Nếu hai người họ không diễn, người dân hai miền Triều Tiên hạnh phúc…
Những tấm ảnh và video về cuộc gặp thượng đỉnh Liên Triều lần thứ 3 ngày 27-4-2018 tại Bàn Môn Điếm giữa nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thật sự cho những người quan tâm tới vấn đề – thậm chí vấn nạn Triều Tiên – nhen nhóm hy vọng trở lại.
Hai nhà lãnh đạo một 65 tuổi và một trên dưới 35 tuổi có nhiều thời gian chuyện trò riêng hai người với nhau. Họ cùng chung một ngôn ngữ nên chẳng cần phải thông qua phiên dịch.
Ông Kim nói: “Chúng ta sắp là một trở lại, như chúng ta cùng chia sẻ chung lịch sử, chung ngôn ngữ, chung văn hóa, chung dòng máu. Chúng ta sắp nhìn lại một cách hạnh phúc những thời kỳ khó khăn trong quá khứ khi chúng ta đạt được một tương lai mới. Không có gì đạt được mà không đau đớn (no pain, no gain). Chúng ta hãy tiến lên phía trước, bước từng bước cho tương lai tươi sáng cùng nhau.”
Tuyên bố chung Liên Triều tuyên bố “Sẽ không còn chiến tranh nữa trên Bán đảo Triều Tiên”.
Hai nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng cam kết làm việc cùng nhau để “phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên”.
Từ bên kia Thái Bình Dương, Tổng thống Mỹ Donald Trump vào sáng 27-4-2018 đã tweet trên mạng Twitter: “KOREAN WAR TO END! The United States, and all of its GREAT people, should be very proud of what is now taking place in Korea!” (Cuộc Chiến tranh Triều Tiên kết thúc. Hoa Kỳ và toàn bộ nhân dân vĩ đại của mình nên rất tự hào về những gì đang diễn ra ở Triều Tiên!).
Trong ảnh và video, hai nhà lãnh đạo Triều Tiên có nhiều lần tỏ ra phấn khích, tươi cười với nhau. Có những lúc họ như cha và con. Và tuy là khách, nhưng ông Kim có những khi chủ động và kéo chủ nhà làm theo mình trong sự bất ngờ và ngạc nhiên. Chẳng hạn như khi ông Kim đã bước qua lằn ranh đình chiến đặt chân lên miền Nam rồi lại bất ngờ đưa tay ra mời ổng Moon cùng mình bước trở lại phần giữa lằn ranh – phần trung lập để rồi tay trong tay cùng nhau bước qua lằn ranh lịch sử và định mệnh để báo chí ghi hình giữa những tiếng vỗ tay tán thưởng. Rồi sau khi cùng duyệt đội quân danh dự và chào thành viên hai bên, bước đi được vài bước, ông Kim đã dừng lại và lần nữa làm chủ nhà bất ngờ khi đề nghị hai đoàn đại biểu cùng chụp tấm ảnh chung lưu niệm.
Có một người bạn ở Hàn Quốc băn khoăn: “Phải chăng hòa bình và thống nhất là hai vấn đề khác nhau?” Đúng. Đó thậm chí là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau trong cách đạt tới cho dù có quan hệ hỗ tương lẫn nhau. Hòa bình thì có thể làm ngay, như hai bên tuyên bố sẽ diễn ra ngay trong năm 2018 này. Năm 1953, hai miền đã ký kết tại Bàn Môn Điếm này hiệp định đình chiến để ngưng cuộc Chiến tranh Triều Tiên (Korean War) nổ ra từ tháng 6-1950 giữa Bắc Triều Tiên (với Trung Quốc và Liên Xô tiếp sức) và Hàn Quốc (được Mỹ hỗ trợ). Do đây không phải là một hiệp định hòa bình nên về kỹ thuật, cho tới nay hai nước vẫn đang ở trong tình trạng chiến tranh với nhau. Bây giờ, nếu cả hai cùng muốn, họ chỉ cần ngồi lại với nhau ký một hòa ước chính thức. Còn chuyện thống nhất, cho dù có là khát vọng chung của người dân hai miền, nhưng có rất nhiều chuyện phức tạp phải đạt được thỏa thuận với nhau – bắt đầu từ chính trị với nhiều thứ phải từ bỏ. Càng khó hơn khi sự khác biệt về kinh tế và mức sống quá lớn giữa hai miền. Ngay cả trong trường hợp nước Đức thống nhất hồi tháng 10-1990, cho dù là người châu Âu có phần thông thoáng hơn, hai miền Đông và Tây Đức vẫn phát sinh không ít vấn đề do chênh lệch kinh tế.
Thú thiệt, tôi chẳng bao giờ đặt trọn lòng tin vào các nhà chính trị. Đặc biệt là các chính khách cầm quyền. Họ nhiều mưu ma chước quỷ. Nhưng bất luận thế nào, nhìn thấy những gì diễn ra trong ngày 27-4-2018 ở Bán đảo Triều Tiên, tôi vẫn không thể không cảm thấy vui. Chuyện của họ mà không phải chỉ ảnh hưởng có họ.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
+ Ảnh: Internet. Thanks.