Chủ nhật ngày 26 tháng 1 năm 2025

Nhật ký ghi vội thứ Ba 12-3-2013: Sóng thần ở một trường tiểu học Nhật Bản

 

Ngày hôm qua 11-3-2013, cả nước Nhật đã tưởng niệm các nạn nhân của thảm họa kép động đất và sóng thần (tsunami) xảy ra cách đây 2 năm tại vùng duyên hải phía đông – bắc Nhật Bản. 19.000 người đã chết hay mất tích; 300.000 người đang phải sống tại các khu tạm cư do khu vực họ sinh sống bị nhiễm phóng xa từ nhà máy điện hạt nhân Dai-ichi tại tỉnh Fukushima bị sóng thần tàn phá. Người ta gọi đó là “trận đại động đất miền đông Nhật Bản” (the March 11 Great East Japan Earthquake).

Trong số những hình ảnh của ngày tưởng niệm này, tôi dừng lại rất lâu trước cảnh một ông lão đang đứng cầu nguyện tại đài tưởng niệm trước cổng vào trường tiểu học Okawa tại Ishinomaki (tỉnh Miyagi). Khoảng 80% số học sinh và giáo viên của trường Okawa Elementary School này đã bị sóng thần cuốn đi mất tích vào ngày 11-3-2011. Trong số 108 học sinh của trường, có tới 74 em đã chết và mất tích.

Không kìm được lòng mình, tôi đã đi tìm các tư liệu để xem những gì đã xảy ra ở ngôi trường tiều học này vào ngày thảm họa đó.

Trường tiểu học Okawa nằm dọc theo một con đường tỉnh lộ gần cầu Shin-Kitakamiohashi, cách cửa sông Kitakamigawa khoảng 5km. Dãy nhà 2 tầng của trường là một kiến trúc hiện đại và được thiết kế có thể an toàn với các trận sóng thần ở mức độ mà người ta có thể tiên liệu được.

Liệu có phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên chăng khi trong bài hành khúc của nhà trường (tức “trường ca” – school song) có câu: “Taiheiyo no Aoi Nami, Yosetekuru Nami” (Blue waves of the Pacific, waves that approach – Những làn sóng xanh của Thái Bình Dương, những làn sóng đổ đến).

Báo The Asahi Shimbun (25-4-2011) thuật: Vào cái ngày định mạng 11-3-2011 đó, lúc 14g40 (giờ địa phương), các học sinh đang chuẩn bị về nhà. Trong số 13 thầy giáo và nhân viên văn phòng của trường, có 11 người đang có mặt tại trường.

Trong số các học sinh lớp 5, có đứa con trai thứ 2 của Nobuhiro Kimura, 37 tuổi, người đang điều hành một nhà máy sắt ở địa phương. Lúc 14g46ph, Kimura đang ở trong văn phòng nói chuyện với chủ tịch công ty về tình hình công việc tại nhà máy. Đột ngột mặt đất rung chuyển dữ dội. Sau chấn động ban đầu, tình trạng rung lắc vẫn tiếp tục một lúc nữa. Nhiều khung sắt bị rơi ra. Ngạc nhiên với động đất quá lớn, Kimura nhảy lên xe hơi của mình phóng về nhà nằm ở giữa trường tiểu học và nhà máy. Khi đang lái xe dọc sông Kitakamigawa, ông nghe trên radio phát thông báo cảnh báo sóng thần lớn, ông cũng nhận thấy mực nước sông lúc này sao lại thấp hơn bình thường. Khi radio báo rằng đợt sóng thần đầu tiên đã đổ vào thị trấn Onagawa láng giềng, Kimura linh cảm đầy bất trắc. Tại nhà ông, đứa con trai lớn nhất đang học trung học cơ sở đã về tới nhà sớm hơn bình thường vì hôm đó trường tổ chức lễ tốt nghiệp. Đưa cậu bé lên xe, Kimura vội vã lái xe tới trường tiểu học để đón đứa con trai thừ hai đang học ở đó. Trong khi ông đang ngồi trên xe cho máy nổ, cậu con trai lớn nhảy xuống chạy vào trường đón em mình ra xe. Ngay lập tức sau khi chạy xe đi, Kimura nhìn thấy có cái gì đó đang bay phía trước mình. Đó là một ngôi nhà bị sóng thần ném từ bờ sông bên kia sang bờ sông bên này.

Các nhân viên chính quyền thành phố đứng gần cây cầu Shin-Kitakamiohashi vẫy tay hướng dấn các xe cộ chạy lên một ngọn núi. Kimura vội xoay bánh lái và tống hết ga phóng đi.

Nhiều phút trước đó, Toshinobu Oikawa, 57 tuổi, một nhân viên chính quyền thành phố đã có mặt cách trường tiểu học khoảng 1km về hướng cửa sông. Khi nhìn về phía trước, ông trông thấy những cuộn sóng ở đằng xa cao hơn cả những ngọn cây thông trên bãi biển – sóng cao ít nhất 20 mét. Oikawa nghĩ: “Sóng lớn quá,” Ông lái xe phát loa kêu gọi các cư dân sơ tán. Tới gần cầu, ông dừng xe và cố gắng chạy vào trường tiểu học để hướng dẫn họ sơ tán lên ngọn núi và vùng đất cao hơn. Khi ngó xuống dòng sông, ông thấy một cuộn nước đen khổng lồ đang xô tới, cuồn cuộn như sắp nổ tung. Một con tàu đánh cá nặng khoảng 3 tấn đã bị sóng thần cuốn theo xô vào bờ sông. Con tàu trượt theo bờ kè và va vào cây cầu ngay phía trước Oikawa. Ông nghe một âm thanh như tiếng vang của một thác nước khổng lồ đang đổ xuống.

Khi đợt sóng nước đen ập tới gần hơn, Oikawa quay mình bỏ chạy lên sườn núi. Nước từ con sông dâng lên tràn ngập các khu vực thấp hơn.

Ngay sau đó, sóng thần cuốn các hàng thông trên bãi biển gần trường tiểu học Okawa.  

Một thầy giáo là giáo viên duy nhất sống sót sau khi sóng thần ập vào trường. Anh và một vài người khác, trong đó có những phụ huynh tới trường đón con, là những người lớn duy nhất biết rõ những gì xảy ra tại trường ngay trước khi sóng thần đổ tới.

Trong cuộc gặp giữa nhà trường và thân nhân các nạn nhân ngày 9-4-2011, thầy giáo này kể: Tất cả các giáo viên đã xác nhận tại sân trường rằng tất cả học trò của họ đều an toàn. Một số học sinh khóc lóc. Một số khác bị lạnh do chạy chân không trên tuyết. Thầy giáo còn sống đó quay trở lại các phòng học để kiểm tra chắc chắn coi có học sinh nào kẹt lại không rồi trở lại sân trường. Anh nhìn thấy các học sinh và giáo viên đang cố gắng chạy lên khu đất cao trên một bờ kè. Đột ngột vang lên một tiếng động lớn tiếp theo tiếng gió rít mạnh. Sóng thần rượt theo thầy trò dọc con đường rồi nhấn chìm tất cả.

Bà Setsuko Takahashi, 60 tuổi, sống gần trường tiểu học, đang chạy về phía sân trường và nhìn thấy các học sinh đang đi theo hàng ngũ trên con đường sau trường trên sườn núi. Bà nói với cô con gái 31 tuổi và đứa cháu 2 tuổi đang theo mình: “Hãy đi theo bọn học sinh.” Ngay lập tức sau đó, bà bị một làn nước màu nâu nhận chìm, nhưng may mắn chộp được những thân cây và một tấm bảng đang nổi. Bà bị xô vào khu vực nước đọng. Bà nhìn thấy một cô gái gần đó đang bám vào một mảnh gỗ. Trong khi kêu cô gái: “Đừng buông tay khỏi miếng gỗ”, bà cố gắng trèo lên một sườn dốc. Một người đàn ông đang ở chỗ an toàn trên sườn dốc đã lao xuống cứu cô gái.

Cả ngôi trường tiểu học chìm trong dòng nước bùn. Bà Takahashi chỉ nhìn thấy phần phía trên của tầng hai còn nhô trên mực nước. Bà không thấy đám học trò lúc nãy cũng như con gái và cháu ngoại mình. 4 đứa trẻ đã tìm được sự an toàn ở chỗ nước đọng như bà. Đó là 1 nữ sinh lớp 1, 2 nam sinh lớp 5 của trường tiểu học Okawa và 1 nam sinh trung học co sở. Có cả thảy 12 người lớn, gồm bà Takahashi và các nhân viên của chi nhánh văn phòng chính quyền thành phố ở nơi an toàn đó.

Thầy giáo tiểu học duy nhất sống sót và 1 nam sinh lớp 3 lúc đó ở một nơi khác cũng trên triền dốc đó.

Phụ huynh của các học sinh tiểu học đã trải qua một đêm kiệt sức và mất ngủ chở tin tức con em mình. Các con đường và tất cả phương tiên liên lạc đều bị đứt. Có tin đồn lan nhanh rằng bọn trẻ đã được cứu thoát tại trường và tất cả đều an toàn. Tuy nhiên, sang ngày hôm sau, các phụ huynh bắt đầu nhận được hung tin. Lực lượng cứu hỏa tình nguyện địa phương dùng thuyền đi tới trường tiểu học và nhìn thấy tất cả chỉ còn hoang tàn. Họ tìm thấy các thi thể trẻ em trong đám đổ nát quanh trường. Trong những ngày sau đó, phụ huynh vẫn tiếp tục tìm kiếm chung quanh nhà trường và tìm được thi thể một số em.

Bạn sẽ khóc khi tôi kể chi tiết này: Ngày 12-3, tức một ngày sau sóng thần, người ta tìm được thi thể nữ sinh lớp 5 Chisato Shito với thương tích nặng nề. Khi rất khó để rửa hết bùn trong mắt, mũi và tai của cô bé, người mẹ 45 tuổi của cô đã dùng lưỡi mình để liếm sạch cho con.

Ba ngày sau sóng thần, bà Miyuki Fukuda, 43 tuổi, mới tìm thấy thi thể cô con gái lớn nhất của mình là Risa, nữ sinh lớp 6. Cô bé rất xinh xắn và đang háo hức được mặc chiếc váy truyền thống hakama trong lễ tốt nghiệp của mình. Còn đứa con trai lớn nhất của bà, nam sinh lớp 3 Masaaki vẫn mất tích. Ngoại trừ ngày hỏa táng Risa, ngày nào bà mẹ Fukuda cũng tới quanh trường học để tìm con trai.

Trong số 108 học sinh trong danh sách của trường tiểu học, có 64 em đã tìm thấy xác và 10 em bị mất tích. Nghĩa là 70% học sinh của trường là nạn nhân của trận sóng thần này. Phần lớn trong số 34 học sinh sống sót là nhờ cha mẹ đón sớm đưa tới nơi an toàn.

Từ trong các đống đổ nát bên trong và chung quanh trường tiểu học Okawa, người ta lần lượt tìm thấy những chiếc “randoseru” (balô học sinh) của các học sinh chết và mất tích.

Trường tiểu học Okawa sau thảm họa sóng thần. Ảnh chụp ngày 28-3-2012.

Cuộc sống dù trải qua đau đớn tới chừng nào cũng vẫn phải tiếp tục. Trường tiểu học Okawa đã tổ chức lễ tốt nghiệp năm học 2010-2011 vào ngày 24-4-2011, muộn hơn một tháng so với bình thường, tại trường tiểu học Iinokawa Daiichi. Có khoảng 50 thân nhân của 16 học sinh lớp 6 đã chết hay mất tích tham dự. Chỉ có 5 học sinh lớp 6 khác sống sót là tiếp tục lên trung học cơ sở. Hiệu trưởng Teruyuki Kashiba đã đọc tên 16 em tốt nghiệp nhưng không còn có thể có mặt nữa rồi trao giấy chứng nhận cho người thân các em. Trước đó, ngày 29-3-2011, trường Okawa đã bắt đầu năm học mới tại một địa điểm tạm thời. Chỉ có 34 học sinh trong số 108 học sinh của trường sống sót sau thảm họa sóng thần.

Trong cuộc họp giữa nhà trường và thân nhân các nạn nhân ngày 9-4-2011, một thân nhân hỏi: “Các giáo viên đã làm gì trong thời gian giữa khi trận động đất xảy ra và lúc sóng thần ập tới?” Người khác hỏi: “Đây là một thiên tai hay một thảm kịch do con người gây ra?” Một phụ huynh yêu cầu: “Hãy trả con cho tôi!”

Trong ngày bế giảng năm học 2010-2011, Hiệu trưởng Kashiba nói rằng: “Chúng tôi, các giáo viên và nhân viên nhà trường, sẽ nỗ lực để điều đau buồn như thế này không bao giờ xảy ra lần nữa!”

Tại sao trong những năm gần đây, thiên tai xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều hơn và gây tác hại ngày càng nặng nề hơn? Các nhà khoa học chỉ rõ: đó là ảnh hưởng bởi tình trạng biến đổi khí hậu do hiệu ứng nhà kính. Trái đất ngày càng nóng thêm lên. Nhiệt độ bình quân của tầng khí quyển và các đại dương liên tục tăng lên từ cuối thế kỷ 19. Từ đầu thế kỷ 20 tới nay, nhiệt độ bề mặt Trái đất tăng thêm khoảng 0,8 độ C (1,4 độ F) – trong đó 2 phần 3 tăng trong thời gian từ năm 1980 tới nay. Họ dự báo rằng trong thế kỷ 21, nhiệt độ bề mặt Trái đất sẽ tăng thêm 1,1 – 2,9 độ C (2 – 5,2 độ F) trong kịch bản thấp nhất, hay tăng 2,4 – 6,4 độ C (4,3 – 11,5 độ F) theo kịch bản cao nhất. Tất cả tùy theo mật độ tập trung của các chất khí gây hiệu ứng nhà kính (greenhouse gas) mà con người thải vào bầu khí quyển qua các hoạt động hàng ngày và sản xuất công nghiệp. Chính tình trạng nóng ấm toàn cầu (global warming) đã làm biến đổi các mẫu thức (template) của tự nhiên. Nhiệt độ tăng lên làm tan chảy các lớp băng địa cực, các sông băng và các chỏm băng núi cao khiến mực nước biển dâng cao và biển xâm thực đất liền, gây ngập lụt nhiều hơn. Tình trạng tàn phá rừng đầu nguồn khiến các nguồn nước tự nhiên không được giữ lại, hậu quả là hạn hán mở rộng và lũ quét dữ dội hơn dọc theo các dòng chảy. Suy ra, chính con người tự hại mình bằng các hành động phá hoại thiên nhiên.

Có lẽ, tôi nên lặp lại đoạn kết trong bài viết ngày hôm qua của mình:

Các thiên tai xảy ra… theo ý trời. Nhưng mức độ và tác hại của thiên tai có tác động bởi chính con người. Thượng đế cũng chơi “rất đẹp” (fair play) khi đều cho những dấu hiệu, những điềm báo trước. Vấn đề là ở đây giới hữu trách có nhận ra các điềm lạ ấy không và xử lý ra sao. Hầu như chẳng thể ngăn chặn được thiên tai, nhưng người ta hoàn toàn có thể giảm nhẹ được tác hại của chúng.

Con người luôn thiệt nhỏ bé và yếu đuối trước thiên nhiên. Vậy thì chớ có mà cao ngạo với tự nhiên!

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 12-3-2013)

 Trường tiểu học Okawa ngày 9-4-2011.

Trường tiểu học Okawa ngày 19-5-2011.

Ngày 28-4-2011, thân nhân các nạn nhân cầu nguyện trước trường tiểu học Okawa trong một nghi thức Phật giáo đánh dấu 49 ngày qua đời của các nạn nhân sóng thần. (AP Photo/Kyodo News)

Ngày 16-10-2011, các em đang cầu nguyện cho bạn bè và người thân của mình chế và mất tích trong thảm họa sóng thần tại trường tiểu học Okawa.

Balô của các học sinh chết và mất tích được tìm thấy quanh trường.

Một nhóm phụ nữ đang xem một vật tìm thấy gần trường tiểu học Okawa sau sóng thần.

Một cuốn album ảnh học sinh được tìm thấy gần trường Okawa. Có tới 70% số em có hình trong album này đã chết và mất tích.

Ngày 29-3-2011, học sinh tiểu học Okawa ôm nhau trong ngày đầu tiên đi học trở lại sau sóng thần.

MỜI ĐỌC THÊM:

Kỷ niệm 2 năm thảm họa kép động đất và sóng thần ở Nhật Bản