Thứ Tư ngày 22 tháng 1 năm 2025

Từ “tai thỏ” đến màn hình “viên thuốc” trên iPhone

Một trong những điểm nhấn thu hút nhiều người chú ý nhất trên dòng smartphone iPhone 14 series vừa được nhà “Táo khuyết” Apple ra mắt ngày 7-9-2022 là cái màn hình khác thường của bộ đôi iPhone 14 Pro và 14 Pro Max. Lần đầu tiên, iPhone đã chuyển từ cái màn hình notch “tai thỏ” truyền thống sang màn hình đục lỗ thời thượng với vùng khuyết dài như hình một “viên thuốc con nhộng” (pill shaped cutout). Apple đặt tên cho thiết kế và công nghệ này là Dynamic Island.

Tính năng Dynamic Island trên iPhone 14 Pro/ Pro Max. (Ảnh: Apple).

Chiếc iPhone đầu tiên ra đời vào năm 2007 với màn hình TFT 3.5 inch độ phân giải 320 x 480 pixel không có camera trước. Tới iPhone 4 vào năm 2011 với màn hình IPS LCD 3.5 inch độ phân giải 640 x 960 pixel mới bắt đầu có camera trước, nhưng chỉ là một chấm tròn nhỏ nằm bên trái loa nghe.

Thiết kế màn hình không tràn viền của iPhone vẫn tiếp tục được giữ cho tới khi Apple làm một cuộc cách mạng đưa ra iPhone X vào tháng 9-2017 với màn hình Super Retina OLED 5.8 inch (1125 x 2436 pixel). Đây là chiếc iPhone đầu tiên không đánh số thứ tự bằng chữ số Latinh mà dùng chữ số La Mã và nhảy vọt từ iPhone 8 Plus lên. Nhưng điều đáng nói nhất khi đây là chiếc iPhone đầu tiên sử dụng màn hình tràn viền. Và để có chỗ cho chiếc camera selfie, Apple bèn lẹm một khoảnh ở giữa mép trên màn hình. Nhiều tranh cãi đã lập tức nổ ra, và có không ít người chê là thiết kế quá xấu. Cái nickname “tai thỏ” bắt đầu xuất hiện để đặt cho thiết kế màn hình mới của iPhone X.

Thật sự thì cái phần khuyết dài trên iPhone không chỉ chứa camera selfie mà còn các loa nghe, microphone, các cảm biến lủ khủ.

Trong khi bên Android chạy đua thu nhỏ và thậm chí nỗ lực làm biến mất cái chỗ lõm hay cái lỗ “mụt ruồi” của camera selfie, Apple vẫn kiên trì với cái phần khuyết to đùng trên iPhone.

Mãi tới dòng iPhohe 13 series ra đời tháng 9-2021, Apple mới chịu thu nhỏ bớt cái phần khuyết màn hình, nhỏ hơn 25% so với kích thước notch trước đó. Cái notch dài có chiều cao 5,3mm này là nơi chứa 4 thành phần chính của hệ thống nhận diện khuôn mặt Face ID là camera hồng ngoại (infrared camera), máy chiếu điểm (dot projector), đèn chiếu (flood illuminator) và camera selfie.

Các thành phần nằm trên cái notch dài của iPhone X. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks).

Phải chăng việc thu nhỏ notch ở iPhone 13 là sự báo trước cho một cuộc cách mạng mới vê thiết kế iPhone diễn ra vào một năm sau với iPhone 14?

Màn hình đục lỗ (hole-punch display) – mà Samsung gọi là Infinity-O display – được khởi xướng bởi Samsung với Galaxy A8s và Huawei với Nova 4 và Honor View 20 cùng ra mắt vào tháng 12-2018. Đó là các màn hình được nhà sản xuất ứng dụng công nghệ khoét một lỗ tròn nhỏ tinh vi để làm chỗ cho camera selfie. Trong khi Galaxy A8s của Samsung đục lỗ rộng 35m2 cho camera selfie 24MP, Honor View 20 của Huawei chỉ có lỗ nhở xíu 16mm2 cho camera selfie 25MP. Ngay từ đầu đã có sự cạnh tranh về cái lỗ khoét trên màn hình, cả về kích thước lẫn vị trí, để giảm bớt cái sự “đỏ con mắt bên trái, xốn con mắt bên phải” của người dùng. Từ cuối năm 2019 thì thiết kế màn hình đục lỗ bắt đầu rộ lên trong thế giới Android. Thực tế là tuy nhỏ và nằm sát mép trên màn hình, nhưng cái lỗ camera selfie đó vẫn gây cảm giác khó chịu cho người dùng, đặc biệt là những lỗ lớn. Người ta đặt cho cái lỗ màn hình này cái nickname là “mụt ruồi”.

Trong những năm qua, các hãng điện thoại Android đã không ngừng nỗ lực để tẩy cái “mụt ruồi” khỏi khuôn mặt màn hình. Mục tiêu cuối cùng là đạt được một màn hình hiển thị đủ 100% kích thước – mà giải pháp được kỳ vọng nhất và cũng phức tạp nhất là phát triển camera ẩn dưới màn hình.

So sánh kích thước các lỗ và notch cho camera selfie trên smartphone. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks).

Nếu như ở thiết kế màn hình lõm (notch screen), Apple là người tiên phong kéo các smartphone Android đi theo khi phải vào cuộc đua màn hình tràn viền, thì với thiết kế màn hình đục lỗ, iPhone lại theo sau các smartphone Android.

Chỉ có điều, Apple vẫn chọn cách đi khác biệt với lợi thế mình có một thế giới riêng với hệ sinh thái riêng. Chưa kể Apple còn có một ưu thế vượt trội là có thể làm tất cả từ chíp xử lý cho tới hệ điều hành. Nhờ vậy, dù màn hình có thiết kế ra sao, Apple vẫn có thể “cân” hết.

Thay vì chơi ngon cho tràn hết cả màn hình khiến các nhà Android phải “chết thèm”, hay chí ít là thu cái lỗ camera selfie lại nhỏ xíu, Apple lại thiết kế cái phần khuyết lớn như ở màn hình tai thỏ. Và điều khác biệt nằm ở công nghệ Dynamic Island biến phần khuyết hình viên thuốc thành một màn hình phụ với kích thước linh hoạt lớn nhỏ tùy theo tác vụ đang thực hiện.

Phần khuyết cho camera trước được Apple tận dụng để hiển thị nhiều thông tin. Khi người dùng trở về màn hình chính lúc đang nghe nhạc, Dynamic Island sẽ tự động kéo dài để hiển thị thêm hình ảnh bìa album ca khúc đang nghe. Apple tận dụng triệt để khu vực này hiển thị nhiều tính năng từ cuộc gọi, Face ID, đặt lịch hẹn hay chỉ dẫn đường bằng GPS. Người dùng có thể tương tác với màn hình Dynamic Island này như chạm để khởi chạy ứng dụng đang hiển thị hoặc nhấn giữ để hiển thị các điều khiển bổ sung mà không cần khởi chạy. Bạn có thể tùy biến kích thước giao diện linh động và hiển thị nhiều loại thông báo dưới dạng bong bóng pop-up đẹp mắt mà không gây cản trở hay gián đoạn cho các ứng dụng đang chạy trên màn hình chính.

Chuyên gia Patrick Holland viết trên trang công nghệ Cnet ngày 14-9-2022: “Dynamic Island thực chất là câu trả lời của Apple cho việc chạy đa nhiệm nhanh hơn trên iPhone. Trong khi các nhà sản xuất điện thoại Android như Samsung hỗ trợ khả năng mở nhiều ứng dụng cùng lúc trên màn hình, thay vào đó, Apple sử dụng Dynamic Island để mở rộng mà hiển thị thông tin theo ngữ cảnh. Nó có thể mở rộng để hiển thị cảnh báo và có thể thay đổi hình dạng tùy thuộc vào ứng dụng.”

Nếu có bộ hẹn giờ chạy cùng lúc bạn đang nghe nhạc, Dynamic Island sẽ chia bộ hẹn giờ thành bong bóng riêng đặt bên cạnh thông tin phát nhạc để bạn có thể xem cả hai mà không cần phải chuyển đổi giữa các ứng dụng. Tương tự, bạn có thể xem chỉ đường từng chặng trên Dynamic Island mà không cần phải chuyển từ ứng dụng này sang ứng dụng khác.

Apple cho biết mục tiêu đàng sau Dynamic Island là hiển thị rõ ràng thông tin mà không làm phân tán ứng dụng bạn đang sử dụng. Ông Greg “Joz” Joswiak, Phó Chủ tịch cấp cao về tiếp thị toàn cầu của Apple, cho biết trong sự kiện ra mắt dòng iPhone 14 series: “Với sự thay đổi này, chúng tôi đã xem xét lại cách bạn tương tác với iPhone của mình.”

Trang công nghệ Cnet nhận xét: “iPhone 14 Pro và Dynamic Island là một thí dụ tuyệt vời về việc Apple đóng gói một công cụ mạnh mẽ vào một giao diện thú vị.”

Tuy nhiên, Apple không phải là người đầu tiên có ý tưởng dùng màn hình phụ để tận dụng khu vực chứa camera selfie.

LG V10 với màn hình phụ. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks).

Hãng LG (Hàn Quốc) vào tháng 10-2015 từng ra mắt smartphone LG V10 có cụm camera kép phía trước (gồm một camera thường và một camera góc siêu rộng để chụp ảnh selfie nhóm) với thiết kế màn hình phụ. Màn hình phụ cố định như một dải chạy ngang có kích thước 2.1 inch (160 x 1040 pixel) nằm phía trên màn hình chính 5.7 inch (1440 x 2560 pixel). Chiều ngang của màn hình này chiếm khoảng 72% và 28% còn lại là nơi đặt cụm camera trước cùng các cảm biến. Ngoài việc hiển thị nội dung các thông báo, màn hình phụ còn chứa icon các ứng dụng thường dùng. Chỉ có điều, việc thử nghiệm này đã không được người dùng đón nhận, chủ yếu cho là không cần thiết.

Tính năng Dynamic Island trên iPhone 14 Pro/ Pro Max. (Ảnh: Apple).

Nói cách nào đó, màn hình Dynamic Island giống như một biến thể của cái phần khuyết tai thỏ. Apple vẫn luôn là Apple. Và biết đâu chừng, giống như cái thiết kế tai thỏ mà Apple thửa cho iPhone hồi năm 2017, thiết kế màn hình Dynamic Island này rồi đây cũng xuất hiện với dạng nào đó trong thế giới Android.

Các iFan đang chờ đợi các nhà phát triển sẽ sớm có những ứng dụng thích nghi và khai thác tính năng Dynamic Island trên iPhone 14 Pro/ Pro Max.

Xin mời xem video:

.

  • Bản in trên báo Người Lao Động thứ Bảy 17-9-2022 và trên báo NLĐ Online.

PHẠM HỒNG PHƯỚC