Thứ Tư ngày 22 tháng 1 năm 2025

Ừ thì là đặc khu… thì đặc khu…

Sáng nay, 7-6-2018, một số bạn đã đưa lên cõi Phây giúp có thêm một số cứ liệu về chuyện đặc khu.

  1. Ý định thành lập 3 đặc khu kinh tế này đã có từ lâu rồi, từ những trào trước. Cổng thông tin điện tử của tỉnh Quảng Ninh ngày 20-3-2014 đã đăng một tin dài được mở đầu: “Sáng nay, 20-3, tại TP Hạ Long, Ban Chỉ đạo Tổ chức Hội thảo quốc tế tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) và Trung tâm Nghiên cứu Đặc khu kinh tế Trung Quốc thuộc Đại học Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) đã long trọng tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế về phát triển Đặc khu kinh tế – Kinh nghiệm và Cơ hội. Đây là hội thảo lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, tạo điều kiện cho các đại biểu Trung ương, địa phương và quốc tế trao đổi kinh nghiệm và cơ hội phát triển Đặc khu kinh tế.”

Khách dự hội thảo này gồm “các đồng chí: Nguyễn Thị Kim Ngân: Ủy viên Bộ Chính trị; Phó Chủ tịch Quốc hội; Phạm Gia Khiêm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; Vương Đình Huệ, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Trưởng Ban kinh tế Trung ương; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo các các tỉnh Khánh Hòa, Lâm Đồng, Kiên Giang và các học giả, nhà khoa học trong nước.

Về phía các đại biểu quốc tế có bà Đào Nhất Đào, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Đặc khu kinh tế Trung Quốc thuộc Đại học Thâm Quyến (Trung Quốc), Trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc; cùng các đoàn đại biểu, học giả, nhà khoa học quốc tế.

Về phía tỉnh Quảng Ninh, dự hội thảo có các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Đỗ Thị Hoàng; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Trưởng BCĐ Tổ chức hội thảo cùng các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ tỉnh, các đoàn thể; lãnh đạo các sở, ban, ngành và các địa phương trong tỉnh.”

Thông tin này có thể giải thích vì sao người dân phải “quan ngại sâu sắc” tới yếu tố “nước láng giềng có chung đường biên giới với Việt Nam tại tỉnh Quảng Ninh”. Mức độ quan hệ đầu tiên là chia sẻ kinh nghiệm, dàn dựng mô hình. Khách quan mà nói, chuyện xây dựng đặc khu là phải học hỏi kinh nghiệm của cả thế giới, đặc biệt là “nước láng giềng” có nhiều yếu tố “chung chạ”. Thâm Quyến (Shenzhen) được coi là mô hình đặc khu thành công nhất của Trung Quốc – nhưng cái chính là nhờ nó đã trở thành một đại công xưởng toàn cầu, nơi ra đời (sản xuất và gia công) vô số sản phẩm công nghệ từ thấp tới cao cho cả thế giới.

Nói cho công bằng, làm được như Thâm Quyến (một thành phố thuộc tỉnh Quảng Đông) là điều mà cả thế giới thèm muốn. Từ một thị trấn chợ chỉ có 30.000 dân, sau khi trở thành đặc khu kinh tế đầu tiên của Trung Quốc vào năm 1980 – một mũi đột phá nằm trong cuộc cải cách của Đặng Tiểu Bình (Deng Xiaoping), Thâm Quyến trở thành một trong những thành thị tăng trưởng nhanh nhất thế giới, chỉ riêng số dân vào năm 2010 đã lên tới hơn 10 triệu người. Năm 2017, tổng sản lượng kinh tế Thâm Quyến đạt 338 tỉ USD, lần đầu tiên qua mặt cả Quảng Châu và Hong Kong, trở thành thành phố giàu thứ 3 của Trung Quốc (chỉ sau Thượng Hải và Bắc Kinh). Trong danh sách 2017 Global Financial Centres Index, Thâm Quyến đứng thứ 22 trong các trung tâm tài chánh hấp dẫn nhất toàn cầu (năm trước đứng thứ 17).

Vậy nên, rất đáng giá để học hỏi Thâm Quyến. Nhưng từ học hỏi tới thành tài lại là một thái cực khác. Có một điều cần chú ý, Thâm Quyến không thành công nhờ ăn chơi nhảy múa, du lịch nghỉ dưỡng, casino,… mà nhờ được định hướng trở thành trung tâm công nghệ cao toàn cầu thu hút các thương hiệu lớn của Trung Quốc và các đại gia công nghệ thế giới đến làm ăn.

Nghe nói, hôm rồi, một nhóm hơn 20 phóng viên (tôi không dùng từ “nhà báo” kẻo nhiều đồng nghiệp chửi tôi, nhất là trong tháng kiêng kị tháng 6 có ngày 21) của một số báo được mời đi sang Thâm Quyến học tập kinh nghiệm tuyên truyền về đặc khu. Chắc chắn chuyến tham quan này là một bước chuẩn bị cho việc ra đời luật đặc khu của Việt Nam. Sau chuyến đi, một số bài viết ca tụng đặc khu đã xuất hiện. Trong đó, Dang Cư Mận giận nhứt là một phóng viên trẻ trâu của một tờ báo địa phương mà rất lớn đã viết một bài trên trang cá nhân tung hô đặc khu và gọi những ai phản đối đặc khu là bọn “đặc ngu”.

Có lẽ cần rạch ròi. Thâm Quyến là một mô hình đặc khu được cả thế giới ngưỡng mộ (tuy cũng đầy những chuyện mà người khác nên tránh). Nhưng Thâm Quyến chỉ là một câu chuyện thành công cá biệt nên nó không thể đại diện cho cả mô hình đặc khu. Nói cụ thể, không phải vì Thâm Quyến thành công mà người ta đua nhau làm đặc khu để cũng có thể thành công như vậy.

Tạp chí The Economist (4-4-2015) cho biết: Khi khu tự do mậu dịch (free-trade zone) đầu tiên của thế giới được thành lập tại sân bay Shannon (Ireland) hồi năm 1959, chỉ có vài nước quan tâm. Còn bây giờ thì thiên hạ đua nhau xây dựng các đặc khu kinh tế (special economic zone, SEZ). Có tới 3 phần 4 số nước trên thế giới có ít nhất là 1 SEZ. Cả thế giới hiện có khoảng 4.300 SEZ. SEZ là mô hình kết hợp những ưu đãi thuế quan, quy trình thông quan suôn sẻ và luật lệ được nới lỏng. Tạp chí này nhấn mạnh rằng khái niệm SEZ có những hạn chế của nó. Các khu SEZ tập trung xuất khẩu chỉ tốt nhất ở các nước có ngành sản xuất tương đối thấp và có những ảnh hưởng lớn bởi các hàng rào thương mại. SEZ có thể hữu ích khi có thể thúc đẩy thử nghiệm trong các nền kinh tế bị xơ cứng. Nó đòi hỏi người ta phải kiên nhẫn và lập kế hoạch thiệt tốt. Nhưng SEZ luôn không thể cạnh tranh được với những sự cải cách rộng toàn quốc trong đó có cắt giảm các hàng rào thương mại và tăng cường tính cạnh tranh.

Trong khi đó, từ điển bách khoa Wikipedia giải thích: “SEZ là các khu kinh tế được thành lập trong một quốc gia nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước bằng các biện pháp khuyến khích đặc biệt. Việc thành lập các khu kinh tế tự do còn nhằm mục tiêu kích thích phát triển kinh tế tại một số địa phương kém phát triển hơn của quốc gia. Các nước đầu tư vào đặc khu kinh tế vẫn sẽ bị pháp luật, các cơ quan pháp chế, hành chính quản lý theo luật pháp của nước mở đặc khu kinh tế thu hút đầu tư.”

Có lẽ do đi sau, nhóm soạn thảo luật đặc khu của Việt Nam muốn cực thoáng để có thể thu hút các nhà đầu tư. Và họ không ngần ngại đưa các ưu đãi về đất đai (thuộc quyền sở hữu toàn dân và rõ ràng không phải của họ) ra làm mồi nhử đầu tư. Cái chuyện đất đai này là hợp lý khi các đặc khu này chủ yếu nhằm thu hút đầu tư bất động sản, nghỉ dưỡng, du lịch, casino,… chứ các nhà đầu tư công nghệ cao chỉ quan tâm tới cơ sở hạ tầng, điều kiện kinh doanh, khả năng thu hồi vốn nhanh và sớm có lãi,… Mà nếu không thể trở thành những cú huých về kinh tế – sản xuất thì các đặc khu có nhiều nguy cơ trở thành những khu đặc biệt đặc quyền đặc lợi cho những nhóm lợi ích nào đó.

  1. Thông báo số 21-TB/TW ngày 22-3-2017 của Bộ Chính trị cho thấy việc thành lập 3 đặc khu cụ thể này đã được quyết định từ cấp cao nhất, trở thành ý chí và quyết tâm chung.

Thông báo này cũng cho thấy BCT muốn các đặc khu này phải “thu hút mạnh nguồn vốn đấu tư, công nghệ cao, phương thức quản lý mới tiên tiến, hình thành khu vực tăng trưởng cao, tạo thêm nguồn lực và động lực, góp phần thúc đẩy nhanh phát triển và tái cơ cấu kinh tế cho tỉnh, vùng và cả nước.”

Nhưng thông báo của BCT cũng mở hướng: “Các nội dung, cơ chế, chính sách ưu đãi về kinh tế – xã hội phải được quy định trong Luật (đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt) và bảo đảm tính vượt trội, đủ sức cạnh tranh với khu vực và quốc tế.” Và chính nhờ đèn xanh “vượt trội” này mà nhóm soạn thảo dự luật có thể thoải mái vung tay…

Trước sau gì rồi thì các đặc khu cũng sẽ được thành lập. Cũng chẳng có gì phải thắc mắc vì nhiều nước cũng làm đặc khu. Vấn đề của mọi vấn đề là chọn vị trí như thế nào để có thể đạt được mục đích của mô hình đặc khu và an toàn cho nước xây dựng đặc khu. Cuối cùng, người dân chỉ còn biết hy vọng luật về đặc khu được soạn thảo chặt chẽ, khách quan, nhìn xa trông rộng, lường trước tối đa mọi nguy cơ, và thật an toàn cho tất cả. Được vậy thì cứ coi như là “hồng phúc của dân tộc” vậy á.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.