Thứ Năm ngày 21 tháng 11 năm 2024

Ý tốt, nhưng giá như…

Trên mạng vừa xuất hiện bộ ảnh có tên là “Những đứa trẻ mang bầu” được giới thiệu trên một tờ báo ngày 6-5-2019.

Và đây là giới thiệu của tác giả bài báo:

“Với hình ảnh chủ đạo là những bé gái, hoá thân thành những nạn nhân của xâm hại tình dục, mang trong mình hậu quả của tội ác này, các em trong độ tuổi từ 8 đến 12 tuổi đều đang mang bầu. Bộ ảnh “Những đứa trẻ mang bầu” nhằm cảnh tỉnh các bậc phụ huynh, nâng cao nhận thức của các bạn nhỏ cũng như thu hút sự quan tâm của cộng đồng về vấn đề đang rất nhức nhối này.

“Bộ ảnh “Những đứa trẻ mang bầu” được thực hiện bởi Shine Academy – Học viện đào tạo kỹ năng mềm, với sự góp sức của MC Công Tố và MC Minh Trang trong vai trò giám đốc sáng tạo, cùng giám đốc hình ảnh là nhiếp ảnh gia Dạ Miêu.

“Bộ ảnh thuộc dự án truyền thông với ý nghĩa: nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề xâm hại tình dục trẻ em.”

Giám đốc hình ảnh của dự án, nữ nhiếp ảnh gia Dạ Miêu, cho biết: “Miêu và cả ekip có rất ít thời gian để thực hiện bộ ảnh, từ lúc có ý tưởng cho đến khi bộ ảnh ra đời chỉ vỏn vẹn đúng 1 ngày. Tuy nhiên, Miêu rất hài lòng, vì toàn bộ những cảm xúc thật nhất của mình đã đặt vào từng góc máy, từng cái nhíu mày đầy đau đơn của các em. Miêu nghĩ rằng, tận cùng của nỗi đau mà các em phải gánh chịu chính là sự khổ sở không thể khóc thét lên được, dường như ánh mắt vô hồn, sự tiều tuỵ, sự sợ hãi trong khuôn mặt những đứa trẻ là trạng thái tâm lý đáng sợ nhất mà em bị xâm hại phải trải qua. Hy vọng, mọi người từ những nỗi đau này, hãy cùng nhau lên tiếng để bảo vệ mình, bảo vệ trẻ em.”

Bài báo thông tin: Bộ ảnh có “sự góp mặt của 4 học viên tại Shine Academy với tư cách là người mẫu minh hoạ cho bộ ảnh và sự đồng tình của các bậc phụ huynh, là những người đã dũng cảm, dám đứng lên chống lại định kiến, chung tay vì một xã hội tốt đẹp hơn, an toàn hơn cho tất cả trẻ em.”

Rõ ràng là ý tưởng tốt và mục đích cũng tốt luôn, đặc biệt là giữa lúc cộng đồng xã hội đang phát sốt phát nóng về vấn nạn “xâm hại tình dục trẻ em”. Tuy nhiên, theo thiển ý của tôi, của tôi thôi nhé, cách thể hiện có lẽ có thể làm tốt hơn. Điều khiến tôi quan ngại và xốn xang không dám nhìn lâu và nhìn lần thứ hai vào những tấm ảnh vì chúng hiển thị cực nét các gương mặt của những bé gái làm mẫu. Người ta chỉ cần nhìn thấy những gì trong ảnh. Đâu phải ai cũng biết đây chỉ là những người mẫu ảnh. Sợ nhất là những ảnh này bị ai đó lợi dụng hay sử dụng bừa bãi. Chẳng hạn như sau này bị lấy làm ảnh minh họa cho những tin tức, bài viết về tội ác ấu dâm, bức hại tình dục trẻ em, mà mặc nhiên coi các em là những nạn nhân người thật, việc thật. Mới nghĩ tới đó thôi, tôi đã rợn người. Tội các em. Tôi đã bày tỏ sự đồng ý với anh bạn Trần Thanh Trực là nên dùng ánh sáng và góc chụp để chỉ lộ ra những nét cần nhấn nhá trên mặt các người mẫu chớ không show cực nét như vầy. Nó sẽ lợi bất cập hại – mà cái hại tất cả sẽ dồn cho các em người mẫu trong ảnh. Bài học kinh nghiệm mang tính toàn cầu: hễ làm gì có liên quan tới trẻ em thì luôn phải nâng cao tinh thần cẩn trọng lên cao tít mây xanh nếu không muốn bị gã Thanos búng tay như trong bộ phim bom tấn mùa hè 2019 “Avengers: Endgame”.

Nếu cần nói thêm, tôi nghĩ: êkip này quảng cáo cho thương hiệu của mình quá dữ, chiếm lồ thị lộ trên từng tấm ảnh. Điều này làm giảm giá trị giáo dục, tuyên truyền của bộ ảnh: nhóm dự án muốn truyền thông điệp xã hội hay chủ yếu làm thương hiệu?

Tôi xin phép cho 4 bé gái trong ảnh mang những cặp mắt kính để có thể che bớt tính nhận diện của các em. Trên bộ ảnh gốc thì chân dung các em lên cực nét không phải UHD 4K mà là UHD 8K luôn. (Sau khi dùng kính che bớt mặt các em, tôi thấy vẫn chưa ổn, nên xin phép dùng thêm những chiếc khẩu trang).

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh gốc từ Internet , có chỉnh sửa (che mặt các em).