Nhật ký ghi vội thứ Ba 19-3-2013: Đời vẫn còn có những Lục Vân Tiên
Sáng nay trên đường An Dương Vương (Q.5), qua Đại học Sư phạm một quãng, tôi nhìn thấy tại một giao lộ có ba bốn bạn trẻ – chắc hẳn là sinh viên – cầm cờ đỏ điều khiển giao thông với một tờ poster bằng giấy croquis trắng vẽ câu khẩu hiệu: “Saigon, hãy khoan mà chạy”.
Cái lời nhắc nhở này làm tôi nhớ tới một câu khẩu hiệu an toàn giao thông lâu nay: “Thà chậm một giây còn hơn gây tai nạn giao thông”. Bạn hỗng biết nghĩ sao, chớ tôi thấy cái câu này chung chung quá, kém ép-phê. Lẽ ra nên huỵch toẹt ra rằng: “Thà chậm một giây còn hơn mất một mạng”.
Phong ba, bão táp cũng không bằng giao thông ở Việt Nam. Tôi tin rằng các bạn nước ngoài sẽ lưu lại cái “ấn tượng đầy ám ảnh” đó sau khi từ Việt Nam trở về.
Bạn cứ ra một giao lộ nào đó sẽ thấy cảnh người mình “vội” và “cố”. Đèn đỏ chưa tắt đã “vội” phóng xe lên, đèn vàng sắp hết vẫn “cố” vượt qua. Hậu quả nhẹ thì dễ làm tắt nghẽn giao thông, nặng thì “rầm” một tiếng!
Người mình chạy xe “hỗn” lắm, luôn hùng hùng hổ hổ lao tới chẳng biết nhường ai. Nếu có nói “chạy xe như ăn cướp” cũng hỗng hề oan.
Người Saigon hối hả mà. Nhưng ai có qua Nhật Bản, Taiwan, gần thì sang Singapore, xa hơn thì tới Mỹ ắt thấy thiên hạ còn hối hả gấp trăm lần dân mình. Vậy mà mọi hoạt động giao thông đều suôn sẻ, bởi người ta hối hả trong luật lệ. Không chỉ có ý thức thượng tôn pháp luật mà còn là văn hóa ứng xử (cụ thể là văn hóa giao thông).
Người Saigon hối hả một cách ẩu tả. Một phần do không ít người chớ hề nắm rõ luật lệ giao thông, phần chính là bởi họ không hề nhận thức được là mình ẩu. Đó mới là điều nguy hiểm hơn cả. Cớ sao lại đến nông nỗi này? Thôi, tôi mà tán ra thì va chạm tùm lum tà la! Chỉ dám he hé chút: muôn sự vẫn từ cái gốc con người!
Những lần ra Hà Nội, tôi thường có nhận xét: người Hà Thành càng ngày chạy xe càng giống người Trung Quốc. Nghĩa là đang chạy xe giữa đường muốn dừng thì thắng cái két, muốn quẹo thì rẽ cái ù, muốn tấp vô lề thì tạt cái ào. Đi taxi ở Trung Quốc mà nghe bác tài chửi rủa những người lái xe khác mình cũng ngứa cả miệng muốn “ăn theo” vì thấy tức giùm ổng, cho dù chính ổng cũng đang bị người khác chửi rủa!
Sáng thứ Bảy tuần rồi (16-3-2013), vừa từ Nguyễn Trãi đổ xuống Nguyễn Cư Trinh ở quận 1, tôi thấy tại giao lộ với Trần Đình Xu có một chiếc xe Dylan đỏ chói và một anh chàng mặc quần short áo T-shirt dựng xe quay ngang chắn giữa đường. Quạu à nghen. Nhưng tới gần mới biết anh chàng đang đem thân mình lẫn chiếc xe xịn ra cảnh báo nguy hiểm cho người đi đường. Nguyên một sợi dây cáp điện thoại loại lớn đang bị rơi xuống vắt vẻo giữa đường. Ai chạy xe lao tới coi như vướng mà mất mạng như chơi. 15 phút sau tôi quay lại, thấy anh chàng kia đang phụ với một công nhân công ty điện thoại bó lại sợi cáp rơi đó.
Nói theo kiểu chính trị, anh chàng kia có “trách nhiệm công dân”. Còn nói theo đạo lý, anh ấy có “đạo đức làm người”.
Bữa nọ ở quận 10, tôi thấy trước cửa một căn nhà mặt tiền có đặt một chiếc thùng nhựa ướp lạnh có dán tờ giấy: “Trà đá miễn phí”. Khi nào phải cuốc bộ xa giữa trời nắng nóng, bạn ắt hiểu được giá trị của những ca nước như vậy. Nó làm tôi nhớ lại thời trước 1975 ở miền nam, nhiều nhà ở nông thôn có kê một chiếc lu đựng nước mưa kèm theo chiếc gáo dừa ngoài cổng cho bá tánh đi đường đỡ khát.
Ừ, Saigon hối hả, Saigon ẩu tả nhưng thiên hạ vẫn sống được chính là nhờ vẫn còn có những Lục Vân Tiên giữa đời thường như vậy! Cảm ơn các bạn trẻ sinh viên sáng nay đã nhắc nhở, cảm ơn anh chàng lạ hoắc kia sáng đó đã cứu tôi khỏi lao vào cái sợi cáp giữa đường. Oan có đầu, nợ có chủ, kẻ nào mần chuyện xấu thì tôi ghét, ai làm điều tốt thì tôi thương, ai lừng chừng thì tôi né!
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 19-3-2013)
Giao thông ở Saigon. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks.)