Thứ Tư ngày 22 tháng 1 năm 2025

Lừa đảo và khủng bố qua điện thoại ngày càng thách thức

Nếu như trước đây, người dùng máy tính hễ lên Internet là nơm nớp sợ dính virus; còn bây giờ, người dùng di động luôn bị ám ảnh bởi những cuộc gọi rác, gọi mạo danh, lừa đạo. Có thể nói không hề thổi phồng là bọn tội phạm lừa đảo, đòi nợ thuê dạng khủng bố qua điện thoại ở Việt Nam giờ đây đã đông vô số kể và lên đến mức độ thách thức cả pháp luật. Bằng chứng là trong lúc cơ quan công an đang tiếp tục xử lý những vụ án lớn liên quan tới nạn mạo danh lừa đảo và đòi nợ khủng bố trên điện thoại, bọn xấu chỉ tạm lắng xuống một thời gian cực ngắn rồi lại bùng dậy còn lợi hại hơn trước. Thậm chí bây giờ chúng công khai cả những số điện thoại, kể cả của những nhà mạng lớn, mà chúng dùng để quấy rối người dân.

Suốt từ đầu năm tới giờ, bà D.T. ở TP.HCM khổ sở vì số điện thoại VinaPhone của mình thường xuyên bị bọn đòi nợ thuê cho ngân hàng gọi để truy một “con nợ” nào đó được cho là sử dụng số điện thoại của bà để làm thủ tục vay ngân hàng rồi không trả. Tất nhiên, bà chẳng hề biết người kia là ai. Không thể dùng tính năng chặn số nổi vì chặn số này, sau đó lại đẻ ra số khác. Hơn 20 số điện thoại cùng một người gọi đều có đầu số 059 của nhà mạng Gmobile. Hình như nhóm đòi nợ thuê này đã bao nguyên cả lô SIM của nhà mạng này để gọi điện khủng bố người dân.

Trưa 21-3-2023,  chúng tôi có cuộc gọi từ số 0782310334 gọi tới với giọng nam xưng là trung úy công an hình sự Quận 5 cần trao đổi một số vấn đề. Chúng tôi trả lời: “Cảm ơn anh nghen. Tôi là nhà báo đang cần liên lạc với anh để viết bài điều tra về nạn lừa đảo qua điện thoại. Tôi đang ghi âm đây.” Vậy là bên kia văng tục: “Nhà báo cái con củ c..” rồi cúp máy.

Liên tục mấy ngày vừa qua, chúng tôi nhận hàng loạt cuộc gọi “dội bom” từ nhiều số điện thoại có cùng đầu số 028888xxxxx thông báo đã tới kỳ hạn tất toán tiền mua hàng của Kinh Đô hơn 6 triệu đồng. Ngày 28-3-2023, khi có cuộc gọi từ số 02888829203 với nội dung tương tự, chúng tôi nói lôn số. Gã thanh niên bên kia đọc một số điện thoại và tên người lạ hoắc nói số đó đang nợ tiền. Khi nghe chúng tôi lặp lại là lôn số. Gã hỏi vậy số điện thoại của chúng tôi số mấy? Chúng tôi trả lời: “Anh đang gọi cho tôi mà sao không biết số. Để tôi ghi âm rồi chuyển số điện thoại của anh cho công an nghen”. Gã thách thức: “Cứ chuyển đi, tôi đang chờ nè”. Rồi hăm he: “Báo công an thì cứ báo, nhưng nếu không tất toán nợ thì sẽ còn nghe gọi báo nợ dài dài”.

(Nguồn ảnh: Internet).

Đặc biệt, gần đây, các chuyên gia an ninh bảo mật cảnh báo chiêu thức lợi dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng phổ dụng để sử dụng công nghệ Deepfake mà mạo danh siêu cấp độ hơn. Công nghệ AI này có khả năng làm giả video và giọng nói một người nào đó dựa trên nguồn data được cung cấp. Trước đây, bọn lừa đảo thực hiện các cuộc gọi video mạo danh trên các ứng dụng liên lạc (Facebook, Zalo,…) bằng cách dùng một tấm ảnh của người bị mạo danh rồi áp dụng hiệu ứng làm cho nó có vẻ hơi cử động. Còn với Deepfake, bọn lừa đảo có thể tạo ra một đoạn video với hình ảnh chuyển động như thật lồng tiếng nói giống như người bị mạo danh. Ngoại trừ các chuyên gia thì mới có khả năng phát hiện đó là cuộc gọi Deepfake.

Vì thế, các chuyên gia khuyên mọi người khi nhận được những cuộc gọi video call “có hình, có tiếng” như là chính chủ mà nếu có nội dung liên quan đến tiền bạc, tài khoản hay nợ nần, vụ án (mượn tiền, đòi nợ thuê, đe dọa,…) thì chớ vội tin ngay. Họ cần phải tìm cách xác minh cuộc gọi đó (có thể gọi điện trực tiếp cho người đó). Các chủ nợ hay cơ quan công lực không bao giờ sử dụng các hình thức này để liên lạc với đối tượng.

Hiện nay, hầu như các số điện thoại lừa đảo gọi tới đều hiện rõ số thuê bao của các nhà mạng. Các nhà mạng có xử lý được không khi người dân báo với chứng cứ rành rành? Mà có khi chẳng cần chứng cứ từ người dân, chỉ cần được báo số điện thoại vi phạm là nhà mạng cũng có kỹ thuật truy xét xác minh. Vấn đề của vấn đề là nhà mạng có chịu làm hay không.

Các smartphone có sẵn tính năng chặn (block) cuộc gọi không mong muốn. Người dùng có thể nhập các số điện thoại mà mình không muốn nhận vào danh sách chặn. Nhưng không rõ là do có phần mềm tạo số ảo hay đã “bao lô” hàng loạt SIM rác của nhà mạng, mà bọn xấu thay đổi số điện thoại như đầu Phạm Nhan, hễ bị chặn số này, chúng dùng ngay số khác. Như cụm đầu số 059 và 028888 mà chúng tôi đã bị.

Cái khó cho người dùng là không thể thiết đặt chế độ chặn tất cả các số lạ, bởi vì còn những cuộc gọi không có trong danh bạ mà mình cần nhận, nhất là các cuộc gọi của các dịch vụ online, shipper giao hàng,…

Vì thế, thay vì chỉ dùng “chiêu” chặn cuộc gọi, hiện nay, nhiều thuê bao di động đã cài đặt ứng dụng Truecaller để khi có số thuê bao không có trong danh bạ gọi đến, họ sẽ được báo đó có phải là số lừa đảo, mạo danh hay không. Người dùng cũng có thể chia sẻ vào cơ sở dữ liệu của ứng dụng này các số điện thoại lừa đảo mà mình biết. Ứng dụng này trên Google Play cho thiết bị Android hiện đã có hơn 1 tỷ lượt tải về và 18,7 triệu người đánh giá, đạt đánh giá 4.8/5 sao. Còn trên App Store cho iPhone, ứng dụng này hiện có hơn 250.000 người đánh giá, đạt múc 4.5/5 sao. (Đây là ứng dụng có thể sử dụng miễn phí với điều kiện chấp nhận có quảng cáo trong ứng dụng.)

Tuy nhiên, các biện pháp chặn hay từ chối cuộc gọi chỉ là giải pháp phòng thủ thụ động. Vấn đề cốt lõi là phải triệt cho được bọn xấu, bọn tội phạm đó. Cơ quan chức năng cần phải có các biện pháp chuyên môn để truy tìm ra chúng và trừng trị đích đáng bằng pháp luật.

Các thuê bao có thể đóng góp vào những nỗ lực xử lý vấn nạn lừa đảo, khủng bố qua điện thoại bằng cách thông báo cho cơ quan chức năng biết các số điện thoại lừa đảo, khủng bố mà mình nhận được.

Từ tháng 11-2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức đưa vào hoạt động Tổng đài 156 xử lý cuộc tin nhắn, gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo để tiếp nhận phản ánh của người dân mà tổng hợp, xử lý. Đây là đầu số được sử dụng thống nhất trên toàn quốc và triển khai tới tất cả các nhà mạng cung cấp dịch vụ viễn thông cố định, di động. Người dân phản ánh về cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo thông qua 2 hình thức gửi tin nhắn SMS và gọi điện tới tới đầu số 156.

Trước đó, Bộ TT-TT cũng đã có Tổng đài 5656 tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác qua tin nhắn.  Theo thống kê của Bộ TT-TT, trong 9 tháng năm 2022, Tổng đài 5656 đã tiếp nhận 202.949 lượt phản ánh. Trong đó, số lượt phản ánh tin nhắn rác là 25.476 lượt (giảm 10,6% so với cùng kỳ năm 2021); số lượt phản ánh cuộc gọi rác là 177.473 (tăng 34,2%), trong đó phản ánh về cuộc gọi đòi nợ, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo chiếm 12,5%. Số tin nhắn rác đã chặn 458,7 triệu tin (tăng 67,2% so với cùng kỳ năm 2021).

Chiều 28-3-2023, khi chúng tôi liên hệ, nhân viên trực Tổng đài 156 cho biết: Sau khi tiếp nhận tin nhắn SMS hay cuộc gọi báo lừa đảo, Tổng đài 156 sẽ chuyển tới Cục An toàn Thông tin (Bộ TT-TT). Tổng đài này cho biết, Cục sẽ xử lý triệt để, phối hợp với các nhà mạng xác minh và xử lý.

Theo quy trình, sau khi tiếp nhận thông tin, nhà mạng sẽ sàng lọc, xác minh, phản hồi khách hàng, đồng thời tổng hợp gửi nội dung phản ánh tới cơ quan quản lý nhà nước của Bộ Công an, Bộ TT-TT để có biện pháp xử lý theo quy định. Các nhà mạng sẽ dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều, tiếp theo tạm dừng cung cấp dịch vụ viên thông 2 chiều nếu số thuê bao có hành vi vi phạm phát tán cuộc gọi rác, cuộc gọi dấu hiệu lừa đảo.

Hồi cuối tháng 8-2022, 7 nhà mạng di động gồm Viettel, VNPT-VinaPhone, MobiFone, Vietnamobile, Local, Itel và Gmobile đã ký thoả thuận ngăn chặn, xử lý cuộc gọi rác và kế hoạch quản lý thông tin thuê bao di động, ngăn chặn, xử lý SIM có dấu hiệu tồn kênh.

NGƯỜI DÂN CÓ THỂ GỌI ĐIỆN THOẠI HAY NHẮN TIN SMS ĐỂ THÔNG BÁO CÁC SỐ ĐIỆN THOẠI LỪA ĐẢO

NHẮN TIN: Gửi tin nhắn (miễn phí) tới đầu số 156 (hoặc 5656), trong đó:

  • Với tin nhắn rác, soạn tin nhắn với cú pháp: S [Số điện thoại gửi tin rác] [Nội dung tin nhắn rác]
  • Với cuộc gọi có dấu hiệu gọi rác: V [Số điện thoại gọi rác] [Nội dung cuộc gọi rác]
  • Với cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo: LD [Số điện thoại lừa đảo] [Nội dung cuộc gọi lừa đảo]

GỌI ĐIỆN: Ngoài nhắn tin, người dân có thể gọi tới đầu số 156 (các doanh nghiệp viễn thông sẽ áp dụng việc miễn phí cước cuộc gọi) để cung cấp thông tin (về số điện thoại vừa thực hiện cuộc gọi có dấu hiệu thực hiện cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo; trích dẫn một số nội dung có liên quan…) theo hướng dẫn của bộ phận chăm sóc khách hàng của các nhà mạng.

  • Bản in trên báo Người Lao Động thứ Bảy 1-4-2023 và trên báo NLĐ Online.

ANH PHÚC