Thứ Tư ngày 22 tháng 1 năm 2025

Phòng chống tội phạm bằng mạng xã hội

social-media-police-2_resize

 

Muộn còn hơn không. Các cơ quan pháp luật ngày nay mà không biết tận dụng sức mạnh truyền thông và lan tỏa của các mạng truyền thông xã hội thì thật là một sự thiệt thòi cho cả họ lẫn người dân.

Bây giờ chẳng còn ai mất công tranh luận về tính đại chúng và sức mạnh đa dạng vô song của các mạng truyền thông xã hội. Thậm chí có khi phải coi đó là một quyền lực mới trong cuộc sống xã hội loài người thế kỷ 21. Và có lẽ chưa bao giờ mạng truyền thông xã hội lại được chắp cánh bay cao bay xa như thời điểm này – khi mà mạng Internet phủ rộng khắp nơi, sóng di động trùm cả hành tinh, điện thoại thông minh (có tính năng kết nối Internet, quay phim, chụp ảnh,…) trở nên phổ cập tới mức ngày càng có nhiều người sở hữu nhiều thiết bị.

Theo số liệu do Cục Viễn thông của Bộ Thông tin và Truyền thông công bố hồi hạ tuần tháng 12-2015, Việt Nam hiện có 90,5 triệu dân nhưng có tới 120 triệu thuê bao di động, có nghĩa là bình quân 133 thuê bao di động trên 100 người dân già trẻ lớn bé. Tỷ lệ người dùng Internet đạt 52% dân số. Riêng Internet băng thông rộng hiện có hơn 36 triệu thuê bao, tức bình quân 40 thuê bao/100 dân.

Mạng truyền thông xã hội Facebook lớn nhất thế giới vào tháng 6-2015 đã công bố các số liệu người dùng Việt Nam. Theo đó, có 20 triệu người Việt Nam vào Facebook mỗi ngày và trung bình mỗi người dành ra tới 2,5 giờ “lang thang” trên mạng này mỗi ngày.

Vì thế mà chẳng có gì phải ngạc nhiên khi giới thực thi pháp luật, cơ quan an ninh trên thế giới từ lâu đã biết khai thác các mạng xã hội để phục vụ công việc của mình.

Còn nhớ trong vụ đánh bom trong cuộc chạy đua marathon ở thành phố Boston (bang Massachusetts, Mỹ) hồi tháng 4-2013, cảnh sát bang Massachusetts đã dùng mạng xã hội Twitter gởi thông báo cho các cư dân khu ngoại ô Watertown – nơi một nghi can đang ẩn trốn – yêu cầu họ khóa chặt cửa nhà, không mở cửa cho ai trong khi cảnh sát đang lục soát các sân và các công trình bên ngoài của các ngôi nhà ở đó. Nhà chức trách đã sử dụng mạng xã hội để cập nhật thông tin và gửi các thông báo cho người dân. Đây là một phương tiện truyền tin tiện lợi, phủ rộng và nhanh chóng tới mức tức thì.

Cũng trong vụ đánh bom Boston này, khi cơ quan điều tra Liên bang FBI chính thức công bố rộng rãi trên các phương tiên truyền thông đại chúng hình ảnh và video từ máy quay giám sát về hai kẻ tình nghi đánh bom, người ta chỉ có được hình ảnh không rõ lắm. Và mạng xã hội đã “cứu bồ” cho cơ quan an ninh. Vào cái ngày định mạng đó, ông David Green, 49 tuổi, từ Jacksonville (bang Florida) đến Boston tham dự cuộc đua và đã chụp nhiều ảnh về hiện trường vụ nổ bom bằng một chiếc iPhone sau đó post lên trang Facebook của ông. Trong số ảnh đó, người ta nhận ra chân dung rõ nét hơn của một tên tình nghi mà FBI đã công bố.

social-media-police

Cảnh sát Mỹ khai thác mạng xã hội cho công việc của mình. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks).

Vào tháng 8-2012, kênh truyền hình thời sự Mỹ CNN đã cho xuất bản một câu chuyện dài về việc cảnh sát Mỹ “nắm” (embrace) lấy mạng truyền thông xã hội làm một công cụ mới trong cuộc chiến chống tội phạm. Nhà chức trách không chỉ kêu gọi các thành viên mạng tham gia truy lùng tội phạm, cung cấp thông tin tình hình an ninh mà còn tìm kiếm trên mạng những thông tin về những tên tội phạm đang truy nã. Chuyện nhân viên an ninh dùng tên giả lên mạng kết bạn với những kẻ tình nghi tội phạm là bình thường. Có không ít tên tội phạm đã sa lưới chỉ vì “tự sướng” hay hớ hênh đưa thông tin về mình lên mạng.

Như vụ tên Melvin Colon, kẻ đang bị truy nã về các tội giết người cùng với các tội có liên quan tới vũ khí và ma túy. Thành viên của môt băng đảng ở New York này đã post trên Facebook với chế độ công khai (public) những tấm hình chụp hắn với những dấu hiệu băng đảng, nhưng cẩn thận post ở chế độ riêng tư (private) những thông tin “tự sướng” có liên quan tới các hoạt động tội ác của mình. Hắn cũng share với bạn bè cánh hẫu những thông tin nhạy cảm này. Xui cho Colon là sau khi được cảnh sát thuyết phục, một người bạn của Colon trên Facebook đã đồng ý cho cảnh sát tiếp cận với những thông tin “riêng tư” của Colon. Sau đó, một quan tòa Liên bang đã ra phán quyết khiến Colon không còn được hưởng chế độ “riêng tư” đối với các chi tiết mà hắn đã chia sẻ với bạn bè.

Việc khai thác mạng xã hội vào công việc của các cơ quan pháp luật đang ngày một lan rộng trên khắp nước Mỹ. Một cuộc thăm dò online với 1.221 nhân viên các cơ quan thực thi pháp luật cấp liên bang và bang ở Mỹ do LexisNexis Risk Solutions thực hiện cho thấy cứ trong 5 người, có tới 4 người đã dùng mạng xã hội để thu thập thông tin trinh sát trong các cuộc điều tra của mình. 50% số sếp an ninh này cho biết họ vào mạng xã hội ít nhất 1 lần mỗi tuần. Đa số thừa nhận rằng mạng xã hội đã giúp họ phá án nhanh hơn. Cuộc thăm dò cũng cho biết mạng Facebook được giới thực thi pháp luật coi là trợ thủ số 1 của mình, kế đó là YouTube,…

Tổ chức Giám sát Láng giềng Quốc gia (National Neighborhood Watch) trục thuộc Hiệp hội Cảnh sát trưởng Quốc gia (National Sheriffs’ Association) của Mỹ nhấn mạnh rằng các công cụ truyền thông mạng đầy tính sáng tạo giúp hợp nhất cơ quan thực thi luật pháp và cộng đồng lại với nhau trong cuộc chiến chống tội phạm.

Việc khai thác thế mạnh của các mạng truyền thông xã hội làm những việc tốt ích nước lợi nhà đáng được phổ biến rộng rãi. Người ta có thể dùng mạng để tuyên truyền pháp luật, phổ biến kiến thức pháp luật và các quy định mới có liên quan tới người dân, cũng như tạo kênh thông tin cảnh báo và báo tin về các hành vi phạm pháp. Chuyện này hoàn toàn thích hợp với các nước đang phát triển, huống chi Việt Nam đang có cơ sở hạ tầng mạng Internet và viễn thông thuộc loại phổ cập nhất thế giới.

Những điển hình ở Việt Nam mà báo chí gần đây giới thiệu cho thấy nhà chức trách hoàn toàn có thể và cần phải làm trong việc khai thác các mạng truyền thông xã hội để tạo nơi liên lạc tương tác với người dân và cùng huy động sức mạnh công chúng thực hiện mọi công việc xã hội, thậm chí bảo vệ an ninh, phòng chống tội phạm. Như ở Đà Nẵng, từ tháng 4-2013 tới nay, Phòng Quản lý Đô thị trực thuộc UBND thành phố đã dùng mạng Facebook để giúp mình thực hiện tốt vai trò quản lý và xử lý những bất cập còn tồn tại trong đô thị. Họ đã lập trang Facebook “Quản lý Đà Nẵng: Tiện nghi – Xanh – Sạch – Đẹp” để kết nối với cộng đồng. UBND Quận 12 (TP.HCM) từ tháng 11-2015 cũng đã mở một trang Fanpage trên Facebook để tạo một kênh tương tác giữa người dân và chính quyền địa phương một nhanh chóng, gần gũi và hiệu quả hơn. Trước đó, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã mở trang Facebook riêng để tương tác với cộng đồng.

Tôi tin rằng đây chỉ là 3 điển hình được biết tới trong vô số những nơi, những người đang khai thác các mạng xã hội để làm tốt hơn nhiệm vụ của mình – nói rõ hơn là để phục vụ tốt hơn cho những công chức thật tâm muốn phục vụ nhân dân. Và số lượng sẽ ngày càng gia tăng.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks

+ Có thể đọc bài in trên báo Pháp Luật TP.HCM Chủ nhật 13-3-2016 hay trên báo Pháp Luật TP Online

160313-baibao-phapluattp-1_resize