Thứ Năm ngày 23 tháng 1 năm 2025

Chỉ là rong chơi ở thế giới khác nhé Trần Từ Duy – Duy (đã) Từ Trần

trantuduy

 

Chập tối 28-10-2015, khi vừa về tới khách sạn Wyndham Grand Shenzhen – một nơi hiếm hoi ở Trung Quốc không bị cắt đứt dây chuông với chàng Mark Zuckerberg, tôi đọc được trong vô vàn tin nhắn Facebook dồn đống từ trưa tới giờ đổ dồn vào máy như nã súng liên thanh một tin sững sờ. Thêm một ông bạn già của tôi vừa quyết toán nợ trần ai. Lần này là Trần Từ Duy, người mà anh em trước nay vẫn hài hước đọc ngược tên thành “Duy Từ Trần”. Nay thì bạn bè phải đau lòng thêm chữ “đã” vào cái nickname đó.

Tôi xin nói trước để mọi người khỏi bị sốc vì sao tôi lại viết lời chia tay với Từ Duy bằng giọng điệu tưng tửng. Bởi sau hơn 30 năm làm bạn với nhau từ đầu thập niên 1980, khi cả hai thằng giang hồ lãng tử đầu để trần, chân đạp dép lê suýt soát tuổi nhau cùng mới chân ướt chân ráo nhập cư Saigon và đi lên hầu như từ 2 con số 0 bự chảng, tôi biết bạn mình vốn khoái tếu táo và đặc biệt là tính ngông (không hề là ngông cuồng mà chỉ là ngang ngạnh bất cần đời) không thể nào chấp nhận bị coi là đã chết – mà chỉ là xê dịch chuyển hộ khẩu sang thế giới đông người hơn, giống như vào cuối đời, anh vì sự nghiệp “di tản giáo dục” của hai con mà phải hy sinh sang định cư ở Canada. Chuyện hy sinh tới mức “hiến thân” vì con nào phải là lần đầu với Từ Duy đâu.

Ở đây, tôi cũng lịch sự gọi Từ Duy là anh – điều khiến Từ Duy chắc chắn buông tiếng chửi thề. Hai thằng xưa giờ chỉ gọi nhau bằng ông xưng tôi hay mình. Dù rất thân và hiểu nhau, đặc biệt là nắm vững “lý lịch 3 đời” của nhau, nhưng vì ngang tuổi và rất mực tôn trọng nhau, hai thằng không mày tao với nhau.

Đằng đẵng hơn 30 năm làm bạn, hai thằng dĩ nhiên có quá nhiều kỷ niệm vui buồn. Từ Duy lại không hề ngại chia sẻ với tôi những điều “nhạy cảm” – cá nhân thôi, mà có lẽ phải nhiều năm sau mới có thể “giải mật”.

Hồi đầu thập niên 1980, tôi làm chủ biên báo Long An Cuối Tuần thường trực tại Saigon. Duy vừa cộng tác cho phụ trang Long An Cười, vừa phụ tôi đủ mọi việc bếp núc của tờ báo ra hàng tuần – lúc đó có số lượng bán toàn quốc trên dưới 30.000 bản/kỳ. Tụi tui thường đùa với nhau là 3 ông Táo (có thêm ông bạn Nguyễn Lương Hiệu từ Đà Nẵng di dân vô nữa). Từ Duy lo mảng văn hóa – văn nghệ, chuyên trang thư giãn, phụ trách cả trang Tuổi Mới Lớn (nơi anh làm chủ xị mục gỡ rối tơ lòng thòng của tuổi mới biết yêu – giống như anh Bồ Câu, một người bạn của Từ Duy, bên báo Thanh Niên – lúc đó gọi là Tuần tin Thanh Niên).

Phải nói Từ Duy lỳ và gan theo kiểu điếc không sợ súng. Hàng ngày, anh lọc cọc trên chiếc xe đạp cũ rích đi lòng vòng Saigon, hễ thấy nơi nào có sự kiện là xông vào xin đưa tin, dù không có một mảnh giấy giới thiệu lận lưng (thời đó còn căng thẳng lắm chớ không như bây giờ đâu). Tôi nói với Từ Duy là ở Saigon có rất nhiều dân Quảng Nam (quê của Từ Duy) vào làm ăn và thành công, kể cả trong giới báo chí và văn nghệ sĩ, ông cứ khai thác tối đa ưu thế đồng hương của mình để tạo mối quan hệ vừa có lợi cho báo, vừa có lợi cho ông về lâu về dài. Trước mắt, ông có thế mạnh vốn liếng là có thể đưa tin và viết về công việc của họ trên báo của mình.

Có lần Từ Duy được nghệ sĩ Lý Huỳnh rủ đi Vũng Tàu coi quay phim do con trai ông là Lý Hùng đóng vai chính và vợ chồng Lý Huỳnh là nhà sản xuất. Trở về, Từ Duy khoe với tôi là mình được Lý Huỳnh mời đóng một vai trong bộ phim đó. Hỏi vai gì, đóng lâu không? Từ Duy tỉnh bơ: Vai xác chết, nằm dưới đất một lát thôi. Số là thiếu người đóng vai… xác chết, Lý Huỳnh đã nhờ Từ Duy nhập vai không giống ai này.

Trong suốt thời gian cùng làm cho báo Long An Cuối Tuần, hai thằng gặp nhau như cơm bữa, thường là ở nhà tôi trong Chợ Lớn. Thêm một chỗ hẹn hò nhau nữa là căng-tin báo Tuổi Trẻ trên đường Lý Chính Thắng – nơi Từ Duy cộng tác cho báo Tuổi Trẻ Cười với bút danh chính là Đông Ki Rét và những bút danh khác như Giáo Sư Tiến… Tới Hệ Tại Chức,…, còn tôi viết cho mảng Quốc tế cho báo Tuổi Trẻ. Hễ rảnh hay buồn tình là tôi lại đạp xe lên nhà Từ Duy ở đường Phan Xích Long (Phú Nhuận) hoặc uống trà, hoặc lai rai (tôi phá mồi nhường bia rượu cho Từ Duy).

Sau này, khi Từ Duy lo khâu nội dung cho tờ Tây Ninh cuối tuần, tôi lại viết bài cho Từ Duy.

Hồi đám cưới của Từ Duy với An Bình, hai thằng có một kỷ niệm khó quên. Lúc đó tôi lại nhẵn túi, còn Từ Duy bận lo đám cưới nên chưa thanh toán nhuận bút cho tôi. Vậy là hưởng ứng lời kêu gọi của Từ Duy là bạn bè tới đám cưới với những trò độc chiêu, tôi bèn dụng chiêu lấy mỡ nó rán nó. Tôi nhét trong cái phong bì đóng hụi chết tờ giấy ghi lời chúc mừng hạnh phúc hai bạn. Sau đó tôi ghi thêm đại ý rằng: Tôi mừng đám cưới hai ông bà….. đồng. Ông mần ơn tự trừ trong tiền nhuận bút của tôi hén.

Có thể nói rằng cuộc đời Từ Duy lắm chông gai, bầm giập. Nhưng Từ Duy có bản lĩnh và không chịu thua số phận. Từ Duy lại có mối quan hệ rộng và được nhiều bạn bè không bỏ lơ khi bạn mình cần. Từ Duy có lối nói oang oang, thẳng tính, chẳng nể nang ai, tự tin và tự hào với chính mình. Ai không hiểu tính khí hay những gì phía sau, rất dễ nghĩ Từ Duy hợm hĩnh, tự cao, tự đại, khoe khoang, ngông cuồng. Ừ, Từ Duy ngông thì có ngông, nhưng là cái ngông của kẻ sĩ có khi bất đắc chí chớ không phải ngông cuồng. Từ Duy có ngang thì chỉ là ngang ngạnh, ngang bướng chớ không hề là ngang ngược. Từ Duy ngổ ngáo thì có chớ không phải ngỗ nghịch. Từ Duy tự hào, nhưng không tự mãn. Từ Duy kiêu bạc mà không là kiêu ngạo.

Sau này buông bút nhảy sang làm ẩm thực (đầu tiên là nhà hàng Cối Xay Gió và sau đó tới giờ là nhà hàng Đất Sét gần khu Kỳ Hòa, Q.10) may mắn quá thành công trở nên giàu có, Từ Duy thường tếu táo mình là “nhà thơ giàu nhất nước”, khoái “khoe nhiều tiền”. Từ Duy bỏ rất nhiều tiền để xây dựng cơ ngơi như một biệt phủ và đặt tên là An Bình Phủ. Cái tên này vừa là “nịnh vợ” (tên bà xã là An Bình), vừa thể hiện ý muốn của Từ Duy tạo một nơi chốn an bình để tìm về sau những bôn ba trong cõi đời, vùng vẫy trên chợ đời. Mà Từ Duy tiêu cho mình sướng bằng những đồng tiền do mình đổ mồ hôi, rướm máu mắt mà kiếm được chớ đâu có trấn lột được từ ai hay bòn rút của dân. Từ Duy hoàn toàn là một thường dân giàu có.

Nhưng có ngông, có khoe của đó là Từ Duy tự hào với mình và bỡn cợt cuộc đời mà thôi. Từ Duy không phải là trọc phú hay gã nhà giàu hà tiện đâu. Từ Duy thường tâm sự mình không bao giờ quên thời khốn khổ của mình, nhất là thời niên thiếu. Vì thế Từ Duy hàng năm đều có những chương trình từ thiện tại quê nhà, nhiều năm đồng hành cùng báo Tuổi Trẻ trong các chương trình học bổng nâng bước chân các bạn trẻ Quảng Nam. Với các bạn trong giới văn nghệ sĩ và báo chí, Từ Duy không bao giờ quên những ân nhân trong giới này đã mở lòng với mình buổi ban đầu, nên khi có tiền, Từ Duy luôn sẵn lòng làm một “nhà tài trợ” cho họ giữ nghề và vui với nghề. Đặc biệt là tình cảm đầm đìa lai láng của Từ Duy với Câu lạc bộ Họa sĩ Biếm của báo Tuổi Trẻ Cười.

tranduduy-facebook-1_resize

Trang Facebook của Trần Từ Duy ngày 29-10-2015. Anh cũng mới “chơi phây” cách đây không lâu.

Cái tính, có thể gọi là cố tật, của Từ Duy là khoái chọc cho thiên hạ tức, thậm chí chửi chơi. Từ Duy có biệt tài xuất khẩu thành thơ… ngông. Chỉ có điều, Từ Duy không bao giờ là kẻ có tâm ác. Từ Duy nói rằng mình bị người hại chớ chưa hề làm hại một ai – kể cả khi đã nắm trong tay cái “quyền lực tối thượng” của xã hội nhiễu nhương là đồng tiền.

Có lẽ hơn ai hết, từ tuổi thơ và tuổi trẻ khốn khó, Từ Duy hiểu được giá trị của đồng tiền và cách mà thiên hạ kiếm tiền. Sau này, khi đã trở thành “đại gia” (mà Từ Duy là “đại gia” thiệt với tấm thân to lớn và có một trong những món ăn “độc” là “thịt heo hai đầu da ở giữa nạc”), đột nhiên Từ Duy để râu tóc dài như một đạo sĩ (với người này) hay một thảo khấu (với kẻ khác). Ban đầu với áo chim cò, hoa lá cành, về cuối đời là bộ quần áo nâu với sợi chuỗi hột to đùng trên cổ và những vòng chuỗi hột trên cổ tay. Càng về cuối đời, Từ Duy càng giống đạo sĩ mới xuống núi hơn. Một đạo sĩ uống rượu như nước đóng chai.

tranduduy-facebook-2_resize

Post cuối cùng của Trần Từ Duy trên trang Facebook của mình, đề ngày 7-6-2015.

Thôi chia tay nhau nhé Từ Duy. Tôi không chúc ông an nghỉ mà chỉ mong rằng sau 3 ngày khắc phục xong cái hội chứng lạ lẫm của jetlag sau chuyến bay dài và không chỉ khác múi giờ mà còn khác thế giới, ông sẽ lại tiếp tục rong chơi. Bạn bè ông ở đó nhiều lắm mà. Ông sẽ lại nhậu ngủ quên cả đóng cổng (nên có lần bị trộm vào dọn sạch nhà) với thi sĩ Bùi Giáng, nhậu quên lối về với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn,… Biết đâu vốn quen với việc kinh doanh đất đai ở cõi thế gian, ông lại ngứa tay phân lô bán nền ở đó không chừng. Tôi lại có thêm ý nghĩ này: cũng biết đâu chừng có những người sợ bị ông chọc ghẹo hay thậm chí ghét ông sẽ tìm cách né tránh tối đa để không sớm qua nơi có Duy Từ Trần đang chờ sẵn. Vậy há ông bạn già của tôi!

Nhà thơ và cây bút trào phúng Trần Từ Duy (Đông Ki Rét) tên thật là Trần Văn Lĩnh, sinh ngày 23-3-1958 tại huyện Duy Xuyên, Quảng Nam. Trần Từ Duy đã chính thức trở thành Duy Từ Trần lúc 9g55 ngày 28-10-2015. Lễ nhập quan lúc 19g ngày 28-10 tại nhà riêng (số 44 Trần Văn Danh, Q.Tân Bình, TP.HCM). Lễ động quan vào lúc 6g sáng thứ Bảy 31-10-2015, và an táng tại nghĩa trang chùa Tân Quy, thị trấn Phú Mỹ, Bà Rịa – Vũng Tàu.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 29-10-2015)

+ Chân dung Trần Từ Duy qua nét vẽ của họa sĩ Lan Vo.

Sáng 30-10-2015, tôi đến nhà Trần Từ Duy ở Tân Bình để thắp cho bạn mình nén nhang chia tay. Người ta ắt sẽ ngạc nhiên khi có nhiều vòng hoa của những văn nghệ sĩ nổi tiếng viếng Từ Duy nằm bên cạnh những vòng hoa của những chương trình từ thiện mà Từ Duy luôn tích cực tham gia. Tôi gặp một người bạn vong niên của Từ Duy là ông Tâm An Võ Văn Hào. Thật ra, ban đầu Từ Duy chơi thân với con trai ông, nhưng rồi sau đó kết thân với cả người. Ông Hào giới thiệu mình là bạn vong niên của Từ Duy. Ông mang theo đến viếng Từ Duy tập thơ duy nhất của Từ Duy mang tên Kẻ Đa Tình, xuất bản năm 2008 với lời đề tặng và chữ ký của Duy. Ông đã nhờ tôi chụp cho ông những tấm ảnh ông cầm tập thơ đứng bên linh cữu bạn. Được sự cho phép của ông, tôi chụp lại và chia sẻ trang Từ Duy đề tặng ông trên tập thơ.

151030-trantuduy-taptho-1_resize

Tập thơ duy nhất của Trần Từ Duy ” Kẻ Đa Tình” xuất bản năm 2008 và tên nhà hàng Đất Sét của Từ Duy.

151030-trantuduy-taptho-3_resize