Chủ nhật ngày 12 tháng 1 năm 2025

Công nghệ trên ôtô gây mất an toàn giao thông

 

Bây giờ, dân chơi xe “vũ trang” cho chiếc ôtô của mình lủ khủ những món đồ, thiết bị công nghệ. Có người muốn trang bị cho phương tiện đi lại của mình thêm nhiều tiện ích, tính năng mới. Có người chỉ muốn trang trí cho nó thời thượng. Chỉ có điều, bất cứ thiết bị nào gắn thêm không có trong thiết kế gốc của chiếc xe đều cần cẩn trọng kẻo tiền mất tật mang, chuốc thêm những phiền toái, rủi ro.

Gần đây trên báo chí có tin một trung tâm đăng kiểm tại TP.HCM yêu cầu chủ xe phải tháo gỡ hệ thống màn hình ra khỏi xe thì mới được thông xe. Lý do là trong thiết kế gốc của xe không có hệ thống nghe nhìn này.

Thoạt nghe, phản ứng của không ít người là trách nhà chức trách làm khó người dân. Nhưng thực tế thì cơ quan đăng kiểm có cái lý của họ, trước hết là vì sự an toàn của xe và những người đi trên xe.

Ở đây tôi không nói về chuyện liệu hệ thống nghe nhìn này được gắn thêm có ảnh hưởng ra sao tới kết cấu và hoạt động của xe. Liệu những mối nối dây điện bị làm cẩu thả có gây chạm giựt, phát cháy hay không? Nhưng rõ ràng, những nguy cơ là có thật. Hồi trước, nhà xe còn gắn những chiếc TV loại bóng đèn hình to đùng lên trần xe. Bây giờ hiện đại hơn, người ta chuyển sang TV LCD hay LED, nhưng đó vẫn là những đồ vật lớn và nặng. Nguy cơ nguyên chiếc TV rớt xuống là có thể xảy ra, nhất là khi xe phải thường xuyên chạy trên những con đường xấu, dằn xóc, đầy ổ trâu ổ voi.

Điều mà tù lâu giới chuyên gia an toàn giao thông trên thế giới vẫn thường cảnh báo là những chiếc màn hình gắn thêm trên xe có thể gây chia trí, mất tập trung cho người đang lái xe. Ngay tới chiếc màn hình thông tin gắn trên bảng điều khiển xe (dashboard) mà cũng phải có nơi có chỗ và chỉ phục vụ cho việc lái xe. Chiếc màn hình này chủ yếu cung cấp các thông tin, dẫn đường và nối với camera để quan sát chung quanh xe giúp lái xe thuận tiện và an toàn hơn chứ không phải để dùng cho người lái xe xem phim.

Trong khi đó, hầu hết chiếc màn hình TV gắn thêm trên xe nằm ngay trên đầu tài xế. Khó lòng để người lái xe không có lúc – đôi khi do phản xạ – nhìn lên để xem những gì xảy ra trên màn hình, đặc biệt là những pha, những tình tiết hấp dẫn. Liệu một bác tài mê bolero có thể tập trung vào lay lái khi trên màn hình xuất hiện những ca sĩ trẻ đẹp, hát hay như Tố My, Thu Hằng,…?

Để dung hòa giữa yêu cầu an toàn giao thông và nhu cầu giải trí trên đường xa của hành khách, những nhà sản xuất xe đã cho gắn những chiếc màn hình LED lên ngay sau lưng ghế để chỉ phục vụ hành khách mà không làm ảnh hưởng tới người lái.

Woman texting while driving

Nhưng chắc chắn hành vi gây mất tập trung khi lái xe nhất chính là sử dụng điện thoại di động. Có những người nói rằng dùng đế gắn điện thoại rồi mở loa ngoài hay dùng tai nghe Bluetooth thì vô tư mà tám. Thật ra, những trợ thủ đó chỉ giúp đôi tay khỏi vướng víu thôi, chứ bản chất của vấn đề là tình trạng mất tập trung của người lái xe vẫn chẳng giảm bao nhiêu. Bạn cứ thử vừa lái xe, vừa trò chuyện với người ngồi bên cạnh coi có bị mất tập trung vào tay lái không thì rõ thôi mà. Không có chuyên gia an toàn giao thông nào khuyến khích chuyện khách đi xe chuyện gẫu với người lái. Hỏi thăm nhau đôi điều, thỉnh thoảng lên tiếng vài câu cho bớt tẻ nhạt là chuyện khác. Tình hình đặc biệt là nghiêm trọng khi đang lái xe trong thành thị với mật độ xe cộ cao, cần tập trung hơn vào việc điều khiển xe.

Ngày càng có thêm nhiều nước, kể cả ở Mỹ, đưa ra những quy định xử phạt nặng cho hành vi vừa lái xe, vừa sử dụng điện thoại.

Bộ Giao thông Vận tải Anh cho biết trong nửa đầu năm 2017, các luật định mới về an toàn giao thông sẽ được áp dụng ở Anh, Scotland và Xứ Wales. Riêng với hành vi vừa lái xe, vừa sử dụng điện thoại di động, bao gồm cả hành vi gửi tin nhắn (text message) có mức phạt nặng là trừ tới 6 điểm trên giấy phép lái xe và phạt 200 bảng Anh. Tái phạm lần thứ hai có thể phải ra tòa với mức tiền phạt tới 1.000 bảng Anh và bị cấm lái xe ít nhất 6 tháng. Hiện nay, mức phạt cho tội này ở Anh là trừ 3 điểm và phạt 100 bảng Anh.

Kết quả một cuộc khảo sát năm 2016 cho thấy có tới 1 phần 3 người lái xe ở Anh dùng điện thoại để nhắn tin, gọi điện, sử dụng các ứng dụng trong khi đang lái xe. Con số tăng lên kể từ năm 2014. Theo Bộ Giao thông – Vận tải Anh, trong năm 2014 có 492 vụ tai nạn giao thông ở Anh là do người lái xe mất tập trung bởi đang sử dụng điện thoại, trong đó có 21 vụ gây chết người và 84 vụ làm bị thương nặng.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hồi cuối năm 2015 công bố một báo cáo cho thấy Top 3 nguyên nhân gây tử vong cao nhất cho con người trên toàn cầu lần lượt là bệnh AIDS, bệnh lao và tai nạn giao thông. Về tai nạn giao thông, WHO thống kê 5 nguyên nhân chính là người lái xe mất tập trung, phóng nhanh vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm, có uống rượu bia, và không thắt dây an toàn.

Riêng ở Việt Nam, các chuyên gia nhấn mạnh rằng việc mất tập trung khi đang lái xe là nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn giao thông.

Từ ngày 1-1-2017, theo Nghị định 46/2016 của Chính phủ, người lái xe ôtô và các loại xe tương tự bị phạt từ 600.000 đồng tới 800.000 đồng cho hành vi “dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường”. Người điều khiển xe mô-tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) đều bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi “Người đang điều khiển xe sử dụng ô (dù), điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính.”

Văn hóa giao thông và sự an toàn giao thông vậy là cũng có liên quan tới công nghệ.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh Internet. Thanks.

+ Có thể đọc bài in trên báo Pháp Luật Chủ nhật 15-1-2017 và trên báo Pháp Luật TP Online