Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Tranh luận chớ tranh cãi

Khi có ai nói điều gì trái ý mình, tất nhiên người ta sẽ phản ứng. Số đông nhất là những người thiện lành, thông hiểu sẽ chỉ bỏ qua, không quan tâm, bất giác thì chặc lưỡi một cái. Nhưng lại có những người phản ứng một cách cực đoan, quá khích, thậm chí xỉ vả người khác quan điểm với mình. Và tất nhiên, hùa theo đó là những người “cùng chí hướng” với họ.  

Âu đó cũng là lẽ thường tình. Và có tranh luận thì mới đạt tới chân lý. Chỉ có vấn đề nằm ở chỗ tranh luận không đồng nghĩa với tranh cãi, tranh luận sao cho văn minh, lịch sự, biết tôn trọng lẫn nhau trên con đường đi tìm chân lý, lẽ phải.

Cái tranh từ Internet này không biết có hợp với nội dung này không, nhưng vui chút cho bớt stress. (Nguồn: Internet. Thanks.)

Có lẽ cách tốt hơn cả là khi bị ai phản đối, ta nên bình tĩnh cẩn trọng suy xét lại ý kiến của mình. Nếu thấy vững lòng thì im lặng hoặc nếu cần thì “nói thêm cho rõ”. Xin nhớ là chung quanh ta vẫn có đại đa số là những người hiểu biết thật sự đã kinh qua 3.000 thế giới. Còn nếu nhận ra mình sai, hoặc sai toàn bộ hay sai một số điều, thì nên nhận lỗi và sửa sai. Chẳng có chi phải mắc cỡ. Sai mà biết nhận sai thì càng được cưng hơn. Tuyệt đối không nên sa đà vào cuộc đua lời qua, tiếng lại mà hầu hết là không toang thì cũng chẳng biết đâu mà dừng. Đặc biệt nên né tối đa những tranh luận về chính trị và tín ngưỡng, nhất là dính líu tới phạm trù ý thức hệ, bởi lâm vào thì chẳng chết cũng bị thương.

Chắc có bạn sẽ hỏi: vậy chẳng lẽ không tranh luận cho rõ ràng? Không, cần lắm chứ, đặc biệt là với những thứ rõ ràng là sai tè le, là độc hại. Nhưng tranh luận cho rõ chớ không phải tranh cãi để thắng. Tốt nhất hãy để cho các nhà chuyên môn, người thông tuệ tranh luận với nhau và chỉ tranh luận ở những nơi dành để tranh luận như vậy. Còn những nơi dành cho quảng đại công chúng, nơi có đủ mọi “nhân tài”, mọi “cấp độ” như mạng xã hội thì nếu tránh được là tốt cho tất cả.

Phàm thì là mà rằng, con người chẳng phải là Thánh nhân, mà thần thánh cũng chẳng phải không thể phạm sai lầm. Ngay cả các nhà bác học thì cũng chưa chắc đã thấu hiểu tất cả mọi lẽ trong lĩnh vực nghiên cứu của mình, chớ đừng nói chi là các lĩnh vực khác. Ngoại trừ những gì đã rõ ràng, được coi là chân lý, còn thì ta chớ nên tự tin mình luôn đúng 100%, kể cả 99,99% (tỷ lệ có nhiều người thích). Trước khi phản ứng với điều gì, ta nên tìm hiểu thấu đáo và sâu rộng từ nhiều nguồn có thể. Tuyệt đối không được võ đoán, duy ý chí, chủ quan và định kiến.

Tóm lại, tranh luận chớ đừng tranh cãi. Tranh luận để đạt tới lẽ phải chớ không phải để giành chiến thắng.

Bên trên là những điều A Phủ đã được mấy Mị dạy bảo trong ngày 8-3-2022. Đợi qua ngày 9-3, một trong 363 ngày của mình, A Phủ mới xin chép lại vào “Cẩm nang Sống”.

P.H.P.