Thứ Bảy ngày 28 tháng 12 năm 2024

Cuối cùng, hai mẹ con họ đã đoàn tụ cùng nhau…

 

 

Tôi biết rằng có bạn sẽ rưng rưng khi cuối tuần nghe tôi báo tin buồn về sự ra đi về nơi xa vắng của anh Đỗ Hữu Tài, nhân vật chính trong loạt bài “Người truyền cho tôi sức sống mới“; “Bài hát từ một bài thơ viết bằng… miệng“; “Chuyện kể từ một người bạn thơ của anh Đỗ Hữu Tài – người làm thơ bằng miệng” ,… mà tôi đã chia sẻ với các bạn dạo tháng 10-2013. Anh đã lẳng lặng về với Chúa vào lúc 9g37ph sáng thứ Sáu 25-9-2015 (theo giờ miền Đông Hoa Kỳ) tại bệnh viện Mount Vermont hospital Alexandria Virginia (bang Virginia). Trước đó ít ngày, anh đã nhập viện với chẩn đoán tràn dịch phổi. Nhưng theo những người quen biết anh bao năm nay, anh ra đi khi “Thần Chết đến chậm” đã bò dần từ chân lên tới thực quản của anh, khiến thời gian gần đây anh ăn khó khăn và nói là không còn biết ngon hay dở gì nữa.

Sự ra đi của anh Tài đã được báo trước từ nhiều năm nay, khi bác sĩ cho biết anh có thể ra đi bất cứ lúc nào. Anh bị mắc một chứng bệnh lạ mà cho tới nay y học hiện đại Mỹ cũng bó tay, đành phó mặc cho số phận. Và nếu không phải là được sống ở Mỹ, trong sự chăm sóc, nuôi dưỡng trên nền tảng y học hiện đại số 1 thế giới và một xã hội nhân ái coi sinh mạng con người – bất kể thân hay sơ – là quan trọng số 1 thì có lẽ anh Tài đã ra người thiên cổ từ rất lâu rồi. Nhưng cho dù vậy, mọi người thân quen anh đều bị sốc khi nhận được hung tin.

Nhiều chục năm qua, anh Tài sống một mình ở Mỹ – gắn cuộc đời với Trung tâm phục hồi chức năng và nuôi dưỡng người bệnh tật và già yếu Mt. Vernon trên đường Tiswell của thành phố cổ Alexandria (Virginia). Mãi tới năm 2013, một người em trai của anh qua Mỹ định cư (đi theo gia đình vợ) và sống ở Las Vegas (bang Nevada) cách nhau tới hơn 2.300 mile, em Bờ Tây, anh Bờ Đông nên có cũng như không.

Chị Phượng Trần, một người bạn chung và cũng là đại diện ở Việt Nam cho nhóm thân hữu của anh Tài, đã phải chạy xe tới nhà gia đình anh Tài ở vùng ven Quận 8 – Bình Chánh để báo tin buồn. Do gia đình mới dọn nhà từ quận 8 giáp quận 5 về đây, chị không có số phone, chỉ nhớ mang máng địa chỉ nhà sau một lần tới thăm, nên phải đích thân đi báo cái tin chẳng ai muốn nghe đó. Dè đâu…. họa vô đơn chí….

Mẹ của anh Tài năm nay 87 tuổi sau thời gian bạo bệnh đã qua đời vào trưa thứ Sáu 25-9-2015 theo giờ Việt Nam, tức nửa ngày trước khi anh Tài ra đi. Hai mẹ con cùng về với Chúa vào một buổi trưa, chỉ cách nhau theo giờ hai bờ Thái Bình Dương. Phải chăng bà đã bay sang đón con trai cùng về nước Trời?

Thời gian gần đây, khi hai mẹ con anh Tài cùng trở bệnh ở hai bờ đại dương, bạn bè anh thiệt là lúng túng và nhiều lo sợ. Họ sợ rằng nếu nghe tin mẹ mất, anh Tài có thể đau buồn quá mà đi theo; hoặc nếu nghe tin con trai qua đời, người mẹ cũng đau đớn mà ra đi. Cuối cùng thì hai mẹ con đều cùng ra đi mà không kịp nghe tin dữ về nhau!

140130-phphuoc-nhananh-huutai-q8-05_resize_resize

Mẹ anh Tài trong lần tôi tới thăm năm 2014 tại Quận 8.

Và cuối cùng thì hai mẹ con anh Tài đã có thể đoàn tụ với nhau. Anh Tài vượt biên năm 1980, hai mẹ con xa nhau từ đó. Sau này, họ chỉ có thể gặp nhau qua điện thoại. Anh Tài yêu mẹ mình dữ lắm. Nhiều bài thơ của anh là viết về mẹ mình. Trong thời gian ở Mỹ, anh không làm gì ra tiền, nhưng hễ bạn bè và những người hảo tâm tặng anh chút tiền nào là anh dành dụm lại để gửi về cho mẹ uống thuốc. Hầu hết tiền bán tập thơ của anh cũng được chuyển dần về cho mẹ anh. Vài năm trước, bạn bè ở Mỹ tính chuyện đưa mẹ anh qua Mỹ cho hai mẹ con được gặp nhau, nhưng kế hoạch bất thành vì sức khỏe của bà quá yếu. Anh Tài thì không thể đi về được vì thể trạng của mình.

Sau khoảng 2 năm sống ở đảo tị nạn Pulao Bidong, anh Tài được nhận sang định cư ở Mỹ năm 1982. Lúc đó, anh là một chàng trai 25 tuổi tràn đầy nhựa sống (anh sinh năm 1957, tuổi Đinh Dậu). Nhưng định mệnh đầy thử thách nghiệt ngã đã đè nặng lên cuộc đời anh. Bi kịch ập tới anh chỉ sau một thời gian ngắn ở Mỹ. Anh bị một chứng tê người mà bác sĩ không tìm được nguyên nhân. Hậu quả là từ một chàng trai khỏe mạnh, anh đã bị tê liệt ăn dần từ chân trở lên. Anh bệnh 32 năm nay và đã phải dính vào chiếc xe lăn 30 năm. Trong mấy năm gần đây, anh đã bị liệt tới cổ, toàn phần dưới không còn cảm giác. Anh vẫn ăn uống ngon miệng, nhưng không kiểm soát được các chức năng của cơ thể từ cổ trở xuống. Bác sĩ nói rằng khi chứng liệt lan tới mũi, anh không thở và ăn uống được thì sẽ ra đi. Có nghĩa là anh đang phải sống với cái chết được báo trước đang tới dần từng ngày. Do một thân một mình ở Mỹ, anh Tài đã sống trong trung tâm điều dưỡng này 30 năm. Phải nói là Mỹ chăm lo phúc lợi xã hội cho người dân cực kỳ tốt. Người dân đóng thuế cao, nhưng họ an tâm vì tiền thuế của họ được chính quyền chi đúng đắn và sẵn sàng chăm lo chu đáo cho họ khi cơ nhỡ hay bất hạnh.

Xin mời các bạn đọc lại một số thông tin về anh mà tôi từng chia sẻ:

“Là một người theo đạo Công giáo và rất sùng đạo, anh Tài đã phó thác cuộc đời mình cho Chúa, an tâm với cuộc sống của mình. Anh cố gắng hạn chế tới mức thấp nhất việc nhờ vả người khác. Dùng miệng ngậm chiếc cần điều khiển, anh lái chiếc xe lăn điện đi tới đi lui, hàng tuần chạy ra cửa nhà đón xe buýt đi lễ nhà thờ. Anh lấy slogan là “Yêu đời và yêu người” và treo nó lên trang web của mình. Trong phòng anh, tôi còn thấy có dán tấm giấy trung tâm khen tặng là “Cư dân xuất sắc trong tháng” (Resident of the Month) hồi tháng 9-2012. Quả là một người lạc quan và vẫn hữu ích cho cộng đồng.

“Nhưng điều đáng nói hơn cả ở chỗ anh Tài là một hình mẫu cho người tàn mà không phế. Hồi chưa có máy tính, anh ngậm viết vào miệng để ghi nhật ký, viết tự truyện và làm thơ. Anh cho tôi coi 3 cuốn tập lớn và dày cộm chứa những gì anh viết. Thiệt là sửng sốt khi thấy anh viết bằng miệng mà chữ rất rõ ràng, ngay hàng thẳng lối. Anh nói mình viết đầy một trang mất hơn 1 tiếng đồng hồ. Mấy năm sau này có máy tính xách tay, anh sử dụng bằng cách ngậm một cây que để nhấn lên các phím. Mỗi ngày, khoảng 8 giờ sáng, nhân viên làm vệ sinh cá nhân, thay quần áo mới cho anh rồi đặt anh lên chiếc xe lăn. Họ điều chỉnh chiếc bàn đặt chiếc laptop sao cho anh thoải mái nhất. Từ đó cho tới 2 giờ chiều, anh Tài ngồi bên máy tính, lướt web, đọc và trả lời e-mail, chat, viết lách. Anh cũng tham gia nhiều trang web, diễn đàn. Website của trường Lê Văn Duyệt đã lập hẳn một section riêng cho anh. Tới 2 giờ chiều, nhân viên tới dùng thiết bị nâng để đỡ anh lên giường, tắt máy tính, và để chiếc điện thoại bàn bên cạnh để anh bắt đầu liên lạc với mọi người bằng điện thoại – tất nhiên cũng dùng miệng ngậm chiếc que để bấm số.

“Các bạn bè và những người ái mộ đã trang bị cho phòng anh Tài tivi, đầu máy, máy hát đĩa,… để anh giải trí. Hàng tuần đều có người tới thăm, mang thức ăn tới cho anh. Anh đặc biệt mê các món ăn Việt – tất nhiên rồi!

“Anh Tài rất mê làm thơ. Anh làm thơ rất nhanh, ngậm cây que, anh gõ từng chữ Việt có dấu hẳn hoi để post ngay lên trang web hay trong e-mail. Phía trước cửa phòng có dán hai bài thơ của anh Tài được nhà thư họa Vũ Hối ở Virginia phóng bút theo kiểu thư pháp. Một bài ghi: “Có những đêm giật mình tôi thức giấc. Xót xa nhìn cùng bóng tối cô đơn.”. Bài kia viết: “Tìm bóng tối quên đi thời ngang dọc. Tìm góc trời ta học cách làm thơ.” Ban đầu, anh lấy nickname và bút danh là Tài Phan (đọc lái thành “tàn phai”). Sau này, anh dùng nguyên họ tên của mình. Năm 2008, bạn bè xúm lại giúp anh in tập thơ “Có những đêm” tuyển chọn 129 bài thơ của anh. Đó là những bài thơ viết về đạo, về mẹ (mẹ anh đang ở quận 8), về nỗi nhớ quê hương và nhất là về cuộc tình đẹp mà dang dở của anh.”

130930-phphuoc-virginia-dohuutai-003_resize

130930-phphuoc-virginia-dohuutai-004_resize

130930-phphuoc-virginia-dohuutai-006-2000_resize

130930-phphuoc-virginia-dohuutai-014_resize

Anh Tài dùng miệng để điều khiển chiếc xe lăn điện.

130930-phphuoc-virginia-dohuutai-025_resize

130930-phphuoc-virginia-dohuutai-026_resize

Anh Tài và tôi gặp nhau lần đầu năm 2013 tại Virginia.

130930-phphuoc-virginia-dohuutai-027_resize

Anh Tài và những tập bản thảo hồi ký, thơ do anh viết bằng miệng.

130930-phphuoc-virginia-dohuutai-028_resize

“Khẩu bút” của anh Tài viết bằng… miệng.

130930-phphuoc-virginia-dohuutai-029_resize

130930-phphuoc-virginia-dohuutai-030_resize

Tập thơ của anh Tài do thân hữu in tặng.

130930-phphuoc-virginia-dohuutai-031_resize

Vào năm 2013, trong chuyến lang thang ở bang Virginia, sáng 30-9, tôi được chở tới thăm một người bạn lâu nay “văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình”, đó là anh Tài. Anh và tôi cùng tuổi. Anh gọi tôi là “Đinh Dậu Saigon”, và tôi gọi anh là “Đinh Dậu Virginia”. Sau này, khi ở Việt Nam, thỉnh thoảng tôi có gọi điện thăm anh Tài, cũng gọi nhau bằng cái nickname như vậy. Hồi trung tuần tháng 9-2015, tôi có mặt ở miền Đông Bắc Hoa Kỳ, chỉ cách anh Tài khoảng 2 giờ xe. Vậy mà, tôi không có cơ hội ghé thăm anh, dù đã lên plan hẳn hoi. Vậy là hai con gà nòi chúng tôi chỉ có cơ duyên so cựa trực tiếp với nhau lần đầu cũng là lần cuối trên chốn dương trần này.

Trước khi nhập viện, anh Tài có đọc một bài thơ cho chị Thanh Loan chép. Chị là một người bạn sống ở Texas mà sau này được gọi là “thư ký riêng” của anh Tài chuyên chép lại những bài thơ mà anh Tài đọc qua điện thoại (do anh không còn sức để ngậm cây gõ máy tính được nữa). Khi đăng bài thơ này lên trang mạng, bạn bẻ anh giật mình, cứ nghĩ đó là lời trăn trối của anh. Và đó thật sự là bài thơ cuối cùng của anh Tài. Tôi xin chép lại ở đây.

 

Làm Sao Đến Chúa

 

Làm sao bỏ được gánh sầu

Đôi vai nhẹ nhõm đứng hầu bên Cha

Làm sao biết sống vị tha

Đôi chân thanh thản đi qua dòng đời

Làm sao tìm tới Chúa Trời

Khi còn tham vọng gọi mời bước lên

Làm sao lãnh nhận ơn trên

Khi còn mê đắm đặt tên đồng tiền

Làm sao thoát lụy ưu phiền

Như chim tung cánh khắp miền lãng du

Làm sao gần gũi Giê Su

Như rừng thay lá gió thu nhẹ nhàng

Làm sao khỏi thấy ngỡ ngàng

Mỗi khi cầu nguyện lần tràng hạt xin

Làm sao giữ vững đức tin

Mỗi khi sa ngã tâm linh chất chồng

Làm sao rước Chúa Hài Đồng

Mùa đông rét buốt nhưng lòng ấm êm

Làm sao vượt khỏi nhá nhem

Mùa xuân gió mát nắng đem hoa về

Làm sao cuộc sống tràn trề

Mùa hè phượng đỏ hẹn thề ước ao

Chúa ơi , con biết làm sao

Vác cây Thánh Giá không nao núng lòng

 

Đỗ Hữu Tài

(17-9–2015)

  • Đây là bài thơ cuối cùng của nhà thơ viết bằng miệng Đỗ Hữu Tài. Anh viết ít ngày trước khi nhập viện và 8 ngày trước khi anh chia tay với cõi đời để về bên Chúa của mình.

 

Anh Tài đi trước thanh thản nhé. Với những gì anh đã trải qua và làm được trong nhiều thập niên qua, tôi tin rằng đủ để anh được Thiên Chúa mở rộng vòng tay đón anh vào Nước Trời. Nguyện xin Thiên Chúa rủ lòng thương xót linh hồn hai mẹ con anh Tài.

+ Bà Maria Lê Thị Kính, sinh năm 1929 (thọ 86 tuổi). Qua đời lúc 12g ngày 25-9-2015 tại quận 8, TP.HCM.

+ Anh Barnabe Đỗ Hữu Tài, sinh năm 1957 (hưởng dương 58 tuổi). Qua đời lúc 9g37ph ngày 25-9-2015 (theo giờ miền Đông Hoa Kỳ), tức 20g37ph ngày 25-9-2015 (theo giờ Việt Nam) tại Alexandria (bang Virginia, Hoa Kỳ).

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 26-9-2015)

Những hình ảnh cuối cùng của anh Đỗ Hữu Tài.

Ngày 24-9-2015, một cô cháu tinh thần của anh tên Khánh Vân – nhà gần nơi anh Tài sống – đã vào bệnh viện thăm anh.

20150924_222901

20150924_223432

20150924_223455

Sáng hôm sau, 25-9-2015, cô quay lại thăm anh thì thân thể anh đã được phủ khăn trắng khi anh vừa ra đì trước đó không lâu.

20150925

MÓN MẮM RUỐC XÀO DỞ DANG…

Vài ngày trước khi trở bệnh nặng, anh Tài gọi điện cho cô em gái tinh thần thân thiết như em ruột có nickname là “Ngố” order cô làm cho anh món mắm ruốc xào xả ớt mà anh nói mình rất thèm. Anh dặn kỹ là đừng cho thịt vô. Rồi vừa vào bệnh viện, anh đã gọi điện “delay” món khoái khẩu đó cho tới khi ra viện. Vậy mà….

“Ngố” là người nhiều năm nay chuyên nấu những món ăn Việt mà anh Tài thèm, đút cho anh ăn, post thơ của anh lên các trang mạng, hớt tóc cho anh,… Cô luôn gọi đùa anh là “Sếp Tài Tui”.

Viết cho Sếp Tài Tui

Anh Tài ơi, Ngố đây!!! Ngố đang khóc nè! Hôm thứ Ba, anh gọi Ngố báo tin anh vào bệnh viện, còn dặn Ngố đừng nói ai nghe nhất là đừng để Mạ Vân biết mạ lo tội nghiêp. Nghe lời anh, Ngố im re không dám nói với ai hết, và Ngố định chiều thứ Năm đến thăm anh, nhưng anh bảo vài tuần sẽ về, đừng đi mắc công, vì Ngố rất bận. Ngố hứa với anh Chủ nhật đến thăm, anh ừ…và Ngố cứ trông tin anh, chả biết làm sao, Ngố gọi chị Thanh Loan và lo lắng quá. Thứ Năm (24-9-2015), Ngố nhận được tin nhắn của anh John…. mới hay anh yếu lắm: ” Hi, visiting Tai. He took a turn for the worse this afternoon. On heavy medication. He is resting with breathing device. Not waking up. Will check in later tonight to see how he is doing.” Ôi Ngố sợ quá gọi chị Thanh Loan, gọi chị Kiều!

Anh Tài ơi, sao vậy? Sao anh ra đi quá vội vàng, Ngố chưa cắt tóc cho anh, chưa làm món mà anh “order”, sao lại nỡ bỏ em gái ở lại mà đành lòng ra đi!?

Thật bàng hoàng, thật đau đớn khi sáng hôm nay đọc mấy dòng tin nhắn của anh John, anh Tài ơi, Sếp ơi có biết Ngố sợ dữ lắm không? Ngố mờ mắt không đọc được hết…thì chị Kiều gọi và bảo anh đã ra đi! Sếp ơi, Ngố khóc quá chừng, Sếp đã nhẹ nhàng về với Chúa, và còn gặp được mẹ hiền, nhưng Sếp để lại biết bao người thương yêu Ssếp nặng nề ở lai…, trên Thiên Đàng, Sếp nhìn xuống chắc là cười vui phải không!!!

Anh Tài ơi, còn đâu những lời an ủi của anh mỗi khi Ngố buồn, còn đâu những câu thơ Đường mà anh hay đọc Ngố nghe và góp ý, anh Tài ơi hết rồi!!!! Anh em mình thật nhiều kỷ niệm, Ngố ít nói, nhưng anh Tài hiểu Ngố nhiều phải không? Anh Tài ơi, chúc anh thật bình yên trên nước Chúa, cầu Chúa che chở cho anh để có được cuộc sống an vui nơi Thiên Đàng. Vĩnh biệt anh Tài, vĩnh biệt Sếp, từ nay thư ký trong thầm lặng bị lay off rồi!

Văng vẵng như nghe anh John nói bên tai: “It is with great sorrow that I have to inform you that Tai passed away this morning. He is finally at peace and walking with our God in the Kingdom of heaven. I am saying my goodbye and will be in contact to let you know the funeral.”

Vĩnh biệt người anh đáng kính, vĩnh biệt Sếp!

Thương kính, và luôn nhớ mãi.

Ngố

(25-9-2015)