Máy bay rơi ở Iran làm 39 người chết
Xuất hiện trên truyền hình nhà nước Iran ngày 10-8-2014, Thứ trưởng Giao thông Ahmad Majidi đã cập nhật số thương vong trong tai nạn máy bay vừa xảy ra trong ngày ở nước này là 39 người chết và 9 người bị thương. Trước đó, đài truyền hình này đưa tin toàn bộ 48 người trên máy bay đã bị thiệt mạng.
Chiếc máy bay Iran-140 của hãng hàng không Sepahan Air đã rơi gần sân bay Mehrabad của thủ đô Tehran sau khi vừa cất cánh từ đó để bay tới Tabas, một thị trấn ở miền đông Iran.
Phi công đã phát hiện sự cố kỹ thuật sau khi cất cánh khoảng 4 phút và cố gắng bay trở lại sân bay. Nhưng rồi chiếc máy bay 2 động cơ phản lực cánh quạt này đã đâm xuống một con đường vào lúc 9g18ph sáng 10-8-2014 (theo giờ địa phương, tức 4g48ph theo giờ quốc tế GMT/UTC, hay 11g48ph giờ VN). Nhân chứng cho biết máy bay đã lao vào một bức tường.
Đài truyền hình Iran cho biết có 37 nạn nhân chết tại chỗ và 2 chết trên đường tới bệnh viện.
Theo Cục Hàng không Dân sự Iran, trong số hành khách có 2 trẻ sơ sinh và 3 trẻ dưới 12 tuổi.
Mohammad Abedzadeh, một người sống sót kể là ông đã văng ra qua một cái lỗ trên thân máy bay tạo ra sau một vụ nổ. Ông nói: “Sức nổ hất văng chúng tôi ra khỏi máy bay. Vài giây sau, tôi nhìn thấy toàn bộ chiếc máy bay chìm trong lửa.”
Tổng thống Hassan Rouhani đã ra lệnh ngưng hoạt động toàn bộ các máy bay Iran-140 để chờ điều tra.
Loại máy bay Iran-140 do nước này tự lắp ráp dựa trên phiên bản máy bay Antonov-140 của Nga. Tình trạng kém an toàn của loại máy bay nội địa này đã tồn tại từ lâu. Hồi tháng 12-2002, một chiếc Iran-140 đang bay thử nghiệm đã lâm nạn, giết chết ít nhất 46 người, trong đó có cả các kỹ sư thiết kế ra nó.
Các hãng hàng không Iran lâu nay luôn bị ám ảnh bởi tai nạn máy bay. Giới chính trị nước này cáo buộc do bị cấm vận quốc tế mà các hãng hàng không Iran không thể thay thế được đội máy bay già cũ của mình. Trong vòng một thập niên tính tới tháng 11-2011, có khoảng 14 tai nạn máy bay đã xảy ra với các máy bay của Iran. Vào thàng 1-2011, một chiếc Boeing 727 của hãng Iran Air đã nổ tung thành từng mảnh khi đang cố gắng hạ cánh khẩn cấp trong một trận bão tuyết ở miền tây bắc nước này, giết chết ít nhất 77 người.
Người ta nói rằng trong những năm qua, các bộ phận thay thế cho các máy bay phải mua từ thị trường chợ đen, hay tận dụng từ những chiếc máy bay khác, hoặc tái chế lại.
Iran có 4 hãng hàng không lớn nhất là Iran Air, Iran Aseman Airlines, Mahan Air và Iran Air Tours. Tất cả đều có đội máy bay có tuổi đời bình quân trên 22 năm. Chúng phục vụ cho một thị trường với 77 triệu dân.
Các hãng Mỹ Boeing và General Electric của Mỹ cho biết họ vẫn đang tìm cách xuất khẩu các linh kiện thay thế cho máy bay sang Iran theo thỏa thuận nới lỏng cấm vận quốc tế. Người đứng đầu hãng Iran Air cho biết hãng này sẽ cần có ít nhất 100 chiếc máy bay mới một khi lệnh cấm vận được hủy bỏ. Hãng hàng không quốc gia này có khoảng 40 máy bay, trong đó có 9 chiếc Boeing 747, và một số đã được sản xuất từ trước cuộc Cách mạng Hồi giáo 1979. Thành tích an toàn quá tệ của các hãng hàng không Iran khiến hầu hết các chuyến bay của Iran bị cấm hạ cánh xuống các sân bay thuộc Liên minh châu Âu (EU).
Iran đã bị Mỹ cấm vận từ sau cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979 ở nước này. Từ năm 2006, Iran lại bị Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc áp dụng lệnh cấm vận quốc tế để trừng phạt việc chính quyền Tehran không chịu ngưng các chương trình làm giàu uranium, cho dù nước này luôn khẳng định mình chỉ phát triển năng lượng hạt nhân vì các mục đích hòa bình. Các biện pháp cấm vận quốc tế không chỉ gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Iran, đặc biệt là khi nước này chủ yếu dựa vào nguồn xuất khẩu dầu lửa, mà còn dẫn tới tình trạng khủng hoảng nhân đạo hạ thấp điều kiện sống của người dân. 77 triệu người dân Iran trở thành con tin của các thế lực chính trị trong nước và quốc tế.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 10-8-2014)
+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.