Thứ Tư ngày 15 tháng 1 năm 2025

Vì sao người Việt mình “mắc nợ” người Philippines?

 131109-supertyphoon-haiyan-philippines-tacloban-04

 

Sau khi hứng chịu siêu bão Yolanda (tên quốc tế là Haiyan – Hải Yến) ngày 8-11-2013, miền trung Philippines còn lại cảnh tang thương – hoang tàn đổ nát. Không chỉ có thiên tai, mà cả nhân tai cũng làm cho tình cảnh cuộc sống ở nơi bão đi qua thêm tồi tệ.

Hãng tin Mỹ AP ngày 10-11-2013 tường thuật từ thành phố Tacloban trên tỉnh đảo Leyte, nơi bị bão đánh nặng nhất: những trận gió hung hãn chưa từng thấy và những con sóng khổng lồ đập vào bờ cuốn trôi những ngôi nhà. Những xác người nằm vắt trên những cành cây và nằm vương vãi trên những con đường hay trong những đống đổ nát. Trong khi đó, những kẻ cướp bóc xông vào càn quét những cửa hàng, siêu thị và cây xăng tìm cướp đi thực phẩm, nhiên liệu và nước.

Bão Haiyan đã đổ bộ vào quần đảo Philippihnes với sức gió mạnh tới 235km/giờ, giật tới 275km/giờ khiến nước biển dâng cao tới 6 mét. Nó là siêu bão, ở cấp 4 trong bảng thang sức mạnh của bão gồm 5 cấp của Mỹ. Sức gió của Haiyan mạnh nhất trong số các trận bão xưa nay từng được ghi nhận ở Philippines.

Có ít nhất 6 đảo bị bão Haiyan càn quét gây thiệt hại nặng, trong đó nặng nhất là thành phố Tacloban 220.000 dân trên đảo Leyte nằm cách thủ đô Manila khoảng 580km về phía đông nam.

Cho tới nay, người ta vẫn chưa thể biết có bao nhiêu người chết. Mà chắc chắn không thể nào có được con số thương vong chính thức đối với những thiên tai loại này. Trong cuộc họp tối 9-11, tỉnh trưởng Leyte đưa ra con số ước tính có ít nhất 10.000 người chết ở tỉnh này. Còn nhiều vùng chịu bão vẫn chưa thể liên lạc được. Quần đảo Philippines có tới hơn 7.000 hòn đảo lớn nhỏ. Tại một thị trấn của tỉnh đảo Samar, tới sáng 10-11, người ta đã xác định được 300 người chết và khoảng 2.000 người khác bị mất tích.

Sân bay thành phố Tacloban còn lại là một bãi thải những mảnh vụn vỡ ngập ngụa bùn với những mái tôn bị cuốn bay và những chiếc xe hơi bị lật nhào. Cửa kính trên tháp không lưu vỡ nát. Những căn nhà dân trên đường vào sân bay đã bị cuốn sạch. Tại một bờ biển, nguyên một con tàu khá lớn đã bị sóng dữ xô lên bờ nằm lẫn trong những gạch vụn còn sót lại của những ngôi nhà bị san thành bình địa. Một cư dân kể rằng chiếc xe Jeep mà ông và một số người khác trốn bên trong đã bị một bức tường nước dâng cao cuốn đi.

131109-supertyphoon-haiyan-philippines-tacloban-14

Sau khi tới thị sát thành phố Tacloban ngày 9-11, Bộ trưởng Nội vụ Mar Roxas cay đắng nói rằng: “Tất cả mọi hệ thống, tất cả các dấu vết của cuộc sống hiện đại – như thông tin liên lạc, điện, nước – đã bị tê liệt. Không có cách nào để liên lạc với người dân ở các nơi.”

Có khoảng 4 triệu người Philippines bị ảnh hưởng bởi siêu bão Haiyan. Nhà chức trách đã sơ tán được gần 800.000 người trước khi bão ập tới.

Quần đảo Philippines năm nào cũng tả tơi với hàng loạt trận bão nhiệt đới. Trong tình hình biến đổi khí hậu, các trận bão và thiên tai khác xảy ra nhiều hơn và dữ dội hơn. Theo các nhà khí tượng học, đất nước Đông Nam Á 96 triệu dân này nằm dọc theo vùng tây bắcThái Bình Dương nóng ấm, ngay trên đường đi của tác nhân gây bão số 1 của thế giới. Vùng duyên hải phía đông của quần đảo chính là cái rốn bão, giống như miền Trung của Việt Nam.

Nếu như con số 10.000 người chết được xác nhận, Haiyan sẽ trở thành thiên tai gây chết chóc nặng nhất trong lịch sử Philippines, đất nước quần đảo thường xuyên xảy ra động đất, sóng thần, bão tố. Trận bão gây nhiều thương vong nhất trước đây là bão Thelma, giết chết khoảng 5.100 người ở miền trung Philippines năm 1991. Còn thiên tai gây chết chóc nhiều nhất cho tới nay là trận động đất mạnh 7,9 độ Ricter hồi năm 1976 gây sóng thần ở Vịnh Moro ở miền nam Philippines, giết chết 5.791 người.

Tình hình thành phố Tacloban sau bão Haiyan rất hỗn loạn, không hề giống như cảnh bình tĩnh và trật tự của người Nhật Bản sau thảm kịch kép động đất và sóng thần ở vùng duyên hải Tohoku năm 2011 khiến hơn 15.800 người chết. Hai siêu thị lớn nhất và nhiều cửa hàng thực phẩm đã bị cướp phá. Hàng trăm cảnh sát đã được điều thêm tới đây để giúp vãn hồi an ninh trật tự. Một hình ảnh do phóng viên hãng tin Mỹ AP chụp được ngày 10-11 tại thành phố Tacloban cho thấy ông chủ một cửa tiệm đứng che dù, cầm súng ngắn chĩa thẳng để ngăn chặn bọn cướp bóc tràn vào cửa hàng của mình.

131109-supertyphoon-haiyan-philippines-tacloban-13

Tacloban tang thương và điêu tàn là một trong những địa danh lịch sử của Philippines. Nó nằm gần bãi biển Red Beach là nơi Tướng Mỹ Douglas MacArthur đã lội lên bờ hồi năm 1944 khi Mỹ đổ quân vào Philippines trong Chiến tranh thế giới thứ 2. Tacloban là thành phố đầu tiên được liên quân Mỹ và Philippines giải phóng khỏi tay quân phiệt Nhật và là thủ đô tạm của nước này trong nhiều tháng liền. Đây cũng là quê nhà của cựu đệ nhất phu nhân Imelda Marcos mà người cháu trai Alfred Romualdez của bà hiện nay là thị trưởng thành phố.

081110-phphuoc-philippines-manila-021_resize

PHP tại nhà thờ Chính tòa Manila ngày 10-11-2008.

Nhiều người trách chính quyền Philippines trong việc bảo vệ người dân, phòng chống thiên tai khiến có quá nhiều người chết trong siêu bão Haiyan. Tôi từng đến và sống một số ngày ở quần đảo này để rồi cho tới nay vẫn không dứt ra được trong óc mình những hình ảnh cuộc sống nghèo khổ của người dân ở đây. Thiệt là mình đã rách, họ còn tơi tả hơn. Cũng giống như khá nhiều nước đang phát triển khác, sự hào nhoáng và thịnh vượng của Philippines chỉ tập trung ở thủ đô Manila và những thành phố lớn. Còn thì đa số người dân phải sống trong cảnh nghèo khó. Dân sống trên các hòn đảo còn thê thảm hơn. Ngay tại thủ đô Manila, những mảnh đời cơ cực bày ra nhan nhản trước mắt khách nước ngoài. Do đặc trưng địa lý, cấu trúc xã hội và cuộc sống thực tế, Philippines không có được một khối cộng đồng có tổ chức chặt chẽ. Vì thế việc quản lý và điều hành của chính quyền địa phương lỏng lẻo, ngắt khúc và có rất nhiều bất cập. Đó là một trong các lý do chính khiến việc phòng chống thiên tai – đặc biệt khi cấp bách – kém hiệu quả.

map-southeast-asia

Nghiệt ngã làm sao: cuồng phong, bão tố hàng năm khiến người Philippines không chỉ chẳng thể khá lên nổi mà còn ngày càng thêm tệ hại hơn. Tôi thì nghĩ rằng người Việt mình luôn phải chịu ơn, thậm chí “mắc nợ ân tình”, với người dân Philippines. Nhìn lên bản đồ, Việt Nam là một bức tường thành ngăn sóng gió Thái Bình Dương cho cả lục địa Đông Nam Á. Còn quần đảo Philippines ở phía đông chính là lớp lá chắn tiền tiêu nếu không ngăn được thì cũng làm giảm đi sức cuồng nộ của bão tố Thái Bình Dương cho Việt Nam. Như siêu bão Haiyan này đó, đổ bộ vào Philippines với sức gió 235-275km/giờ, hoành hành tới mức mệt xỉu nên khi rời khỏi quần đảo này để trực chỉ Việt Nam để trở thành cơn bão số 14, nó chỉ còn sức gió 163km/giờ.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 11-11-2013)

PHOTO: Cảnh hoang tàn, đổ nát sau bão Haiyan ở thành phố Tacloban (Philippines). Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

131109-supertyphoon-haiyan-philippines-tacloban-02

131109-supertyphoon-haiyan-philippines-tacloban-03

131109-supertyphoon-haiyan-philippines-tacloban-05

131109-supertyphoon-haiyan-philippines-tacloban-06

131109-supertyphoon-haiyan-philippines-tacloban-07

131109-supertyphoon-haiyan-philippines-tacloban-08

131109-supertyphoon-haiyan-philippines-tacloban-09

131109-supertyphoon-haiyan-philippines-tacloban-10

131109-supertyphoon-haiyan-philippines-tacloban-11

131109-supertyphoon-haiyan-philippines-tacloban-12

Những xác người chết đang được vận chuyển đi bằng mọi phương tiện.