Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

17-2-1979, 40 năm có bao giờ quên…

Hôm nay Chủ nhật 17-2-2019 (13 tháng Giêng năm Kỷ Hợi). Vậy là tròn 40 năm (đúng 4 can) kể từ buổi sáng ngày lịch sử thứ Bảy 17-2-1979 (21 tháng Giêng năm Kỷ Mùi). Tờ mờ sáng 17-2-1979, nhà cầm quyền Bắc Kinh xua hơn 120.000 quân tràn sang lãnh thổ Việt Nam đồng loạt tấn công trên toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam gồm 6 tỉnh từ Quảng Ninh phía Biển Đông tới Lai Châu phía biên giới với Lào. Lúc cao điểm, Trung Quốc huy động hơn 600.000 quân xâm lược đất nước Việt Nam.

Dịp kỷ niệm năm nay, cơ quan quản lý truyền thông được cho là “bật đèn xanh” cho báo chí chính thống “trổ tài tinh nhuệ” của mình nói về cuộc chiến tranh biên giới ohía bắc chống quân Trung Quốc xâm lược. Nhiều tờ báo đã gọi đích danh và đúng bản chất cuộc chiến xâm lược Việt Nam của quân Trung Quốc do nhà cầm quyèn Bắc Kinh thời đó hạ lệnh.

Vì lẽ đó, mọi người có thể tìm đọc, cho dù có không ít người vẫn chưa thấy hài lòng như ý muốn (xin thấu cảm). Và cũng vì lẽ đó, hôm nay, tôi chỉ làm công việc check-in để từ này về sau, hàng năm, cứ tới ngày này, nếu Facebook còn giữ được “cuốn sách mặt”, bạn Mark Zuckerberg sẽ cho ông Thần Đèn ma xó AI nhắc tôi về một sự kiện lịch sử mà hễ là người Việt yêu quê hương (dù đang là công dân chính quốc hay đã mang quốc tịch khác) không thể và không được quyền quên.

Nhưng là những người anh chị em thiện lành và thức thời, không được quyền quên không có nghĩa là nuôi mãi hay khêu gợi lòng hận thù dân tộc. Lịch sử là lịch sử. Bất cứ một quốc gia nào cũng chỉ có thể trường tồn và phát triển được trên nền tảng nhận thức lịch sử mà biết nhìn vào hiện tại và hướng tới tương lai. Không quên để ôn cố tri tân. Không quên để làm sao không để cho nó tái diễn.

Có một gia đình nhỏ bé về nhiều chiều kích sống sát vách nhà với một ông hàng xóm khổng lồ, đông người gấp bội và giàu mạnh vạn lần nhưng lại cực xấu tính và đầy tham vọng, lại thêm suốt cả một chiều dài lịch sử có nhiều gút mắt giữa hai nhà mà chiến thắng của bên này là thất bại của bên kia. Chỉ có điều, gia đình nhỏ bé đó vẫn còn may mắn hơn một dân tộc. Bởi tới lúc nào đó hoặc chịu hết nổi, hoặc có điều kiện, họ có thể bán nhà chuyển đi chỗ khác định cư. Còn một đất nước thì không thể như vậy, tất cả đã là “tiệt nhiên định phận tại thiên thư” như trong bài Thần Thi gắn với danh tướng Lý Thường Kiệt năm 1077 trong cuộc chiến chống quân Tống xâm lược mà sau này có người gọi là “bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước Việt Nam”. Do không thể cầu viện Thần Đèn Aladdin di dời giang sơn lãnh thổ đi chỗ khác, dân tộc đó phải biết cách tồn tại. Chỉ có 2 tùy chọn tồn tại: 1 là lệ thuộc hoàn toàn thành một chư hầu của gã hàng xóm; 2 là hành xử khôn ngoan để vừa giữ được chủ quyền, vừa có thể tồn tại, thậm chí may mắn nhất thì cùng nhau phát triển trên nguyên tắc đèn nhà ai nấy sáng. Tất nhiên, tùy chọn thứ 2 ắt là sự lựa chọn của tuyệt đại đa số người dân ở đất nước “sinh ra đời dưới một ngôi sao xấu” đó.

Và bất luận thế nào vẫn tồn tại một câu hỏi nhức nhối: liệu 40 năm đã đủ để có được một nhận thức đúng đắn về bản chất vấn đề hay chưa?

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.