Thứ Tư ngày 22 tháng 1 năm 2025

Nhiều kỳ vọng vào “siêu ứng dụng” VNeID

Khi làm thủ tục cho các chuyến bay nội địa, hành khách không còn phải xuất trình thẻ vật lý của giấy tờ tùy thân mà giờ đây đã có thể sử dụng thẻ căn cước công dân điện tử được tích hợp trong ứng dụng VNeID. Từ ngày 2-8-2023, Cục Hàng không Việt Nam đã chính thức triển khai sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 đối với hành khách đi máy bay trên các chuyến bay nội địa tại tất cả cảng hàng không trên cả nước.

Tương tự, tại các cơ sở y tế, người ta có thể nghe thông báo nhắc hãy mở sẵn điện thoại thông minh khi đăng ký khám bệnh có bảo hiểm y tế. Theo Nghị định 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ, kể từ ngày 19-10-2023, người bệnh có thể sử dụng các giấy tờ được định danh điện tử mức độ 2 theo quy định tại Nghị định số 59/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử. Cụ thể, người bệnh có thể xuất trình ứng dụng VNeID hiện đã được tích hợp thẻ CCCD và thẻ bảo hiểm y tế.

Ứng dụng VNeID trên smartphone. (Ảnh: A.P.)

Năm 2024 là năm ứng dụng định danh điện tử VNeID bắt đầu phát huy mạnh mẽ tác dụng của mình, phục vụ cho công cuộc chuyển đổi số toàn diện quốc gia, đặc biệt về chính quyền số. Ngày 3-5-2024, tại phiên họp lần thứ tư của Tổ công tác về cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn tất công tác chuẩn bị để thống nhất sử dụng một tài khoản duy nhất là VNeID trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến từ ngày 1-7-2024.

Ứng dụng VNeID do Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về Dân cư (thuộc Bộ Công an) phát triển dành cho các thiết bị di động thông minh dựa trên nền tảng dữ liệu quốc gia về dân cư và căn cước công dân. Sau khi được chính thức đưa vào sử dụng từ ngày 18-7-2022, VNeID giờ đây đã trở thành một “siêu ứng dụng”, một ứng dụng nền tảng của công dân số trong chính quyền số.

Cứ mỗi lần cập nhật, ứng dụng VNeID lại được hoàn thiện thêm và bổ sung thêm những tính năng mới.

Trong phiên bản 2.1.4 (cập nhật ngày 3-4-2024), VNeID đã được điều chỉnh các chức năng Kiến nghị, phản ánh ANTT (bổ sung ngày gửi đơn); Thông tin cư trú (bổ sung ngày bắt đầu và hết hạn tạm trú); Lịch sử cấp thẻ CCCD/CMND (thông tin CMND 9 số, 12 số và CCCD mã vạch). Phiên bản mới này cũng bổ sung tính năng Hủy và ẩn thông tin giấy tờ, người phụ thuộc đã tích hợp; Chỉ cho phép xuất trình các giấy tờ không ẩn hay đã hủy; Cho phép thêm giấy tờ ở màn hình tích hợp thông tin bảo hiểm y tế (trường hợp chưa tích hợp BHYT).

Đặc biệt là ở phiên bản 2.1.5 (cập nhật ngày 21-4-2024), VNeID đã được bổ sung tiện ích cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID, được thử nghiệm từ 22-4-2024 cho người dân thường trú ở Hà Nội và Thừa Thiên – Huế trước khi mở rộng ra các địa phương khác. Người dân có tài khoản định danh điện tử mức độ 2 tại 2 địa phương này sẽ được đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp ngay trên ứng dụng VNeID, không còn phải đến trực tiếp Sở Tư pháp. Kết quả sẽ được trả về trên VNeID hay qua email, hoặc bản giấy sẽ được gửi qua bưu điện về địa chỉ người xin cấp. Người dân có thể sử dụng phiếu lý lịch tư pháp (bản điện tử) để thực hiện các thủ tục hành chính khác.

Trong lần cập nhật gần đây là ngày 30-5-2024 với phiên bản 2.1.6, VieID đã bổ sung chức năng theo dõi lịch sử hủy tích hợp giấy tờ, lịch sử thay đổi thông tin giấy tờ. Ứng dụng cũng bổ sung tiện ích cho phép công dân có thể xác nhận thông tin về cư trú thông qua ứng dụng VNeID.

Trước đó, bắt đầu từ phiên bản VNeID 2.1.3 (cập nhật ngày 22-1-2024), người dân đã có thể sử dụng vân tay để xác thực mỗi khi mở một tính năng bất kỳ trên ứng dụng, thay vì phải nhập cụm số passcode như trước đây. Bên cạnh đó, ứng dụng còn hỗ trợ người dùng đăng nhập VNeID trên điện thoại mới dễ dàng hơn thông qua việc xác thực sinh trắc ảnh mặt, bên cạnh việc quét NFC trên CCCD gắn chip. Đây là một cải tiến đem lại lợi ích cho người dùng. Trước đây, việc cài đặt và đăng ký VNeID trên thiết bị mới có yêu cầu người dùng phải nhập “Mã xác nhận đăng nhập thiết bị mới” được tạo từ VNeID trên thiết bị cũ. Điều này gây khó khăn cho các trường hợp điện thoại cũ bị mất, hư hay lỡ bán đi; buộc người dùng phải dùng tính năng “Quên mật khẩu” rồi quét NFC thẻ căn cước công dân gắn chíp để xác thực.

Có lẽ từ cơ quan vận hành cho đến người dân đều đã đặt nhiều kỳ vọng vào ứng dụng VNeID, theo hướng phát triển nó thành một “ứng dụng của ứng dụng” có thể chỉ dùng 1 ứng dụng bao trùm để thay thế cho các ứng dụng hành chính công khác.

Cho đến phiên bản 2.1.5, sau gần 2 năm đi vào hoạt động, trên VNeID đã có được khoảng 10 tiện ích phục vụ người dân và doanh nghiệp. Ở mức độ 2, VNeID đã tích hợp thông tin thay cho bản cứng của thẻ CCCD, giấy phép lái xe, thẻ BHYT, giấy đăng ký xe, cùng với thông tin cư trú và người phụ thuộc. Bộ Công an cho biết hàng chục tiện ích khác sẽ được cung cấp dần trong thời gian tới.

Thực tế thì cho đến hiện nay, người dân mới có thể sử dụng VNeID để xuất trình thẻ CCCD (khi đi tàu, máy bay trong nước, hay làm một số thủ tục,…) và thẻ BHYT (khi khám chữa bệnh).

Người dân kỳ vọng ứng dụng VneID có thể làm được nhiều hơn, như tích hợp thêm nhiều loại thông tin, có thể xuất trình thay cho nhiều loại giấy tờ bản in (trong đó có giấy phép lái xe). Trước mắt, theo Thông tư 05/2024/TT-BGTVT ngày 31-3-2024, bắt đầu từ ngày 1-6-2024, nếu giấy phép lái xe trên VNeID đã được phê duyệt (xác thực) thì được xem là hợp lệ. Và vấn đề còn lại là điều này phải được ngành Công an chấp nhận.

Mà một khi là một “siêu ứng dụng” như thế, VNeID lại càng phải được trang bị các tính năng bảo mật thông tin chặt chẽ, được cập nhật các thông tin thường xuyên (nếu tự động thì càng tiện), cũng như không để bị trục trặc do hệ thống quá tải. Các giấy tờ cũng cần có thêm tùy chọn xuất trình bằng mã QR và mã vạch để tiện cho các cơ quan kiểm tra quét bằng ứng dụng.

Chẳng hạn, chị P.P. ở TP.HCM cho biết: Tuy thẻ bảo hiểm y tế của chị đã được tích hợp và xác thực trên VNeID, nhưng thông tin về thời hạn hiệu lực lại không được cập nhật theo thực tế. Cụ thể, dù chị đã gia hạn thẻ đến tháng 1-2025, nhưng thông tin trên VNeID vẫn ghi thẻ hiết hạn vào tháng 1-2024. Chị cho biết, ứng dụng VssID của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam làm rất tốt việc cập nhật thông tin và liên thông với các đơn vị khám chữa bệnh. Mỗi lần được khám bệnh xong là ngay sau đó các thông tin có liên quan đến lần khám, từ kết quả khám cho đến đơn thuốc chi tiết, bao gồm chi phí cá nhân đồng chi trả và bảo hiểm thanh toán đều được hiển thị rõ ràng. Chi P.P. mong VNeID cũng sớm được chi tiết hóa và cập nhật nhanh chóng như vậy, chứ nếu không thì người dân vẫn phải cần cài đặt từng ứng dụng riêng cho mỗi dịch vụ hành chính công.

Với hơn 10 triệu lượt download cho thiết bị Android, và đến trung tuần tháng 6-2024 chỉ được người dùng xếp hạng 2.8/5 sao trên Google Play và 2.9/5 sao trên App Store, rõ ràng VNeID vẫn còn phải làm rất nhiều để có thể làm hài lòng người dùng cả nước.

Ứng dụng VNeID hiện có trên các kho ứng dụng Google Play (cho thiết bị Android) và App Store (cho thiết bị iOS). VNeID được giới thiệu là “Ứng dụng định danh điện tử VNeID có giá trị sử dụng thay thế các giấy tờ truyền thống, định danh công dân trên môi trường kỹ thuật số, cung cấp các tiện ích phát triển công dân số, chính phủ số, xã hội số.”

ANH PHÚC