Thứ Ba ngày 24 tháng 12 năm 2024

Nhớ cái cảm giác rất là… sake và soju!

101123-27-phphuoc-japan-epson-451_resize

 

Người Việt mình có rượu nếp (hay rượu đế ở miền Nam) là một trong những món quốc hồn, quốc túy. Nó cũng giống như rượi sake của người Nhật Bản và rượi soju của người bán đảo Triều Tiên.

Đại từ điển bách khoa Wikipedia giải thích rằng sake đã đi từ danh từ chung (tiếng Nhật có nghĩa là rượu, “sake” phiên qua âm Hán Việt là “tửu”) trở thành tên riêng của một loại rượu đặc sản quốc gia của người Nhật Bản. Thế giới coi sake là một thứ rượu nhẹ truyền thống nấu từ gạo qua nhiều công đoạn lên men mà người Nhật gọi là Nihonshu (rượu Nhật Bản) hoặc Seishu.

Theo tài liệu của Hội Những người làm rượu Sake và Shochu Nhật Bản, rượu sake có nồng độ cồn 13 tới 17% (bia là 4-6%; rượu vang trắng 10-13%).

Ngoài sake, Nhật Bản còn có thêm rượu shochu cũng nấu từ gạo, nhưng có thêm khoai lang, lúa mạch và có nồng độ cồn cao hơn (theo Sake-world, phổ biến là 25%, có khi lên tới 42% hoặc cao hơn).

Người ta dễ nhầm lẫn giữa rượu shochu của Nhật Bản và rượu soju của người Triều Tiên. Tuy nhiên thực tế đây là 2 phiên bản quốc gia của một loại rượu, chỉ khác nhau ở tên gọi. Phiên âm Hán Việt của soju là “thiêu tửu”. Rượu này có nồng độ cồn phổ biến là 20%, có loại mạnh tới 45%. Rượu soju cũng được nấu bằng nguyên liệu chính là gạo, nhưng có pha thêm một số thành phần khác như lúa mì, lúa mạch, khoai lang, bột sắn hột. Nhưng nó không phải là rượu gạo, tên gọi rượu gạo là dành cho loại rượu cheongju (âm Hàn Việt là “thanh châu”) – một loại rượu tương đương với sake của Nhật Bản.

Rượu sake có thể uống nguội hay hâm nóng. Đặc biệt là vào mùa lạnh, uống rượu sake nóng mới là sành điệu và phê hơn, uống tới đâu là biết tới đó.

Người ta không uống rượu sake bằng ly thủy tinh mà bằng những cái chén hay cốc sành, sứ hay gỗ.

Coi phim Hàn Quốc, bạn thấy diễn viên, nam hay nữ, hễ có chuyện gì buồn (thất tình, mất việc) lại đi nốc rượu soju tới say mèm. Ở những thành thị Hàn Quốc, chiều tối xuất hiện những quán rượu soju dựng trên hè phố bằng những căn lều kín bưng (chống gió lạnh). Cửa quán là những tấm bạt che. Từ ngoài trời giá lạnh vén bạt lách vào bên trong quán là thấy ấm áp ngay. Càng ấm hơn khi ngồi xuống ghế kêu đĩa thịt mới nướng và chai rượu soju mà nhâm nhi. Có lần tham dự Samsung Press Tour tại thành phố cảng Busan, buổi tối tôi và anh Trần An Duyệt (đài truyền hình VTV) sau khi lang thang chịu lạnh hết nổi bèn tạt vô một quán lều ven đường. Thiệt là ấm lòng khi giữa trời lạnh ngồi trong căn lều nhỏ ấm áp (chỉ đủ kê chừng chục chiếc ghế) ngồi nhâm nhi rượu sochu và thịt nướng cùng bạn tri âm tri kỷ. Và càng lâng lâng hơn khi được đối ẩm cùng người khác phái. Số là bà chủ quán tuổi trung niên coi mòi “kết model” với ông anh An Duyệt nên mới được mời “lơi” một tiếng đã xăng xái ngồi vào bàn. Bà chủ quán không “phá mồi”, nhưng hai anh em uống nửa chai soju thì một mình bà đã hết nửa chai còn lại. Vậy mà vui và nhớ mãi tới giờ, thậm chí còn dư âm lại cả cái cảm giác lúc đó.

Tất nhiên lần nào từ Hàn Quốc về, trong hành lý của tôi cũng có những bloc rượu soju đựng trong những chai nhựa dành cho xuất khẩu. Cốt để làm quà thôi, chớ tôi thì “tứ đổ tường” mỗi món chỉ có một nửa mà (này nhé: cờ không bạc, chè không rượu, xách không hút, gái không trai).

Còn rượu sake thì lần nào sang Nhật Bản, tôi cũng phải uống ít nhất một lần cho nó có cái quốc hồn quốc túy con dân Thần Mặt trời ngấm vào lòng mình. Có một tối nọ ở Tokyo, anh Nguyễn Trung Hưng, nhà phân phối sản phẩm Epson ở Việt Nam, và tôi được mấy bạn Epson Japan rủ đi uống sake. Không phải vào nhà hàng sang trọng chi đâu, họ dẫn anh em tôi vào một chung cư lớn, lên thang máy, trèo thang bộ len lách vào một căn hộ trên tầng cao – đó là một quán sake gia đình. Họ nói chỉ có người sành điệu mới biếu những chỗ này. Mà quả thật, sake uống ở đó mới thật là đậm chất Phù Tang.

Nhưng sao tôi vẫn cảm thấy thiếu thiếu cái gì đó. Chẳng lẽ là do chưa được thưởng thức rượu sake từ cái bình rượu quá “độc” đúng “Japan-style” như trong cái video clip mà một người bạn bên Mỹ vừa gởi cho. Xin cáo lỗi trước với quý vị lady, xin thề có Bác Ba Phi – tổ sư của tôi chứng giám – tôi chớ hề dám mạo phạm hậu duệ Bà Trưng, Bà Triệu. Bởi cái vụ đệ nhất trong “thất tình lục dục” này nó rất đỗi bình thường với văn hóa của người Nhật Bản. Tôi thiệt lòng quý trọng người Nhật ở cái tính cách rất con người, họ chẳng lấp la lấp liếm che giấu cái tôi của mình. Chỉ có điều dù rất muốn nhưng tôi chưa dám làm theo, đành phải là như “trai nhà lành” kêu lên thảng thốt: oh, my God, rồi lấy cả hai bàn tay che mặt với những kẽ ngón tay mở rộng hết cỡ!

Xin mời xem clip:

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 5-11-2014)

 

Tokyo Nhật Bản tháng 4-2005

PHP ngồi giữa anh Lê Trung Việt (bên trái, Tổng biên tập Tạp chí PC World Việt Nam) và anh Nguyễn Trung Hưng (Gíam đốc Công ty Đông Nam, nhà phân phối sản phẩm Epson ở VN) tại Tokyo, Nhật Bản tháng 4-2005

Rượu soju Hàn Quốc tháng 10-2007.

Rượu soju tại Hàn Quốc tháng 10-2007.

Một quán rượu trên vỉa hè ở Busan (Hàn Quốc) tháng 10-2007.

Một quán rượu trên vỉa hè ở Busan (Hàn Quốc) tháng 10-2007.

Những quán rượu trên vỉa hè ở Busan (Hàn Quốc) tháng 10-2007.

Những quán rượu trên vỉa hè ở Busan (Hàn Quốc) tháng 10-2007.

Trong một quán rượu trên vỉa hè ở Busan (Hàn Quốc) tháng 10-2007.

Với bà chủ quán trong một quán rượu trên vỉa hè ở Busan (Hàn Quốc) tháng 10-2007.

Với anh An Duyệt trong một quán rượu trên vỉa hè ở Busan (Hàn Quốc) tháng 10-2007.

Với anh An Duyệt trong một quán rượu trên vỉa hè ở Busan (Hàn Quốc) tháng 10-2007.

Với bà chủ quán trong một quán rượu trên vỉa hè ở Busan (Hàn Quốc) tháng 10-2007.

Với bà chủ quán trong một quán rượu trên vỉa hè ở Busan (Hàn Quốc) tháng 10-2007.

101123-27-phphuoc-japan-epson-451_resize

Rượu sake tại Nhật Bản tháng 11-2010.

101123-27-phphuoc-japan-epson-459_resize

Rượu sake tại Nhật Bản tháng 11-2010.