Thứ Ba ngày 21 tháng 1 năm 2025

Quản lý Internet không có nghĩa là ngắt kết nối…

 

 

Theo thống kê của trang tin công nghệ The Next Web, tính tới tháng 7-2017, số người dùng Facebook ở Việt Nam là 64 triệu người (chiếm 3% trong tổng số tài khoản Facebook đang hoạt động toàn cầu). Và Việt Nam trở thành nước có nhiều người dùng Facebook thứ 7 trên thế giới.

Hồi hạ tuần tháng 5-2017, khi thăm Việt Nam, ông Eric Schmidt, Chủ tịch điều hành Tập đoàn Alphabet (công ty mẹ của Google), đã cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biết rằng Việt Nam hiện đứng thứ 2 thế giới về số người dùng mạng xã hội video YouTube, chủ yếu là để giải trí và học tập.

Số lượng người Việt dùng các công cụ tìm kiếm trên Internet (chủ yếu là Google Search), lưu trữ trên mây (như Google Drive, OneDrive, Dropbox,…) hay dịch thuật (Google Translate),… cũng rất đông.

Theo số liệu của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông hồi tháng 2-2017, Việt Nam hiện có gần 50 triệu người sử dụng Internet (chiếm 53% dân số) – cao hơn mức trung bình của thế giới là 46,64% dân số. Trong đó, có tới 78% số người sử dụng Internet dùng Internet thường xuyên mỗi ngày. Việt Nam đã đặt ra mục tiêu trong thời gian tới tăng người sử dụng Internet lên 80-90% dân số, ngang bằng với các nước đang phát triển hiện nay.

Nói vậy để thấy Internet nói chung, và các dịch vụ Internet, các mạng truyền thông xã hội nói riêng hiện nay đóng vai trò quan trọng ra sao trong cuộc sống xã hội ở Việt Nam. Chúng đã trở thành một phần tất yếu của cuộc sống từ thành thị tới nông thôn, khắp các ngõ hẻm xóm thôn, tất tần tật nam phụ lão ấu.

Vì vậy, cái gì đụng chạm tới việc được hưởng thụ các tiện ích Internet đều ảnh hưởng trực tiếp tới hầu hết người dân, chỉ khác nhau ở mức độ.

Đó là lý do vì sao trong những này qua, trên mạng có lúc sốt nóng lên về cái Khoản 4 Điều 34 của Dự thảo Luật An ninh mạng với quy định: “Các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia Việt Nam; có giấy phép hoạt động, đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam…” Người ta lo ngại rằng với các điều kiện đó, các mạng xã hội như Facebook, YouTube, Twitter,… và nhiều dịch vụ Internet khác sẽ phải hoặc rút khỏi Việt Nam, hoặc hoạt động “chui”.

Thực tế thì nước nào cũng có chủ quyền lãnh thổ và muốn quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh doanh của nước ngoài trên lãnh thổ nước mình.

Nếu xét ở khía cạnh nào đó, tôi nghĩ rằng việc cần phải xin phép hoạt động và có đại diện ở Việt Nam dù sao cũng là điều có thể chấp nhận được. Các doanh nghiệp lớn có quy mô quốc tế nếu có ý hướng làm ăn lâu dài và ổn định ở một nước nào đó chắc chắn cũng chọn cách chấp hành các quy định luật pháp của nước sở tại. Nhưng trong chừng mực hợp lý và phù hợp với thông lệ quốc tế. Nếu không trực tiếp mở văn phòng tại Việt Nam, họ cũng có thể thông qua một đối tác ở Việt Nam. Điều này là cần thiết để có thể có đầu mối liên lạc cụ thể và trói buộc trách nhiệm khi xảy ra sự cố.

Tuy nhiên, về cơ sở hạ tầng kỹ thuật lại là chuyện khác. Các doanh nghiệp nước ngoài có thể thuê thêm máy chủ ở Việt Nam theo nhu cầu kinh doanh nhưng không đồng nghĩa với việc họ chấp nhận để Việt Nam kiểm soát cơ sở dữ liệu của họ. Nếu hai bên quan hệ tốt, họ có thể hợp tác cung cấp những thông tin mà nhà chức trách sở tại cần thiết trong những trường hợp cụ thể phù hợp với công pháp và thông lệ quốc tế.

Nhiều chuyên gia cho rằng việc đặt máy chủ dữ liệu ở đâu không quan trọng bằng việc quản lý việc sử dụng dữ liệu đó ra sao. Đó mới chính là mục đích của bảo vệ an ninh mạng, an toàn thông tin. Hơn nữa, dữ liệu người dùng chính là một loại tài sản sống còn của các doanh nghiệp mà họ phải bảo vệ ở mức độ cao nhất để vừa không vi phạm cam kết với khách hàng, vừa bảo đảm được hoạt động của mình.

Ngay cả luật định quốc tế cũng bảo vệ sự trong suốt, rộng mở của không gian mạng. Hồi đầu tháng 11-2017, dựa trên ý kiến của giới doanh nghiệp và giới chuyên môn, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có văn bản gửi Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội để góp ý đối với Dự thảo Luật An ninh mạng. VCCI cho rằng có hàng loạt quy định tại Dự thảo còn nhiều bất cập, chồng chéo, bất khả thi và gây khó cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp quốc tế có hoạt động trên quy mô toàn cầu.

Không chỉ trái thông lệ quốc tế, mà theo VCCI có những quy định trong Dự thảo Luật An ninh mạng trái với những cam kết quốc tế của Việt Nam. Cụ thể trong cam kết của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), dịch vụ viễn thông cung cấp qua biên giới không bị hạn chế tiếp cận thị trường, trừ một số trường hợp cụ thể (nhưng trong các trường hợp loại trừ đó không quy định phải có cơ quan đại diện trên lãnh thổ Việt Nam). Cam kết trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) mà Việt Nam đã ký kết cũng có nội dung tương tự. Ngay cả trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam ký kết tháng 2-2016, Chương Thương mại điện tử, Khoản 2, Điều 14.13 (địa điểm của hạ tầng công nghệ thông tin) cũng có quy định cụ thể: “Không bên nào yêu cầu đối tượng áp dụng của chương này được sử dụng, hoặc lựa chọn địa điểm lắp đặt các cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin trong phạm vi lãnh thổ của bên mình nhằm xem đó như là điều kiện để triển khai công việc kinh doanh trong lãnh thổ đó.”

Rõ ràng, chỉ với một Khoản 4 Điều 34 của Dự thảo này mà đã hiển nhiên trái với một loạt điều ước quốc tế quan trọng mà Việt Nam đã cam kết rồi.

Tóm lại, tôi nghĩ như thế này:

  1. Thay vì là một điều kiện bắt buộc mang tính hành chính áp đặt, ta nên để cho doanh nghiệp nước ngoài quyết định đặt máy chủ ở đâu theo nhu cầu kinh doanh của họ. Nhà chức trách chỉ cần buộc họ phải hợp tác cung cấp dữ liệu khi cần thiết và phù hợp luật pháp quốc tế.
  2. Hiện nay hoạt động Internet ở Việt Nam đang được chi phối bởi nhiều luật định, văn bản pháp quy. Vì thế, thay vì tự mình soạn thảo một luật mới thể hiện cách nhìn của mình cũng như phục vụ cho các lợi ích của ngành, Bộ Công an chỉ cần đề xuất chỉnh sửa, bổ sung các luật hiện hành có liên quan. Dĩ nhiên là không thể áp đặt chủ quan và lợi ích cục bộ.
  3. Không nên để Việt Nam bị cộng đồng quốc tế cho rằng nhà nước duy trì bảo hộ doanh nghiệp trong nước khi dùng các rào cản pháp lý để làm khó các doanh nghiệp nước ngoài cùng lĩnh vực.
  4. Không thể vì sự bất cập và yếu kém trong năng lực quản lý, phòng chống thông tin giả, thông tin xấu trên Internet của mình mà nhà chức trách gây khó khăn cho các nhà cung cấp dịch vụ. Cần coi các nhà cung cấp dịch vụ như những phương tiện, công cụ công nghệ. Đối tượng chính cần phải nghiêm trị là những kẻ lợi dụng các phương tiện đó để phạm pháp.
  5. Quản lý các vấn đề mang tính công nghệ phải bằng các biện pháp công nghệ chứ không phải dùng các biện pháp hành chính áp đặt.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Bài in trên báo Pháp Luật TP.HCM thứ Bảy 11-11-2017.

+ Ảnh từ Internet. Thanks.