Chủ nhật ngày 22 tháng 12 năm 2024

Nhật ký ghi vội: thứ Bảy 2-3-2013

 

1.

Sáng nay, Gia đình THKT gồm các thầy trò trường Trung học Công lập tỉnh Kiến Tường (trước 1975) có cuộc gặp mặt mà chúng tôi quen gọi “ăn sáng nhớ nhau” tại quán cà phê Cát Đằng trên đường Sư Vạn Hạnh nối dài (Q.10, TP.HCM). Khoảng 17 thầy trò ở khu vực Saigon bữa nay gặp nhau để mừng thầy Phạm Doanh Môn và phu nhân Phương Mai vừa từ Canberra (Úc) về thăm nhà.

Đầu năm 2010, sau 35 năm ly tán khắp bốn phương thiên hạ, thậm chí có nhiều người hơn 40 năm chưa gặp được nhau, cho dù miệt mài tìm kiếm nhau nhưng vô vọng, đùng một cái như có trời xui đất khiến, thầy trò chúng tôi tìm lại được nhau. Mỗi ngày càng đoàn tụ được đông người hơn. Bây giờ chúng tôi đều “5 bó giác”, “6 bó”, có người hơn “7 bó” mà thường đùa nhưng thiệt là “thầy trò tóc bạc như nhau”.

Từ đó, chúng tôi như hồi sinh lại, sống chan hòa bên nhau, cùng chia sẻ, nâng đỡ nhau trong cuộc sống, thể hiện đúng tinh thần “tôn sư trọng đạo” và “đồng môn là anh em”. Tôi dùng từ “hồi sinh” không hề khoa trương, nhiều thầy trò đã nghỉ hưu, trước nay sống lặng lẽ và ẩn dật mà tự gặm nhấm những tật bệnh của tuổi già, nay vui sống hẳn lên khi gặp lại được bạn bè xưa, thầy trò cũ để hàn huyên tâm sự hết ngày dài lại tới đêm thâu. Thậm chí có một thầy hiệu trưởng trước giờ sống nhờ thuốc, gia đình luôn trong tư thể sẵn sàng, nhưng sau khi tìm lại được các đồng nghiệp, học trò, ông không cần tới thuốc nữa, cuộc họp mặt nào dù xa mấy cũng đi dự. Để làm nơi liên lạc và làm hạt nhân đoàn tụ, chúng tôi có dựng một “ngôi Từ đường” là website www.trunghockientuong.com (các bạn có quởn xin mời ghé chơi cho biết thầy trò chúng tôi sống với nhau ra sao).

Đám học trò xưa bây giờ đã có cháu nội ngoại, thậm chí có cháu cố, nhưng mỗi khi gặp lại thầy cô cũ của mình, họ vẫn như những cô cậu học trò xưa khép nép, khoanh tay, thưa bẩm… Chúng tôi quan niệm rằng khi bước qua cổng “trường xưa” (dù chỉ còn là khái niệm, do trường đã bị đổi tên sau 1975), chúng tôi bỏ hết mọi thân phận, địa vị xã hội bên ngoài, chỉ còn lại hai thân phận là “thầy” và ‘trò”. Nhiều học trò cũ khoái chí nói rằng: “Ngoài đời, dù ở nhà hay ra ngoài xã hội, tụi tao bị gọi bằng ông bà này nọ, chỉ có về trường mới được thả giàn mà được gọi là mày, xưng tao.”

Hàng ngồi, từ trái: Các thầy Trần Ngọc Thịnh, Nguyễn Trọng Hòa, Nguyễn Văn Trọi, Bùi Trung Tính và Nguyễn Hữu Hệ.

Hàng đứng: Trần Văn Ngỡi, Kiến Đen, bạn Liêm, Trần Ngọc Bách, thầy Đinh Quý Bản, thầy Phạm Doanh Môn, cô Phương Mai, cô Nguyễn Thị Ngọc Thủy, thầy Nguyễn Văn Hòa, một bạn, Nguyễn Thanh Phong (Xẹp), Lê Thị Rỷ và cô Huỳnh Thị Tuyết. Bạn Vũ Thị Kim Chi bận công việc đến muộn nên không có trong ảnh này.

2.

Vào quán cà phê Cát Đằng sáng nay, ai kêu gì thì kêu, tôi gọi một trái dừa tươi ướp lạnh. Mùa này Saigon nóng bức, lòng dạ tôi cũng đang hồi bức bối, nên cái món đặc sản quê hương Bến Tre này mới có thể giúp tôi mát lòng mát dạ. Uống nước dừa để nhớ về một vùng trời yêu dấu đó mà.

Tôi đã từng uống nước dừa ở Bến Tre (nơi tôi sinh sống một thời gian thời niên thiếu), Cam Ranh, Mỹ Tho, Mộc Hóa, Tân An, Saigon,… thậm chí ở Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines, Taiwan,… Bài học kinh nghiệm là nên uống từ nguyên trái dừa. Nó vừa bảo đảm an toàn vệ sinh, vừa giữ được đúng hương vị – nhất là cái đặc trưng thơm ngọt – của nước dừa. Nhiều nơi quán chặt trái dừa rồi đổ nước dừa vào một cái ca đem ra cho khách kèm theo một ly đá và một thố đường cát trắng. Khuất mày khuất mặt, Thổ thần họa may mới biết đó là nước dừa mới hay cũ, họ có pha thêm nước lã vào nước dừa hay không. Nước dừa vốn có vị ngọt thanh và thơm dìu dịu, chế vào ly đá là coi như loại “nước có vị dừa”! Chỉ có uống dừa tươi nguyên trái ướp lạnh thì mới thưởng thức được trọn vẹn hương vị nước dừa. Bạn cắm ống hút vô, rít một hơi và tận hưởng cái cảm giác dòng nước dừa mát lạnh lan tỏa vào từng mao quản!

Du khách nước ngoài cũng chỉ uống nước dừa nguyên trái như vậy, chủ yếu để bảo đảm vệ sinh. Cũng như mời họ ăn chuối thì phải để nguyên nải hay cắt từng trái có cả cuống, để họ tự lột vỏ mà ăn.

Các nhà khoa học khoe rằng: “Trong nước dừa có gần như toàn bộ dưỡng chất cần cho cơ thể, nhiều vitamin nhóm B và chất khoáng. Hàm lượng kali và magie trong nước dừa tương tự như dịch tế bào của người nên nó thường được dùng cho bệnh nhân bị tiêu chảy, thậm chí làm dịch truyền. Nước dừa pha muối có thể dùng làm nước uống bù nước khi bị tiêu chảy mất nước – thay cho dung dịch muối đường thông thường. Nước dừa còn có tính năng giảm buồn nôn.” Các nhà nghiên cứu còn liệt kê một lô lốc những công dụng tuyệt vời của nước dừa như: kháng khuẩn đường ruột, tốt cho tim mạch, làm đẹp da, giảm cân,…

Nhưng giống như bất cứ thứ gì trên đời, lạm dụng nước dừa cũng chớ hề tốt. Hỗng ai xúi uống nước dừa suốt ngày hay uống khỉa nhiều ngày liền. Nước dừa vốn có tính hàn nên hỗng hạp cho những ai có thể tạng âm (như da xanh tái, bắp thịt mềm nhão, mát, tay chân lạnh, ăn uống chậm tiêu, ăn ít, ít khát nước, thích uống ấm, dễ bị tiêu chảy, phân mềm, người nặng, bải hoải, chậm chạp,…) Khi đang đi bộ hay sắp chơi thể thao, uống nước dừa sẽ bị “lỏng khớp”, giảm sự dẻo dai và phản xạ. Đang đi ngoài nắng nóng và khát nước, uống nhiều nước dừa dễ bị trúng.

Các bà nội trợ kho cá, kho thịt chắc chắn sẽ Like mệt nghỉ cho nước màu thắng bằng nước dừa. Nước màu bình thường thắng bằng đường táng chỉ có nước xách dép mà chạy theo. Hồi trước 1975 ở khu tôi sống tại thị xã Mộc Hóa giữa Đồng Tháp Mười, thỉnh thoảng lại thấy mấy bà từ Bến Tre qua gánh đi bán rong món nước màu dừa, đong bằng những cái gáo ống tre hay chai xị.

Nói chuyện nước dừa, tôi nhớ lại thời đi học, lúc lớp nhì, lớp nhất trở lên (tức lớp 4, lớp 5 bây giờ). Mấy cô nữ sinh bắt đầu có biến chuyển tâm sinh lý, biết mình là phái đẹp và đã có những đôi mắt khác phái len lén dòm muốn lòi tròng mắt, nên cũng bắt đầu o bế cái bề ngoài của mình, từ dung nhan tới trang phục. Thời đó, mấy cô tóc dài gội đầu bằng bồ kết xong thì xức thêm miếng dầu dừa cho tóc nó bóng mượt. Giàng ơi, mỗi khi cái mái tóc ấy nó tình cờ phớt ngang qua mình, tôi ngất ngây với cái hương dầu dừa khi thì thoang thoảng, lúc thì nồng nồng. Các nàng cũng phải hy sinh cho cái đẹp đó chớ. Cái thứ dầu dừa nó bám bụi cát dữ lắm!

3.

Cô bạn làm PR cho hãng Kingston chiều qua khoe mình vừa cùng bạn làm một chuyến Ta balô ở miền trung và nam Ấn Độ thú vị lắm. Điều thú vị đầu tiên là không phải giơ đầu ra cho hãng Vietnam Airlines chặt chém – giá vé bay thẳng từ Saigon sang New Delhi đắt hơn khá nhiều so với khi ta chịu khó đi vòng qua Singapore để bay sang Ấn Độ. Bạn có mấy người bạn bản xứ bên đó mần thổ công hướng dẫn nên không sợ lạ nước lạ cái mà còn có thể trải nghiệm mọi ngõ ngách cuộc sống xứ người.

Bạn kể ở bên Ấn, người ta chú trọng số lượng, chai nước nhỏ nhất là 600ml. Thì dân số đông thứ hai thế giới, tới hơn 1,2 tỷ người mà. Người Ấn Độ rất hiếu khách và phục vụ tận tình, nhưng chất lượng thì là chuyện khác. Có lẽ tại cái xứ ăn uống quá nhiều gia vị nặng mùi và đậm màu nên ly dĩa gì cũng bám đầy những vết ố. Khách sạn (cho dù là nhiều sao) không có giấy vệ sinh, khách phải tự đi mua lấy mà xài. Đồ ăn rất nóng, ai không quen thì sau mấy bữa là nổi mụn, nổi nhọt tùm lum.

Một trong những điều mà cô bạn tâm đắc khi thăm Ấn Độ là nhà nước lo cho dân rất tốt, có những chính sách thiết thực chăm lo cho những gia đình nghèo, không để họ bị đói. Thanh niên được nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện học ngôn ngữ lập trình để gia công viết phần mềm máy tính. Nhưng có hệ quả là ở nhiều vùng bây giờ thiếu lao động cho nông nghiệp và công nghiệp.

 

4.

Người Ấn Độ sống cùng hương liệu và gia vị. Họ ăn uống các món chừa đầy gia vị hạng nặng và thoa lên người những loại hương vị dân gian. Riết rồi da thịt họ như một chiếc bình hương liệu biết đi. Cái mùi da thịt đặc trưng của người Ấn Độ không phải ai cũng chịu nổi. Ở Singapore, nơi có 9,2% trong tổng số dân 5,2 triệu người là gốc Ấn, tôi đã nhiều lần chứng kiến cảnh khách trên metro dạt vào một bên hay đứng xích ra khi có người Ấn lên toa tàu. Lần nọ, ở Singapore, đi metro và xuống tại trạm Little India giữa khu người Ấn, tôi vô tình lên cái ngõ Exit nằm ngay khu chợ bán gia vị Ấn Độ và đã quay mòng mòng khi bất ngờ bị một hỗn hợp gia vị nồng nặc xông vào mũi. Có một lần, trên chuyến bay từ San Francisco về Taipei, tôi ngồi ngay bên cạnh một ông khách người Ấn và phải chịu đựng cái “mùi Ấn” suốt mười mấy tiếng đồng hồ. Ông ấy lại ăn khẩu phần riêng, toàn món Ấn nặng mùi gia vị. Chuyến bay dài như chưa bao giờ dài hơn!

Nè nè, hỗng phải tôi nói xấu hay chê người Ấn nghen. Tôi chỉ tào lao về một đặc trưng của người Ấn để mà “mở rộng tầm nhìn” và “làm giàu tri thức” thôi mà. Tôi cũng biết giận khi có ai chê cái mùi mắm tôm của người miền bắc hay mùi mắm ruốc, mắm nêm của dân miền nam xứ mình. Phàm trên cõi đời đa màu sắc này, không hạp cái gì là bởi tại bản thể mình thôi.

Người Âu Mỹ ăn bằng muỗng nĩa; người Việt và một số dân tộc khác ở châu Á (như người Nhật Bản, Hàn Quốc,…) ăn bằng đũa; còn người Ấn Độ bốc thức ăn bằng chính bàn tay của mình. Họ lý giải rất đơn giản mà chí lý: tay thuộc chính thân thể mình, có gì sạch hơn nó. Bạn có khi nào nhìn người Ân ăn chưa. Giàng ơi, bàn tay họ thiệt là điệu nghệ như diễn viên múa, những ngón tay chum chúm lại, nhón một ít thức ăn rồi đưa thiệt đẹp vào miệng, chớ hề rơi rớt hay dính vào quần áo. Ngó mấy ông Ấn ăn mới siêu, bởi đàn ông Ấn thường để râu dài rậm.

Tháng 6-2010, tôi và thằng nhóc của mình đi Singapore. Hai cha con vào một quán ăn Ấn ở khu Little India và hắn bắt chước người Ấn ăn bốc.

Bạn để ý nghen, người Ấn chỉ dùng có duy nhất bàn tay phải để bốc thức ăn. Trong suốt bữa ăn, tay trái “đói rã họng” mà chẳng hề được cho chấm mút chút gì. Có người giải thích bởi tay phải thuộc về phía “chính nghĩa, tượng trưng cho sự tốt lành”. Nhưng dân gian họ nghĩ đơn giản lắm nghen. Trong bộ phim truyện Mỹ “Outsourced” của đạo diễn John Jeffcoat do Hollywwod sản xuất năm 2006, anh chàng Todd Anderson (diễn viên Josh Hamilton) từ Mỹ được phái sang Ấn Độ chấn chỉnh lại hoạt động của một trung tâm dịch vụ điện thoại mà người Ấn làm “outsource” cho hãng Mỹ. Ngay trong lần đầu tiên tới ngôi nhà ở trọ, anh đã được chủ nhà mời dùng thức ăn Ấn. Todd dùng tay trái bốc thức ăn đưa lên miệng rồi còn mút từng ngón tay một cách ngon lành trong khi những người trong nhà kẻ bắt ghê, người cố nén cười. Ngạc nhiên, Todd hỏi và được giải thích, người Ấn không dùng tay trái bốc thức ăn vì đó là bàn tay ô uế (người ta vẫn quen dùng bàn tay trái để “dọn dẹp” sau khi đi vệ sinh). Đó là sự thiệt ngoài đời, không phải do mấy ông mần phim hư cấu đâu.

Một sáng nọ tại khách sạn The Claremont Hotel trong khu Little India của Singapore, tôi đang ngồi ăn sáng trong nhà ăn thì một tốp du khách Ấn bước vào ăn sáng. Mấy ông khách ngó dáo dác, thấy tôi ngó họ, họ bèn tới bàn hỏi ở đâu có nước. Tôi ngạc nhiên chỉ bình nước đá lạnh lù lù trước mặt họ. Nhưng họ lắc đầu nói là nước để rửa tay kia. Tôi mới nhớ là người Ấn ăn bốc.

Vậy chớ bạn có biết tôi ăn bốc bằng tay trái hay tay phải?

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 2-3-2013)

Phim Outsourced.