Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Các Thánh tử đạo Việt Nam hay các Thánh tử đạo tại Việt Nam?

Hôm nay là Chủ nhật 19-11-2023, là Chúa nhật thứ 33 mùa Thường niên theo lịch phụng vụ Công giáo. Đây là ngày Giáo hội Công giáo Việt Nam mừng kính trọng thể lễ Các Thánh tử đạo tại Việt Nam.

Lễ kính Các Thánh tử đạo tại Việt Nam được Giáo hội Việt Nam tổ chức hằng năm vào ngày Chúa nhật XXXIII mùa Thường niên, Chúa nhật áp Chúa nhật kết thúc năm phụng vụ. Lễ này được Gíao hội Hoàn vũ mừng vào ngày 24-11 hằng năm.

Ảnh: Internet. Thanks.

117 vị tử đạo (bao gồm giám mục, linh mục, thầy giảng, chủng sinh và giáo dân) đã được phong Thánh này nằm trong số hàng trăm ngàn tín hữu Công giáo đã chấp nhận chết vì làm chứng nhân cho Chua Kitô ở Việt Nam. Họ tử vì đạo trong các thời kỳ bách hại Công giáo từ năm 1745 đến năm 1862 dưới các triều đại nhà Trịnh, nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn và Phong trào Văn Thân trong các đời vua Cảnh Thịnh, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. 117 vị tử đạo này được Tòa thánh Vatican phong Chân phước qua 4 đợt từ năm 1900 tới năm 1951 và được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo Đệ Nhị (Jean-Paul II) tuyên Thánh vào ngày 19-6-1988.

Cho đến nay, hầu hết các văn bản của Giáo hội Công giáo Việt Nam vẫn ghi là “Các Thánh tử đạo Việt Nam”. Nhưng theo thiển ý của A Phủ, ghi vậy không sai, nhưng chưa chính xác hoàn toàn. Lẽ ra, để chính xác và rõ nghĩa hơn, nên thêm chữ “tại” thành “Các Thánh tử đạo tại Việt Nam”. Bởi cụm từ “Các Thánh tử đạo Việt Nam” thông thường có nghĩa là “các vị thánh là người Việt Nam” hay hiểu một cách dung hòa hơn là “các vị thánh của Việt Nam”. Còn cụm từ “Các Thánh tử đạo tại Việt Nam” sẽ rõ ràng minh bạch ý nghĩa đây là “các vị thánh tử đạo tại Việt Nam”. Lý do, thực tế, trong tổng số 117 vị tử đạo tại Việt Nam đã được phong Thánh đó có 96 người Việt Nam, 11 vị thừa sai Tây Ban Nha và 10 vị thừa sai Pháp.

Hiện nay, khi làm lễ, một số vị linh mục ở Việt Nam vẫn dùng cụm từ “Các Thánh tử đạo tại Việt Nam”.

Tất nhiên, đây là chuyện chữ nghĩa, đặc biệt là chữ nghĩa tiếng Việt rất phong phú và nhiều tầng lớp ngữ nghĩa. Và tất nhiên, đây chỉ là dân thường A Phủ cảm nghĩ vậy thôi đó mà.

PHẠM HỒNG PHƯỚC