Thứ Sáu ngày 24 tháng 1 năm 2025

Nghèo mà không hèn, nhỏ mà chẳng yếu…

 

Đó là điều tôi muốn nói về Bắc Triều Tiên. Chí ít thì cũng từ những cuộc gặp cấp cao gần đây giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuổi 8x với các nhà lãnh đạo Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Bắc Triều Tiên trải thảm đỏ đón chào những người anh em miền Nam tới sân bay quốc tế Bình Nhưỡng sáng 18-9-2018.

Trong các cuộc gặp mặt đó, Kim Jong-un vẫn luôn cho thấy thần thái của mình, chẳng hề quy lụy mà thậm chí nhiều khi còn giữ thế chủ động cho dù đang trên xứ người. Chưa nói chuyện nước lớn, nước nhỏ khi cả 3 nước kia đều là những “ông lớn” quốc tế hay khu vực, chỉ nội chuyện tuổi tác – một yếu tố quan trọng trong quan hệ và ứng xử ở châu Á – cũng thấy ngộ cái kỳ hờm. Ông Jong-un sinh năm 1983, Tổng thống Mỹ Donald Trump sinh năm 1946, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sinh năm 1953, Tổng bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jinping) sinh năm 1953, trong khi ông Jong-un sinh năm 1983, nhỏ hơn các đại nhân kia ít nhất là 30 tuổi.

South Korean President Moon Jae-in and North Korean leader Kim Jong Un attend an official welcome ceremony at Pyongyang Sunan International Airport, in Pyongyang, North Korea, September 18, 2018. Pyeongyang Press Corps/Pool via REUTER

Xét về số dân, Trung Quốc có hơn 1,3 tỷ dân; Mỹ có hơn 327 triệu dân; Hàn Quốc có hơn 51 triệu dân; trong khi Bắc Triều Tiên có hơn 25 triệu dân.

Về kinh tế, Mỹ có GDP năm 2017 ước 19.390 tỉ USD, bình quân đầu người 59.501 USD; Trung Quốc có GDP năm 2018 ước 14.092 tỉ USD, bình quân đầu người 10.087 USD; Hàn Quốc có GDP năm 2018 ước 1.693 tỉ USD, bình quân đầu người 32.775 USD; trong khi Bắc Triều Tiên có GDP năm 2015 ước 25 tỉ USD, bình quân đầu người 1.000 USD (thậm chí có những nguồn cho những con số thấp hơn hẳn).

Hãy coi thái độ đầy trọng thị của các nhà lãnh đạo Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc khi gặp mặt ông Jong-un. Thậm chí có khi phải nói là họ cảm thấy hãnh diện nữa đó kìa.

Hai nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên (bên phải) và Hàn Quốc đứng trên chiếc xe Mercedes limousine màu đen của ông Kim chạy trên đường phố Bình Nhưỡng ngày 18-9-2018. Gần 100.000 người Bắc Triều Tiên vẫy hoa hô vang “Thống nhất! Tổ quốc!”.

Trên một tấm ảnh của hãng tin Pháp AFP chụp trên chuyến chuyên cơ ngày 18-9-2018 từ Seoul bay tới Pyongyang, người ta thấy tháp tùng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có các nhà lãnh đạo các tập đoàn (chaebol) sừng sỏ của Hàn Quốc như Lee Jae-yong (Samsung), Chey Tae-won (SK Group), Koo Kwang-mo (LG Group),… Có cả thảy 17 nhà lãnh đạo doanh nghiệp thuộc nhiều ngành của Hàn Quốc có mặt trong phái đoàn đặc biệt gồm 52 thành viên sang dự cuộc gặp thượng đỉnh Liên Triều lần thứ 5 kể từ sau cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Đây là cuộc gặp tay đôi thứ 3 giữa hai ông Jong-un và Jae-in, và tất cả đều diễn ra trong năm 2018.

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Hàn Quốc trên chuyên cơ sang thăm Bình Nhưỡng. Người thừa kế Lee Jae-yong của Samsung (hàng trước, bên trái)), Chủ tịch Chey Tae-won của SK Group (hàng trước, bên phải), Chủ tich Koo Kwang-mo của LG Group (hàng sau, bên phải),…

Chắc chắn có những người cho rằng cái vị thế của Bắc Triều Tiên như vừa thể hiện chỉ là ngôi nhà trên cát, là bong bóng. Tôi không tranh cãi đâu. Nhưng Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc biết rõ thực chất hơn ai hết. Hãy xem ông Trump ngồi ở Nhà Trắng bên kia Thái Bình Dương theo dõi nhất cử nhất động suốt cuộc gặp thượng đỉnh Liên Triều kéo dài 3 ngày ở Bình Nhưỡng trung tuần tháng 9-2018 rồi liên tục tweet lên mạng xã hội Twitter ắt hiểu Mỹ đánh giá Bắc Triều Tiên ra sao. Nhân tiện, do những đặc thù riêng, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong các lần gặp nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên đều gián tiếp như một chiếc cầu nối giữa  Washington và Pyongyang.

Có lẽ cũng nên thưa rằng: ở đây tôi không nói tới những chuyện chính trị nội bộ Bắc Triều Tiên vì chúng thuộc phạm trù khác, là một câu chuyện rất dài và rất phức tạp khác. Cho tới nay, Bắc Triều Tiên vẫn là một ẩn số đối với thế giới bên ngoài; sau Bức màn Sắt (Nga Xô), Bức màn Tre (Trung Cộng) thời Chiến tranh Lạnh, chắc là đây Bức màn Sâm. Ta không có đủ thông tin chính xác, một phần do tự họ giữ kín, phần khác thông tin bị nhiễu loạn trong các ủ mưu tuyên truyền. Ở đây, tôi chỉ muốn nói tới cái thế mà Bắc Triều Tiên tạo ra được khi tiến hành đàm phán với thế giới bên ngoài, ngay cả khi họ chẳng có gì để mất nữa.



Rõ ràng, cuộc gặp thượng đỉnh Liên Triều lần thứ 5 này đem lại những kết quả thực chất không chỉ hai nước mà cả thế giới đều mong đợi. Việc hai bộ trưởng Quốc phòng Liên Triều ký thỏa thuận về quốc phòng giữa hai miền trên nguyên tắc “không bên nào được động binh trước” được coi như là dấu hiệu tiến tới việc hai nước chính thức ký kết hòa ước chấm dứt thật sự cả về kỹ thuật lẫn thực tế cuộc Chiến tranh Triều Tiên đã tạm ngừng bắn cách đây 65 năm. Hai nhà lãnh đạo Liên Triều đã tuyên bố mối quan hệ toàn diện giữa hai nước được đẩy lên mức độ cao nhất trước nay.

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo (thứ hai, từ trái) và người đồng cấp Bắc Triều Tiên No Kwang Chol sau khi ký thỏa thuận về quốc phòng Liên Triều ngày 19-9-2018.

Con đường thống nhất hai miền Triều Tiên chắc chắn vẫn còn lâu dài và chẳng hề dễ dàng. Nhưng cả hai miền chắc chắn đều muốn đạt được điều đó qua đàm phán hòa bình. Và trong tiến trình đó, hai miền Triều Tiên chắc chắn chẳng để lãng phí mà sẽ thống nhất trước hết về quan hệ dân sự và kinh tế. Sự có mặt của các nhà lãnh đạo 17 doanh nghiệp hàng đầu của Hàn Quốc tại Bình Nhưỡng có ý nghĩa như vậy. Dù sao, họ vẫn có cùng một tổ tiên, cùng lịch sử, cùng tiếng nói, ngôn ngữ và văn hóa. Vậy nên người một nhà vẫn phải hơn…

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh từ Internet. Thanks.