Thiên tài Stephen Hawking đã đi vào vũ trụ
Ngày 14-3-2018, thế giới nói chung và ngành vũ trụ học nói riêng đã mất một thiên tài. Đó là nhà bác học Anh Stephen Hawking, một nhà vật lý lý thuyết (theoretical physicist), nhà nghiên cứu vũ trụ (cosmologist), và tác giả. Báo Anh The Guardian (14-3-2018) đã gọi Hawking là “ngôi sao sáng nhất của khoa học” (science’s brightest star).
Vào sáng sớm 14-3-2018, gia đình Hawking đã phát một thông báo cho biết nhà bác học đã qua đời tại nhà ở Cambridge (Anh), thọ 76 tuổi. Ba người con của Hawking Lucy, Robert và Tim đã viết trong cáo phó này: “Chúng tôi đau buồn sâu sắc về việc người cha kính yêu của mình đã qua đời hôm nay. Ông là một nhà khoa học vĩ đại và một người đàn ông phi thường mà công việc và di sản của ông sẽ sống nhiều năm. Sự dũng cảm và sự kiên trì của ông với sự thông minh và hài hước đã truyền cảm hứng cho người ta trên khắp thế giới.”
Stephen Hawking sinh ngày 8-1-1942 tại Oxford, Oxfordshire (Anh).
Tác phẩm khoa học cho công chúng nổi tiếng nhất của Hawking là cuốn A Brief History of Time (Lược sử thời gian) trong đó ông giải thích những bí ẩn của vũ trụ một cách hấp dẫn và dễ hiểu. Xuất bản lần đầu tiên năm 1988, cuốn sách đã lập được kỷ lục thế giới Guinness khi nằm trong danh sách bestseller của báo Anh Sunday Times suốt 237 tuần. Cho tới nay, cuốn sách đã bán được 10 triệu bản và được dịch ra 40 ngôn ngữ, trong đó có tiếng Việt. Xin lưu ý, cuốn sách nổi tiếng này được xuất bản sau khi ông đã không còn khả năng vận động cơ thể và nói năng.
Hawking bắt đầu phát sinh những khó khăn trong vận động từ năm cuối ở Đại học Oxford. Năm 21 tuổi, ông được chẩn đoán mắc bệnh thần kinh vận động (motor neurone disease) và khi đó các bác sĩ dự báo ông chỉ sống thêm được 2 năm nữa.
Nhưng rồi với những nghị lực phi thường cũng như tình yêu với người vợ đầu tiên Jane Wilde (kết hôn 1965, ly hôn 1991), Hawking đã vượt qua được những khủng hoảng vì sốc và lao vào làm việc. Cuối thập niên 1960, ông bắt đầu dùng nạng. Đến cuối những năm 1970, chỉ có gia đình và những bạn bè thân thiết mới hiểu được những lời ông phát âm. Mùa hè 1985, khi đi thăm CERN (Tổ chức Nghiên cứu hạt nhân châu Âu, European Organization for Nuclear Research) tại Geneve (Thụy Sĩ), Hawking mắc bệnh viêm phổi nặng tới mức đã ra đi nếu như vợ ông không từ chối gợi ý của bác sĩ là ngắt các thiết bị duy trì sự sống của ông. Nhưng sau ca giải phẫu mở khí quản, ông mất hết chút năng lực phát âm còn lại. Sau thời gian ban đầu phải giao tiếp bằng cách nhướng lông mày chọn những chữ cái trên thẻ đánh vần, Hawking đã nhận được chương trình máy tính Equalizer của Walt Woltosz chạy trên máy tính để phát âm tiếng nói nhân tạo các các cụm từ, từ, hoặc mẫu tự mà ông chọn bằng một chiếc công tắc.
Không chỉ là một nhà bác học thời hiện đại lại chuyên về những chuyện cao siêu trên trời, trong vũ trụ, Stephen Hawking còn là một tấm gương cho những người khuyết tật trên thế giới.
Cuộc đời kịch tính và phi thường của Stephen Hawking đã được dựng thành bộ phim truyện The Theory of Everything (Thuyết Vạn vật) năm 2014 và phim này đã giành được một loạt giải thưởng, trong đó có giải Oscars 2015 cho nam diễn viên chính xuất sắc nhất (Eddie Redmayne). Nếu không thể mua được bản có bản quyền đàng hoàng, bạn có thể xem bộ phim về cuộc đời nhà bác học Stephen Hawking tại nhiều dịch vụ xem phim online.
Nhưng nhiều người sẽ phải ngạc nhiên khi biết nhà bác học Stephen Hawking từng đến Việt Nam và có một cô con nuôi người Việt. Câu chuyện này vừa có trên trang Sao Star.
Nếu dùng từ “nhân tài” thì không thể nào tương xứng với tầm vóc của nhà bác học Stephen Hawking. Chính xác phải gọi ông là “thiên tài”. Ngày hôm nay 14-3-2018, Stephen Hawking đã buông tay để cho vũ trụ cuốn hút mình vào cõi bao la sau 55 năm được bác sĩ dự báo chỉ sống thêm được 2 năm nữa.
Cầu nguyện cho thiên tài vật lý vũ trụ Stephen Hawking an nghỉ. R.I.P.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.