Thứ Năm ngày 23 tháng 1 năm 2025

R.I.P. ông, thi nhân Du Tử Lê

Trong rất nhiều hình ảnh của nhà thơ Du Tử Lê tràn ngập dòng thông tin mấy bữa nay, mà có lẽ nhiều người ấn tượng với nụ cười hồn hậu và hạnh phúc của ông, tôi lại bị “hạ gục” với tấm ảnh ông ấy trên Facebook của bà chị nhà văn vốn là đồng môn Trung học Kiến Tường của tôi. Trong ảnh rất đời thường, nhà thơ Du Tử Lê thật hạnh phúc bên 2 đứa cháu ngoại sinh đôi của mình. Ôi, một sự đồng cảm của… 2 ông ngoại!

Nhà thơ Du Tử Lê và 2 cháu ngoại. (Nguồn: Facebook sư tỷ tôi – và tôi đã xin phép chia sẻ.)

Sư tỷ của tôi là bạn thân của bà Hạnh Tuyền, phu nhân hiện nay của nhà thơ. Đêm thứ Hai 7-10-2019 (giờ Mỹ), chị ngủ mơ thấy ông Du Tử Lê. Và sáng sớm hôm sau, chịn nhận cuộc gọi từ phu nhân ông báo hung tin.

Bức tranh sơn dầu nhà thơ Du Tử Lê vẽ tặng nhà văn Nguyễn Thụy Vi năm 2017.


Thủ bút của nhà thơ Du Tử Lê trên bức tranh sơn dầu ông vẽ tặng nhà văn Nguyễn Thụy Vi năm 2017.

Sáng thứ Hai 7-10-2019, nhà thơ được phu nhân chở đi uống cà phê, ăn phở và hàn huyên cùng bạn bè ở quán Nguyễn Huệ khu Little Saigon như thường lệ – ông rất mê món phở. Chiều, vợ ông – làm tại tòa soạn báo Người Việt, được ông gọi điện báo có bạn bè mời ăn tối. Nhưng bà ở nhà coi cháu, một mình ông đi ăn tối với bạn bè. Cô giáo Trần Lê Hoa Tranh, một người viết và dạy Văn học tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, cho biết bữa ăn tối cuối cùng của nhà thơ Du Tử Lê đó là với cậu và mẹ cô vừa từ Việt Nam sang Mỹ chơi. Cô Hoa Tranh có gửi tặng nhà thơ 2 cuốn sách của cô trong đó có nhắc tới ông- người mà cô từng được gặp trong một lần sang Mỹ và từ đó giữ mối liên hệ mà cô tâm sự trong một status ngay sau khi hay tin ông mất: “Chú cháu âm thầm nhưng rất tình cảm, những dòng thư trao đổi qua lại tuy không nhiều nhưng đồng cảm sâu sắc.” Đặc biệt trong cuốn “Khúc hoan ca của văn chương”, cô Hoa Tranh có một bài viết về nhà thơ Du Tử Lê. Ông Lê Quốc Ân, cậu của cô Hoa Tranh, viết cho cháu mình: “Chiều hôm đó cậu và mẹ mời anh ây ăn tại Song Long để tặng sách của con. Anh ấy còn khen mấy bài viết của con. Sau đó nhờ chú Đắc đưa anh ấy về nhà. Không ngờ đó là lần gặp cuối cùng với anh ấy!”

Khi được bạn bè đưa về nhà, ông nói mình mệt. Vợ ông kê gối cho chồng nằm nghỉ. Một lát sau, đứa cháu ngoại – con gái – mới 4 tuổi lên chơi với ông. Rồi cháu xuống nói với bà ngoại: “Ông ngoại về trời rồi.” Khi bà chạy lên thì ông đã “biệt, ly” (theo cách viết với những dấu chấm câu và ký hiệu toán học được chèn đầy bí ẩn của ông).

Nhà thơ Du Tử Lê giã từ trần gian thật nhẹ nhàng – ngay tại nhà mình và giữa những người thân yêu sau một cuộc đời “khi bão tố, lúc sóng ngầm” hiến trọn cho thi ca và tình yêu với quá nhiều hoa quả để lại cho người, cho đời. Sư tỷ Nguyễn Thụy Vi nhận xét: “Cuộc đời anh Lê đầy hư thực, lắm thị phi. Nhưng anh ấy là một thi nhân rất hiền.”

Nhà thơ Du Tử Lê (tên thật Lê Cự Phách) – một trong Thất Thi nhân hay “Bảy Vì Sao Bắc Đẩu” theo cách gọi của nhà văn Mai Thảo (cùng 6 thi nhân Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Bùi Giáng, Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, và Tô Thùy Yên)được coi là những người định hình cho nền thi ca ở miền Nam trước 1975 – mất lúc 8g6ph tối thứ Hai 7-10-2019 tại nhà riêng ở Garden Grove (California, Mỹ) – quê hương thứ hai của ông từ năm 1975. Ông thọ 77 tuổi (sinh năm 1942 tại Kim Bảng (Hà Nam) và để lại 77 tác phẩm nhiều thể loại đã xuất bản.

R.I.P. ông, thi nhân Du Tử Lê.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

*********

Cho dù muốn nhìn nhận từ bất cứ góc đô nào, người ta vẫn không thể phủ nhận được sự thật: Thi nhân Du Tử Lê là một người của công chúng và của văn học sử Việt Nam. Vì thế, bản cáo phó của ông chứa đựng những thông tin và là tài liệu cho những ai quan tâm bây giờ và sau này.

Còn đây là chi tiết ngày cuối cùng của nhà thơ Du Tử Lê theo lời kể của bà Hạnh Tuyền, phu nhân ông:

“Sáng Thứ Hai còn chở anh ra caphe, thả anh xuống rồi đi làm. 4 giờ chiều ở sở còn nhận email của anh: ‘Tuyền, chiều nay 6 giờ mình có hẹn đi ăn với bạn nghe.

5:40 chở anh ra quán rồi đi về. Không đi cùng vì phải trông cháu.

7:45 bạn dìu anh về. Anh nói: ‘Anh mệt, anh cần cởi giày, anh muốn đi vào phòng.’(Cũng còn nhớ cởi giày vì sợ nhà dơ)

Vào phòng còn đòi cái gối. Đỡ anh nằm ngay ngắn, rồi đi ra.

10 phút sau vào phòng check coi anh cần gì không, thấy anh ngủ rất say, yên chí.

Roll chạy vào tót lên ôm Ông Ngoại, hôn Ông Ngoại. Roll nói: ‘Ông Ngoại lên trời rồi!’

Ủa sao Roll nói cái gì vậy?

Check lại, thì anh đã đi.

Trước sau chỉ chừng hơn 10, 15 phút là anh ngủ rồi đi luôn…

Gọi 911, sau khi làm hô hấp, họ đưa anh thẳng vào nhà thương, tìm đủ mọi cách cứu nhưng không thành công.

Anh ra đi khoảng 8PM tối Thứ Hai, ngày 07 Tháng Mười, 2019, tại nhà riêng, nơi căn phòng của anh, nhẹ nhàng, thanh thản, ở tuổi 77 với 77 tác phẩm…”.

**********

Gọi là tưởng nhớ thi nhân Du Tử Lê vào cái ngày ông “về trời”, tôi đọc lại một bài thơ mình cảm “Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển” mà ông viết tháng 12-1997 và đã được nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ nhạc thành bài hát cùng tên.

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển

đời lưu vong không cả một ngôi mồ

vùi đất lạ thịt xương e khó rã

hồn không đi sao trở lại quê nhà

*

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển

nước ngược dòng sẽ đẩy xác trôi đi

bên kia biển là quê hương tôi đó

rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì

*

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển

và nhớ đừng vội vuốt mắt cho tôi

cho tôi hướng vọng quê tôi lần cuối

biết đâu chừng xác tôi chẳng đến nơi

*

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển

đừng ngập ngừng vì ái ngại cho tôi

những năm trước bao người ngon miệng cá

thì sá gì thêm một xác cong queo

*

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển

cho tôi về gặp lại các con tôi

cho tôi về nhìn thấy lệ chúng rơi

từ những mắt đã buồn hơn bóng tối

*

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển

và trên đường hãy nhớ hát quốc ca

ôi lâu quá không còn ai hát nữa

(bài hát giờ cũng như một hồn ma)

*

Khi tôi chết nỗi buồn kia cũng hết

đời lưu vong tận tuyệt với linh hồn.

12-77

DU TỬ LÊ

Và nghe lại bài hát “Khúc Thụy Du” được nhạc sĩ Anh Bằng phổ từ bài thơ cùng tên của Du Tử Lê (mà ông sáng tác tháng 3-1968 ở Saigon). Thụy là tên riêng của bà Thụy Châu, vợ cũ của tác giả (bà có bút danh Hoàng Dược Thảo, chủ tờ báo Saigon Nhỏ ở Mỹ), còn Du lấy từ bút danh của ông.

Khúc Thụy Du

1.

như con chim bói cá

trên cọc nhọn trăm năm

tôi tìm đời đánh mất

trong vụng nước cuộc đời

như con chim bói cá

tôi thường ngừng cánh bay

ngước nhìn lên huyệt lộ

bầy quạ rỉa xác người

(của tươi đời nhượng lại)

bữa ăn nào ngon hơn

làm sao tôi nói được

như con chim bói cá

tôi lặn sâu trong bùn

hoài công tìm ý nghĩa

cho cảnh tình hôm nay

trên xác người chưa rữa

trên thịt người chưa tan

trên cánh tay chó gặm

trên chiếc đầu lợn tha

tôi sống như người mù

tôi sống như người điên

tôi làm chim bói cá

lặn tìm vuông đời mình

trên mặt đất nhiên lặng

không tăm nào sủi lên

đời sống như thân nấm

mỗi ngày một lùn đi

tâm hồn ta cọc lại

ai làm người như tôi?

2.

mịn màng như nỗi chết

hoang đường như tuổi thơ

chưa một lần hé nở

trên ngọn cờ không bay

đôi mắt nàng không khép

bàn tay nàng không thưa

lọn tóc nàng đêm tối

khư khư ôm tình dài

ngực tôi đầy nắng lửa

hãy nói về cuộc đời

tôi còn gì để sống

hãy nói về cuộc đời

khi tôi không còn nữa

sẽ mang được những gì

về bên kia thế giới

thuỵ ơi và thuỵ ơi

tôi làm ma không đầu

tôi làm ma không bụng

tôi chỉ còn đôi chân

hay chỉ còn đôi tay

sờ soạng tìm thi thể

quờ quạng tìm trái tim

lẫn tan cùng vỏ đạn

dính văng cùng mảnh bom

thuỵ ơi và thuỵ ơi

đừng bao giờ em hỏi

vì sao mình yêu nhau

vì sao môi anh nóng

vì sao tay anh lạnh

vì sao thân anh rung

vì sao chân không vững

vì sao anh van em

hãy cho anh được thở

bằng ngực em rũ buồn

hãy cho anh được ôm

em, ngang bằng sự chết

tình yêu như ngọn dao

anh đâm mình, lút cán

thuỵ ơi và thuỵ ơi

không còn gì có nghĩa

ngoài tình anh tình em

đã ướt đầm thân thể

anh ru anh ngủ mùi

đợi một giờ linh hiển

(03-68)

DU TỬ LÊ

Bài hát Khúc Thụy Du qua tiếng hát Tuấn Ngọc mà tôi vẫn thường nghe..

Còn đây là bài hát Khúc Thụy Du qua tiếng hát Nguyên Khang được đài truyền hình SBTN thực hiện và phát sóng ngày 9-10-2019, hai ngày sau khi thi nhân Du Tử Lê qua đời.