Thứ Năm ngày 31 tháng 10 năm 2024

Ali cái mà Ali Baba…

Ngay sau khi có thông tin dịch vụ thanh toán online Alipay của tập đoàn kinh doanh Internet Alibaba của Chị Na ký hợp tác với Công ty CP thanh toán quốc gia Việt Nam NAPAS nhân chuyến nhà tỷ phú Jack Ma, ông chủ Alibaba, được ai đó mời sang thăm Việt Nam, FB của tôi bắt đầu xuất hiện hàng loạt quảng cáo mời mua hàng của AliExpress, dịch vụ bán lẻ online của Alibaba.

Việc hợp tác giữa Alipay và NAPAS được phân bua là giúp các đơn vị bán hàng ở Việt Nam có thêm một phương tiện thanh toán phục vụ cho khách du lịch Chị Na mua sắm, chi tiêu bằng Alipay khi sang Việt Nam. Có lẽ ai cũng hiểu chỉ vài người không hiểu đây là bước đầu mà thôi. Liệu Alipay và Alibaba có thâu tóm hay thống lĩnh thị trường thương mại và thanh toán điện tử ở Việt Nam không chỉ là một câu hỏi tu từ học, mà thực tế phải hỏi là khi nào?

Alipay hay còn có tên ở bản địa là Zhifubao ra đời năm 2004 hiện là nền tảng thanh toán di động và online lớn nhất thế giới (soán ngôi PayPal hồi năm 2013). Nó cũng là số 1 ở Trung Quốc (chiếm 54% thị phần trên thị trường thanh toán di động trị giá 5.500 tỷ USD của Trung Quốc – thị phần Alipay bị giảm từ 71% hồi năm 2015 xuống do bị cạnh tranh bởi WeChat Pay của đồng hương Tencent).

Theo Tổng cục Du lịch, trong năm 2016, du khách Trung Quốc đến Việt Nam đạt 2,7 triệu người (chiếm 27% tổng lượng du khách quốc tế đến Việt Nam). Trong quý 1-2017, du khách Trung Quốc tăng 64% so với cùng kỳ năm 2016, đạt gần 950.000 lượt người (chiếm 30% tổng lượng du khách quốc tế đến Việt Nam).

Giới chuyên môn cho biết Alibaba đang dùng AliExpress (ra đời năm 2010) để mở rộng tầm hoạt động từ Trung Quốc sang châu Á và toàn thế giới, cạnh tranh với các ông lớn như Amazon, eBay,… Bởi vậy, thiệt là đáng lo cho các dịch vụ thương mại điện tử hiện nay ở Việt Nam. Lazada Group thành lập năm 2011 ở Đức đã bị Alibaba Group mua lại hồi tháng 4-2016.

Trong chuyện cổ tích xứ Nghìn Lẻ Một Đêm Ba Tư, kho báu bí mật của 40 tên cướp đã bị gã tiều phu Ali Baba mở toang bằng cái mật khẩu ăn trộm được: “Vừng ơi, mở cửa ra”. Còn phiên bản tiếng Việt xuất bản năm 2017 có lẽ là câu thần chú: “Chết mày rồi Đậu ơi”.

PHẠM HỒNG PHƯỚC