Mỹ đi, Nhật đến, Phi còn ngổn ngang
Quân đội Mỹ đã bắt đầu thu hẹp quy mô hoạt động ở các khu vực bị siêu bão Haiyan tàn phá ở Philippines.
Chỉ vài ngày sau bão, Mỹ đã điều máy bay vận tải và tàu chiến tới cứu nạn. Vào tuần trước, Mỹ có 50 tàu và máy bay tham gia cứu nạn. Mấy ngày gần đây, Hải quân Mỹ đã rút tàu sân bay nguyên tử USS George Washington ra khỏi khu vực, nhưng vẫn còn để lại 10 chiếc máy bay vận tải C-130 giúp vận chuyển hàng cứu trợ. Cho tới nay. Mỹ vẫn là nước dẫn đầu về số tiền trợ giúp Philippines, lến tới gần 52 triệu USD.
Giải thích lý do Mỹ rút bớt lực lượng quân sự, Jeremy Konyndyk, Giám đốc cơ quan Trợ giúp Thảm họa Nước ngoài (FDA) thuộc cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), cho biết: Quân đội Mỹ giảm sự có mặt ở đây để cho phép các cơ quan cứu trợ dân sự tăng cường các nỗ lực cứu nạn của mình. “Quân đội chỉ đóng vai trò bắc cầu tạm thời ban đầu, còn về lâu dài, thật sự cần tới vai trò của dân sự.” Trong thời gian đầu ngay sau thảm họa, chỉ có quân đội mới có khả năng ứng cứu tốt nhất.
Thực tế thì ngoài lý do trên, quân đội Mỹ cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động ở cả trong lẫn ngoài nước do ngân sách bị cắt giảm đáng kể. Ngay cả việc huấn luyện và điều chuyển quân trong những tháng gần đây cũng đã phải cắt giảm hay hủy bỏ. Việc cứu giúp nước bạn đồng minh Philippines lần này là một phát sinh với chi phí nặng nề mà quân đội Mỹ không thể kéo dài.
Trong khi đó, hơn 1.000 binh lính Nhật Bản hôm 22-11 đã được chào đón nhiệt tình ở Philippines khi họ tới tham gia các hoạt động cứu nạn và cứu trợ. Họ đã tới cảng Cebu ở miền trung Philippines trên 3 chiếc chiến hạm.
Khác với Mỹ, vốn là nước từng bảo hộ Philippines sau thời kỳ thuộc địa Tây Ban Nha và sau đó giải phóng quần đảo này khỏi sự chiếm đóng của quân phiệt Nhật trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản từng là kẻ thù của Philippines cách đây 7 thập niên. Bởi vậy, việc quân đội Nhật tham gia cứu nạn ở Philippines dù ít hay nhiều vẫn mang tính nhạy cảm ở cả hai phía.
Nhưng dù có ai vẫn còn nặng gánh quá khứ, thực tế thì thời gian trôi qua đã quá lâu và bây giờ là cuộc sống của những thế hệ sau chiến tranh. Tôi tâm đắc nhất là cách suy nghĩ của hai bạn trẻ Nhật và Phi mà hãng tin Pháp AFP ngày 22-11 trích dẫn. Trung úy Jim Alagao, người phát ngôn của Bộ Tư lệnh Trung ương Quân đội Philippines, nói rằng người Philippines cảm ơn sự giúp đỡ của Nhật Bản trong thảm họa này và cuộc Chiến tranh thế giới thứ 2 không còn là mối quan tâm đối với thế hệ của anh. “Chiến tranh đã cách đây rất lâu rồi. Nếu bây giờ chúng tôi vẫn còn mang nặng cảm xúc xấu chống lại người Nhật thì đó là lỗi của cha ông chúng tôi.” Còn bác sĩ Nhật Bản Joji Tomioka đang điều hành một toán y tế dân sự cứu nạn ở Philippines, bày tỏ: “Gần 70 năm trước, chúng tôi là kẻ thù của nhau. Bây giờ chúng tôi là bạn. Chúng ta không thể quên quá khứ, nhưng chúng ta phải học hỏi từ lịch sử để sẽ không lặp lại những điều tương tự như vậy nữa.”
Trận siêu bão mạnh nhất trong lịch sử Philippines đổ bộ miền trung của quần đảo này cũng là trận bão giết chết nhiều người nhất, hơn 5.200 người, khiến 4,4 triệu người phải sơ tán và gây thiệt hại cơ sở hạ tầng và mùa màng ước khoảng 12 tỷ peso (274 triệu USD). Ước tính mới nhất của Liên Hiệp Quốc cho biết kế hoạch tái thiết sau siêu bão này sẽ tốn tới 348 triệu USD. Trong khi đó, các nỗ lực trợ giúp của quốc tế chỉ mới đạt được 38% mức này. Nhiệm vụ tái thiết rất nặng nề, phải xây lại ít nhất 1,2 triệu căn nhà, 600 trường học và 500 bệnh viện đã bị siêu bão Haiyan tàn phá.
Lo sốt vó nhất có lẽ là Tổng thống Benigno Aquino III. Nhiều nhà bình luận quốc tế nói rằng sinh mạng chính trị của chính khách độc thân 53 tuổi này sẽ tùy thuộc vào kết quả của công cuộc tái thiết Philippines sau siêu bão Haiyan. Liệu ông sẽ trở thành một anh hùng dân tộc hay một tội đồ?
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 25-11-2013)
+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.
Lính Mỹ đang vận chuyển hàng cứu trợ lên trực thăng.
Lính Mỹ đang vận chuyển hàng cứu trợ từ máy bay.
Lính Philippines đang xử lý hàng cứu trợ.
Trao quà cứu trợ cho các nạn nhân tại thành phố Tacloban.
Lính Mỹ đang vận chuyển hàng cứu trợ lên máy bay.
Lính Mỹ đang vận chuyển hàng cứu trợ lên trực thăng.
Chuẩn đô đốc Hải quân Mỹ Hugh Wetherald bay trên trực thăng trực tiếp giám sát công việc cứu nạn ở Philippines.