước ngoài ở Việt Nam chắc chắn là nản lòng với tình trạng Internet liên tục gặp sự cố làm ảnh hưởng tới hoạt động của họ. Và chắc chắn đây cũng sẽ là một điểm trừ cho những dự án đầu tư ở Việt Nam.

 

Rồi phải làm sao đây….

CyberSurferGirl2007

 

Tôi không đặt dấu hỏi vào câu này mà chỉ coi đó là một lời tự thán. Bởi nó nằm ngoài tầm tay của cộng đồng người dùng Internet Việt Nam. Bởi sự cố đứt cáp dẫn tới đứt kết nối Internet quốc tế ở Việt Nam sẽ còn tiếp tục khi nào các nhà mạng ISP Việt Nam vẫn bị phụ thuộc vào tuyến cáp AAG.

Để tự cứu mình và sòng phẳng với các khách hàng của mình, nhà mạng Viettel đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư vào tuyến cáp quang biển châu Á – Thái Bình Dương APG (Asia Pacific Gateway) nối từ Việt Nam đi các nước châu Á và Mỹ. Song song đó, họ còn đầu tư vào tuyến cáp quang biển AAE-1 (Asia Africa Euro 1) nối châu Á đến châu Âu, châu Phi. Theo kế hoạch, hai tuyến cáp mới này sẽ được đưa vào vận hành trong năm 2016. Tới lúc đó, Viettel sẽ có 6 đường kết nối Internet quốc tế (4 đường biển IA, AAG, APG và AAE1; cộng với 2 đường đất liền đi qua Trung Quốc với hai đối tác China Telecom và China Unicom). Cách làm của Viettel quả là căn cơ và có hướng lâu dài. Bằng chứng nhãn tiền là trong những đợt cáp AAG bị sự cố vừa qua, trong khi thuê bao VNPT lên bờ xuống ruộng, kế đó là thuê bao FPT nghiêng nghiêng ngả ngả, thuê bao Viettel vẫn tiếp tục phi ngựa nhong nhong, hầu như không bị ảnh hưởng nhiều.

Cuộc sống mạng bị dập vùi thảm hại nhất có lẽ là các thuê bao của VNPT. Mặc dù VNPT hiện là doanh nghiệp viễn thông duy nhất có hệ thống hạ tầng truyền dẫn hoàn chỉnh với cáp quang biển, cáp đất liền và vệ tinh, nhưng có lẽ do thuê bao đông như quân Nguyên mà nhà mạng lại bỏ quá nhiều quả trứng vào chiếc giỏ AAG vá chằng vá đụp và khả năng dự phòng lại quá hẻo nên lần nào đứt cáp AAG, hệ thống Internet của VNPT cũng bị ảnh hưởng nặng nhất. Nghe nói, VNPT cũng đã có phương án đầu tư tuyến cáp quang biển mới, giảm bớt sự phụ thuộc vào tuyến AAG. Dự kiến VNPT sẽ đưa cáp quang biển APG vào khai thác vào tháng 4-2016 và cáp quang biển AAE-1 vào tháng 3-2017.

aae-1-cable-02

Hệ thống cáp AAE-1 theo lộ trình sẽ hoạt động vào năm 2016. Ngày 27-1-2014 tại Hong Kong, Tổ hợp AAE-1 đã ký thỏa thuận xây dựng và bảo dưỡng cáp này (Construction and Maintenance Agreement, AAE-1 C&MA) với tổng mức đầu tư khoảng 600 triệu USD. Đây là một dự án cáp quang biển liên châu dài 25.000km từ Hong Kong nối qua Pháp đi qua và cập bờ ở các nước và vùng lãnh thổ: Hong Kong, Việt Nam, Cambodia, Malaysia, Thái Lan, Myanmar, Ấn Độ, Pakistan, Oman, UAE, Qatar, Yemen, Djibouti, Saudi Arabia, Ai Cập, Hy Lạp, Ý và Pháp. Hiện có 19 nhà cung cấp dịch vụ Internet được gọi là đội ngũ “all-stars” của 18 nước và vùng lãnh thổ này đầu tư vào hệ thống cáp. Phần Việt Nam có tới hai nhà mạng đầu tư là VNPT và Viettel (Viettel đầu tư cho cả Việt Nam và Cambodia) với điểm cập bờ tại Đà Nẵng. Danh sách các nhà đầu tư đang gia tăng. Cáp này sử dụng công nghệ truyền dẫn 100Gbps và có tổng băng thông tới hơn 40Tbps (đây là thiết kế ban đầu, gấp hơn 20 lần so với cáp AAG). Đoạn S1H (từ Hong Kong qua Việt Nam tới Thái Lan) do Công ty NEC của Nhật Bản thi công.

Ngày nay, đường kết nối Internet có tầm quan trọng gộp cả đường dây thông tin, liên lạc và đường giao thông, giao thương lại với nhau. Không thể để mọi hoạt động của cả một nước lại chịu tổn hại chỉ vì một sợi cáp quang. Đó là lý do mà các cơ quan chức năng của Việt Nam cần phải xây dựng một chiến lược Internet bền vững. Cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về đường trục Internet quốc gia và quốc tế của Việt Nam cần có giải pháp bảo đảm sự thông suốt Internet. Không còn có thể chấp nhận được tình trạng cứ vài tháng, nửa năm lại xảy ra sự cố Internet chập cheng do đứt cáp quang như vậy. Và rõ ràng thực tế cho thấy, không thể phó mặc chuyện này cho các doanh nghiệp, bởi ngoài chuyện năng lực, còn có vấn đề lợi ích kinh doanh trước mắt và cục bộ, chưa nói tới thái độ kinh doanh.

Tất nhiên, sự cố đứt cáp quang AAG không phải lỗi trực tiếp của các nhà mạng Việt Nam. Họ chỉ là những đối tác. Nhưng họ có trách nhiệm gấp đôi vì vừa là những người tham gia xây dựng tuyến cáp này, vừa là những nhà cung cấp dịch vụ Internet cho người tiêu dùng đầu cuối. Tình trạng chập chờn của toàn hệ thống Internet Việt Nam mỗi khi cáp quang AAG gặp sự cố cho thấy dung lượng dự phòng của ta giờ đây đã không còn tương xứng với tốc độ phát triển Internet.

Hơn nữa, sự cố như thế này không nằm trong phạm trù thiên tai, địch họa, mà hoàn toàn mang ý nghĩa chuyện kinh doanh.

Trong kinh doanh là phải sòng phẳng và chơi đúng luật chơi. Một lần thì thiên hạ còn thể tất, du di. Nhưng từ lần thứ 2 trở đi là đã khó “dĩ hòa vi quý” được rồi. Nên chăng các nhà ISP có chính sách bồi thường bằng cắt giảm cước cho khách hàng trong thời gian chất lượng Internet mà họ cung cấp quá tệ (điều này tệ tới đâu thì họ biết rõ hơn ai hết).

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 14-6-2015)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

+ Có thể đọc bài in trên báo Pháp Luật TPHCM Chủ nhật 14-6-2015.

 

 

 

 

 

Box: