Chủ nhật ngày 22 tháng 12 năm 2024

Người truyền cho tôi sức sống mới

130930-phphuoc-virginia-dohuutai-005_resize

 

Trong chuyến lang thang ở bang Virginia (Hoa Kỳ), sáng 30-9-2013, tôi được chở tới thăm một người bạn lâu nay “văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình” đang sống tại trung tâm phục hồi chức năng và nuôi dưỡng người bệnh tật và già yếu Mt. Vernon trên đường Tiswell của thành phố cổ Alexandria.

Nguyên khu vực nhiều cây xanh, yên tĩnh và xinh đẹp này có những dãy nhà dành cho những người bệnh tật trong thời kỳ phục hồi chức năng (rehabilitation) và những người già yếu hay bệnh lưu niên nằm dưỡng già và chờ ngày về bên kia thế giới.

Anh bạn Đỗ Hữu Tài sống trong một dãy nhà dành cho những người già yếu và bệnh tật. Hàng ngày khách được vào thăm từ 8 giờ sáng tới 8 giờ tối. Mọi khách đều phải đăng ký, ghi tên vào sổ tại phòng khách rồi mới được đi vào khu sống của người bệnh. Phòng khách có salon, sách báo. Có hai phòng vệ sinh cho nam và nữ, nhưng phải tới quầy tiếp tân nhận chìa khóa mới mở được.

Khu người bệnh sống có nhiều phòng, nằm hai bên lối đi giữa dãy nhà, mỗi phòng 2 người ở, có nhà tắm và phòng vệ sinh riêng trong từng phòng. Đội ngũ phục vụ là người nhập cư vùng đảo hay châu Mỹ Latinh. Họ phục vụ người bệnh cực kỳ tận tâm và chu đáo. Việc chăm sóc rất cực vì hầu hết người bệnh phải ngồi xe lăn hay nằm liệt giường, thường không tự làm vệ sinh cho bản thân, ngay cả khi muốn uống nước cũng phải nhấn nút kêu người phục vụ tới giúp. Như anh Tài, họ phải đút cho anh ăn ngày 3 bữa và ban đêm thì cứ mỗi 1 giờ phải trở người cho anh. Các phòng rất sạch. Do không thấy có biển ghi cấm chụp hình, tôi đưa máy ảnh lên bấm một kiểu ngoài hành lang. Một nhân viên phục vụ tới bên cho biết ở đây cấm chụp ảnh bên ngoài phòng bệnh nhân vì họ sợ xâm phạm tới quyền cá nhân riêng tư của những người bệnh khác.

Anh Đỗ Hữu Tài sinh năm 1957 tại Saigon trong một gia đình lao động ở quận 8, có tới 9 anh chị em (7 nam và 2 nữ). Năm 1980, anh ra đi và năm 1982 tới Mỹ sau một thời gian sống trên đảo Pulao Bidong. Bi kịch ập tới anh chỉ sau một thời gian ngắn ở Mỹ. Anh bị một chứng tê người mà bác sĩ không tìm được nguyên nhân. Hậu quả là từ một chàng trai khỏe mạnh, anh đã bị tê liệt ăn dần từ chân trở lên. Anh bệnh 30 năm nay và đã phải dính vào chiếc xe lăn 28 năm. Giờ đây, anh đã bị liệt tới cổ, toàn phần dưới không còn cảm giác. Anh vẫn ăn uống ngon miệng, nhưng không kiểm soát được các chức năng của cơ thể từ cổ trở xuống. Bác sĩ nói rằng khi chứng liệt lan tới mũi, anh không thở và ăn uống được thì sẽ ra đi. Có nghĩa là anh đang phải sống với cái chết được báo trước đang tới dần từng ngày.

Do một thân một mình ở Mỹ, anh Tài đã sống trong trung tâm điều dưỡng này gần 30 năm. Phải nói là Mỹ chăm lo phúc lợi xã hội cho người dân cực kỳ tốt. Người dân đóng thuế cao, nhưng họ an tâm vì tiền thuế của họ được chính quyền chi đúng đắn và sẵn sàng chăm lo chu đáo cho họ khi cơ nhỡ hay bất hạnh.

Là một người theo đạo Công giáo và rất sùng đạo, anh Tài đã phó thác cuộc đời mình cho Chúa, an tâm với cuộc sống của mình. Anh cố gắng hạn chế tới mức thấp nhất việc nhờ vả người khác. Dùng miệng ngậm chiếc cần điều khiển, anh lái chiếc xe lăn điện đi tới đi lui, hàng tuần chạy ra cửa nhà đón xe buýt đi lễ nhà thờ. Anh lấy slogan là “Yêu đời và yêu người” và treo nó lên trang web của mình. Trong phòng anh, tôi còn thấy có dán tấm giấy trung tâm khen tặng là “Cư dân xuất sắc trong tháng” (Resident of the Month) hồi tháng 9-2012. Quả là một người lạc quan và vẫn hữu ích cho cộng đồng.

Nhưng điều đáng nói hơn cả ở chỗ anh Tài là một hình mẫu cho người tàn mà không phế. Hồi chưa có máy tính, anh ngậm viết vào miệng để ghi nhật ký, viết tự truyện và làm thơ. Anh cho tôi coi 3 cuốn tập lớn và dày cộm chứa những gì anh viết. Thiệt là sửng sốt khi thấy anh viết bằng miệng mà chữ rất rõ ràng, ngay hàng thẳng lối. Anh nói mình viết đầy một trang mất hơn 1 tiếng đồng hồ. Mấy năm sau này có máy tính xách tay, anh sử dụng bằng cách ngậm một cây que để nhấn lên các phím. Mỗi ngày, khoảng 8 giờ sáng, nhân viên làm vệ sinh cá nhân, thay quần áo mới cho anh rồi đặt anh lên chiếc xe lăn. Họ điều chỉnh chiếc bàn đặt chiếc laptop sao cho anh thoải mái nhất. Từ đó cho tới 2 giờ chiều, anh Tài ngồi bên máy tính, lướt web, đọc và trả lời e-mail, chat, viết lách. Anh cũng tham gia nhiều trang web, diễn đàn. Website của trường Lê Văn Duyệt đã lập hẳn một section riêng cho anh (http://www.levanduyet.net/cgi-bin/yabbSP1/YaBB.pl?num=1207670982/3553#3553). Tới 2 giờ chiều, nhân viên tới dùng thiết bị nâng để đỡ anh lên giường, tắt máy tính, và để chiếc điện thoại bàn bên cạnh để anh bắt đầu liên lạc với mọi người bằng điện thoại – tất nhiên cũng dùng miệng ngậm chiếc que để bấm số.

Các bạn bè và những người ái mộ đã trang bị cho phòng anh Tài tivi, đầu máy, máy hát đĩa,… để anh giải trí. Hàng tuần đều có người tới thăm, mang thức ăn tới cho anh. Anh đặc biệt mê các món ăn Việt – tất nhiên rồi!

Anh Tài rất mê làm thơ. Anh làm thơ rất nhanh, ngậm cây que, anh gõ từng chữ Việt có dấu hẳn hoi để post ngay lên trang web hay trong e-mail. Phía trước cửa phòng có dán hai bài thơ của anh Tài được nhà thư họa Vũ Hối ở Virginia phóng bút theo kiểu thư pháp. Một bài ghi: “Có những đêm giật mình tôi thức giấc. Xót xa nhìn cùng bóng tối cô đơn.”. Bài kia viết: “Tìm bóng tối quên đi thời ngang dọc. Tìm góc trời ta học cách làm thơ.” Ban đầu, anh lấy nickname và bút danh là Tài Phan (đọc lái thành “tàn phai”). Sau này, anh dùng nguyên họ tên của mình. Năm 2008, bạn bè xúm lại giúp anh in tập thơ “Có những đêm” tuyển chọn 129 bài thơ của anh. Đó là những bài thơ viết về đạo, về mẹ (mẹ anh đang ở quận 8), về nỗi nhớ quê hương và nhất là về cuộc tình đẹp mà dang dở của anh.

Thời gian ở đảo của dân tị nạn, anh gặp một cô gái cùng cảnh ngộ. Hai người yêu nhau tha thiết. Nhưng sau đó, gia đình cô gái được đi định cư trước ở Úc. Dù cô van nài người yêu cùng đi Úc với mình, nhưng anh đã quyết định từ chối vì cha mẹ người yêu trước nay luôn quyết liệt phản đối mối tình của họ. Anh cũng tưởng rằng khi sang Mỹ, sau khi ổn định cuộc sống, nếu còn duyên thì sẽ nối lại tình xưa. Dè đâu định mệnh trớ trêu khiến anh lâm cơn bạo bệnh. Anh giấu nhẹm tình trạng của mình với gia đình ở Việt Nam cũng như người yêu ở Úc. Mãi sau này, khi biết được, cô gái năn nỉ anh cho mình qua chăm sóc anh, nhưng anh đã quyết liệt từ chối. Nhưng rồi cô gái cũng đã qua tha7m anh 2 lần. Năm 1985, cô đi cùng gia đình từ Úc qua Mỹ ở 1 tuần. Năm 1986, cô qua và ở lại 49 ngày và anh đã dùng miệng ghi lại một tập nhật ký về  49 ngày hạnh phúc đó. Sau đó, anh không thể tiếp tục níu kéo cuộc tình mà phần bất hạnh thuộc về người anh yêu. Anh không muốn làm phiền ai. Tình yêu đó, anh giữ trọn trong tim mình và sống cùng nó tới ngày nay, luôn day dứt và cháy bỏng qua những dòng thơ. Dù sao, giờ chị Hoài Hương cũng đã tìm được hạnh phúc của mình.

dohuutai-thoi-tre-01

Anh Hữu Tài thời chưa lâm bệnh. (Ảnh cá nhân của anh Tài).

hoaihuong-dohuutai-03

Chị Hoài Hương ở Úc năm 1997. (Ảnh cá nhân của anh Tài).

Cô gái mang tên Hoài Hương xuất hiện rất nhiều trong tập thơ “Có những đêm” của anh Tài. Có hai bài được đặt tên là “Hoài Hương” và “Hoài Hương và mùa hạ”. Ta hãy thả hồn làm một chuyến viễn du vượt Bắc Thái Bình Dương hơn 9.000 mile (14.600km) từ Virginia sang Sydney (Úc) để cùng anh Tài thương nhớ Hoài Hương:

“Cuối tháng sáu nắng mưa về bất chợt

Có em rồi anh nào ngại nắng mưa

Lời yêu em biết nói mấy cho đầy?

Ôi! Thương quá Hoài Hương và mùa hạ”

(Hoài Hương và mùa hạ)

 

“Hoài Hương ai bảo nhớ Hoài Hương

Nhớ dáng em ngoan nụ cười buồn

Nhớ người con gái ngày xưa ấy

Đã giết đời ta lúc nửa đời.

….

Em bên phương ấy vui đời mới

Ta ở nơi này ta trách ta.”

(Hoài Hương)

 

“Sydney bây giờ em ở đâu

Có nhớ Bidong một đêm nào

Tôi say sưa kể đời phiêu bạt

Em ngước nhìn trời… mưa quá lâu.

 

Có lẽ tại trời mưa quá lâu

Đã ướt tình đau từ bao giờ

Em nơi phương ấy lòng héo hắt

Tôi hụt hẫng đời trong hố sâu.

….

Sydney đất lạ mà vấn vương

Chưa đến làm sao lại nhớ nhà

Tình tôi trao trọn về bên ấy

Nên thấy nhẹ lòng nỗi Hoài Hương

….

Sydney thương quá em Sydney

Biết viết lời chi để vơi buồn

Hai phương trời lạ chung nỗi nhớ

Em có nghe gì không Sydney?”

(Sydney tôi nhớ em)

Đọc tập thơ của anh Tài, tôi thấy bàng bạc một bóng hình Hàn Mặc Tử…

Thú thiệt, trước khi tới gặp anh Tài, tôi đã phải chuẩn bị tinh thần sẵn sàng để gặp một “phế nhân” đầy bi thương. Nhưng tôi nhẹ lòng ngay khi bước vào nhà an dưỡng khi thấy mọi người bệnh được chăm sóc quá tốt – thậm chí ở nhà khó lòng mà được như vậy. Và mọi lăn tăn trong đầu tôi đã nhanh chóng bị xóa tan ngay trong những phút đầu tiên tiếp xúc với anh Tài – một người chỉ có cái đầu là còn “sống”. Anh lạc quan, yêu đời, dí dỏm, khôi hài không để người tiếp xúc phải chạnh lòng vì mình. Vốn là dân công nghệ, tôi bị bệnh nghề nghiệp, lòng nhủ thầm chính công nghệ đã giúp anh Tài yêu đời, kéo dài cuộc sống cho anh. Ngồi trên xe lăn nhưng anh không hề lạc lõng và cô đơn, anh vẫn có thể kết nối và sinh hoạt cùng với bạn bè trên khắp thế giới.

Từ phòng anh Tài có một cửa sổ nhìn ra đường. Ở đó có vài ba cây lá đã đổi màu đỏ và một cây đổi màu vàng. Chớm thu rồi. Thỉnh thoảng, nhân viên phục vụ vẫn mở rèm che cửa sổ cho anh Tài nhìn mùa Thu hay cảnh tuyết rơi bên ngoài. Chúng sau đó lại vào thơ của anh.

Chia tay anh Tài, tôi được anh truyền cho nhiều cảm hứng, đặc biệt là lạc quan và yêu đời hơn. Thay vì có ý định an úi và động viên anh, hóa ra tôi lại được anh truyền cho sức sống mới. Cảm ơn anh Tài. Cảm ơn tất cả mọi người đã ở bên anh Tài trong suốt những tháng ngày còn lại. Cảm ơn trung tâm điều dưỡng Mt Vernon đã chăm sóc anh suốt 30 năm nay.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Virginia 30-9-2013)

130930-phphuoc-virginia-dohuutai-004_resize

130930-phphuoc-virginia-dohuutai-009_resize

Tháng 9-2012, anh Tài được khen tặng danh hiệu “cư dân xuất sắc trong tháng” của trung tâm.

130930-phphuoc-virginia-dohuutai-010_resize

Phòng của anh Tài.

130930-phphuoc-virginia-dohuutai-011_resize

130930-phphuoc-virginia-dohuutai-012_resize

130930-phphuoc-virginia-dohuutai-014_resize

Dùng miệng, anh Tài điều khiển chiếc xe lăn điện.

130930-phphuoc-virginia-dohuutai-015_resize

130930-phphuoc-virginia-dohuutai-016_resize

130930-phphuoc-virginia-dohuutai-020_resize

130930-phphuoc-virginia-dohuutai-021_resize

130930-phphuoc-virginia-dohuutai-022_resize

130930-phphuoc-virginia-dohuutai-023_resize

130930-phphuoc-virginia-dohuutai-025_resize

130930-phphuoc-virginia-dohuutai-026_resize

PHP và anh Tài.

130930-phphuoc-virginia-dohuutai-027_resize

Anh Tài và những tập hồi ký, ghi chép của mình.

130930-phphuoc-virginia-dohuutai-028_resize

Những trang hồi ký được anh Tài viết bằng cách ngậm viết vào miệng.

130930-phphuoc-virginia-dohuutai-029_resize

130930-phphuoc-virginia-dohuutai-030_resize

Tập thơ của anh Taì.

130930-phphuoc-virginia-dohuutai-031_resize

130930-phphuoc-virginia-dohuutai-033_resize

130930-phphuoc-virginia-dohuutai-036_resize

130930-phphuoc-virginia-dohuutai-037_resize

ẢNH TƯ LIỆU:

dohuutai-thoi-tre-02

Anh Hữu Tài thời chưa lâm bệnh. (Ảnh cá nhân của anh Tài).

hoaihuong-dohuutai-02

hoaihuong-dohuutai-01

Chị Hoài Hương ở Úc năm 1997. (Ảnh cá nhân của anh Tài).

VIDEO CLIP:

Bài hát: Mượn em. Thơ: Đỗ Hữu Tài. Nhạc: Như Ngọc Hoa. Tiếng hát: Cẩm Sa. (Trong video clip có một số ảnh của anh Tài thời chưa bệnh và chị Hoài Hương chụp ở Úc năm 1997).