Thứ Năm ngày 21 tháng 11 năm 2024

AI trên thiết bị IoT cho nhiều người dùng trải nghiệm trí tuệ nhân tạo

Năm 2024 là năm thế giới đặt chân vào kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo (AI). AI ngày càng phát triển mạnh hơn, thông minh hơn, hữu dụng hơn và được tích hợp vào mọi lĩnh vực công nghệ của cuộc sống.

Người ta nói nhiều về AI trên máy tính và smartphone. Trong khi thực tế, chính AI mà được tích hợp vào các thiết bị, hệ sinh thái Internet Vạn vật (IoT) mới có tác động rộng lớn và đem lại nhiều lợi ích cho người dùng hơn. Từ đó ra đời thuật ngữ AIoT (Trí tuệ nhân tạo Van vật, Artificial Intelligence of Things). Theo Statista, tổng số lượng kết nối IoT trên toàn cầu lên tới 15,9 tỷ thiết bị trong năm 2023 và dự báo sẽ tăng lên đến 32,1 tỷ vào năm 2030. Trong khi đó, theo báo cáo thường niên Digital 2024 của Datareportal, vào tháng 1-2024, tổng số thuê bao điện thoại di động toàn cầu đạt 5,61 tỷ máy (chiếm 69,4% dân số), nghĩa là chỉ bằng 1/3 so với thiết bị IoT. So với smartphone, thiết bị IoT có lợi thế nhỏ gọn, dễ dàng mang theo người, gần gũi và thiết thực với người dùng hơn, đặc biệt là có giá dễ tiếp cận với nhiều người hơn.

IoT là xu hướng phát triển tất yếu của thế giới. Theo MarketsandMarkets, qui mô thị trường IoT thế giới đạt 330,3 tỷ USD trong năm 2021 và dự kiến đạt 651,5 tỷ USD vào năm 2026.

Riêng tại Việt Nam, theo Research and Markets, qui mô thị trường IoT đạt 6,23 tỷ USD trong năm 2023 và sẽ tăng lên hơn 13,1 tỷ USD vào năm 2028. Nghiên cứu của của Deloitte Đông Nam Á cho thấy: đến năm 2027, Việt Nam sẽ có khoảng 14,8 triệu thiết bị kết nối IoT.

Vì thế, với lợi thế từ mạng 5G cho phép kết nối nhiều thiết bị một lúc, không chỉ với tốc độ nhanh hơn mà còn có độ trễ cục thấp, IoT mà được tích hợp AI sẽ thật sự tạo ra một “cuộc cách mạng AI”, phổ cập AI tới cho cộng đồng người dùng rộng rãi.

Đó là lý do mà ngày càng co nhiều hãng thiết bị và phát triển ứng dụng đẩy mạnh lộ trình trang bị khả năng AI cho hệ sinh thái IoT.

Điển hình gần đây nhất là trong sự kiện Galaxy Unpacked 2024 tổ chức tại Paris (Pháp) ngày 10-7-2024, Công ty Điện tử Samsung Electronics (Hàn Quốc) đã ra mắt toàn cầu tới 3 thiết bị IoT đầu tiên được trang bị nền tảng trí tuệ nhân tạo Galaxy AI. Đó là đồng hồ thông minh Galaxy Watch (gồm Galaxy Watch Ultra và Galaxy Watch7), nhẫn thông minh Galaxy Ring, và tai nghe không dây Galaxy Buds (gồm Galaxy Buds3 và Galaxy Buds3 Pro).

Các thiết bị IoT mới nhất này của Samsung không chỉ khai thác sức mạnh của AI để nâng cấp các tính năng chuyên dụng của mình, mà một khi được kết nối với các smartphone Samsung Galaxy có trang bị Galaxy AI sẽ kết hợp với nhau mang tới cho người dùng những tiện ích mới, hữu dụng hơn từ Galaxy AI.

Chẳng hạn, tại nghe Galaxy Buds3 Pro giờ đây có thêm tính năng Phiên dịch Thời gian thực Real-Time Interpreter và Live Translate. Ví dụ, khi một người Hàn Quốc nói bằng tiếng mẹ đẻ của mình, thông qua trình phiên dịch trên smartphone tương thích, người đeo tai nghe có thể nghe bản dịch qua tiếng Việt.

Tai nghe AI có tính năng phiên dịch trực tiếp. (Ảnh: SS)

Còn trên chiếc đồng hồ đeo tay Galaxy Watch Ultra, Galaxy AI sẽ phân tích các chỉ số chính về tình trạng sức khỏe chung của người dùng và cung cấp thông tin điểm hằng ngày để theo dõi và tham khảo. Từ thông tin đó, người dùng có thể điều chỉnh giấc ngủ, tập thể dục và rèn luyện hơn nữa để cơ thể có được vóc dáng cân đối và tăng cường sức khỏe. Với sự trợ giúp từ AI, giờ đây các tính năng rèn luyện thể lực, chơi thể thao, theo dõi nhiều thông số sức khỏe (như tim mạch, giấc ngủ,…) trở nên toàn diện và chính xác hơn. Tất nhiên, các thông số đo lường của thiết bị không phải là chuyên dụng y tế này chỉ mang tính chất theo dõi và tham khảo để người dùng có thể biết được có những thay đổi đáng quan tâm nào về sức khỏe và cơ thể mình.

Đặc biệt, lần đầu tiên Samsung ra mắt chiếc nhẫn thông minh Galaxy Ring và nó cũng được trang bị Galaxy AI. Thiết bị đeo ngón tay này là một sự lựa chọn cho những ai không muốn đeo đồng hồ thông minh mà vẫn có thể theo dõi sức khỏe. Các tính năng theo dõi sức khỏe và rèn luyện thể lực, thể thao của đồng hồ Galaxy Watch đã được tích hợp trên chiếc nhẫn này. Và người dùng từ nay có thể theo dõi tình trạng thể lực, sức khỏe của mình không chỉ từ trên cổ tay mà còn cả từ trên ngón tay.

Chiếc nhẫn thông minh Galaxy Ring theo dõi thông số sức khỏe trên ngón tay. (Ảnh: SS).

Trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet Vạn vật (IoT) là hai trong số những công nghệ được nhắc đến nhiều nhất trong những năm gần đây. Sự kết hợp của hai công nghệ này, được gọi là AIoT, có khả năng cách mạng hóa cách chúng ta sống và làm việc.

Device Authority viết rằng: AI có thể mang lại khả năng đưa ra quyết định và nhận thức giống con người vào môi trường IoT, điều này có thể giúp tăng hiệu quả và cải thiện các quy trình. Ví dụ, AI có thể giúp dự đoán việc bảo trì máy móc, điều này có thể giúp các công ty tiết kiệm hàng triệu USD chi phí sửa chữa. Nó cũng có thể giúp tối ưu hóa mức tiêu thụ năng lượng trong các tòa nhà, từ đó có thể giảm hóa đơn năng lượng và lượng khí thải carbon.

Chị Sneha Kothari, một nhà tiếp thị nội dung chuyên nghiệp, đã viết trên Simplilearn Solutions rằng: Trí tuệ nhân tạo (AI) có thể được khai thác theo nhiều cách khác nhau trong hệ sinh thái IoT để nâng cao khả năng của nó và làm cho các ứng dụng IoT trở nên thông minh và hiệu quả hơn. Chẳng hạn, AI sẽ tăng cường sức mạnh cho IoT về: phân tích dữ liệu và thông tin dự đoán; Máy học cho tối ưu hóa; tự động và điều khiển; xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP); bảo mật và phát hiện dấu hiệu bất thường; phân tích hình ảnh và video; cá nhân hóa; điện toán biên,…

  • Các thiết bị đeo được trang bị cảm biến IoT có thể theo dõi các dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân trong thời gian thực. AI có thể phân tích dữ liệu này để đưa ra cảnh báo sớm về các vấn đề sức khỏe, tăng khả năng cứu sống.
  • Cảm biến IoT trong môi trường đô thị có thể giám sát lưu lượng giao thông, chất lượng không khí và mức tiêu thụ năng lượng. Thuật toán AI có thể tối ưu hóa tín hiệu giao thông, giảm ô nhiễm và tăng cường an toàn công cộng.
  • Các thiết bị IoT trong nông nghiệp có thể thu thập dữ liệu về chất lượng đất, điều kiện thời tiết và sức khỏe cây trồng. AI có thể đưa ra khuyến nghị về thời gian trồng và lịch tưới tối ưu.
  • Cảm biến IoT trên sàn nhà máy có thể theo dõi hiệu năng của thiết bị và phát hiện những điểm bất thường. AI có khả năng dự báo sự cố của thiết bị và sắp xếp lịch bảo trì, giảm thiểu nguy cơ ngừng hoạt động tốn kém.

Ảnh do AI Microsoft Copilot DALL-E 3 tạo. Thanks.

Theo giới chuyên môn, bất chấp những lợi ích tiềm tàng, việc tích hợp AI với IoT không phải là không có thách thức. Một trong những thách thức lớn nhất là khối lượng dữ liệu khổng lồ được tạo ra bởi các thiết bị IoT. Các thuật toán AI yêu cầu lượng lớn dữ liệu để tìm hiểu và đưa ra dự đoán chính xác. Một thách thức khác là tính bảo mật của các thiết bị IoT, vốn được coi là loại thiết bị “yếu” – cả về khía cạnh người dùng lẫn thiết bị, có thể dễ bị bọn tội phạm khai thác để tiến hành những cuộc tấn công mạng.

Thực tế, với những ưu thế của mình, Việt Nam có nhiều triển vọng trong xu hướng phổ cập AI trên hệ sinh thái IoT. Cụ thể, Việt Nam có thể phát triển được cả những thiết bị IoT lẫn các thuật toán, ứng dụng AI cho hệ sinh thái này. Chẳng hạn, các doanh nghiệp Việt Nam có thể phát triển các thiết bị IoT cho xe ôtô và các lĩnh vực giao thông, vận chuyển, cũng như cho các nhu cầu của thành phố thông minh, nhà máy thông minh hay chính quyền thông minh, chính quyền số. Và điều khác biệt là các thế hệ mới của các thiết bị IoT này phải có khả năng ứng dụng AI.

Tất nhiên, với quy mô và tiềm năng của hệ sinh thái IoT quá rộng lớn, nếu không muốn bị lệ thuộc vào nước ngoài, Việt Nam cần phải có chiến lược cụ thể cho việc phát triển thị trường IoT. Đó là một lý do mà tại sự kiện M2M IoT 2023 hồi tháng 6-2023, Viettel đã đưa ra sáng kiến kêu gọi thành lập Hiệp hội IoT Việt Nam. Đây là nơi để các doanh nghiệp trong ngành có thể cùng nhau chia sẻ các tri thức, giải pháp và những bài học kinh nghiệm của mình trong việc đưa công nghệ IoT ứng dụng vào cuộc sống. Đại diện Viettel cho biết đây là một trong những giải pháp mà Trung Quốc đã thực hiện thành công nhằm biến quốc gia này thành thị trường IoT lớn nhất thế giới.

Bản in trên báo Người Lao Động thứ Tư 17-7-2024 và trên báo NLĐ Online.

ANH PHÚC