Tàu Haiyang Dizhi 8 có tin đã quay lại vùng biển Việt Nam
Ngày thứ Ba 13-8-2019, theo tin tức quốc tế, tàu thăm dò địa chất Haiyang Dizhi 8 (Hải Dương Địa Chất 8) của Trung Quốc đã quay lại vùng biển đặc quyền kinh tế EEZ của Việt Nam – nơi nó từng tung hoành ngang dọc khảo sát hay làm gì đó với sự hộ tống của những chiếc tàu hải cảnh Trung Quốc (Chinese Coast Guard, CCG) lớn nhất và trang bị vũ khí hùng hậu nhất từ ngày 3-7-2019 tới ngày 7-8-2019 mới rút về Bãi Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) – một căn cứ do Trung Quốc xây dựng trên một rạn san hô thuộc cụm Nam Yết của quần đảo Trường Sa mà Việt Nam luôn khẳng định chủ quyền.
Lúc hơn 7g tối 13-8-2019, Đài thời sự BBC của Anh cập nhật bài: “Tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc quay trở lại Bãi Tư Chính”.
Trước đó, vào buổi chiều 13-8-2019, Đài thời sự RFI của Pháp có bài: “Tàu khảo sát của Trung Quốc trở lại vùng biển Việt Nam”
Do cả hai kênh thời sự online Anh và Pháp đều dẫn nguồn tin từ hãng tin Anh Reuters, ta thử truy vào thẳng nguồn này coi. Chiều 13-8-2019, hãng Reuters xuất bản bản tin “Chinese ship returns to Vietnam’s exclusive economic zone”
Theo Reuters, dữ liệu được thu thập bởi Marine Traffic, một website chuyên theo dõi các hoạt động tàu thuyền trên khắp thế giới, tàu Haiyang Dizhi 8 ngày 13-8-2019 đã quay trở lại khu vực Bãi cạn Tư Chính (Vanguard Bank) nằm trong vùng đặc quyền kinh tế EEZ của Việt Nam cùng với ít nhất là hai tàu hải cảnh Trung Quốc hộ tống.
Chúng tôi cũng đã vào tham khảo website Marine Traffic để thấy nó theo dõi tàu bè ra sao theo thời gian thực (real-time). Tiếc là do không mua dịch vụ, chúng tôi không được cung cấp các thông tin cụ thể của từng con tàu.
Ngày 7-8-2019, khi chia sẻ thông tin về việc tàu Haiyang Dizhi 8 rời khỏi khu vực Bãi cạn Tư Chính, tôi có hoang mang: nó đã hoàn thành nhiệm vụ hay chỉ rời đi vì tránh bão hoặc để được tiếp tế? Bây giờ, với việc tàu này quay trở lại, có thể nói rằng nó chỉ về căn cứu tiếp thêm nhiên liệu và lương thực sau hơn một tháng ở vùng biển của Việt Nam. Vậy là, những yêu cầu thông qua đường ngoại giao của Việt Nam cũng như sự cảnh báo từ Mỹ chẳng hề có giá trị gì.
Ông Devin Thorne, chuyên gia cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng (C4ADS) nói với Reuters hôm 7-8, trích dẫn dữ liệu từ công ty phân tích hàng hải Windward: “Dữ liệu theo dõi tàu cho thấy tàu khảo sát của Trung Quốc đã rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhưng ít nhất hai tàu hải cảnh của họ vẫn ở trong khu vực này.”
Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS) trước đó nói với BBC rằng việc rút tàu Hải Dương Địa Chất 8 nhưng vẫn để lại hai tàu hải cảnh ở khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại Bãi Tư Chính cho thấy “Trung Quốc chưa hoàn tất công việc khảo sát của họ tại đây, nhưng có thể đã có được một số kết quả sơ bộ”.
Tính xác thực của những thông tin này, như vốn dĩ chúng vậy, thiệt khó kiểm chứng đối với một người ngồi dưới miệng giếng ở đây. Vì thế, tôi chỉ chia sẻ thông tin mà cả thế giới vừa được thông tin qua các kênh truyền thông quốc tế.
Có lẽ trong cuộc họp báo quốc tế sắp tới, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam sẽ phải trả lời báo chí về vấn đề này.
P/S: Vào hơn 10g đêm 13-8-2019, Ryan Martinson @rdmartinson88, một trợ lý giáo sư tại Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc (China Maritime Studies Institute) thuộc trường Đại học Hải chiến Hoa Kỳ (U.S. Naval War College), đã có tweet trên tài khoản Twitter của mình xác nhận tàu Haiyang Dizhi 8 đã quay trở lại vùng EEZ của Việt Nam. Dẫn tin từ South China Sea News, ông cho biết lần này, tàu Hải cảnh Haijing 35111 đã được thay bằng tàu Haijing 45111.
P.H.P.