Thứ Sáu ngày 06 tháng 12 năm 2024

Hải quân Nhật Bản trong trận thế bảo vệ vùng biển Đông Á

 

Sự có mặt ngày càng gia tăng một cách đầy nguy hiểm của hải quân Trung Quốc ở Thái Bình Dương, đặc biệt là ở các vùng biển đang có tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh, trong thời gian qua đã buộc các nước trong khu vực phải ráo riết củng cố và tăng cường khả năng phòng thủ lãnh hải của mình. Hải quân được gia tăng về số lượng và hiện đại hóa. Vô hình chung, một cuộc chạy đua vũ trang đã xuất hiện trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang trở thành trung tâm điểm của toàn cầu này.

Báo chí Nhật Bản ngày 28-1-2013 cho biết, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang cân nhắc mức độ thông tin có thể chia sẻ theo yêu cầu của Hải quân Hoàng gia Úc về công nghệ tàu ngầm được phát triển bởi một nhà thầu của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (MSDF).

Công nghệ tàu ngầm luôn là loại có độ bí mật cao. Vì thế, động thái này của Nhật Bản và Úc được các nhà quan sát quốc tế coi như một tín hiệu tăng cường hợp tác giữa các nước thân hữu trong khu vực khi hải quân Trung Quốc ngày càng trở nên một mối đe dọa cho an ninh hàng hải và chủ quyền lãnh thồ.

Tàu ngầm lớp Soryu của Nhật Bản. (Ảnh tư liệu của báo Asahi Shimbun)

Sau khi được nới lỏng những ràng buộc hậu chiến vào năm 2011, Nhật Bản coi việc chia sẻ công nghệ quân sự thuộc danh mục xuất khẩu vũ khí. Tuy nhiên, cho tới nay, nước này chưa chia sẻ loại công nghệ tuyệt mật và nhạy cảm này cho bất cứ nước nào khác ngoài Mỹ.

Nhật Bản, Đức và Thụy Điễn nằm trong số một ít nước có tàu ngầm được trang bị công nghệ AIP cho phép tàu ngầm lặn lâu hơn những tàu ngầm bình thường. Nhờ đó, tàu ngầm sẽ ít phải nổi lên mặt nước để nạp dưỡng khí. Hiện nay các tàu ngầm lớp Soryu của Nhật Bản đang sử dụng công nghệ AIP này.

Theo Sách Trắng về quốc phòng của Úc năm 2009, Canberra có ý định mua 12 tàu ngầm mới để thay cho 6 chiếc đã bị quá hạn.

Nhật Bản cũng đang đẩy mạnh ngành công nghiệp quân sự. Hồi tháng 4-2012, Tokyo đã đạt được một thỏa thuận với Anh để liên doanh và sản xuất thiết bị quân sự.

Trong một động thái khác, ngày 27-1, Nhật Bản đã phóng 2 vệ tinh tình báo mới lên quỹ đạo giữa lúc đang có sự lo ngại của quốc tế về việc CHDCND Triều Tiên có kế hoạch tiếp tục thử tên lửa và khả năng có thể thử hạt nhân. Nhật Bản đã bắt đầu chương trình vệ tinh tình báo của mình sau khi Bình Nhưỡng phóng thử một tên lửa đường dài bay ngang qua đảo chính của Nhật Bản hồi năm 1998. Tháng 12-2012, Bình Nhưỡng đã phóng một tên lửa mà họ nói là đưa một vệ tinh lên quỹ đạo, nhưng Mỹ và nhiều nước khác lại coi đó là một vụ thử công nghệ tên lửa.

Nhật Bản cũng tăng cường quan hệ về quân sự với Hàn Quốc láng giềng, nhất là khi hai nước đều có chung các mối lo ngại từ Bắc Kinh và Bình Nhưỡng. Nhật Bản vốn có khả năng chống tàu ngầm rất cao. Vào cuối năm 2012, Nhật Bản có hơn 80 chiếc máy bay tuần tra P-3C và Hàn Quốc có 16 chiếc, tất cả đều thuộc những mẫu mới nhất. Hai nước đã triển khai loại máy bay này trong một chương trình phối hợp tuần tra và trinh sát chung. Thế mạnh của Nhật là có trung tâm điều hành chiến tranh chống tàu ngầm ASWOC có khả năng phân tích các dữ liệu do các máy bay P-3C thu được. Lực lượng MSDF của Nhật hiện có 6 tàu khu trục lớp Aegis, trong khi Hải quân Hàn Quốc có 3 chiếc. Sự phối hợp giữa hai nước Đông Á láng giềng này sẽ bổ khuyết cho nhau khi trong thực tế, có những khu vực mà tàu của Nhật Bản không tiếp cận được, hoặc có nơi tàu Hàn Quốc không thể áp sát.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 29-1-2013)

 

VIDEO CLIPS

Japanese Soryu AIP submarine technology may export to Australian Navy – Counterpart

Japan Coast Guard and Japan Navy ready to war.