Một khoảnh khắc lịch sử, một bước chân “vượt biên” vĩ đại…
Sáng nay 27-4-2018, một sự kiện lịch sử đã diễn ra trên Bán đảo Triều Tiên, ngay Vĩ tuyến 38 – lằn ranh chia đôi bán đảo Đông Á này thành hai miền từ năm 1945. Vào lúc 9g30 sáng (giờ địa phương) – tức 7g30 sáng cùng ngày (theo giờ VN) và 20g30 tối 26-4 (theo giờ EST Mỹ), nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un đã trở thành nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên đầu tiên trong lịch sử bước chân qua lằn ranh biên giới để vào lãnh thổ miền Nam. Một bước “vượt biên” vĩ đại với nhiều ý nghĩa hướng tới hòa bình trong khu vực và khát vọng thống nhất của người dân Triều Tiên.
Tại lằn ranh biên giới ở làng đình chiến Bàn Môn Điếm (Panmunjom), ông Kim đứng trên phần trung lập đã được Tổng thống Cộng hòa Triều Tiên Moon Jae-in đứng sát bên đường phân chia ở phía Hàn Quốc tươi cười đón chào. Một cái bắt tay liên Triều xuyên biên giới. Sau đó, ông Moon đưa tay mời ông Kim bước qua lằn ranh để chính thức đặt chân lên miền Nam. Đứng bắt tay nhau lần lượt quay về hai phía cho báo chí hai bên chụp hình xong, bất ngờ ông Kim đưa tay mời ông Moon bước qua lằn ranh vào cùng đứng trên phần trung lập rồi cùng nhau tay nắm tay bước qua đường biên giới vào miền Nam.
Mọi chi tiết của cuộc gặp Liên Triều lịch sử này đều được chuẩn bị kỹ lưỡng. Trước đó, ông Kim đã từ thủ đô Bình Nhưỡng của Bắc Triều Tiên đi xe tới Bàn Môn Điếm. Cuộc hội đàm chính thức giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra tại làng đình chiến này 1 giờ sau nghi thức đón tiếp. Hai nhà lãnh đạo được bố trí ngồi cách nhau 2.018mm, tượng trưng cho năm 2018. Sau phiên họp đầu tiên, hai bên ăn trưa riêng. Sau đó có nghi thức 2 nhà lãnh đạo Triều Tiên cùng trồng lưu niệm một cây thông ngay trên đường phân chia hai miền với đất lấy từ Núi Halla ở miền Nam và núi Paektu ở miền Bắc. Sau đó, hai ông đi bộ bên nhau ở Bàn Môn Điếm. Ngôi làng biên giới này là nơi hai miền Bắc và Nam Triều Tiên ký một hiệp định ngừng bắn (armistice agreement) vào năm 1953 để ngưng cuộc Chiến tranh Triều Tiên Korean War. Về kỹ thuật, do đây không phải là một hiệp ước hòa bình (peace agreement) nên hai nước cho tới nay vẫn đang trong tình trạng chiến tranh với nhau.
Cuộc hội đàm vào buổi chiều diễn ra bên một chiếc bàn bầu dục có 14 ghế với những chiếc chân bàn có hình dạng 2 cây cầu hợp nhất với nhau. Lưng ghế được trang trí bằng hình một tấm bản đồ Bán đảo Triều Tiên. Căn phòng trải thảm xanh (màu tượng trưng cho sự thống nhất Triều Tiên và cũng là màu cờ Liên Hiệp Quốc) có treo một bức tranh núi Geumgangsan ở miền Bắc được vẽ bởi một họa sĩ miền Nam.
Cuộc gặp thượng đỉnh Liên Triều (inter-Korean summit) đầu tiên diễn ra vào tháng 6-2000 kéo dài 3 ngày tại Bình Nhưỡng giữa nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Il (người cha quá cố của ông Kim Jong Un) và Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung. Ông Kim Bắc đã đón ông Kim Nam tại sân bay và bắt tay khách thật chặt. Cuộc gặp này dẫn tới một thỏa thuận về các dự án kinh tế chung giữa hai nước. Hai bên cũng đồng ý khôi phục các cuộc gặp đoàn tụ giữa các gia đình có thân nhân ở hai miền. Sau sự kiện này, Tổng thống Kim đã được trao giải Nobel Hòa bình năm 2000 cho những nỗ lực hòa giải với miền Bắc.
Cuộc gặp Liên Triều thứ hai được tổ chức tháng 10-2007 giữa ông Kim Jong Il của miền Bắc và Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun – người kế nhiệm ông Kim Dae-jung và là sư phụ về chính trị của Tổng thống đương nhiệm Moon Jae-in. Tổng thống Roh đã băng qua khu vực phi quân sự Bàn Môn Điếm để sang Bình Nhưỡng gặp nhà lãnh đạo miền Bắc. Các kết quả của lần gặp này không kéo dài do chỉ ít tháng sau, Tổng thống Roh mãn nhiệm kỳ 5 năm và được kế nhiệm bởi một nhà lãnh đạo bảo thủ có quan điểm cứng rắn đối với tham vọng hạt nhân của miền Bắc.
Và sáng 27-4-2018, cuộc gặp Liên Triều lần thứ ba đã diễn ra. Lần này hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau ngay trong làng Bàn Môn Điếm nằm trên lãnh thổ miền Nam.
Trước đó, Bình Nhưỡng đã gây bất ngờ cho thế giới khi tuyên bố sẵn sàng gặp thượng đỉnh với Hàn Quốc và Hoa Kỳ. Ngày 19-4, Tổng thống Hàn Quốc nói với báo chí: “Triều Tiên đã bày tỏ việc sẵn sàng từ bỏ chương trình hạt nhân của nước này mà không đòi hỏi phải rút các lực lượng Mỹ đồn trú ở Hàn Quốc ra khỏi Bán đảo Triều Tiên, một điều kiện mà phía Mỹ có thể không chấp nhận”.
Mời bạn đọc thêm và xem hình thêm trên báo Anh Daily Mail.
VIDEO: Khoảnh khắc lịch sử của Bán đảo Triều Tiên
VIDEO: LIVE cuộc gặp thượng đỉnh Liên Triều ngày 27-4-2018 tại Bàn Môn Điếm.
PHẠM HỒNG PHƯỚC