Chủ nhật ngày 24 tháng 11 năm 2024

Cùng Google kiểm tra độ an toàn, gia tăng bảo mật, tránh lừa đảo trực tuyến

Google hôm 8-2-2022 đã chia sẻ những cách thức mà người dùng Internet có thể kiểm tra độ an toàn cho tài khoản của mình, cùng những “bí quyết” giúp tránh bị lừa đảo trực tuyến.

Người dùng nâng cao nhận thức về bảo mật

Xu hướng Một Năm Tìm Kiếm 2021 của Google cho thấy mọi người quan tâm nhiều hơn bao giờ hết về vấn đề an toàn trực tuyến. Năm 2021, người dùng đã tìm kiếm cách chống lại sự gia tăng của gian lận và lừa đảo. Khi vi phạm dữ liệu đạt mức cao nhất vào năm 2021, các tìm kiếm liên quan tới vấn đề bảo mật cũng gia tăng cùng với mối quan tâm sâu sắc của người dùng về an toàn kỹ thuật số. Cụ thể:

  • Các tìm kiếm về gian lận và lừa đảo đã tăng lên tới 35% ở Ấn Độ, Việt Nam, Đài Loan, Pakistan, Singapore, Malaysia, và Úc.
  • Các tìm kiếm liên quan đến quyền riêng tư và vi phạm dữ liệu đã tăng hơn 20% ở Ấn Độ, Nhật Bản, Indonesia, Singapore, Úc và Hong Kong.

Ý thức nâng cao độ bảo mật cho tài khoản của người dùng đã tăng cao trong năm qua khi nhu cầu làm việc và học tập trực tuyến tăng mạnh do đại dịch COVID-19 kéo theo làn sóng lừa đảo trực tuyến, tấn công tài khoản bùng nổ. Trong năm 2021,Google đã ghi nhận được 150 triệu người đăng ký tự động tính năng Xác thực 2 bước (two-step verification 2SV) – nghiên cứu của Google cho thấy điều này đã giúp giảm thiểu 50% số tài khoản bị xâm nhập.

Xác thực 2 bước là phương thức gia tăng thêm một lớp bảo mật bên cạnh mật khẩu (password). Mỗi khi đăng nhập vào tài khoản, người dùng cần nhập mật khẩu (bước 1) và mã ngẫu nhiên (bước 2) được Google gửi qua tin nhắn SMS tới điện thoại người dùng đã đăng ký hoặc ứng dụng Google Authenticator. Nhờ đó, trong trường hợp vô tình lộ mật khẩu thì kẻ gian cũng không thể đăng nhập trái phép vào tài khoản do thiếu mã ngẫu nhiên là lớp bảo vệ thứ hai.

Cứ ba người ở Đông Nam Á thì có một người gặp phải hành vi gian lận trực tuyến trong bối cảnh bùng nổ của các hoạt động trực tuyến như thương mại điện tử và làm việc từ xa do đại dịch COVID-19 năm 2020.” (Theo Công ty ADVANCE.AI)

Người dùng có thể tự kiểm tra và thay đổi cấp độ bảo mật cho tài khoản Google của mình theo hướng dẫn bên dưới đây.

Tự kiểm tra độ an toàn của tài khoản

Google cung cấp những công cụ mở rộng trong trường hợp người dùng cần nâng cấp các lớp bảo mật. Bài Kiểm tra Bảo mật (Security Checkup) là bước đầu tiên và dễ dàng nhất, cung cấp cho người dùng những đề xuất bảo mật cá nhân hóa và hữu dụng giúp họ tăng cường bảo mật cho Tài khoản Google của mình. Chỉ mất khoảng 2 phút để hoàn thành bài kiểm tra này.

Thực hiện Kiểm tra Bảo mật không chỉ giúp người dùng an toàn hơn khi sử dụng các sản phẩm của Google, nó cũng bao gồm các mẹo cá nhân hóa để giúp họ sử dụng Internet an toàn hơn, chẳng hạn như giúp người dùng thiết lập khóa màn hình trên điện thoại và khuyến khích họ xóa các trang web và ứng dụng có quyền truy cập vào tài khoản của họ.

Theo Google, năm 2021 đã có hơn 1,5 tỷ lượt Kiểm tra Bảo mật tài khoản được thực hiện.

Cần lưu ý để tránh lừa đảo trực tuyến

Các quy tắc vàng giúp bạn phát hiện ra những mánh khóe gian lận:

  1. Bình tĩnh – Những kẻ lừa đảo thường tạo ra cảm giác cấp bách để có thể vượt qua khả năng nhận định của bạn. Hãy bình tĩnh, dành thời gian đặt câu hỏi về vấn đề bạn đang gặp phải để tránh bị dồn vào tình huống ra quyết định gấp dẫn đến sai lầm, mắc bẫy kẻ gian.
  2. Kiểm tra thông tin bạn nhận được – Hãy tự tra cứu để kiểm tra lại các thông tin bạn tiếp nhận. Nếu bạn nhận được một cuộc gọi không mong muốn, hãy gác máy. Nếu bạn nhận được một email lạ, thay vì nhấp vào liên kết được gửi kèm, nếu cần thiết, bạn có thể truy cập trực tiếp vào trang web chính thức (mà mình biết chắc) của ngân hàng, công ty viễn thông hoặc cơ quan hành chính công rồi đăng nhập ngay tại website chính thức đó.
  3. Hãy khoan gửi đi – Không một cá nhân hoặc cơ quan nào yêu cầu thanh toán ngay lập tức. Thông thường, những kẻ lừa đảo khăng khăng bạn phải thanh toán cho họ thông qua thẻ cào chỉ để được tặng một món quà, không phải là khoản thanh toán đang cần kíp. Vì vậy, nếu bạn cảm thấy giao dịch này không đáng tin, hãy dừng lại vì nó có thể là bẫy của kẻ gian.

Những cảnh báo tự động từ hệ thống Google

Khi người dùng Google sử dụng Internet, họ không cần phải lo lắng về tính bảo mật của thông tin cá nhân. Đó là lý do vì sao Google nỗ lực xây dựng tính bảo mật cho các sản phẩm của mình, để thông tin trong tài khoản Google của người dùng được bảo vệ tự động.

Sử dụng máy học ML và công nghệ AI, Gmail phân tích các mẫu trong hàng tỷ thư để xác định các đặc điểm của email bị đánh dấu là spam, và sử dụng các điểm đánh dấu đó để chặn 99,9% email đáng ngờ hoặc nguy hiểm trước khi chúng tìm đến bạn. Trên thực tế, khả năng lọc thư rác được nâng cao bởi công nghệ AI của Gmail có thể chặn gần 10 triệu email spam mỗi phút.

Google được tối ưu để trở thành một địa chỉ an toàn hơn để tìm kiếm bằng cách bảo vệ bạn không bị truy cập vào các trang web spam và lừa đảo.

Vào năm 2020, Google đã phát hiện 40 tỷ trang spam mỗi ngày, bao gồm các trang web đã bị tấn công hoặc giả mạo để lấy cắp thông tin cá nhân của bạn và chặn chúng xuất hiện trong kết quả Tìm kiếm.

Ngoài các cách lừa đảo web truyền thống, Google luôn nỗ lực để bảo vệ người dùng khỏi các hình thức lừa đảo khác. Kể từ năm 2018, Google đã có thể bảo vệ hàng trăm triệu lượt tìm kiếm trên Google mỗi năm khỏi các trang web lừa đảo đang cố gắng đánh lừa người dùng bằng cách keyword stuffing (lặp đi lặp lại từ khóa), logo của các thương hiệu mà chúng đang bắt chước hoặc số điện thoại lừa đảo mà chúng muốn người dùng gọi.

Google cảnh báo người dùng về các trang web không an toàn.

Duyệt web An toàn hiện bảo vệ hơn 4 tỷ thiết bị. Tính năng hiển thị các thông báo cảnh báo cho người dùng khi trang web mà mình đang cố gắng truy cập có thể không an toàn, bảo vệ người dùng và thông tin cá nhân của người dùng khỏi phần mềm độc hại tiềm ẩn và các âm mưu lừa đảo. Google cũng thông báo cho chủ sở hữu trang web khi trang web của họ bị tấn công và cung cấp thông tin để giúp khắc phục sự cố.

GOOGLE – MEDIAONLINE

Nguồn do Google cung cấp.