Thứ Sáu ngày 20 tháng 9 năm 2024

Nhật ký ghi vội Chủ nhật 10-3-2013: Gì cũng cười được sao?

 

Sáng qua, trước khi về nhà ở Chợ Lách để trình diện bà xã theo định kỳ, ông bạn Lương Minh gọi phone rủ tôi ăn sáng tại Khách sạn Bát Đạt 2 trên đường Ngô Quyền, Q.5 (gần ngã tư với Trần Hưng Đạo) – nơi chị Phi Rom mần việc. Lương Minh và tôi là “double đồng nghiệp”. Anh vừa là nhà báo (của Bộ Tài chính, vừa nghỉ hưu), vừa là admin của trang web trường trung học Tống Phước Hiệp (Vĩnh Long). Tào lao bát xế một chặp, Lương Minh hỏi: “Sao tui thấy hình nào ông cũng cười toe toét vậy?”

Tôi nói: “Phản xạ thôi mà. Hễ mắt mà dòm thấy có ống kính chĩa vô là nó lập tức ra lịnh cho cái miệng bành ra mà cười.”

Bạn thắc mắc: “Hỗng lẽ đi đám ma cũng cười sao?”

Hên xui thôi. Bởi vậy, tôi có bao giờ chụp hình tại đám ma đâu. Tôi nói với hai bạn: “Tôi chỉ không dám chắc là khi mình chết có cười tươi hay không thôi?”

Hôm qua, trong khi tôi toét miệng cười, bạn già Lương Minh mần bộ mần nghiêm hỗng chịu cười. Coi ai tươi hơn nè?

 

Tôi biết cái mặt mình mà không cười thì dễ bị mấy bà lấy hình tôi nhát “ông kẹ” cho con nít nó sợ lắm. Hơn nữa, có tôi cười thì tấm ảnh chụp chung mọi người càng thêm tươi sáng hơn, vui mắt hơn. Thiệt mà!

Bạn nào có xài máy ảnh số thì chắc rõ: nhiều loại máy ảnh hiện đại có thêm chức năng Smile Detection sẽ tự động chụp ảnh khi máy phát hiện những người đang được chụp nhe răng ra cười!

Người nước ngoài khi chụp ảnh ai đó thường hô khẩu lịnh: “Say Cheese” (nói cheese đi). Thậm chí điều này đã trở thành một phần trong nền văn hóa của người phương Tây khi chụp ảnh. Nó chỉ đơn giản là kêu người được chụp ảnh “cười đi” (khi phát âm chữ “cheese” – giống như chữ “chi” trong tiếng Việt, khuôn miệng chành ra như đang cười).

Thiệt ra, đâu phải lúc nào tôi cười cũng là bởi tôi đang vui đâu. Nhiều khi tâm trí rối bời, lòng dạ nát tan mà vẫn phải toét miệng cười.

Cuộc đời lắm mảng đen thui

Tôi cười đâu phải vì vui mà cười.

Lòng đau nhưng miệng vẫn cười

Chỉ vì chẳng muốn làm người kém vui.

Đã nói là phản xạ không điều kiện (unconditional reflex) rồi mà.

Nhưng chớ có mà tưởng bở. Mình cười sao hỗng biết, nhưng cảm nhận ra sao cũng còn tùy tâm trạng của người coi hình nữa. Cùng một cái nụ cười đó, khi được yêu thì khen nó “rạng rỡ”, lúc bị ghét thì chê nó “nhăn nhở”.

Xin nói rõ là tôi chỉ cười phản xạ không điều kiện khi được chụp ảnh thôi. Nó hoàn toàn không có nghĩa là tôi bạ đâu cũng cười, cười vô tội vạ – tôi gọi đó là cười tâm thần. Cười phải đúng lúc, đúng nơi thì mới là cười có duyên, đủ sức làm mềm những con tim sắt đá. Nụ cười có sức động viên mạnh mẽ người khác. Nhưng nhăn răng mà cười trong lúc người ta đau, người ta khổ thì chẳng khác gì xát thêm muối ớt tiêu chanh vào vết thương của họ.

Trong bài “Gì cũng cười” thuộc chuyên mục “Xét tật mình” đăng trên Đông Dương Tạp chí (số 22, năm 1913), học giả Nguyễn Văn Vĩnh nhận xét: “An Nam ta có một thói lạ là thế nào cũng cười. Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười. Hay cũng hì, mà dở cũng hì; quấy cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng, mọi việc hết nghiêm trang.”

Nhưng thiệt ra có nhiều loại cười khác nhau tùy theo tâm trạng và ngữ cảnh. Này nhé, cười khì, cười buồn, cười xuề xòa, cười mỉm chi, cười nụ, cười ý nhị, cười tình tứ, cười đau khổ, cười uất nghẹn, cười khẩy, cười nhếch môi, cười gằn, cười đểu, cười gượng, cười toe toét, cười hớn hở, cười hơn hớn, cười ha hả, cười sằng sặc, cười hì hì, cười hăng hắc, cười khanh khách, cười rổn rảng, cười e thẹn, cười ngượng, cười khinh bỉ, cười khả ố, cười sung sướng, cười sảng khoái, cười hạnh phúc, cười khoái trá, cười nhẹ,… Bởi vậy, nó buộc ta phải vừa nhìn thấy khẩu hình cái miệng cười, vừa nghe được tiếng cười mới phần nào hiểu được ý nghĩa của cái cười đó.

Chỉ có điều chớ bao giờ cười trên sự đau khổ của người khác. Càng không nên lấy cái khuyết tật của người ta mà cười. Ông bà mình khuyến cáo: “Chửi cha không bằng pha tiếng”, nên chớ có nhái giọng vùng miền, chớ có bắt chước người ngọng, người câm – đặc biệt là nhằm mục đích cười cợt, chế diễu.

Giữa trời mưa tuyết mùa đông ở thành phố Sapporo trên đảo Hokkaido (cực bắc Nhật Bản), tôi vẫn cười được kia mà.

 

Y học nói: cười là liều thuốc bổ. Dân gian truyền tụng: một nụ cười bằng 10 thang thuốc bổ. Cười còn là một liệu pháp để trẻ mãi không già. Khi ta cười, khuôn mặt như thể được massage, các cơ mặt căng ra giúp da lâu lão hóa.

Theo Allan & Barbara Pease trong cuốn “The definitive book of body language”: tiếng cười cũng có thể làm giảm nhịp tim, nở động mạch, kích thích sự ngon miệng và đốt cháy calory (cười 10-15 phút có thể giúp tiêu thụ thêm 20% calory so với bình thường). Nhà thần kinh học Henri Rubenstein phát hiện ra rằng 1 phút cười liên tục có thể tạo ra đến 45 phút thoải mái sau đó. Giáo sư tâm thần học William Fry (trường Đại học Stanford) – người có 30 năm nghiên cứu về tiếng cười – cho biết, 100 tiếng cười sẽ cung cấp cho cơ thể bạn một bài vận động tương đương với 10 phút vận động chèo thuyền. Ông ví động tác cười như một hình thức chạy tại chỗ (inner jogging). Động tác cười kích hoạt các cơ khắp cơ thể, giúp mạch máu giãn nở và kích thích tuần hoàn huyết. Dung tích phổi có thể tăng lên gấp đôi bình thường và giúp tăng lượng oxy máu.

Nhà tâm lý học Herbert Lefcourt (Đại học Waterloo) cho rằng tính hài hước và tiếng cười làm dịu đi các cảm xúc tiêu cực. Các nhà nghiên cứu phát hiện cười làm gia tăng sự phóng thích những nội tiết tố tích cực như endorphin (một chất giảm đau tự nhiên) và serotonin (chất chống trầm cảm và mang lại các cảm giác hưng phấn, lạc quan).

Chỉ có điều mà ta phải nằm lòng: chỉ có cười vui vẻ, cười sảng khoái – nói chung là cười tích cực và lạc quan – mới đem lại lợi ích cho bạn và mọi người chung quanh.

Một bí quyết chỉ tiết lộ riêng với bạn: khi muốn cười, bạn chỉ việc mở hình tôi ra coi là sẽ lập tức cười theo thôi mà! Say cheese!

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 10-3-2013)