Thứ Sáu ngày 24 tháng 1 năm 2025

Đừng luyến tiếc Note7 như vậy…

samsung-galaxy-note-7-box

 

Sáng 18-10-2016, báo chí đưa tin: Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã phải lên tiếng chính thức kêu gọi người tiêu dùng còn đang giữ hay sử dụng smartphone Samsung Galaxy Note7 hãy vì sự an toàn của chính bản thân và trách nhiệm đối với xã hội mà nhanh chóng tham gia chương trình thu hồi sản phẩm bị lỗi này do Samsung Việt Nam tiến hành.

Vì sao nhà chức trách cấp trung ương phải có ý kiến về một vụ việc của một doanh nghiệp? Đó là vì bất chấp những lời kêu gọi của nhà sản xuất, không ít người dùng Note7 ở Việt Nam, và ở những thị trường khác nữa, ngay cả ở Mỹ, vẫn kiên quyết giữ lại sử dụng tiếp (cũng có một số rất ít giữ lại làm… kỷ niệm hay mưu tính đầu tư lâu dài) chiếc smartphone này. Theo số liệu do Cục Quản lý Cạnh tranh công bố ngày 17-10, hiện vẫn còn 4.633 chiếc Note7 ở Việt Nam chưa thu hồi được. Tổng số Note7 bán được ở Việt Nam trong đợt đầu cho tới ngày ngưng bán là 12.633 chiếc. Samsung Vina bắt đầu chương trình thu đổi Note7 gốc lấy Note7 mới từ ngày 2-9-2016, và bắt đầu chương trình thu hồi và hoàn lại tiền mua máy từ ngày 12-10-2016. Từ ngày 11-10-2016, Note7 chính thức không còn được bán ra hay đổi mới tại Việt Nam.

Lý do mà nhiều người vẫn kiên quyết giữ lại Note7 đưa ra là thiết bị của họ cho tới nay vẫn sử dụng ngon lành. Một phần trong số đó là do quá mê Note7.

Thật sự mà nói, cho tới nay, số trường hợp Note7 bị cháy nổ tại 10 thị trường mở bán đợt 1 (từ ngày 19-8-2016) vẫn chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng số 2,5 triệu sản phẩm đã được bán ra. Nhưng đây lại là lỗi nguy hiểm, có thể gây nguy hại cho tính mạng và tài sản của người dùng lẫn người chung quanh. Ngoài ra, phải chăng tỷ lệ sự cố còn thấp nhờ Samsung đã quyết định ngưng bán và thu hồi sớm (ngày 1-9-2016, Tập đoàn Samsung đã quyết định ngưng bán và ngày 2-9 bắt đầu thu đổi số đã bán ra, nghĩa là chỉ 13 ngày sau khi bắt đầu mở bán).

Note7 ra mắt thế giới ngày 2-8-2016 tại New York (Mỹ) và được giới thiệu tại Việt Nam ngày 10-8-2016. Samsung giới thiệu đây là chiếc smartphone xuất sắc nhất mà họ từng sản xuất được. Nhiều người từng có điều kiện sử dụng Note7 cũng đánh giá cao sản phẩm này. Nhưng ngay sau khi Note7 được mở bán, những báo cáo về sự cố phần mềm của smartphone này đã nhanh chóng xuất hiện trên Internet. Rồi tới những vụ cháy nổ pin. Tình hình nghiêm trọng tới mức ngày 1-9, Samsung đã phái ra quyết định ngưng bán Note7 và ngay hôm sau tiếp tục có quyết định thu đổi toàn bộ số Note7 đã bán ra trong đợt 1 trên toàn cầu. Ngày 21-9, Samsung ở Mỹ bắt đầu giao những chiếc Note7 mới mà họ khẳng định là an toàn và được nhà chức trách Mỹ phê duyệt cho những người đổi máy. Nhưng sau đó, có ít nhất 4 vụ Note7 mới bị cháy nổ xảy ra ở Mỹ. Cuối cùng, ngày 11-10-2016, Tập đoàn Samsung đã quyết định ngưng sản xuất Note7 và tiến hành thu hồi toàn bộ sản phẩm này đã bán ra thị trường, cả bản gốc lẫn bản thay thế. Có nghĩa là từ ngày 11-10-2016, Note7 đã bị Samsung kết thúc vòng đời.

Smartphone Note7 không còn là một sản phẩm có lỗi kỹ thuật phải thu hồi nữa. Với lỗi rành rành của mình (mà cho tới nay vẫn chưa được Samsung xác định và công bố), Note7 bị coi là một vật dụng nguy hiểm. Bộ Giao thông – Vận tải Hoa Kỳ đã cấm mang Note7 lên máy bay dưới mọi hình thức từ ngày 15-10-2016, kể cả các chuyến bay từ nước khác đến Mỹ. Note7 bị cấm theo điều khoản của Luật về vật liệu nguy hiểm Liên bang (HMR; 49 CFR Parts 171-185), theo đó cấm hành khách máy bay hay nhân viên đội bay mang theo pin lithium (cả dưới hình thức cell lẫn pin hoàn chỉnh) hoặc các thiết bị điện tử cơ động có thể phát nóng nguy hiểm. Riêng với Note7, Cục An toàn Đường ống và Các vật liệu nguy hiểm Hoa Kỳ (PHMSA) đã cấp phép đặc biệt cho Samsung ở Mỹ được vận chuyển các thiết bị thu hồi bằng các phương tiện vận chuyển dưới đất. Chính phủ Mỹ cảnh báo, người nào tìm cách đưa Note7 lên máy bay thì ngoài các hình phạt còn có thể bị truy tố hình sự.

Tới bây giờ, Samsung đã không còn có thể bảo đảm đâu là chiếc Note7 hoàn toàn an toàn.

Thực tế, việc chủ nhân Note7 không tham gia các chương trình thu hồi của Samsung sẽ gây khó, gây nguy hiểm cho chính mình và cho cộng đồng.

Bởi sau hạn cuối của chương trình thu hồi, các Note7 không còn được hưởng chế độ bảo hành của Samsung nữa. Xét theo luật ở nhiều nước, Samsung cũng không còn phải chịu bất cứ trách nhiệm pháp lý nào khi những chiếc Note7 tới đó mới có chuyện. Những thiệt hại do sự cố Note7 gây ra cũng không còn được các hãng bảo hiểm chấp nhận bồi thường. Cũng có thể chủ nhân Note7 sẽ bị khép vào tình tiết tăng nặng khi thiết bị của mình gây ra thiệt hại, bởi cố tình tàng trữ vật nguy hiểm đã bị nhà sản xuất thu hồi.

Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Hãng Luật Giải Phóng, khi giao dịch mua bán hoàn tất, người mua hàng không khiếu nại chất lượng sản phẩm thì kể cả trong trường hợp sản phẩm bị lỗi, nhà sản xuất ra khuyến cáo và thu hồi để khắc phục; nộp lại hay không là quyền của người tiêu dùng. Tuy nhiên, nếu có khuyến cáo về nguy cơ gây nguy hiểm từ sản phẩm, người tiêu dùng phải thực hiện khuyến cáo này. Nếu hậu quả xảy ra, người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả, hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. (Theo báo Người Lao Động 19-10-2016)

Nỗi đau của Samsung sẽ phải kéo dài, không thể khép lại để bắt đầu cho chương đời mới. Bởi lẽ khi vẫn còn Note7 có mặt trên cuộc đời này, các quy định cảnh báo về Note7 vẫn còn bị duy trì và có thể gây ảnh hưởng lây lan tới những sản phẩm khác của Samsung, nói chung là ảnh hưởng tới hình ảnh và thương hiệu này.

Cục Quản lý Cạnh tranh đã phải kêu gọi người dùng Note7 không giữ lại sản phẩm này để vì “trách nhiệm đối với xã hội”. Bởi lẽ Note7 đã bị coi là vật dụng tiềm tàng nguy cơ cháy nổ, có thể gây nguy hiểm cho mọi người. Nó có thể gây phiền nhiễu và bất an cho người khác. Đó là lý do người dùng không thể vì tình cảm và lợi ích cá nhân của mình mà có thể gây nguy hiểm cho những người chung quanh.

Từ câu chuyện thực tế của sự cố Note7 – một trận đại địa chấn của làng công nghệ thế giới, người ta sẽ tốn nhiều giấy mực cho các phân tích của không chỉ giới công nghệ mà còn nhiều lĩnh vực khác trong cuộc sống, đặc biệt là về kinh doanh và văn hóa tiêu dùng.

Samsung nhấn mạnh rằng họ luôn đặt sự an toàn của khách hàng là ưu tiên hàng đầu. Vì thế, họ chấp nhận thiệt hại nhiều tỷ USD để loại bỏ Note7 ra khỏi danh sách sản phẩm và thu hồi toàn bộ số máy đã bán ra trên toàn cầu. Tất nhiên, Samsung không có sự lựa chọn nào tối ưu hơn nếu như muốn tiếp tục tồn tại. Nhưng công bằng mà nói, cách chịu trách nhiệm đầy dũng cảm và xử lý vấn đề (đã lên mức khủng hoảng toàn cầu) của tập đoàn Hàn Quốc này cần được đánh giá cao. Hãy coi cách họ hành xử: rất tỉ mỉ, chuyên nghiệp và biết nghĩ tới quyền lợi và cảm nhận của khách hàng.

Tuy nhiên, về phía nhà sản xuất, sẽ không phải là một cách xử lý bản lĩnh và đẳng cấp nếu như Samsung lẳng lặng xếp lại Note7, giải quyết xong các quyền lợi của khách hàng rồi coi như xong chương Note7, có gì thì nội bộ tự xử với nhau. Người tiêu dùng nói chung và các SamFan nói riêng vẫn cần Samsung sớm có một lời giải thích thấu đáo và thuyết phục về sự cố Note7. Âu đó cũng là một lẽ sòng phẳng trong kinh doanh và biết tôn trọng khách hàng của mình.

Còn về người tiêu dùng sản phẩm công nghệ, người tiêu dùng không chỉ thông minh trong việc chọn lựa sản phẩm mà còn cần thông minh cả trong cách sử dụng nó. Mê công nghệ thì ai không mê, nhưng đừng để phát cuồng công nghệ tới mức độ chỉ biết tự sướng mà bất chấp mọi người. Người tiêu dùng thông minh là người tiêu dùng có trách nhiệm với mình và với xã hội.

Tín hiệu tốt là sau này trên mạng truyền thông xã hội không còn thấy xuất hiện những ý kiến của những người dùng kiên quyết giữ lại Note7. Hy vọng là gần 5.000 chiếc Note7 còn lại (con số này thực tế còn cao hơn vì có nguồn hàng không chính thức) sẽ được thu hồi trong chương trình thu hồi ở Việt Nam kéo dài tới ngày 18-11-2016. Và hy vọng trong thời gian chưa hoàn trả lại cho Samsung, các chiếc Note7 này đều phải được tắt nguồn, không tiếp tục sử dụng theo như lời khuyến cáo của cả Samsung lẫn cơ quan chức năng Nhà nước.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.

+ Có thể đọc bài in trên báo Người Lao Động ngày 19-10-2016 và trên báo Người Lao Động Online

161019-baibao-nguoilaodong-3_resize