Thứ Sáu ngày 20 tháng 9 năm 2024

Khốn khổ chuyện tra cứu điểm thi

150722-tracuu-diemthi-totnghiep-bogddt-2

 

Cuối cùng thì kết quả cuộc thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia 2015 cũng đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho công bố từ 14g30 ngày 22-7-2015. Gánh nặng tâm lý đè lên các thí sinh và gia đình suốt từ sau ngày thi 1 đến 4-7 tới nay mới được giải tỏa. Ai cũng hiểu là gạo đã nấu thành cơm, bây giờ chỉ có thể biết kết quả các nỗ lực của mình sau 12 năm học phổ thông. Có người vui, có kẻ buồn. Nhưng bất cứ cuộc thi cử nào từ xưa tới nay hay ở bất cứ đâu cũng là như vậy.

Quy trình công bố kết quả thi năm nay cũng có đổi khác. Bộ GD-ĐT cho biết để thống nhất dữ liệu thi trên toàn quốc, các trường đại học chủ trì cụm thi quốc gia và các sở GD-ĐT chủ trì cụm thi địa phương không công bố điểm thi của thí sinh tại cụm thi do mình chủ trì, như cách thức công bố điểm thi tuyển sinh hằng năm trước đây. Thay vào đó, toàn bộ dữ liệu điểm thi được các cụm thi chuyển về Bộ GD-ĐT để bộ công bố. Bộ GD-ĐT cũng khẳng định mình là đơn vị duy nhất quản lý và chịu trách nhiệm về tính chính xác, bảo mật của cơ sở dữ liệu kết quả thi.

Theo văn bản ngày 21-7-2015 của Bộ GD-ĐT, bộ công bố điểm thi theo ba hình thức. Một là, thông qua tài khoản cá nhân của mỗi thí sinh trên hệ thống phần mềm quản lý thi THPT quốc gia. Hai là thông qua các giấy báo kết quả thi do các cụm thi gửi tới thí sinh qua địa chỉ đã được đăng ký. Ba là thông qua trang web của Bộ GD-ĐT và qua các báo điện tử có đăng ký kết nối với bộ.

Không cần phải đợi tới giờ G để được chứng thực, ngay sau khi nghe bộ thông báo cách công bố điểm tập trung về một mối như vậy, những người am hiểu tình hình đã dự báo sẽ xảy ra tình trạng vỡ mạng. Với khoảng 1 triệu thí sinh kèm thêm một đạo quân phụ huynh, người thân, bạn bè đông gấp mấy lần tất cả đều hăm hở xung trận ngay hàng đầu tiên thì chẳng có hệ thống mạng nào có thể chịu nổi. Thực tế là ngay trong ngày 21-7, tức một ngày sau khi có tin là tất cả các điểm thi đã được các cụm chuyển về cho bộ, hai địa chỉ trang web của Bộ GD-ĐT là http://thi.moet.gov.vn và http://moet.gov.vn đều bị tê liệt vì quá tải.

Vào đúng 14g30 ngày 22-7, thời điểm Bộ GD-ĐT chính thức công bố điểm thi, các địa chỉ của bộ đều không thể truy cập (báo là máy chủ không thể vào). Còn các trang tra cứu điểm thi của các báo điện tử hoặc bị tê liệt (thậm chí đen thui như của báo Tuổi Trẻ) hoặc cho nhập thông tin cá nhân nhưng không thể truy vấn. Ban đầu, các trang tra cứu của các báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Dân Trí,… xuất hiện dòng thông báo rằng “Bộ GD-ĐT đang cập nhật dữ liệu…” và “Đề nghị các thí sinh và nhân dân tiếp tục theo dõi”. Sau đó, mỗi lần nhấn nút tra cứu, thông báo “đang tra cứu…” lại xuất hiện. Cho tới hơn 2 giờ sau, tình hình vẫn không khá hơn.

Mãi tới trưa 22-7, chỉ vài giờ trước giờ G, liệu định được tình trạng quá tải, bộ mới mở thêm cửa, cho 8 trường đại học rải ra trên cả nước được mở website tra cứu điểm thi cho các tỉnh trong khu vực chung quanh mình. Báo hại, các trường này phải chạy hết tốc lực và huy động tối đa mọi nguồn lực cho nhiệm vụ độ ngột này. Tình hình cũng chỉ đỡ chút đỉnh, 8 mạng này thực tế cũng chập cheng toàn tập.

Con trai tôi dự thi cụm Đại học Sư phạm TP.HCM đã không thể truy cập vào trang web của bộ hay của trường này. Các bạn bè lên Facebook chia sẻ với nhau, rà qua website của nhiều trường ĐH khác. May mắn là chỉ khoảng 40 phút sau giờ G, cháu đã vào được trang web của trường Đại học Nông – Lâm TP.HCM và tra cứu thành công. Chỉ có điều gây hoang mang là trang web này đã thay đổi điểm số trong lần tra cứu sau. Chẳng biết bị lỗi kỹ thuật gì mà trong lần thông báo đầu tiên, mỗi thí sinh được trang tra cứu này “khuyến mãi” thêm điểm môn Ngoại ngữ từ 0.25 tới 2 điểm. Báo hại, khoe với mọi người xong, khi trở vô kiểm tra lại, các thí sinh đã bị cụt hứng và hoang mang.

Từ thực tế, tôi nghĩ rằng Bộ GD-ĐT cần có một cách làm khác để công bố điểm thi. Bộ chỉ nên tập trung điểm thi về bộ để kiểm tra sai sót và quản lý, rồi sau đó trả về cho các cụm thi công bố kết quả của cụm mình trên trang web của trường ĐH hay sở GD-ĐT. Các trang web của bộ lúc đó chỉ làm nhiệm vụ kiểm chứng. Ngay cả việc các báo điện tử cùng tham gia giúp thí sinh tra cứu như năm nay thực tế cũng không giúp phân tán số người tra cứu. Bởi lẽ, sau khi nhận được yêu cầu tra cứu, các trang báo này cũng phải kết nối với trang của bộ để lấy kết quả chứ không phải được bộ cung cấp dữ liệu.

Ngoài ra, trong thời di động này, ta cũng cần khai thác thế mạnh của các mạng di động. Bộ chỉ liên kết với chính các nhà mạng chứ không nên với các đầu số. Các nhà mạng là dân kinh doanh, họ cung cấp dịch vụ thì phải có phí, nhưng cần thỏa thuận mức phí vừa phải, không thể để họ lợi dụng cơ hội này “chém đẹp” thí sinh. Sẽ hạnh phúc cho khách hàng của các nhà mạng này nếu như nhà mạng coi đây là một hoạt động tri ân đối với các thuê bao của mình để không thu lợi nhuận từ dịch vụ tra cứu điểm thi này.

Có một điều tôi cũng băn khoăn. Kết quả thi cử chi tiết là bí mật, là chuyện nhạy cảm riêng tư của từng cá nhân, không thể chiềng làng nước được. Vì thế, không nên để như hiện nay, từ trang tra cứu của các báo, bất cứ ai biết số báo danh của thí sinh đều có thể biết được điểm từng môn thi. Tốt nhất là cần làm chặt chẽ như khi tra cứu điểm thi trên trang web của Bộ GD-ĐT hiện nay là yêu cầu phải xác thực bằng mã đăng nhập mà mỗi thí sinh đã được cấp khi nộp hồ sơ dự thi. Kết quả trúng tuyển hoàn toàn có thể công khai như bảng vàng đề tên từ ngàn xưa. Còn chi tiết điểm thì là chuyện riêng của từng thí sinh.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 23-7-2015)

+ Có thể đọc bài in trên báo Tuổi Trẻ ngày 23-7-2015.

150722-tracuu-diemthi-totnghiep-bogddt

150722-tracuu-diemthi-totnghiep-dantri

150722-tracuu-diemthi-totnghiep-thanhnien

 

150722-tracuu-diemthi-totnghiep-thanhnien-edited

150722-tracuu-diemthi-totnghiep-tuoitre 150722-tracuu-diemthi-totnghiep-tuoitre-2-edited

150722-tracuu-diemthi-totnghiep-tuoitre-3-edited

150722-tracuu-diemthi-totnghiep-tuoitre-4-edited

150723-baibao-tuoitre-1_resize