MCAS – Gót chân Achilles của dòng máy bay B737 MAX
Hãng Boeing chiều ngày 14-3-2019 đã quyết định tạm ngưng việc giao cho khách hàng các chiếc máy bay B737 MAX theo kế hoạch. Nhưng hãng tuyên bố sẽ tiếp tục phát triển dòng máy bay này sau khi đáp ứng xong các yêu cầu về tăng cường tính an toàn cho máy bay. Đây là tin vui cho các nhân sự trong dây chuyền lắp ráp máy bay của Boeing tại Renton (bang Washington). Hiện nay mỗi tháng Boeing sản xuất được khoảng 52 chiếc B737 MAX. B737 MAX là dòng máy bay bán chạy nhất của Boeing và nó vẫn có số lượng đặt hàng cao kỷ lục bất chấp 2 vụ tai nạn thảm khốc vừa qua (cơn hơn 5.000 chiếc đã được đặt mua).
Trong khi đó, chiều 13-3-2019, chỉ ít phút sau khi đích thân Tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành lệnh cấm bay khẩn cấp có hiệu lực ngay tức khắc đối với dòng B737 MAX, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã ra lệnh tạm ngưng bay đối với toàn bộ các máy bay dòng B737 MAX của các hãng hàng không Mỹ hay của các hãng khác bay vào không phận Mỹ. FAA giải thích lệnh này được họ đưa ra sau khi các cuộc điều tra tại hiện trường vụ tai nạn máy bay ở Ethiopia do FAA và các cơ quan hữu trách Mỹ thực hiện có được những phát hiện mới. Cụ thể như những sự giống nhau giữa 2 tai nạn ở Ethiopia và Indonesia cùng sử dụng máy bay B737 MAX 8 mới tiếp nhận không lâu.
Boeing cho biết họ và FAA đang làm việc chặt chẽ với nhau để hoàn thành việc cập nhật phần mềm được thiết kế để làm cho dòng máy bay B737 MAX an toàn hơn. Ngày 13-3, FAA nói rằng việc sửa lỗi phần mềm cho dòng B737 MAX mà Boeing tiến hành từ sau tai nạn của hãng Lion Air sẽ mất một tháng để hoàn tất. Có nguồn nói ít nhất là hết tháng 4-2019 mới cập nhật xong cho các máy bay đã xuất xưởng.
Trên Website của Boeing ngày 13-3-2019, Dennis Muilenburg, Chủ tịch kiêm CEO của Boeing, viết cho một thông cáo rằng: Boeing ủng hộ việc tạm dừng bay trên toàn cầu đối với tất cả các máy bay B737 MAX (hện đã giao và hoạt động 371 chiếc B737 MAX 8 và MAX 9). Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi đang làm mọi điều mà mình có thể hiểu được về các nguyên nhân dẫn tới các tai nạn kia trong sự hợp tác với các nhà điều tra, triển khai các cải thiện về an toàn, và giúp bảo đảm rằng điều này không xảy ra lần nữa.”
Trong một diễn biến khác, Ethiopia đã quyết định giao 2 chiếc hộp đen ghi dữ liệu chuyến bay ET602 của hãng Ethiopian Airlines cho nhà chức trách Châu Âu phân tích. Ngày 14-3, Cơ quan Điều tra và Phân tích về An toàn Hàng không Dân sự (Bureau of Enquiry and Analysis for Civil Aviation Safety, BEA) ở Pháp đã tiếp nhận 2 chiếc hộp đen thu được từ hiện trường máy bay lâm nạn ở Ethiopia. Việc đọc dữ liệu ban đầu sẽ mất nhiều ngày, tùy thuộc vào tình trạng các hộp đen có bị hư hỏng nhiều ít.
Có vẻ cái Gót chân Achilles của dòng B737 MAX là cái hệ thống bảo vệ tự động có tên gọi Hệ thống Tăng cường Đặc tính Cơ động (Maneuvering Characteristics Augmentation System, MCAS). Tính năng an toàn này được thiết kế để phòng tránh máy bay bị chòng chành (stall) hay mất độ nâng cao (losing lift).
Boeing đã cho áp dụng MCAS trên mẫu Boeing 737 MAX 8 vì hai động cơ nặng hơn của máy bay này đã thay đổi các đặc trưng về khí động lực học (aerodynamics) của máy bay và có thể khiến mũi máy bay bị ngóc lên (pitch up) trong những điều kiện nào đó trong khi đang được điều khiển thủ công (manual flight).
MASC sẽ tự động được bật khi: chế độ lái tự động (autopilot) được tắt, máy bay đang bốc lên cao, máy bay đang bay lên sau khi cất cánh với các cánh tà (flap) được dựng lên gần tới tốc độ chòng chành, góc tấn (angle of attack) cao. MASC sẽ ngừng hoạt động khi góc tấn được hạ thấp xuống tới một mức độ vừa đủ hoặc khi phi công kiểm soát được với việc cân bằng thủ công.
Các cảm biến góc tấn ghi nhận và báo cho MASC để hệ thống tự động điều khiển chúc mũi máy bay xuống nếu thấy có nguy hiểm xảy ra chòng chành.
MASC di chuyển các đuôi ngang (horizontal stabiliser, cánh ổn định ngang) ở cụm đuôi máy bay.
Các biểu đồ của các trang theo dõi chuyến bay cho thấy ở cả hai trường hợp lâm nạn (Indonesia và Ethiopia), trong những giây phút cuối, máy bay cứ ngoi lên hụp xuống như người ta bơi giữa biển sóng to. Có lẽ đó là lúc xảy ra giằng co giữa phi công và MASC, cuối cùng sức người thua sức máy.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
+ Ảnh: Internet. Thanks.