Thứ Năm ngày 23 tháng 1 năm 2025

Không còn ngày khai trường như xưa

  

Hôm nay, thứ Hai 5-9-2016, hơn 20 triệu học sinh phổ thông các cấp và hơn 1,4 triệu thầy cô giáo ở Việt Nam chính thức bước vào một năm học mới với lễ khai giảng. Hôm nay ngày khai giảng.

Những học trò của ngày hôm nay ghi dấu ngày khai giảng này với những nghi thức lễ nghi mà thường thì mang nặng tính lễ tân.

Có lẽ chỉ có những người tuổi từ tứ tuần giác (hơn 40) trở lên mới có được một cái ký ức đã được nhà văn Thanh Tịnh tả lại trong truyện ngắn “Tôi đi học” bất hủ (in trong tập Quê mẹ, xuất bản năm 1941): “Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học.”

Ngay cả cái sự kiện vào năm học mới này giờ đây cũng không còn như xưa, dù nhìn dưới bất cứ góc độ nào. Tất nhiên, cuộc sống cần phải thay đổi để phát triển. Chỉ có điều không phải tất cả đều phải bị thay đổi. Có những điều cần “được thay đổi”, nhưng cũng có những thứ đã “bị thay đổi”. Cái này gọi là gìn vàng giữ ngọc trên cơ sở gạn đục khơi trong. Nó tùy thuộc vào nền tảng văn hóa của con người tạo nên những người có tầm và có tâm. Nếu cái nền tảng văn hóa bị chông chênh, không sụt lún cũng bị nứt vỡ, người có tri thức dễ bị diễn biến thành có tầm mà là “tầm bậy” và có tâm mà là “tâm thần”.

Úy, tôi lại lan man nữa rồi.

Lớp đệ Thất (lớp 6 ngày nay) của tôi năm học 1969-1970 ở Trung học Công lập Kiến Tường. Tôi đứng ở hàng áp cuối, thứ 3 từ phải qua, bên cạnh anh chàng đội nón lưỡi trai.

Tôi giựt cái tít là “không còn ngày khai trường như xưa” chẳng hề để câu view đâu. Hồi xưa, cái thời Thanh Tịnh viết “Tôi đi học” và kéo dài tới những năm cách đây chưa lâu, ngày tựu trường cũng chính là ngày khai giảng năm học mới. Nên người ta gọi đó là ngày khai trường.

Còn từ ít năm sau này, từ giữa tháng 8 hay muộn hơn hoặc sớm hơn một chút, các trường học đã tựu trường, gọi tất cả học sinh vào lại trường. Thời gian nửa tháng này là để các học sinh mới làm quen với trường lớp, và các học sinh cũ làm những chuyện chỉ có… trường biết. Riêng các em năm thi thì phải bắt đầu ngay vào những ngày chinh chiến chuẩn bị cho các kỳ thi thi vào cuối năm học. Và mãi tới đầu tháng 9 thì mới chính thức khai giảng năm học mới.

Vậy nên mới có cảnh học trước, khai giảng sau. Cũng chẳng có gì lạ, xứ ta đã quen với chuyện ứng tiền xài trước rồi quyết toán sau, ăn cơm trước rồi gõ kẻng sau,…

Có nhiều ý kiến cho rằng nên để các em có thể hưởng trọn 3 tháng hè. Nhưng các em có hè đâu mà nghỉ kia chớ? Từ lâu, tôi coi thời gian gọi là nghỉ hè là “học kỳ 3”. Đó là thời gian các em hộc tốc đi học thêm chuẩn bị cho năm học sắp tới. Có thể không căng thẳng và nặng nề như ở hai học kỳ chính thức, nhưng “học kỳ 3” này cũng bở hơi tai, nhất là với các em năm tới vào lớp cuối cấp. Vậy là “nghỉ hè” đã được diễn biến thành “học hè”.

Tôi nghĩ gì trong ngày đầu năm học mới 2016-2017 này hén? Chỉ dám cầu mong cho cả thầy lẫn trò bình an và vui vẻ đi tới hết năm học, sĩ số học trò đầu năm được giữ nguyên cho tới ngày cuối năm học.

Vấn đề lớn nhất là bộ giáo dục cần nhanh chóng giảm tải cho các chương trình học, chỉ học những gì cần thiết nhất ở từng lứa tuổi học sinh và có ích cho cuộc đời của trẻ sau này. Đừng bao giờ coi học sinh là những chuyên gia, học để trở thành nhà chuyên môn trong từng bộ môn. Hãy để chuyện học nghề, học chuyên sâu đó cho bậc cao đẳng và đại học. Còn học sinh phổ thông chỉ cần học đủ kiến thức cơ bản, kiến thức nền mà dành trọn thời gian đang hình thành nhân cách và lớn lên này để học cách làm người. Mục tiêu là khi tốt nghiệp phổ thông, học sinh có đủ kiến thức nền để bước vào giai đoạn học nghề ở một lĩnh vực chuyên sâu nào đó mà mình chọn lựa. Lúc đó hệ thống giáo dục phổ thông cũng đã cung cấp cho cuộc đời một con người có nền tảng văn hóa vững, có nhân cách, biết đối nhân xử thế và đặc biệt là có đủ kỹ năng để có thể xử lý trước mọi tình huống xảy ra trong cuộc sống của mình. Chẳng ai biết ngày mai sẽ ra sao. Nhưng chắc chắn một điều người sống sót là người có đủ bản lĩnh để sẵn sàng đối đầu và giải quyết bất cứ sự việc nào xảy ra. Thay vì đứng đó là la hét hay than thân trách phận chờ người tới cứu, hoặc tệ hơn là buông tay trôi theo dòng đời, người được chuẩn bị tốt sẽ chủ động tìm ra những giải pháp để sinh tồn.

Nước Việt vừa mừng Quốc khánh thứ 71. Nghĩa là đã 71 tuổi rồi đó. Thất thập cổ lai hi thuộc hàng tuổi hiếm. Bỏ qua 30 năm chiến tranh, nước Việt đã có 41 năm thống nhất một cõi giang sơn và nhiều chục năm không còn trực tiếp gánh chịu chiến tranh. Vậy mà cho tới nay ngành giáo dục quốc gia vẫn chưa định hình, vẫn còn loay hoay như gà mắc tóc hay gà rù ăn quẩn cối xay ở vạch xuất phát. Thầy và trò chẳng hề biết được năm học mới này sẽ như thế nào. Họ bị xoay như dế tùy theo ý muốn và ý chí của các nhà quản lý giáo dục. Cái tư duy theo nhiệm kỳ đã gây khốn khổ cho người dân, đằng này còn là tư duy theo năm học quả tình tệ hơn vợ thằng Đậu.

Học sinh của mỗi năm học mới đã bị trở thành một lứa “chuột bạch” mới của các nhà quản lý giáo dục chưa bao giờ thấy mệt vì các thí nghiệm của mình. Dường như họ nghĩ rằng không bày ra cái gì đó thì mình có thể bị đánh giá là không có tinh thần đổi mới và chỉ ngồi không ăn lương. Ở đây, tôi không lạm bàn tới những lợi ích cá nhân, những lợi ích nhóm từ những thứ gọi là “thí nghiệm” và “đổi mới” đó.

Có lẽ ngay cả các nhà quản lý giáo dục thật sự cũng chẳng biết mình muốn gì và sẽ đi về đâu. Bằng chứng là con tàu giáo dục ra biển lớn mà vẫn quay mòng mòng.

Tôi nghĩ một lẽ đơn giản lắm kia. Chúng ta đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn, và muốn nền giáo dục của mình được quốc tế công nhận và tạo được sự liên thông. Vậy thì cớ sao ta không phát triển nền giáo dục theo đúng chuẩn mực chung của quốc tế? Chẳng hạn như đá banh, nếu không theo đúng luật và chuẩn mực FIFA thì làm sao đội bóng có thể tham dự các giải đấu quốc tế. Để đưa một quả bóng vào lưới, cầu thủ ngoài tài năng riêng còn phải biết đá theo đúng chuẩn mực cả thế giới đang xài.

Ở ngành giáo dục cũng vậy, thay vì tốn tiền của người dân đóng thuế, tâm sức của mình bày ra những thứ mình tự coi là mới và không giống ai, các nhà quản lý giáo dục nên tập trung tìm giải pháp ứng dụng thiệt hiệu quả các chuẩn mực và mô hình giáo dục chung của cả thế giới. Đừng có vịn cớ là mỗi nước có đặc thù riêng. Thực tế là nước nào cũng có đặc thù riêng, nhưng họ vẫn phải tuân thủ những chuẩn mực chung trên tinh thần tùy biến các đặc thù riêng để đạt được chuẩn mực chung.

Giáo dục là cỗ máy cái cho mọi ngành nghề khác. Giáo dục phải khoa học hơn tất cả các ngành khoa học khác. Và cái cốt lõi, giáo dục không phải là một công cụ chính trị, mà ngược lại chính trị phải phục vụ cho giáo dục. Bởi một chân lý đơn giản: giáo dục dạy con người làm người. Mà con người là đầu mọi chuyện.

Hôm nay, ngày khai giảng năm học mới 2016-2017. Hãy tin tôi đi, nền giáo dục nước Việt sẽ vẫn còn tiếp tục loay hoay vào mỗi năm học mới khi nào các nhà cầm lái con tàu giáo dục vẫn chưa biết mình sẽ đi về đâu. Nền giáo dục sẽ vẫn chưa thể định hình để mà ổn định chừng nào họ vẫn tự bày ra những kiểu cách của mình bất kể chuẩn mực chung của cả thế giới. Cho dù đã biết được nơi đâu là bến bờ, nhưng thay vì dùng GPS hay định vị với sao Bắc đẩu như các con tàu khác, họ lại cố tìm cho mình hướng đi riêng vượt quá khả năng của mình và lại chẳng giống ai.

Tôi nghĩ đơn giản theo trình độ của mình. Ta chỉ cần lấy một nền giáo dục tiên tiến được quốc tế công nhận rộng rãi nào đó làm chuẩn mực rồi tùy biến các đặc thù và điều kiện của nước mình sao cho đạt được các chuẩn mực đó. Cứ coi lời nhận xét nền giáo dục xứ Việt giống như Mỹ, như Anh, như Nhật Bản,… là một lời khen, còn hơn là nó chẳng giống con giáp nào trong 12 con giáp.

Ấy là tôi nghĩ vậy. À há.

PHẠM HỒNG PHƯỚC