Thứ Năm ngày 21 tháng 11 năm 2024

Chrome bắt đầu tiến trình ngừng hỗ trợ cookie bên thứ ba

Trình duyệt web Chrome của Google bắt đầu tiến trình ngừng hỗ trợ các cookie của bên thứ ba (third-party cookie). Ông Anthony Chavez, Phó Chủ tịch, Privacy Sandbox, Google, đã cho biết như vậy trong bài viết trên Blog chính thức của Google, The Keyword, ngày 14-12-2023.

Ông viết: “Chrome không ngừng nỗ lực để cải thiện quyền riêng tư của người dùng khi duyệt web. Chính vì vậy, chúng tôi đã tiếp tục đầu tư vào các tính năng bảo vệ dữ liệu và cung cấp nhiều quyền kiểm soát hơn đối với cách dữ liệu đó được sử dụng. Quá trình này bao gồm nhiều bước nhằm hạn chế khả năng các trang web khác nhau theo dõi hoạt động của bạn.”

Google cho biết: Từ ngày 4-1-2024, Chrome sẽ bắt đầu được thử nghiệm tính năng mới Bảo vệ Theo dõi (Tracking Protection) – một thiết lập mặc định giúp người dùng giới hạn khả năng theo dõi web chéo (cross-site tracking) bằng cách hạn chế quyền truy cập của trang web vào cookie bên thứ ba. Tính năng này đầu tiên sẽ được triển khai với 1% người dùng Chrome trên toàn cầu, qua đó đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với sáng kiến Hộp cát về quyền riêng tư (Privacy Sandbox), hướng đến loại bỏ cookie bên thứ ba cho mọi người trong nửa cuối năm 2024. Quá trình triển khai rộng rãi sẽ tùy thuộc vào việc giải quyết các vấn đề về cạnh tranh từ Cơ quan cạnh tranh và Thị trường của Vương quốc Anh (UK’s Competition and Markets Authority).

Thực tế hiện nay, nhiều trang web có thông báo cho người truy cập biết trang web có dùng cookie và hỏi người truy cập có cho phép hay không. Ngoài ra, với các trang web được xác thực an toàn https, bạn có thể kiểm tra ngay trên địa chỉ URL của trang web đó xem có sử dụng cookie hay không và có thể được quyền xóa dữ liệu theo dõi.

Vai trò của cookie bên thứ ba

Cookie của bên thứ ba đã trở thành một phần cốt lõi của các trang web trong gần ba thập kỷ qua. Mặc dù chúng có thể được sử dụng để theo dõi hoạt động truy cập website của bạn, các trang web cũng đã sử dụng chúng để hỗ trợ nhiều trải nghiệm trực tuyến khác nhau – chẳng hạn như giúp bạn đăng nhập hoặc hiển thị các quảng cáo liên quan.

Với Hộp cát về quyền riêng tư (Privacy Sandbox), Google đang thực hiện cách tiếp cận có trách nhiệm để loại bỏ cookie của bên thứ ba trong Chrome. Google đã xây dựng các công cụ mới cho các trang web để hỗ trợ các trường hợp sử dụng web thường gặp, đồng thời dành thêm thời gian để các nhà phát triển thực hiện quá trình chuyển đổi. Hiện tại, Google đang bắt đầu thử nghiệm tính năng Bảo vệ Theo dõi với một nhóm nhỏ người dùng Chrome để các nhà phát triển có thể kiểm thử mức độ sẵn sàng cho một môi trường web không có cookie bên thứ ba.

Tính năng Bảo vệ Theo dõi sẽ được triển khai như thế nào?

Người tham gia thử nghiệm tính năng Bảo vệ Theo dõi sẽ được lựa chọn ngẫu nhiên – và khi được chọn để tham gia, người dùng sẽ nhận được thông báo khi truy cập Chrome trên máy tính hoặc thiết bị Android.

Chỉ với thao tác đơn giản này, cookie của bên thứ ba sẽ bị hạn chế theo mặc định, giúp giảm thiểu khả năng bị theo dõi trên các trang web khác nhau.

Nếu một trang web không hoạt động khi không có cookie của bên thứ ba và Chrome nhận thấy người dùng đang gặp sự cố, chẳng hạn như phải tải lại trang nhiều lần, thì người dùng sẽ nhận được thông báo cho phép tạm thời bật lại cookie của bên thứ ba cho trang web đó thông qua biểu tượng con mắt ở bên phải thanh địa chỉ. Bạn có thể tái kích hoạt cookie bên thứ ba bằng cách nhấp vào biểu tượng con mắt.

Ông Anthony Chavez nói rằng: “Trong quá trình cải thiện quyền riêng tư trên web, chúng tôi sẽ cung cấp cho doanh nghiệp những công cụ để gặt hái thành công trực tuyến, bảo đảm nội dung chất lượng cao luôn được truy cập miễn phí – từ bài báo, video, thông tin giáo dục, trang web cộng đồng đến các dạng nội dung web khác. Với tính năng Bảo vệ Theo dõi, sáng kiến Hộp cát về quyền riêng tư và tất cả tính năng được triển khai trên Chrome, chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng một môi trường web riêng tư hơn bao giờ hết, đồng thời bảo đảm khả năng truy cập cho mọi người.”

Google Chrome là trình duyệt web (web browser) đa nền tảng được Google phát hành lần đầu tiên vào năm 2008 cho Microsoft Windows. Chrome được xây dựng với các thành phần phần mềm miễn phí từ Apple WebKit và Mozilla Firefox. Các phiên bản sau đó đã được phát hành cho Linux, macOS, iOS và cả cho Android – nơi Chrome là trình duyệt mặc định. Trình duyệt cũng là thành phần chính của hệ điều hành ChromeOS, nơi nó đóng vai trò là nền tảng cho các ứng dụng web.

Hiện nay, Chrome hỗ trợ 47 ngôn ngữ. Tính đến tháng 10-2022, StatCounter ước tính rằng Chrome có 67% thị phần trình duyệt trên toàn thế giới (sau khi đạt đỉnh 72,38% vào tháng 11-2018) trên máy tính cá nhân (PC), được sử dụng nhiều nhất trên máy tính bảng (vượt qua Safari) và được sử dụng nhiều nhất trên máy tính bảng. cũng chiếm ưu thế trên điện thoại thông minh và ở mức 65% trên tất cả các nền tảng cộng lại, khiến nó trở thành trình duyệt web được sử dụng nhiều nhất trên thế giới hiện nay.

Theo Vietnix, cookie là một tập hợp các tệp thông tin do chính người dùng tạo ra mỗi lần truy cập vào một website nào đó và để lại dữ liệu duyệt web. Thông tin cookie sẽ thường được lưu dưới dạng cặp tên name – value. Các đoạn mã Cookie sẽ giúp tối ưu trải nghiệm người dùng nhờ khả năng lưu trữ thông tin và đề xuất nội dung phù hợp cho các lần truy cập tiếp theo. Thông thường, chúng sẽ ghi nhớ trạng thái đăng nhập, tùy chọn trang, các bộ lọc liên quan,… của người dùng.

Theo Wikipedia, cookie (hay còn gọi là HTTP cookie, web cookie, Internet cookie, cookie trình duyệt) là những tập tin một trang web gửi đến máy của người dùng và được lưu lại thông qua trình duyệt khi người dùng truy cập trang web đó. Cookie được dùng với mục đích phổ biến là để lưu trữ phiên đăng nhập nhằm phục vụ cho mục đích xác thực với website, duy trì trạng thái đăng nhập. Ngoài ra, cookie còn được dùng để ghi nhớ thông tin trạng thái (ví dụ, quốc gia, ngôn ngữ), ghi nhớ hoạt động người dùng thực hiện trong quá trình truy cập và duyệt một trang web (ví dụ, những nút bấm hay đường liên kết người dùng tương tác). Cookie cũng được dùng để lưu lại các thông tin khác mà người dùng nhập hay điền vào trang web như tên, địa chỉ, email,… giúp người dùng khỏi phải nhập lại trong các lần truy cập trang web sau đó.

T.T.G.

Nguồn do Google cung cấp.