Thứ Hai ngày 25 tháng 11 năm 2024

Năm 2021: Hơn 14 tỷ thông báo khẩn về COVID-19 đã được Zalo chuyển đi

Nhờ lợi thế sức lan tỏa lớn với 67 triệu người dùng thường xuyên, khả năng truyền tải thông tin chi tiết và nhanh chóng, Zalo đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống COVID-19 ở Việt Nam trong thời gian qua.

Đầu tháng 5-2021, dịch COVID-19 bùng phát trở lại trên quy mô cả nước (có tới 62/63 tỉnh thành có dịch). Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về thông điệp phòng, chống dịch thời kỳ mới “5K + vaccine + công nghệ”, các tỉnh, thành phố đồng loạt đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch.

Với hơn 67 triệu người dùng thường xuyên, Zalo được nhiều bộ ngành và địa phương lựa chọn để kết nối, truyền tải kịp thời những thông tin nhanh chóng, chính xác về COVID-19 đến người dân, trở thành nền tảng công nghệ hiệu quả hỗ trợ chống dịch.

Cầu nối xuyên suốt giữa người dân và chính quyền

Trong bối cảnh việc tiếp xúc trực tiếp bị hạn chế tối đa, Zalo đã phát huy thế mạnh kết nối khi được nhiều địa phương vận dụng trong khai báo y tế, truy vết, gửi thông báo khẩn, cập nhật danh sách bệnh nhân COVID-19 tại địa phương, tiếp nhận phản ánh của người dân thông qua tin nhắn, hotline,… đến các hoạt động phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Người dân xuất trình mã QR Khai báo y tế được lưu trữ trong thư mục “Ví QR” trên Zalo. (Ảnh: Y Kiện, do Zalo cung cấp).

Đơn cử tại TP.HCM, công tác triển khai lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 truy tìm F0 trên diện rộng được nhiều quận triển khai hiệu quả nhờ ứng dụng Zalo để thông báo về kế hoạch, thời gian và hướng dẫn cụ thể đến từng người dân. Hay như tỉnh Bắc Giang cũng đã khởi tạo 3 kênh Zalo gồm: Chính quyền điện tử tỉnh Bắc Giang; Công nhân KCN tỉnh Bắc Giang và Phục vụ hành chính công tỉnh Bắc Giang để phục vụ công tác chống dịch.

Chị Ngọc Ánh (Quận 7, TP.HCM) cho biết: “Các địa phương rất chủ động khi liên tục cập nhật diễn biến COVID đến người dân. Công tác giám sát các trường hợp có yếu tố dịch tễ được thực hiện chặt chẽ giúp người dân cảm thấy an tâm hơn.”

Nhiều tỉnh thành sử dụng kênh Zalo trong truy vết các ca nhiễm COVID-19 trên địa bàn. (Ảnh: Y Kiện, do Zalo cung cấp).

Đặc biệt, trong giai đoạn cao điểm (từ tháng 7/2021) hàng loạt tài khoản Zalo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tại các tỉnh như: Tây Ninh, Bến Tre, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước, Vĩnh Phúc, Nam Định…. đã nhanh chóng được thành lập và ví như biệt đội phản ứng nhanh giúp kết nối thông suốt giữa Ban Chỉ đạo phòng chống dịch với người dân, cung cấp nhanh, kịp thời công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp và cập nhật tình hình dịch bệnh trên địa bàn.

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tây Ninh, cho biết: “Việc tiếp cận thông tin “đúng, đủ, sạch” từ chính quyền là cần thiết. Sự ra đời của kênh Zalo “BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 Tây Ninh” giúp những người dân làm ăn xa quê nhận tin tức về các chính sách của tỉnh như đưa rước người đi về, quản lý người từ các tỉnh khác,.. để nắm rõ và thực hiện theo hướng dẫn.”

Trong khi đó, đánh giá về những đóng góp của Zalo trong công tác phòng, chống dịch tại tỉnh Bắc Giang, ông Nguyễn Gia Phong, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, nhận định: “Tỉnh Bắc Giang có khoảng 1,2 triệu tài khoản người dùng Zalo, do đó việc lựa chọn kênh Zalo mang lại hiệu quả tích cực trong việc truyền tải các thông điệp, chủ trương, các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.”

Các hoạt động truyền thông xuyên suốt, kịp thời đã góp phần không nhỏ trong việc đáp ứng nhu cầu về thông tin của người dân khi tình hình dịch phức tạp. Qua đó, giúp cho người dân cập nhật tin tức chính thống, hạn chế những thông tin xuyên tạc, bịa đặt gây hoang mang, lo lắng.

Theo Zalo, tính đến cuối tháng 12-2021, có hơn 14 tỷ thông báo khẩn đã được gửi đến người dân thông qua tài khoản Zalo chính thức của Bộ Y tế và hàng chục tỉnh, thành phố như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, An Giang, Hà Giang, Gia Lai, Bình Thuận, Bắc Giang, Bắc Ninh, Sóc Trăng, Bình Dương… để cập nhật tình hình dịch bệnh, khuyến cáo hay các quy định mới về phòng chống dịch COVID-19.

Tại nhiều khu công nghiệp, mô hình “Tổ an toàn COVID-19″ được lập trên Zalo. (Ảnh: Sở TT&TT tỉnh Bắc Giang, do Zalo cung cấp).

Song song đó, nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất cũng triển khai mô hình “Tổ an toàn COVID-19″ trên Zalo. Hàng ngày, thông qua các “Tổ an toàn COVID-19”, doanh nghiệp tuyên truyền, hướng dẫn, nhắc nhở người lao động thực hiện biện pháp phòng, chống dịch tại nơi làm việc và ngoài giờ làm việc.

Mô hình “Tổ an toàn COVID-19” đã trở thành “lá chắn” cho cán bộ, công nhân viên, người lao động trong giai đoạn COVID-19 phức tạp. Đồng thời, mô hình này hỗ trợ cơ quan chức năng truy vết các trường hợp F1, F2 và trường hợp khẩn cấp khi doanh nghiệp có người mắc bệnh hoặc cách ly.

Dấu ấn trong các chiến dịch tiêm chủng tại TP.HCM và các tỉnh thành

Từ giữa tháng 6-2021, khi TP.HCM là địa phương tiên phong khởi động chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 lớn nhất cả nước, Zalo đã được Sở Y tế TP.HCM lựa chọn là nền tảng giúp gửi tin nhắn tiêm chủng đến hàng trăm nghìn người dân thành phố.

Ông Nguyễn Quang Diệu, Phó Giám đốc Dịch vụ Công & Chuyển đổi số Zalo, phụ trách dự án Hỗ trợ nhắn tin tiêm chủng, chia sẻ: Đội ngũ Zalo nhận tin tập hợp và chuẩn bị hạ tầng cần thiết trước thời điểm triển khai việc gửi tin chỉ 1 ngày. Trong đó, Zalo phụ trách hỗ trợ Sở Y tế TP.HCM xử lý dữ liệu thô thành dữ liệu chuẩn và gửi thông tin đến từng người dân thành phố.”

Thông tin tiêm chủng được gửi đến điện thoại của từng người dân. (Ảnh Nguyên Thảo, do Zalo cung cấp.)

Thông qua những tin nhắn gửi đi trên Zalo, người dân nhận được thông báo mời tiêm chủng ghi rõ tên, thời gian, địa điểm, các lưu ý, khuyến cáo và đặc biệt tin nhắn còn tích hợp sẵn chỗ khai báo y tế. Khác với tin nhắn SMS thông thường, việc tích hợp khai báo y tế trên Zalo giúp người dân có thể chủ động khai báo trước tại nhà, tiết giảm thời gian, nhân lực hướng dẫn khai báo tại chỗ tiêm. Qua đó, giải quyết vấn đề quá tải tại các điểm tiêm, bảo đảm giãn cách và hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo.

Mô hình này cũng trở thành “case study” để nhiều quận huyện, tỉnh thành khác như: Quận 7, Quận Gò Vấp (TP.HCM), Khánh Hòa, huyện Long Thành, huyện Xuân Lộc, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai)… tham khảo và triển khai thành công tại địa phương của mình.

Qua Zalo, tin nhắn mời tiêm chủng được gửi đến điện thoại của từng người dân, hỗ trợ công tác tiêm chủng tại nhiều địa phương diễn ra an toàn, nhanh chóng, đạt mục tiêu phủ rộng vaccine từng bước đưa cuộc sống trở lại trạng thái “bình thường mới”.

100.000 người được giúp đỡ nhờ Zalo Connect

Tháng 7-2021, khi tình hình dịch bệnh COVID-19 tại TP.HCM ngày càng phức tạp, thành phố phải giãn cách xã hội trong thời gian dài, một số nơi phải phong tỏa khiến việc kết nối nguồn lực xã hội, giúp đỡ người yếu thế gặp nhiều khó khăn. Zalo dựa trên 2 giá trị lõi của sản phẩm là “nhắn tin” và “nhật ký” đã nhen nhóm ý tưởng xây dựng Zalo Connect để cộng đồng gần nhau có thể kết nối và hỗ trợ nhanh chóng.

Chỉ sau 5 ngày khẩn trương xây dựng, tính năng Zalo Connect ra đời giúp người dân dễ dàng tìm kiếm sự giúp đỡ khẩn cấp từ cộng đồng. Song song, kết nối các cá nhân, tổ chức thiện nguyện nhanh chóng tìm được các trường hợp đang gặp khó khăn gần khu vực sinh sống của mình, tương trợ lẫn nhau trong dịch bệnh.

Tính năng Zalo Connect ra đời vào cuối tháng 72021 giúp người dân dễ dàng tìm kiếm sự giúp đỡ khẩn cấp từ cộng đồng.

Tùy từng thời điểm, Zalo Connect đã cho ra đời hàng loạt tiện ích hỗ trợ nhu cầu thiết thực của người dân. Đơn cử, giai đoạn tháng 7 và 8-2021, Zalo Connect tập trung vào tiện ích “Hỗ trợ nhu yếu phẩm và Tư vấn y khoa”, tiếp theo khi thành phố siết chặt giãn cách thì tiện ích “Đi chợ hộ và cung cấp hàng thiết yếu” được ra mắt. Đến mùa tựu trường, tiện ích “Hỗ trợ đồ dùng học tập” tiếp tục được bổ sung để cộng đồng có thể trao/ tặng sách vở, thiết bị học tập… cho các hoàn cảnh khó khăn trong khu vực sinh sống của mình.

Thời gian đầu Zalo Connect được triển khai tại TP.HCM, nhận được nhiều phản ứng tích cực của cộng đồng. Sau đó, một số địa phương đã sử dụng thông tin từ Zalo Connect để giúp đỡ và hỗ trợ người dân khó khăn trong dịch bệnh COVID-19. Nhiều người tham gia vào cộng đồng, thông tin về Zalo Connect được chia sẻ rộng rãi trên các báo đài, mạng xã hội, giúp nhiều người tìm được hỗ trợ kịp thời giữa đại dịch.

Hàng trăm nghìn câu chuyện nghĩa tình được viết lên giữa dịch bệnh từ Zalo Connect. (Ảnh NVCC, do Zalo cung cấp).

Theo Zalo, thông qua nền tảng Zalo Connect, đã có hơn 100.000 trường hợp khó khăn được hỗ trợ. Tiện ích “Đi chợ hộ và cung cấp hàng thiết yếu” cũng đã có hơn 50.000 điểm cung cấp hàng thiết yếu, giúp đỡ hàng triệu người tiếp cận lương thực, nhu yếu phẩm dễ dàng hơn.

Đại diện Zalo chia sẻ: “Chúng tôi rất hạnh phúc vì đóng góp một phần nhỏ công sức trong việc dùng công nghệ giúp cộng đồng hỗ trợ lẫn nhau vượt qua những tình huống khó khăn, khẩn cấp. Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển thêm nhiều tiện ích trên Zalo Connect hoặc các tính năng mới trên Zalo để hỗ trợ cộng đồng nhiều hơn nữa.”

MEDIAONLINE

Nguồn do Nhóm Truyền thông Zing cung cấp.