Mạng lưới cổng dịch vụ công hữu ích nhưng còn ngổn ngang
Một trong những kết quả của công cuộc chuyển đổi số toàn diện quốc gia chính là các cổng dịch vụ công đã được hình thành và đang phục vụ cả cơ quan chức trách lẫn người dân. Hiện nay, ngoài cổng dịch vụ công quốc gia khai trương ngày 9-12-2019 với vai trò một cổng chung toàn diện tất cả trong một, các cổng dịch vụ công cũng đã được hình thành tại các bộ và các tỉnh thành. Tất cả, về lý thuyết và mục tiêu, hình thành một mạng lưới dịch vụ công (DVC) trực tuyến giúp người dân có thể thực hiện nhiều loại dịch vụ mọi lúc, mọi nơi không cần phải trực tiếp đến cơ quan chức năng.
Các cổng DVC này đã tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính theo tinh thần Nghị quyết 68 và Nghị định số 45/2020/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, thực hiện kết nối, tích hợp, cung cấp DVC trực tuyến, thanh toán trực tuyến trên Cổng DVC Quốc gia.
Anh Đ.N. Phúc (TP.HCM) cho biết: “Nhờ có sự kết nối giữa Cổng Dịch vụ Công Quốc gia và Cổng Dịch vụ Công Bộ Công an mà tôi có thể làm thủ tục cấp đổi hộ chiếu ngay tại nhà, thanh toán qua tài khoản ngân hàng, không phải tới chầu chực ở cơ quan công an, và thậm chí có thể nhận hộ chiếu mới qua đường bưu điện chuyển tới tận nhà. Chỉ có điều phải tốn nhiều thời gian và có phần lòng vòng hơn khi làm trực tiếp trước đây.”
Các cổng DVC cũng có mục để thu nhận ý kiến đánh giá của người dân. Cổng DVC Quốc gia có mục “Phản ánh kiến nghị về Cải cách TTHC, xây dựng CPĐT, Nghị quyết 68/NQ-CP , Đề án 468 và Đề án 06” để người dân có thể đóng góp ý kiến, nêu những thắc mắc và những vướng mắc trong quá trình làm thủ tục. Tính tới ngày 23-7-2023, mục này đã ghi nhận được 1.155 ý kiến. Chẳng hạn, ngày 20-7-2023, bà Phạm Thị Hoàng Anh phản ánh: “Vào lúc 13 giờ, tôi đến Trung tâm hành chính công tỉnh Đồng Nai để thực hiện thủ tục hành chính, tuy nhiên bảo vệ tòa nhà không cho vào sảnh chờ, bắt công dân đứng ngoài cổng lề đường chịu nắng chịu mưa, nói 13 giờ 30 phút mới cho vào. Trong khi quy định tiếp dân ngoài bảng thông báo là 13 giờ. Bác bảo vệ nói lát đến giờ làm việc vào trong mà phản ánh nhưng tôi không biết phải phản ánh với ai trong đó. Tôi là công dân tỉnh khác đến thực hiện thủ tục hành chính ở Đồng Nai nên phải tranh thủ đi sớm và về cho kịp giờ, không thể canh giờ chính xác được…..” Trung tâm này đã trả lời: “Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Đồng Nai cảm ơn phản ảnh kiến nghị của Chị Phạm Thị Hoàng Oanh trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Qua kiểm tra, Trung tâm đã làm việc với đội bảo vệ và kiểm điểm trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ không đúng với nội quy, quy định tại Trung tâm, làm phiền hà người dân khi đến làm việc. Trung tâm trân trọng cảm ơn sự phản ánh của chị để công tác phục vụ được tốt hơn trong thời gian tới. Trân trọng.” Hay bà Nguyễn Thị Thúy ngày 17-7-2023 thắc mắc: Công dân làm hộ chiếu và thanh toán online báo thành công, có hiển thị ngày dự kiến trả kết quả, nhưng 1 tuần sau ngày đó vẫn chưa nhận được hộ chiếu.
Cổng DVC Bộ Công an ngoài mục “Phản ánh – kiến nghị” còn có thêm mục “Đánh giá dịch vụ công” để khảo sát đo lường trực tuyến sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trong công an nhân dân.
Cổng DVC Quốc gia giúp người dân tra cứu thông tin, DVC các ngành, lĩnh vực, các địa phương tại Cơ sở dữ liệu Quốc gia về Thủ tục hành chính; gửi phản ánh kiến nghị liên quan đến việc giải quyết thủ tục hành chính, DVC. Người dân có thể theo dõi toàn bộ quá trình giải quyết thủ tục hành chính và xử lý phản ánh kiến nghị của mình bằng cách cung cấp mã hồ sơ, kể cả mã hồ sơ thủ tục hành chính không thực hiện qua Cổng DVC Quốc gia, cổng DVC của bộ, ngành, địa phương. Việc thực hiện thủ tục hành chính tại nhiều tỉnh, thành phố và các bộ chỉ cần khai báo một lần trên Cổng DVC Quốc gia (sau 1 năm, đã tích hợp đăng nhập một lần với tất cả các bộ, cơ quan ngang bộ và 63/63 tình thành trong cung cấp dịch vụ công trực). Người dân đã có thể sử dụng tài khoản của các ngân hàng, trung gian thanh toán (ví điện tử) để thanh toán trực tuyến phí, lệ phí thực hiện thủ tục hành chính, DVC.
Chỉ sau một năm hoạt động, từ 8 DVC được cung cấp lúc khai trương, Cổng DVC Quốc gia đã có hơn 2.700 dịch vụ công được tích hợp trong tổng số gần 6.700 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền (đạt tỷ lệ 39%, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao 9%), đồng bộ trạng thái được hơn 27,5 triệu hồ sơ. Tổng chi phí tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng DVC Quốc gia trong năm đầu tiên là khoảng 8.000 tỷ đồng. Văn phòng Chính phủ đánh giá: Sau 1 năm vận hành, Cổng DVC Quốc gia ngày càng trở thành cầu nối tin cậy, thiết thực và hiệu quả giữa cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào quá trình hiện đại hóa thủ tục hành chính, đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành theo hướng Chính phủ không giấy tờ và là một trong những giải pháp quan trọng phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam.
Trong quý 1-2023, Cổng DVC Quốc gia đã có hơn 600 triệu lượt truy cập; hơn 4,3 triệu hồ sơ trực tuyến; 3,8 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến được thực hiện từ cổng. Theo Văn phòng Chính phủ, Cổng DVC Quốc gia đã tích hợp, cung cấp 4.405 DVC trực tuyến (đạt 68%), tăng 1.200 dịch vụ so với cùng kỳ năm 2022.
Có thể nói rằng, các DVC trực tuyến hiện nay đã giúp thay đổi bộ mặt nền hành chính công ở Việt Nam, ngày càng tiệm cận với chuẩn quốc tế ở các nước phát triển. Tất nhiên, sau vài năm vận hành, không ít DVC trực tuyến đã bộc lộ những khiếm khuyết mà cơ quan quản lý hoàn toàn có thể khắc phục được dựa trên việc thăm dò, khảo sát từ người dân. Tình trạng phổ biến là đôi khi mạng quá tải – có lẽ do thiếu nền tảng cơ sở hạ tầng đủ mạnh, vừa chậm, vừa dễ gây lỗi. Giao diện cũng còn những điểm bất tiện, gây lúng túng cho người dân – đặc biệt là những người ít hiểu biết về công nghệ. Điển hình là những bất cập mà người dân vẫn gặp phải khi tích hợp giấy tờ vào ứng dụng VNeID với chức năng một ví giấy tờ điện tử.
Ông Lê Văn Định ngày 13-7-2023 phản ánh trên Cổng DVC Quốc gia: “Là người làm phần mêm sau khi sử dụng cổng dịch vụ công thấy quá bất tiện. Trong khi đã nộp một hồ sơ mà ở mục “Quản lý hồ sơ đã nộp” lại không tìm thấy hồ sơ nào. Để tìm thấy, phải chọn đúng trạng thái hồ sơ đó mới có danh sách, mà người dân lại không được thông báo trạng thái hồ sơ nên phải mò mẫm. Lẽ ra, hoặc người dân được thông báo cập nhật trạng thái hồ sơ hay ngay trong mục “Quản lý hồ sơ đã nộp” của cổng có hiển thị tất cả các hồ sơ mà người đó đã nộp kèm theo trạng thái của từng hồ sơ.
Tình trạng thiếu thông báo qua tin nhắn hay email về trạng thái hồ sơ cũng xảy ra khi làm hộ chiếu trực tuyến. Không ít người như bà Nguyễn Thị Thúy, ông Đinh Hồng Phúc,… phản ánh: Trong khi trạng thái tiếp nhận hồ sơ, yêu cầu thanh toán phí,…. đều được Cổng DVC Bộ Công an nhắn tin SMS thông báo tới số điện thoại của người dân, kết quả hồ sơ lại chỉ được thể hiện khi tra cứu trên Cổng DVC này – ai không biết thì chờ mòn mỏi. Sẽ tốt cho người dân hơn nếu như sau khi đã thông báo trên Cổng DVC về
“Ngày có kết quả”, cơ quan chức năng nên nhắn tin SMS và email cho người dân biết tin và mời người dân đến nhận kết quả (nếu chọn nhận trực tiếp).
Hy vọng rằng các cơ quan quản lý và vận hành các cổng DVC trực tuyến sẽ nhanh chóng khắc phục các bất cập và ngày càng hoàn thiện các DVC để đem lại sự thuận tiện cho người dân. Cổng DVC Quốc gia nhấn mạnh rằng: “Các bộ, ngành, địa phương nỗ lực cùng với sự tham gia tích cực của người dân và doanh nghiệp trong vận hành Cổng Dịch vụ công Quốc gia là góp phần xây dựng Chính phủ liêm chính, hành động, phát triển, phục vụ nhân dân.”
- Bản in trên báo Người Lao Động thứ Tư 26-7-2023 và trên báo NLĐ Online.
NGÔ LÊ