Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Thêm tuyến cáp quang biển thứ ba bị sự cố khiến Internet ở Việt Nam chậm hơn

Trong khi 2 tuyến cáp quang biển quốc tế Asia Pacific Gateway (APG) và Asia America Gateway (AAG) bị sự cố từ cuối năm 2021 đến nay vẫn chưa sửa xong, từ ngày 18-2-2022 lại có thêm tuyến cáp quang biển thứ ba là tuyến cáp Liên Á (Intra-Asia, IA) cũng bị lỗi, phải bảo dưỡng để khắc phục.

Cáp quang biển quốc tế nằm dưới đáy đại dương. (Ảnh: Internet. Thanks.)

Theo thông báo do đơn vị quản lý tuyến cáp gửi đến các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP), tuyến cáp IA hướng kết nối đi Hong Kong đang phải bảo dưỡng để khắc phục các sự cố, dự kiến tới cuối tháng 2-2022 sẽ xong.

Tuyến cáp quang biển quốc tế IA dài 6.800km, vận hành từ tháng 11-2009. Tuyến cáp biển này kết nối Singapore, Việt Nam, Philippines, Hong Kong và Nhật Bản trung chuyển lưu lượng đến Châu Mỹ và Châu Âu cho các khách hàng ở khu vực, trong đó có Việt Nam.

Việc cùng một lúc có tới 3 tuyến cáp quang biển quốc tế bị sự cố gây ảnh hưởng nặng cho kết nối Internet quốc tế của Việt Nam.

Lần gần đây nhất cáp AAG gặp sự cố là vào tối 22-10-2021, lỗi trên nhánh cáp kết nối hướng Singapore gây mất toàn bộ lưu lượng từ Việt Nam đi quốc tế trên tuyến này. Vào chiều 29-12-2021, sự cố này đã được khắc phục nhưng lại xảy ra sự cố khác trên nhánh cáp S1I hướng kết nối đi Hong Kong với 3 điểm lỗi mà cho tới nay vẫn chưa được sửa. Theo lịch mới nhất, thời gian sửa chữa trên nhánh S1I của tuyến AAG kéo dài từ ngày 25-2 đến 13-3-2022.

Với tuyến APG, vào các ngày 5-12 và 13-12, lần gặp sự cố thứ tư trong năm 2021, tuyến cáp này bị sự cố trên 2 hướng cáp kết nối đi Nhật Bản và Hong Kong. Vào ngày 14-1-2022, sự cố trên nhánh S1.5 đi Nhật Bản đã được sửa xong. Còn lỗi trên nhánh cáp cách trạm cập bờ Hong Kong khoảng 125km của tuyến này dự kiến được sửa xong vào ngày 24-2.

Hiện nay do lưu lượng truy cập Internet nước ngoài lớn hơn nhiều so với trong nước, mỗi lần có tuyến cáp quang Internet quốc tế nào bị sự cố là tình trạng Internet ở Việt Nam lại bị ảnh hưởng nếu không chập chờn thì cũng chậm lại. Việc các nhà mạng phân bổ dung lượng sang các tuyến cáp khác cũng chỉ khắc phục được phần nào mà thôi. Và tình trạng càng trầm trọng nếu như tình hình lỗi kéo dài và có thêm những tuyến khác bị sự cố. Chỉ có các ứng dụng nội địa và các website được hosting tại các data center trong nước là không bị ảnh hưởng hay chỉ bị nhẹ.

ANH PHÚ