Thứ Ba ngày 21 tháng 1 năm 2025

Nhật ký ghi vội thứ Năm 7-3-2013: Tôi là người Việt Nam chánh hiệu

 

Chẳng hiểu bà mụ hồi nẳm táy máy tay chưn hay vừa mần nhiệm vụ, vừa tơ tưởng ai đó mà nắn tôi hỗng có “chính chuẩn”. Bởi vậy, nhiều phen đi tới những nơi thường có khách phương xa tới như Sapa, làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông), Hội An, Huế, Đà Lạt,… tôi vẫn bị nhận nhầm là người nưóc ngoài, bị xổ tiếng Anh và bị chặt chém với giá trên trời.

Có lần ở Hội An, tôi lơn tơn bước vô một tiệm bán hàng lưu niệm bằng tơ lụa, cô bán hàng đon đả mời tôi bằng tiếng Anh, tôi cười gục gặc đầu cũng nói tiếng Anh là để tôi tự nhiên rồi tà tà ngắm hàng. Có mấy cô người Việt vô mua mấy chiếc túi bằng lụa và đã thuận mua vừa bán. Lát tôi quay lại chỗ bán mấy chiếc túi đó, hỏi “how much?” Được lời như cởi tấm lòng, cô bán hàng lập tức hét giá bằng tiếng Anh cao gấp 3 lần giá bán cho mấy cô khách Việt. Tôi tức quá xổ tiếng Việt: “Tui là người Việt nè!” Cô bán hàng cười cầu tài: “Ai biểu giống người ta mần chi!”

Lần nọ ra Hà Nội, tôi đi với anh bạn Đăng Quang ghé một cửa hàng dịch vụ mà anh quen. Mới thấy tôi, cô tiếp tân xổ một tràng tiếng Nhựt. Theo phản xạ, tôi cũng đáp lại: “Yamaha, Honda, Suzuki, Kawasaki, Fuji, Ajino Moto” làm cô nàng tròn xoe cả mắt, hiểu được chết liền!

Hồi còn làm ở báo Long An, tôi đi khám mắt, ông bác sĩ hỏi tôi có lai Nhựt không, sao mắt giống người Nhựt quá vậy? Tôi đáp: “Tui cũng Nhựt, nhưng là nhựt trình!” (Nhựt trình là tiếng Hán gọi báo chí hàng ngày).

Nhưng cũng nhờ cái “mặt tiền” như vậy mà qua Singapore, Trung Quốc, Taiwan, Hong Kong, Nhật Bản, Hàn Quốc,… tôi dễ “trà trộn” cùng dân bản xứ, hỗng sợ bị ăn hiếp. Lần nọ ở Bangkok, nhân viên một cơ sở dịch vụ hỏi bằng tiếng Anh chớ tôi ở China thì ở tỉnh nào. Tôi nói mình dân Quảng Tây. Vậy là anh ta xổ một tràng tiếng Hoa. Thấy tôi như vịt nghe sấm, anh ta ngạc nhiên: Tôi nói tiếng Hoa mà ông không hiểu sao? Tôi cười cười: Tui là người China nhưng ở sát Việt Nam nên sống chủ yếu ở Việt Nam, rành tiếng Việt Nam hơn!

Tôi vẫn tự hào khoe mình là người Việt Nam từ đầu tới chưn, người Việt chánh hiệu 100%. Đây nè, cha mẹ người Bắc, đẻ ở miền Trung, lớn lên ở miền Nam. Tôi được tượng hình theo chiều dài đất nước: mẹ có thai ở miền Tây Nam bộ và đẻ ra tôi ở miền Trung.

Cái tên Hồng Phước của tôi ngoài cái nghĩa “tốt lành” gì gì đó (mà cho tới nay cái nghĩa của nó vẫn còn là “niềm mơ ước” của cha mẹ), thiệt ra là một cách ghi dấu kỷ niệm của cha tôi. Vì có thai tôi khi hai ông bà sống tại xã Thường Phước, quận Hồng Ngự, tỉnh Kiến Phong (nay là Đồng Tháp), nên cha tôi ghép hai địa danh lại thành tên tôi.

Nó cũng tương tự như tên Minh Hương của cô em út của tôi. Nhỏ ra đời khi gia đình tôi sống tại hai xã Minh Đức và Hương Mỹ thuộc quận Mỏ Cày (Bến Tre).

Còn đứa em trai kế của tôi tên Hữu Lộc thì nằm trong cái plan của cha tôi đẻ 3 đứa con trai: Phước, Lộc, Thọ. Dè đâu, đứa thứ 3 là gái nên “bể kế hoạch”.

Ai đó ắt nghĩ tôi là kẻ ba phải khi hỏi tôi là người Bắc, tôi vâng; là người Trung, tôi dạ; là người Nam, tôi ừ. Tất nhiên là tôi hỗng hề nói dối. Nhưng thực tế thì tôi là người miền Nam: tượng hình ở miền Nam và từ sau khi chào đời chỉ sống ở miền Nam. Có chăng là tôi được hội tụ những tính cách của cả 3 miền. Tôi sống chan hòa, giản dị, dễ chơi như mọi người dân Nam bộ; nhưng có pha thêm một chút lịch sự và sĩ diện của người Tràng An và tính căn cơ, chịu khổ của người miền Trung. Ây dà, hỗng lẽ tôi là cái món lẩu Việt Nam hay cocktail Việt Nam sao ta? Nhưng cũng chính nhờ vậy mà tôi chớ hề có cái tư tưởng kỳ thị vùng miền, tôi chơi với bạn bè miền nào cũng ngon cơm.

Dù sao, miền Bắc vẫn chỉ là gốc gác (Nam Định quê cha, Ninh Bình quê mẹ chưa một lần tôi tới) và miền Trung chỉ là nơi tôi gởi nhúm nhau và mần khai sinh. Tôi sinh ra ở đất Tây Sơn, cái nhau của tôi chôn cách nhau ngài Nguyễn Huệ có 1 dem mà ổng thì trúng long mạch mần vua, còn tôi thì suốt đời mần kiếp lính hầu (may là không có lác nên hỗng bị downgrade thành “lính lác”).

Ký ức của tôi bắt đầu từ xứ dừa Bến Tre với hình ảnh ngôi đình làng Hương Mỹ và những ngày tháng sống bên bờ sông Hàm Luông hiền hòa. Đó cũng là lý do vì sao tôi hảo cái món nước dừa ngọt mát để có cái nickname là “ông dừa”.

Có lẽ vì là người Việt Nam “chánh hiệu cầu tòa con nai vàng” nên ngay từ khi có trí khôn, tôi đã cảm và yêu cả hai bài hát “Tình ca” và “Việt Nam Việt Nam” của nhạc sĩ Phạm Duy. Cho tới tận bây giờ, mỗi lần nghe lại chúng, từ “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời người ơi. Lời mẹ ru những câu xa vời…” tới “Việt Nam Việt Nam nghe từ vào đời, Việt Nam hai câu nói bên vành nôi, Việt Nam nước tôi…”, tôi vẫn chìm trong cái feeling thiệt thiêng liêng và hào sảng. Cho dù mang quốc tịch gì, tôi vẫn mãi là người Việt Nam – “hai câu nói sau cùng khi lìa đời!”

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 7-3-2013)

– Tôi có giống người Nhật không ta? Tôi đứng giữa hai bạn Nhật chánh hiệu. Bìa phải là anh Nguyễn Trung Hưng, Công ty Đồng Nam – nhà phân phối sản phẩm EPSON ở Việt Nam.

 

BÀI HÁT YÊU THÍCH

Tình ca. Sáng tác: Phạm Duy. Ca sĩ: Thái Thanh..

Việt Nam, Việt Nam. Sáng tác: Phạm Duy. Ca sĩ: Tốp ca.

(Ca khúc này tìm thấy trên Internet. Xin cảm ơn tác giả, ca sĩ và những người đang giữ bản quyền, xin vui lòng cho chúng tôi được thưởng thức tác phẩm tuyệt vời này.)