Xe chở người hành hương lao xuống vực ở Ý
Thiệt tình tôi chớ hề muốn là kẻ chuyên báo tin buồn cho bạn bè mình. Nhưng công việc nó buộc tôi phải đau lòng làm như vậy khi những thảm kịch vẫn tiếp nối nhau xảy ra trên cõi đời ngày càng đầy bất trắc này.
Nỗi đau của thảm kịch xe lửa trật đường ray làm 79 người chết ở Tây Ban Nha chưa kịp vơi thì tại một nước châu Âu khác là Ý đã xảy ra vụ xe khách lao xuống vực giết chết 38 người đêm 28-7-2013.
Tai nạn xảy ra lúc 8g30 tối (giờ địa phương) khi một chiếc xe khách lao ra khỏi một cây cầu cạn trên xa lộ A16 bắc qua một thung lũng gần thị trấn Avellino bên ngoài thành phố Naples (miền nam nước Ý) lao xuống vực thẳm sâu 25 mét (80ft). Đây là một trong những tai nạn đường bộ tệ hại nhất trong lịch sử nước Ý.
Chiếc xe chở 48 người Công giáo sống tại Naples, có nhiều trẻ em, trở về nhà sau khi đi hành hương viếng quê hương của vị thánh nổi tiếng Padre Pio tại San Giovanni Rotondo thuộc Puglia.
Những nhân chứng ban đầu cho biết tài xế xe khách đã mất kiểm soát, đâm xe vào chiếc xe phía trước gây ra một tai nạn đụng xe liên hoàn với 5 chiếc xe rồi lao gãy hàng rào lan can trên cầu và rơi xuống vực. 9 người trên 5 chiếc xe đụng nhau dồn cục kia bị thương, nhưng may mắn là xe của họ vẫn còn nằm trên đường. 10 người sống sót trên chiếc xe khách đều bị thương nguy kịch. Theo lời khai của những hành khách may mắn sống sót, chỉ ít giây trước tai nạn, xe đã bị nổ lốp khiến nó mất kiểm soát.
Các công tố viên đã mở cuộc điều tra về tai nạn thảm khốc này, tập trung vào các nghi vấn của tội danh thảm sát. Nhưng tài xế đã chết trong tai nạn này rồi. Người ta thử tìm xem có những ai khác phải chịu trách nhiệm về tai nạn thảm khốc này chăng. Các nhà điều tra đang khám nghiệm xác chiếc xe khách để tìm xem có phải do lỗi kỹ thuật hay không. Người ta cũng tìm hiểu coi các thanh hàng rào của cầu có bảo đảm đúng chất lượng hay không. Không rõ là các hành khách có đeo thắt lưng an toàn không và liệu các dây an toàn này có hoạt động tốt không.
Cho dù là lỗi của tài xế hay không thì những kinh nghiệm rút ra được từ tai nạn này vẫn rất hữu ích cho những người khác. Đành rằng đã gọi là tai nạn thì trời kêu ai nấy dạ, nhưng nếu được phòng tránh tốt nhất, mức độ tai ương có thể giảm tới mức thấp nhất. Và trong hầu hết các trường hợp, yếu tố con người vẫn là mấu chốt. Ý thức trách nhiệm cho sự an toàn của bản thân và cho người khác luôn là quan trọng nhất.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 30-7-2013)
+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.
VIDEO CLIPS: