Thanh toán di động Mobile Money đang tới đâu giữa bối cảnh COVID-19?
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, việc đẩy nhanh tốc độ triển khai phương thức thanh toán di động Mobile Money để hỗ trợ cho phổ cập thanh toán không dùng tiền mặt đang được Chính phủ đặt mức ưu tiên cao. Sau quá trình thẩm định, ngày 20-7-2021 Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã hoàn thành hồ sơ cho các cơ quan chức năng. Việc sớm đưa Mobile Money vào đời sống đang được kỳ vọng là giải pháp tích cực giúp thích ứng với tình hình dịch bệnh hiện nay tại Việt Nam, đồng thời trong nền kinh tế số mà Việt Nam đang xây dựng.
Quy trình thẩm định nghiêm ngặt
Chỉ với điện thoại di động, không cần tài khoản ngân hàng hoặc kết nối Internet, Mobile Money được kỳ vọng có thể trở thành công cụ hiệu quả giúp Chính phủ thúc đẩy phổ cập thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng chính bởi tính quan trọng và khả năng tác động tới đời sống được dự đoán là rất lớn của dịch vụ này, việc thẩm định hồ sơ đăng ký xin cấp phép Mobile Money của các doanh nghiệp được các cơ quan chức năng thực hiện rất thận trọng.
Cuối tháng 4-2021, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 316/QĐ-TTg phê duyệt thí điểm Mobile Money, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước đối với việc thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile Money. Do đây là dịch vụ mới tại Việt Nam nên để triển khai bảo đảm an toàn, hiệu quả, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều đơn vị chuyên môn nghiệp vụ trong việc thẩm định, cấp phép, thanh tra, kiểm tra, giám sát.
Sau khi nộp hồ sơ lần 1, ba doanh nghiệp viễn thông là VNPT, Viettel và MobiFone đã được phản hồi, yêu cầu hoàn thiện thêm một số nội dung để trình Ngân hàng Nhà nước thẩm định lại. Tới hiện tại, VNPT là một trong những đơn vị đã hoàn thành nộp hồ sơ lần 2. Chia sẻ về quá trình nộp đề án Mobile Money, ông Nguyễn Sơn Hải, Đại diện VNPT, cho biết: “Tuy chưa nhanh như mong đợi nhưng trên thực tế, các cơ quan chức năng đã chung tay, trực tiếp hoàn thiện cùng doanh nghiệp. Đây là việc cần thiết để Mobile Money khi đi vào thực tế có thể thuận lợi phát huy được những ưu thế của mình và giảm thiểu được những vấn đề phát sinh liên quan, qua đó bảo đảm quyền lợi và tính an toàn cho người dùng.”
Chuẩn bị kỹ lưỡng, sẵn sàng cho triển khai thực tế
Được biết, các doanh nghiệp viễn thông đã tiến hành chuẩn bị cho Mobile Money từ rất sớm. Trong suốt khoảng 2 năm trước khi Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định cho phép thí điểm Mobile Money, các doanh nghiệp VNPT, Viettel và MobiFone đã phối hợp cùng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) để chuẩn bị nội dung hồ sơ. Song song với đó là chuẩn bị sẵn sàng những phương án, điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, nhân sự và các chính sách liên quan.
Trong quý 1-2021, VNPT đã triển khai thí điểm Mobile Money nội bộ với hơn 40.000 cán bộ, nhân viên của tập đoàn trên toàn quốc. Theo đại diện VNPT, việc thí điểm nội bộ rất có ý nghĩa trong việc giúp doanh nghiệp diễn tập các kịch bản nghiệp vụ cũng như rà soát toàn trình và thử nghiệm mức độ thông suốt của hệ thống. Tập đoàn VNPT khẳng định, hiện tại, VNPT đã sẵn sàng để đưa Mobile Money ra thị trường chính thức, ngay khi được cấp phép.
Đẩy nhanh Mobile Money là nhu cầu cấp thiết nhằm thích ứng với dịch bệnh
Ngay trong năm 2020, khi dịch COVID-19 ngày càng lan rộng toàn cầu, việc triển khai Mobile Money đã được xem là một nhu cầu cấp thiết cả trong ngắn hạn và dài hạn. Để giảm thiểu rủi ro lây lan dịch bệnh, Chính phủ nhiều nước đã nhanh chóng đưa ra các quyết sách nhằm hạn chế việc tiếp xúc và sử dùng tiền mặt. Tại Việt Nam, Chỉ thị 11 ngày 4-3-2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19 đã đưa ra nhiều chỉ đạo cụ thể, trong đó việc đẩy nhanh tiến độ triển khai thí điểm Mobile Money là một trong các nhiệm vụ trọng tâm.
Nhờ khả năng vận hành chỉ cần mạng viễn thông mà không phụ thuộc vào Internet hay tài khoản ngân hàng, Mobile Money không chỉ dễ dàng giúp thay thế tiền mặt trong các giao dịch nhỏ lẻ hàng ngày, mà còn là phương tiện phù hợp để Chính phủ giải ngân trực tiếp các khoản trợ cấp, hỗ trợ an sinh xã hội đến từng người dân thuộc nhóm yếu thế, chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 4-2021 so với cùng kỳ năm 2020, lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt có tăng trưởng ấn tượng tại tất cả các kênh: Internet tăng 65,9%; điện thoại di động tăng 86,3%; QR code tăng 95,7%. Tại Việt Nam, tỷ lệ người dùng tài khoản ngân hàng chưa cao, nhưng mật độ thuê bao di động thì đạt trên 100%. Như vậy nếu được chính thức triển khai, Mobile Money sẽ là cú hích quan trọng đối với tốc độ tăng trưởng của thanh toán điện tử tại Việt Nam.
Với những lợi ích nêu trên, Mobile Money hứa hẹn một tương lai mà việc tiếp cận, sử dụng các dịch vụ tài chính được “bình dân hóa” và trở nên dễ dàng hơn rất nhiều, đặc biệt đối với cộng đồng khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đó là viễn cảnh gần mà tất cả từ Chính phủ, doanh nghiệp đến người dân đang cùng kỳ vọng.
MEDIAONLINE
+ Nguồn do VNPT cung cấp.